Di tích Đền thờ Ngô Phúc Vạn
Trước thuộc làng Phúc Lộc, xã Đan Liêu, thời Lê là xã Trảo Nha huyện Thạch Hà, sau thuộc huyện Thiên Lộc, nay là thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Ngày 23/6/1992, Bộ Văn hóa-Thông tin đã có Quyết định số 776/QĐ-BVHTT xếp hạng Đền thờ Ngô Phúc Vạn là di tích lịch sử Quốc gia.
Ngô Phúc Vạn (1577-1652) người làng Trảo Nha, xuất thân con nhà tướng, là người văn võ toàn tài, không chỉ võ nghệ cao cường, thông hiểu binh thư trận pháp mà thánh kinh hiền truyện, thiên văn, địa lý đều tinh thông, là một trọng thần, danh tướng của triều đình Lê- Trịnh, có nhiều công lao đóng góp trong việc giữ yên bờ cõi, bảo vệ chính đường, khẩn hoang ruộng đất, mở mang nghề nghiệp, đưa lại lợi ích cho dân trăm họ trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động ở nước ta cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII: Nhà Lê- Mạc, họ Trịnh (ở Đàng Ngoài) họ Nguyễn (ở Đàng Trong). Ngô Phúc Vạn làm quan đến chức Thái bảo, tước Quận công, về già trở thành đạo sĩ thông hiểu nho y lý số, khi mất được nhân dân địa phương lập đền thờ. Trải qua các giai đoạn lịch sử, đền thờ Ngô Phúc Vạn bị hư hại, đồ tế khí bị mất mát hư hỏng, con cháu họ Ngô Trảo Nha tu sửa tôn tạo lại dùng làm từ đường họ Ngô thờ Ngô Phúc Vạn và các vị thuỷ tổ họ Ngô về sinh cơ lập nghiệp tại đây.
Đền thờ nằm ở phía trước làng Phúc Lộc, là vùng quê có bề dày lịch sử, ở đó có ngọn núi Nghèn, một di chỉ khảo cổ học và ngày xưa có tháp xây 9 tầng. Đền gồm 2 tòa kết cấu theo kiểu chữ nhị (=), một nhà bia và bia được xây dựng sau ngày mất của Tào Quận công 3 năm (1655). Đi từ ngoài vào phía trước có 2 cột nanh hình trụ, đến tắc môn xây theo kiểu cuốn thư kiến trúc đơn giản, phía sau tắc môn là nhà bia xây theo kiểu mái vòm chồng diêm bốn mái, 4 góc có đao hình cung, mũi hất lên trên đắp nổi hình con rồng. Nhà bia hình vòm, bốn mái liên kết với nhau. Trong nhà bia có bia đá chất liệu đá Thanh cao 1,66m. Đế bia là hình con rùa bằng đá có hình dáng đẹp. Bia ghi lại sự tích và cùng với các công thần trong gia tộc họ Ngô Trảo Nha đã có công đóng góp vào sự nghiệp trung hưng nhà Lê. Bia chạm khắc đẹp, trán bia có chạm hình lưỡng long chầu nguyệt, hai bên có hoa văn trang trí đường nét bay bướm. Đối diện bia Ngô Phúc Vạn là bia bà Phan Thị Thuấn, vợ ông Ngô Cảnh Hoàn, cháu đời thứ 2 Ngô Phúc Vạn, một dũng tướng của chúa Trịnh đánh nhau với quân Tây Sơn bị chết trên sông Thuỷ Ái. Sau khi chồng chết bà lập đàn chay tế lễ chu đáo rồi nhảy xuống sông tự vẫn theo chồng, được phong Tiết liệt phu nhân. Nhân dân Thuỷ Ái lập đền thờ ngay bờ sông, còn dân làng Trảo Nha chiêu hồn mai táng trên rú Nghèn lập đền thờ thờ bà gọi là đền Trung Liệt.
Đền này qua 2 cuộc chiến tranh bị bom đạn làm hư hỏng, con cháu họ Ngô rước bia về thờ trong đền thờ Ngô Phúc Vạn.
Trước sân bái đường đặt 2 bể nước bằng đá Thanh được đẽo gọt khá công phu hình tròn có chân, có đai bể, dáng đẹp thanh thoát. Hai bể nước này được chạm khắc cùng thời với bia Ngô Phúc Vạn. Qua sân là bái đường được xây dựng lại năm 1982 do nhu cầu con cháu hàng năm về tế lễ quá đông. Nhà kết cấu đơn giản, gồm 3 gian 2 vì 4 cột, hai đầu gác tường xây bằng đá, chủ yếu dùng làm nơi cho con cháu tụ họp trước khi lễ bái. Kề sát bái đường là Thượng điện, đây là nơi đặt bài vị Ngô Phúc Vạn và các vị phúc thần họ Ngô có công với nước với dân qua các triều đại. Thượng điện được trùng tu thời nhà Nguyễn (thế kỷ XIX). Nhà gồm ba gian bốn vì kèo chất liệu bằng gỗ lim. Hai vì giữa kết cấu giống nhau, mỗi vì 3 cột, mỗi cột cái và hai cột quân. Trước cửa gian giữa trên hai cột chính có treo câu đối:
“Ngọn thuỷ đông xu văn phái viễn
Trà sơn tây hộ tướng môn cao”
Ở hai cột nách treo đôi câu đối của Giám sát Ngự sử Nguyễn Huy Tự, quê làng Trường Lưu- Can Lộc đề tặng:
“Thông hành xích tích Chu Phương Thúc
Vũ phiến miên cân Hán Vũ Hầu”
Nghĩa là: Ngọc xanh dày đỏ Chu Phương Thức
Khăn vải quạt lông Hán Khổng Minh.
Trên hai cột quyết của thượng điện treo đôi câu đối khắc trên gỗ sơn son thếp vàng, nội dung:
“Công tại cần kỳ, danh tại sử
Ân ư quân sĩ, đức ư dân”
Nghĩa là: Công hiện trên cờ, danh ghi sử sách
Ơn ban quân sĩ, đức thấm muôn dân.
Nội thất thượng điện cả ba gian đều đặt hương án bàn thờ, bài vị thờ cúng giống nhau. Hương án chạm trổ tinh xảo, trên là hình rồng chầu nguyệt, phía dưới là nhiều tầng được chạm lồng in nổi hình long ly, quy phượng chầu nhau và các hoa văn mai, đào, tùng, cúc…Đường nét chạm khắc gãy gọn, tinh xảo thể hiện trình độ điêu khắc của các nghệ nhân dân gian xưa. Năm 2010-2011, đền thờ Ngô Phúc Vạn được đầu tư tôn tạo khang trang.