Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử huyện Can Lộc!

Di tích nhà thờ Hà Tông Mục

.

            Xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Trước thuộc xã Tỉnh Thạch, tổng Phù Lưu, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, tỉnh Nghệ An, nay là xã Tùng Lộc. 

     Ngày 24/11/1998, Bộ Văn hóa-Thông tin đã có Quyết định số 95/1998/QĐ-BVHTT xếp hạng Nhà thờ Hà Tông Mục là di tích lịch sử Quốc gia.

      Hà Tông Mục sinh ngày 25 tháng 9 năm Quý Tỵ (1653) tại làng Tỉnh Thạch, tổng Phù Lưu. Thuở nhỏ ông nổi tiếng là người thông minh, học giỏi, tính tình khẳng khái, 36 tuổi đậu Tiến sĩ, được bổ làm Đốc đồng 2 xứ Tuyên- Hưng. Thời kỳ này, chế độ phong kiến Việt Nam bước vào khủng hoảng và suy thoái kéo dài. Nhà Lê suy sụp, các phe phái phong kiến xung đột tranh giành quyền lực đã đẩy đất nước vào thảm hoạ phân tranh và nội chiến kéo dài hàng mấy thế kỷ. Nhà Thanh (Trung Quốc) đã thay thế nhà Minh đang lớn mạnh chờ cơ hội lấn chiếm xâm lược nước ta. Trong bối cảnh lịch sử đó, Chúa Trịnh, người nắm quyền cai trị đất nước lúc bấy giờ, một mặt đưa ra chính sách ngoại giao hoà hiếu với nhà Thanh, mặt khác ra sức chống lại các đợt tấn công quấy phá xâm lấn vùng biên giới phía Bắc nước ta, giữ vững chủ quyền biên giới. Người thực hiện được chính sách đó là tiến sĩ Hà Tông Mục, một danh tướng tài ba, một nhà ngoại giao xuất sắc. Chúa Trịnh đã cân nhắc ông lên làm Tự Khanh (1699) và Tả Thị Lang bộ Hình, Phủ doãn phủ Phụng Thiên. Năm 1703, Hà Tông Mục nhận lệnh làm Chánh sứ đi Trung Quốc. Do đối đáp thông minh, ứng xử giỏi giang nên ông được vua nhà Thanh là Khang Hy trọng nể và tặng 3 chữ: “Nhược-Xung-Thiên” (có nghĩa là người có đức tính khiêm nhường, thông minh, đồng thời lại có chí khảng khái). Sau đó ông được phong chức Tham chính xứ Sơn Nam (bao gồm 4 tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Thái Bình ngày nay). Ông mất vào năm 1707, hưởng thọ 55 tuổi. Hà Tông Mục không chỉ là một tướng lĩnh tài ba, một nhà ngoại giao xuất sắc mà còn là một nhà sử học uyên thâm. Bộ Đại Việt sử ký tục biên là một bộ sách quý do ông biên soạn còn được lưu truyền. Danh nhân Hà Tông Mục không chỉ được triều đình trọng dụng mà còn được nhân dân kính trọng và ghi công ơn, lập đền thờ.

          Đền thờ đã bị hư hại, việc thờ phụng Hà Tông Mục được tổ chức tại Nhà thờ hiện nay có kiến trúc chữ Nhị (=), gồm 2 tòa hạ và thượng điện, ngoài ra còn có nhà bia, tắc môn, sân vườn. Tắc môn hình chữ nhật được xây bằng gạch, phía trước đắp nổi hình chim hạc ngậm án thư. Hạ điện gồm 3 gian 2 hồi bằng gỗ lim, xây tường bịt nóc, mái lợp ngói âm dương, kiến trúc kiểu tứ trụ, 2 phía trước và sau thông nhau tạo thông thoáng khi sử dụng. Thượng điện gồm 3 gian 2 hồi kiểu hồi văn, xung quanh thưng ván kiểu thức thoen đố bằng gỗ lim, kiến trúc nhà kiểu chồng diềm kẻ chuyền, mái lợp ngói âm dương. Trên đỉnh nóc mái đắp họa tiết trang trí lưỡng long chầu nguyệt. Hai đầu hồi và 4 góc mái đặt 4 con nghê trong tư thế leo lên bờ mái. Mặt trước có hệ thống cửa ra vào bằng gỗ lim kiểu pa nô trụ xoay thoen đố. Nội thất chia làm 3 gian thờ. Gian giữa có án thư cổ sơn son thếp vàng trang trí hoa văn rồng, hổ phù, hoa lá dây leo, hạc ngậm án thư...trên đặt lư hương và các đồ thờ. Phía trong đặt bàn thờ bằng gỗ chạm trổ hình đầu rồng, thờ bài vị Tiến sĩ Hà Tông Mục. Hai bên là hai hàng giá y cắm thẻ bài, biển vinh quy, tiến sĩ và cờ. Phía trên treo đại tự chữ Hán “Nhược-Xung- Thiên”. Hai gian hai bên bài trí đồ thờ theo truyền thống.

     Cũng cần giới thiệu tấm bia Sùng Chỉ gắn với danh nhân Hà Tông Mục, được dựng vào năm Chính Hòa thứ 16 nhà Lê (1695). Nội dung bài văn ghi rõ: “Xã Tỉnh Thạch, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang cùng 4 giáp tả Thiên Lộc. Việc phúc đức hẳn được báo đền. Từ xa xưa quê ta vốn nơi hoà mục và nhân hậu. Không biết được quê ta được lập ra từ bao giờ. Nhân dân ta ra sức làm lụng xây đắp ruộng đồng, nêu cao phong tục thuần phúc, nhờ có đất thiêng, người giỏi mới có ngày nay. Bậc tôn trưởng (trong làng) đậu tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn, xếp thứ 2 từ mệnh, nhận nội tán thủy sư, lại khoa cấp sự trung, Tướng công họ Hà, kiện tướng thượng vời vào nơi màn trướng. Lòng nhân vang nơi phủ nhậm, dồn sức lực vào việc Quốc gia. Kính trời thương người, lòng mến yêu rộng khắp, luôn chăm lo việc thi ân, đến tôn tộc xóm làng người già đựoc yên ổn, tuổi trẻ được mến thương, ốm đau có thuốc, đói khát được ăn, trọng vọng người hiền, tha thứ kẻ có lỗi nhờ có sự dạy bảo trọng dân hết kẻ đảng du...Mọi người tân cựu già trẻ trong làng họp lại xin tôn thờ Tướng công làm tổ ông, bà họ Vũ làm tổ bà của làng đến tháng năm cúng tế lâu dài mãi mãi”. (Năm Chính Hoà thứ 16, ngày 6-6-1695). Như vậy có thể nói đánh giá về ông không ai hơn chính là dân làng quê ông. Một sự đánh giá rất xác đáng và đầy ân nghĩa. Bia Sùng Chỉ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Báu vật Quốc gia ngày 21/01/2020.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 1.901.696
    Online: 22
    ipv6 ready