Di tích lịch sử Ngã ba Nghèn.
Di tích lịch sử văn hóa Ngã ba Nghèn thuộc thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc. Ngã Ba Nghèn tiêu biểu cho phong trào đấu tranh của nhân dân Can Lộc chống đô hộ Pháp thuộc thời kỳ 1930 - 1931. Ngày 16/11/1988, Bộ Văn hóa - Thông tin đã có Quyết định số 1288/VH-VP xếp hạng Ngã ba Nghèn là di tích lịch sử Quốc gia.
Ngã Ba Nghèn và cầu Nghèn - thị trấn Nghèn là nơi diễn ra cuộc biểu tình tranh đấu của nhân dân Can Lộc ngày 01/8/1930, buộc tri huyện phải ra nhận yêu sách ngay trên cầu Nghèn; Ngày 07/9/1930, quần chúng kéo vào huyện lỵ, chiếm công đường trong nhiều giờ và ngày 12/12/1930 đoàn biểu tình bị khủng bố ác liệt, 42 người đã hy sinh cách ngã ba 200 mét.
Ngã ba Nghèn cách nhà cụ Ngô Ðức Kế, nhà thơ Ngô Xuân Diệu quãng 200 m, cách bến đò Thượng Trụ nơi thành lập Ðảng bộ tỉnh Hà Tĩnh 500 m. Tại đây còn có di tích được giữ gìn là nhà đồng chí Trần Ðóa, nơi tháng 4-1930, thành lập Ðảng bộ huyện Can Lộc. Tại ngã ba lịch sử này, tháng 4-1908, hơn 500 nông dân nghèo ở hai vùng hạ và thượng huyện Can Lộc hưởng ứng lời kêu gọi của Nguyễn Hằng Chi đã cơm gói, muối đùm, nón cời, tơi rách tập trung kéo vào tỉnh đường Hà Tĩnh đòi giảm sưu thuế, mở đầu cho phong trào chống thuế ở Nghệ Tĩnh.
Vào một ngày đầu tháng 1-1930, đồng chí Ngô Ðức Ðệ cùng những người dự họp thành lập Ðông Dương Cộng sản liên đoàn ở Ðức Thọ bị địch bắt giải vào nhà lao Hà Tĩnh đã khôn khéo "mời" bọn lính lệ đi giải phạm nhân vào quán đánh chén để tìm cách giao tài liệu "quốc cấm" cho đồng chí Trần Ðóa. Nhờ vậy mà bản "Tuyên cáo thành lập Ðông Dương Cộng sản liên đoàn" sớm được phổ biến ra toàn quốc.
Ngày 1-5-1930, chi bộ Trảo Nha, một trong 4 chi bộ cộng sản đầu tiên ở Can Lộc đã rải truyền đơn kêu gọi dân nghèo kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động ở ngã ba Nghèn.
Mờ sáng ngày 1-8-1930, gần 500 nông dân trong huyện đã hội quân ở Hạ Vàng, giương cao cờ đỏ búa liềm kéo về huyện lỵ Nghèn. Ðây là cuộc biểu tình đầu tiên ở quy mô cấp huyện của phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh. Ðược tin cấp báo có biểu tình đang cách ngã ba Nghèn 500 m, tri huyện Trần Mạnh Ðàn vội vã dẫn năm lính lệ ra cầu Nghèn đối phó. Trước uy thế của quần chúng, tên tri huyện phải khúm núm nhận bản yêu sách 10 điểm của đoàn biểu tình và hứa sau 10 ngày sẽ giải quyết(1). Nhận xét về ý nghĩa của cuộc biểu tình ấy, báo Bước tới - cơ quan tuyên truyền cổ động của Tỉnh ủy Hà Tĩnh số ra đầu tháng 8-1930 có đoạn viết: "Cuộc biểu tình 1-8-1930 của nông dân Can Lộc kéo lên huyện lỵ đã mở đầu cho phong trào đấu tranh của nông dân Hà Tĩnh. Nó chứng tỏ sức mạnh phi thường của dân cày dưới sự lãnh đạo của Ðảng CS buộc bọn thống trị phải bó tay, tên tri huyện phải khúm núm nhận yêu sách của đoàn biểu tình...
Ðể tiếp tục đưa phong trào đấu tranh trong huyện phát triển, đầu tháng 9-1930 Huyện ủy Can Lộc chủ trương tổng biểu tình kéo lên huyện đường chất vấn tri huyện vì sao chậm trễ trả lời các yêu sách của cuộc biểu tình 1-8-1930 mà y đã hứa trước mọi người. Sáng ngày 7-9-1930, hơn 2.000 nông dân của các tổng trong huyện hô vang khẩu hiệu, mang cờ đỏ búa liềm từ các ngả đường rầm rộ kéo về ngã ba Nghèn để tiến vào công đường. Hốt hoảng trước khí thế xung thiên của hàng nghìn nông dân, tri huyện cùng nha lại và lính tráng theo cổng hậu chạy trốn khỏi công đường. Nhân dân làm chủ chính quyền, mở cửa nhà lao thả hết những người bị giam. Cả huyện lỵ ầm vang tiếng hô khẩu hiệu, tiếng hò reo sung sướng của hàng nghìn nô lệ nay thênh thang đi dưới trời xanh giải phóng.
Cuộc biểu tình 7-9-1930 của nông dân Can Lộc đã mở màn cho một cao trào cách mạng sôi động của hàng vạn nông dân khắp tám phủ, huyện ở Hà Tĩnh trong tháng 9-1930. Noi theo gương đấu tranh kiên cường của dân cày Can Lộc, hàng nghìn nông dân ở các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Ðức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê, Nghi Xuân liên tiếp nổ ra các cuộc biểu tình kéo lên huyện lỵ. Nhiều nơi như Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, tri huyện và nha lại, lính tráng đã chạy trốn khỏi công đường, chính quyền về tay nhân dân.
Trong những ngày sục sôi khí thế cách mạng tiến công, ngã ba Nghèn đã diễn ra nhiều cuộc tổng biểu tình của nông dân Can Lộc trong những tháng cuối năm 1930. Ðể đối phó với cao trào đấu tranh của nông dân Hà Tĩnh, bọn thống trị đã thẳng tay đàn áp, khủng bố trắng rất man rợ. Ngoài việc tung hơn 1.000 binh lính về các nơi có phong trào mạnh, đóng 54 đồn binh để ngày đêm vây bắt cán bộ, đảng viên, chúng còn cho binh lính xả súng bắn vào các đoàn biểu tình. Ngày 22-12-1930, khi hơn 1.500 nông dân của hai tổng Lai Thạch và Lai Khê vừa kéo đến ngã ba Nghèn để hội quân với các tổng ở hạ huyện để mít-tinh kỷ niệm "Quảng Châu công xã" biểu thị tinh thần đoàn kết với công nông Trung Quốc liền bị tên giám binh người Pháp chỉ huy binh lính lê dương từ thị xã Hà Tĩnh kéo ra xả súng liên thanh vào đoàn biểu tình. Chúng đã giết hại một lúc 42 người và làm bị thương gần 100 người. Máu các liệt sĩ xối xả đổ xuống ngã ba Nghèn. Dã man hơn, chúng còn dùng cào sắt kéo các thi thể những người bị hại vào một hố cạnh ngã ba Nghèn để uy hiếp tinh thần của nhân dân Can Lộc. Ðây là cuộc tàn sát đẫm máu nhất của thực dân phong kiến đối với nhân dân Hà Tĩnh trong cao trào cách mạng 1930 - 1931.
Lòng dân như nước vỡ bờ. Tối 24-12-1930, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã tổ chức lễ truy điệu trọng thể ở Chợ Tổng (nay thuộc xã Song Lộc). Hơn 5.000 nông dân ba tổng Nga Khê, Lai Thạch, Ðậu Liêu ở Can Lộc và tổng Văn Lâm huyện Ðức Thọ đã về dự. Biến đau thương thành hành động cách mạng,những ngày cuối năm 1930, đầu năm 1931 cao trào đấu tranh của nông dân Can Lộc càng trong khủng bố trắng, càng phát triển sâu rộng. Tự vệ đỏ trừng trị, cảnh cáo 32 tên bang tá, hào lý gian ác. Hơn 20 cuộc biểu tình, thị uy diễn ra suốt ngày đêm, nhiều cuộc vây đồn binh, phục kích bọn lính về làng càn quét. Bộ máy hào lý ở 72 làng trong tổng số 90 làng trong huyện bị tan rã. Dưới sự lãnh đạo của các chi bộ đảng, chính quyền xô-viết đã được thành lập trong 70% số làng của bảy tổng trong huyện. Can Lộc là huyện có tới 50% làng xô-viết ở Hà Tĩnh là huyện có nhiều làng xô-viết nhiều nhất ở Nghệ Tĩnh.
Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ nhân dân Can Lộc đã phát huy truyền thống vẻ vang sẵn có, động viên mọi lứa tuổi ra sức phục vụ chiến đấu. Những Đảng viên, đoàn viên, thanh niên hăng hái tham gia phục vụ sản xuất và sẵn sàng chiến đấu. Để bảo vệ cho giao thông thông suốt tại đây đã lập đội lái phà cảm tử và rà soát bom từ trường, bom nổ chậm như tổ rà phá do Phan Văn Tỉu làm tổ trưởng đã phá được 547 quả. Thanh niên xung phong, dân quân tự vệ, học sinh luôn luôn có mặt để đắp đường, san hố bom, lấy ngưòi làm cọc tiêu cho xe qua dưới hỏa lực của địch. Đây cũng là trận địa bảo vệ giao thông liên lạc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ngã ba Nghèn là tuyến đường huyết mạch để ta chi viện cho tiền tuyến lớn ở Miền Nam, vì vậy ở đây luôn đảm bảo giao thông phục vụ xe đưa hàng ra tiền tuyến. Nhiều chiến sỹ, thanh niên xung phong, dân quân tự vệ đã hy sinh anh dũng tại vị trí này, tiêu biểu như: đồng chí Bí thư Ngô Đức Liên, Nguyễn Viết Cẫn, Nguyễn Hữu Tiến…
Trải qua bao biến cố của lịch sử, ngày nay Ngã ba Nghèn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của huyện. Hiện nay, di tích Ngã ba Nghèn đã được xây dựng khang trang gồm khu tượng đài Xô Viết - Nghệ Tĩnh và Nhà tưởng niệm các liệt sỹ đã hy sinh trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Di tích Ngã ba Nghèn mãi là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.