Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử huyện Can Lộc!

Di tích lịch sử văn hóa Đền thờ Phan Kính

 

Trước thuộc làng Lai Thạch, huyện La Sơn, nay là xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Ngày 23/6/1992, Bộ Văn hóa - Thông tin đã có Quyết định số 776/QĐ-BVHTT xếp hạng Đền thờ Phan Kính là di tích lịch sử Quốc gia.

 

Phan Kính là người học hành đỗ đạt cao, thanh liêm trung thực, kiêm tài văn võ, nội trị ngoại giao, có nhiều đóng góp đối với đất nước và lo cho cuộc sống của nhân dân vào những năm giữa thế kỷ XVIII. Hai mươi năm sau khi ông mất, Phan Kính được nhân dân địa phương lập đền thờ ở làng Lai Thạch và vua Lê Hiến Tôn phong sắc làm Thành hoàng hiệu Anh Nghị Đại vương. Đền thờ với ngựa đá, voi đá, sư tử đá theo thể thức của một vương tướng. Theo gia phả của họ Phan và nhân dân địa phương cho biết ngày trước quần thể di tích này hết sức uy nghi, đồ sộ, song đáng tiếc hiện nay do thời gian, chiến tranh và sự vô thức của con người đã tàn phá hoàn toàn ngôi đền thờ Thành hoàng Phan Kính và ngôi chùa xây dựng cùng thời. Di tích hiện còn là nhà thờ họ Phan, thờ Phan Kính với tấm bia đá lớn do chính Phan Kính soạn nội dung văn bia năm 1756.

Phan Kính sinh năm Ất Mùi (1715) tại làng Lai Thạch, từ nhỏ nổi tiếng là người thông minh, thuộc lòng kinh sử, 20 tuổi đậu Cử nhân, 28 tuổi đậu Tiến sĩ (Đình nguyên Thám hoa). Và ông cũng nổi tiếng là người trung thực, đức độ nhìn xa. Có lần ông được chọn làm Ban phúc khảo thi Hương ở trấn Kinh Bắc khi thấy một quyển thi chữ xấu, ông cố đọc và thấy văn chương ý tứ hay, có người bác cho rằng chữ xấu, ông đề nghị cho đỗ, kết quả thí sinh ấy về sau đỗ Tiến sĩ, đó là bài thi của Dương Sử (người thôn Dương Xá, huyện Gia Lâm). Từ đó trong dân gian xứ Kinh Bắc có câu ca “Xét dáng người thì mất Quách Giai, xét chữ viết thì mất Dương Sử”. Với tài năng và đức độ, Phan Kính đã được bổ nhiệm nhiều chức tước. Năm 1748 ông được cử làm Hiệp trấn Sơn Tây, nơi có cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Danh Phương mấy năm trước mà triều đình bất lực chưa dẹp được. Trong chiến lược dẹp loạn, Phan Kính không nhằm tiêu diệt lực lượng chống đối, mà tìm cách hòa hợp dàn xếp để làm yên dân và thỏa mãn một phần nguyện vọng của quân khởi nghĩa. Ông đã đi khắp nơi tìm hiểu cuộc sống của nhân dân, nhận thấy người dân ở đây quá vất vả và khổ sở với nạn binh đao, bọn lang đạo thổ tù, ông đã dâng biểu xin giảm miễn tô thuế được nhân dân rất kính phục. Đối với quân sĩ của Nguyễn Danh Phương, ông thuyết phục với thái độ thiện chí và quan điểm rõ ràng, cho nên trấn Tây Sơn đã được thu phục và bình định nhanh gọn không hao tốn mũi tên hòn đạn. Sau đó ông được giao nhiều trọng trách như Đốc đồng xứ Thanh Hóa, Thự đốc thị Nghệ An (1752) và Đốc đồng xứ  Hưng Tuyên (1759), bất kì ở đâu và đảm trách nhiệm vụ gì, Phan Kính cũng chỉ có quan điểm vì dân, vì nước, nên ông đã được nhân dân ủng hộ. Đặc biệt thời kỳ ông làm Đốc đồng xứ Hưng Tuyên, giáp ranh với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), tình hình thiếu yên ổn, triều đình nhà Thanh nhiều lần gửi thư sang yêu cầu thương thuyết, một lần nữa triều Lê lại cử Phan Kính làm Kinh lược sứ giải quyết nhiều công việc hệ trọng như xác định chủ quyền biên giới, vị trí đồn trú quân đôi bên, khai thông cửa khẩu đi lại buôn bán. Nhờ đó mà kỷ cương biên giới được khôi phục, trong dịp này Phan Kính có dịp làm quen với sứ thần nhà Thanh, người đỗ Thám hoa ở Yên Kinh cùng một năm với ông. Hai người đã trò chuyện thơ ca xướng họa rất tâm đắc biểu hiện mối quan hệ hòa hiếu của nhân dân 2 nước. Chính vì uy tín của ông trong công việc đó mà vua nhà Thanh đã tặng Phan Kính danh hiệu “Lưỡng quốc Thám hoa” và ban cho tấm áo gấm (hiện còn lưu giữ tại nhà thờ). Thấy ông ngày càng phát huy được năng lực, năm 1760, vua Lê giao thêm chức Tham mưu nhung vụ đạo Hưng Hóa và thực hiện trấn áp một toán cướp tên Thành ở dọc 2 bên biên giới gây nhiều rắc rối trong quan hệ 2 nước. Với thái độ bình tĩnh, khoan dung độ lượng nhưng rất nguyên tắc, ông đã làm việc hết mình với công việc đối nội trị toán cướp và đối ngoại giữ hòa hiếu, bảo vệ biên cương Tổ quốc. Song tiếc thay vì làm việc quá sức, lại ở nơi khí thiêng nước độc, Phan Kính đã mất tại nhiệm sở Hưng Hóa ngày 8 tháng 6 năm Tân Tỵ (1761). Sau khi ông mất, triều đình ban cho ông thụy là Trung Hiển, thăng Hữu thị lang bộ Hình (ngang hàng Tổng đốc) tước Quý Dương bá, giao cho bộ Lễ hộ tống linh cửu ông về quê an táng.

Đền thờ Phan Kính gồm cổng, sân và nhà thờ. Cổng là 2 cột nanh được xây dựng bằng đá vôi vữa, mặt trước có câu đối chữ Hán, nội dung:

Nhân di sự, quá tắc xu” (có việc thì vào, không việc đi qua).

“Tiền Trà sơn, hậu Linh thủy” (Trước núi Trà, sau sông Linh).

Sân đền hình chữ nhật, góc trái sân có nhà bia với kết cấu theo lối chồng diêm thượng thu hạ sách, 4 mặt nhà bia khắc câu đối chữ Hán:

Mặt tiền: “Thiên thu huân kiệt Kình thiên trụ

                 Vạn cố cương thường lập địa duy”

Nghĩa là: Công lao nghìn thu cao vời vợi như cột chống trời.

     Đạo cương thường muôn năm vẫn là dường mối trên đời.

Mặt sau: “Quang ư tiền, thủy ư hậu

                 Ngưỡng di cao, toàn di kiên”

Nghĩa là: Công nghiệp lớn làm cho uy danh tổ tiên trước rực sáng và tỏa xuống cho con cháu được giàu có hơn về sau.

Mặt trái: “Lưỡng quốc huân danh sơn tịnh thọ

                 Vạn niên công đức thạch năng ngôn”

Nghĩa là:  Tiếng tăm lừng lẫy hai nước sẽ sống mãi với núi non.                    Công đức truyền đến muôn đời nhờ bia đá nói hộ.

Mặt phải: “Triệu bồi tổ đức thùy tôn tự

                  Nguy nghiệp thần công hữu Bắc Nam”

 Nghĩa là: Công đức tổ tiên dựng đắp nên tỏa phúc xuống con cháu.

                 Công lao của thần vợi khắp Bắc Nam.

Bia được đặt trong nhà bia, làm bằng chất liệu đá thanh, nội dung nói về gia thế, cuộc đời của Phan Kính cũng như những câu răn dạy con cháu họ Phan.

Đền thờ làm theo lối nhà kẻ 3 gian bằng gỗ lim, lợp ngói mũi, tại các đường kẻ nơi tiếp giáp các vì kèo có chạm trổ một số họa tiết mây lá. Gian giữa có hương án bằng gỗ sơn son thếp vàng, lư hương, trên cùng là long ngai được trang trí đẹp, hai bên có đặt 2 kiếm, xung quanh có chúc bản. Nơi tiếp giáp giữa gian trái và gian phải với gian giữa có đặt 2 giá kiếm gồm 2 siêu kiếm, 2 thẻ gỗ được trang trí đầu rồng xung quanh, đặc biệt có ghi chữ Hán “Thưởng tượng cần, chính phủ đường thưởng Tổng đốc Vân Nam lưỡng viện”. Đây là phần thưởng mà thời gian Phan Kính kinh lý ở vùng biên giới và được triều Thanh ban thưởng.

Hiện nay, đền thờ Phan Kính được đầu tư tôn tạo khang trang.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 1.901.987
    Online: 25
    ipv6 ready