Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử huyện Can Lộc!

Di tích đền thờ Nguyễn Thiếp

 

            Xã Kim Song Trường huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Còn có tên đền La Sơn Phu Tử, trước thuộc làng Mật Thiết, xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang, tỉnh Nghệ An, nay là xã Kim Song Trường.

            Ngày 20/7/1994, Bộ Văn hóa -Thông tin đã có Quyết định số 920/QĐ-BVHTT xếp hạng Đền thờ Nguyễn Thiếp là di tích lịch sử Quốc gia.

La Sơn Phu Tử  sinh vào giờ Thìn ngày 25 tháng 8 năm Quý Mão đời vua Lê Bảo Thái thứ 4 (1723). Ông có nhiều tên, tự và hiệu. Húy là Minh, tự là Quang Thiếp. Đời Chúa Trịnh (Trinh Doanh), chữ Quang là quốc húy nên bỏ chữ lót đi lấy tự là Nguyễn Thiếp. Tên Nguyễn Thiếp được dùng trong các văn bản cho đến nay. Trong các văn liệu để lại, cụ còn đặt tự là Khải Xuyên, Hạn Nam. Nguyễn Thiếp tự đặt cho mình hoặc người đời tặng cho nhiều hiệu khác nhau: Lạp Phong cư sỹ, Bùi Phong cư sỹ. Lúc nhỏ cụ thường bị bệnh cuồng hay bệnh điên nên có lúc cụ lấy danh hiệu là Cuồng ẩn hay Điên ẩn. Am mà cụ làm trên núi còn gọi là Hạnh am nên cụ cũng lấy hiệu là Hạnh Am. Người đời cũng gọi Hạnh Am tiên sinh. Vì kính trọng cụ nên người đời thường gọi cụ là Hầu (quan) hay là Tiên sinh (thầy) hoặc Phu tử (bậc hiền triết)…Vậy nên cụ còn có các hiệu như Hầu Lục niên, Lục Niên tiên sinh, La Giang Phu tử, La Sơn Phu Tử, La Sơn tiên sinh, Nguyệt Ao tiên sinh…

          Nguyễn Thiếp sinh ra trong một gia đình thuộc hàng vọng tộc ở xứ Nghệ, nơi có truyền thống lâu đời về khoa bảng và văn học. Họ Nguyễn Mật thôn, xã Nguyệt Ao vốn có nguồn gốc từ làng Cương Gián (huyện Nghi Xuân). Trong suốt mấy trăm năm thời Lê, họ Nguyễn Nguyệt Ao được liệt vào hàng cự tộc xứ Nghệ.

           Gia phả họ Nguyễn Nguyệt Ao chép: Thủy tổ là một võ tướng có công trong cuộc đánh Chiêm Thành đời vua Lê Thánh Tông (1472), được phong tước. Trong dịp vua sai đi bắt voi trắng ở núi Trà Sơn ông đã đóng quân ở Mật thôn, chọn một cô gái họ Võ trong làng làm người hầu. Sau đó cô người hầu họ Võ sinh được một cậu con trai ở Mật thôn và chi họ Nguyễn Mật thôn có từ đó.

         Sau khi ông Võ tướng mất được vua phong tước Quận công và ban vị hiệu Lưu quận công. Họ Nguyễn ở Mật thôn phát đạt nhanh chóng. Cháu nội của Lưu Quận công là Nguyễn Bật Lãng thi đậu Hoàng Giáp triều Lê. Từ Nguyễn Bật Lãng về sau, họ Nguyễn ở Mật thôn trở thành dòng họ vừa có tiếng tăm thành đạt về văn học vừa giàu có về của cải. Đến đời thứ 9 khoảng đầu thế kỉ XVIII có nhiều người nổi danh. Chú của La Sơn Phu Tử là Nguyễn Hành thi đậu Tiến Sĩ khoa Quý Sửu (1733). Thân phụ La Sơn Phu Tử là một người bình thường. Nhờ gia đình giàu có bỏ tiền mua thóc nộp vào Quốc khố để được phong một hư hàm nhỏ. Thân mẫu là con gái họ Nguyễn ở Trường Lưu- là một dòng họ lớn, có tiếng tăm về văn học đương thời. Chắc chắn La Sơn Phu Tử chịu ảnh hưởng của người mẹ rất lớn, bà sinh được bốn trai, ba gái, La Sơn Phu Tử là con thứ 3, các anh em đều học hành rất giỏi.

           Nguyễn Thiếp sinh ra trong gia đình có điều kiện kinh tế, họ hàng thịnh đạt, lại ở một vùng quê cùng thời có nhiều người đỗ đạt danh tiếng như Phan Kính, Nguyễn Huy Oánh...Họ Nguyễn Tiên Điền đứng vào bậc nhất trong nước cũng có quan hệ thân cận với gia đình và bản thân Nguyễn Thiếp. Nguyễn Nghiễm ở làng Tiên Điền- Nghi Xuân đậu Hoàng giáp, làm đến chức Tể tướng triều đình, tước Quận Công là bạn học của Tiến Sỹ Nguyễn Hành- chú ruột Nguyễn Thiếp. Nguyễn Hành đã gửi Nguyễn Thiếp làm học trò của Nguyễn Nghiễm. Tiến sỹ Nguyễn Khẩn là con của Nguyễn Nghiễm lại là anh em rể với Nguyễn Thiếp.

Nguyễn Thiếp thủa nhỏ “Thiên tư sáng suốt, học rộng, hiểu sâu”, tuy vậy cụ mắc phải bệnh cuồng, tức bệnh điên. Thực ra bệnh cũng nhẹ tuy phát đi phát lại nhiều lần nhưng chỉ trong vài ngày là khỏi. Bệnh cuồng đã quan hệ đến cả thân thế của cụ. Theo lời cụ chép trong ‘Hạnh Am ký” thì đây là bệnh di truyền, tổ tiên đã có người bị bệnh điên truyền lại cho cụ. Bệnh cuồng như ám ảnh cụ hàng ngày. Có lẽ vì nó mà về sau cụ quyết chí lánh mình để ở ẩn và nhờ nó mà cụ lấy cớ từ chối mọi sự trưng triệu của vua chúa những lúc cụ không muốn ra làm quan.

           Năm 20 tuổi (1742) cụ lại phát bệnh cuồng nhảy xuống ruộng nhưng được người họ Nguyễn ở Sơn Tây đưa về nuôi. Tháng 7 năm Nhâm Tuất (1742) mới trở về Nguyệt Ao quê hương, bệnh lại khỏi. Năm sau (1743) khoa Quý Hợi, cụ đi thi và đậu Hương Cống. Hứa hẹn đường công danh phía trước mở rộng thênh thang nhưng nọc bệnh vẫn còn. Nguyễn Thiếp không tiếp tục theo con đường công danh mà quay lại sống đời ẩn dật chốn lâm tuyền, bỏ khoa cử và chuyển đọc sách Tứ thư, Tính lí, Ngũ kinh đại toàn, tìm thú phiêu lưu sông núi. Phải chăng một phần vì duyên cớ bệnh tật nhưng mặt khác cụ chán cảnh thời cuộc loạn ly, vua Lê chúa Trịnh tranh giành quyền bính, dân đói khổ lầm than và nổi lên làm loạn nhiều nơi. Vì lẽ đó mà cụ đã tìm nơi ẩn dật, nghiền ngẫm kinh sách học cốt cách cao siêu của đạo Nho và đưa giáo lý cao siêu đó vào truyền thụ thiết thực giúp cuộc đời như một tín đồ Khổng giáo say sưa nhất để thể hiện vấn đề cốt lõi của đạo đức.

           Thời kì này cụ giành nhiều thời gian dạo thăm nhiều danh lam thắng cảnh vùng Hồng Lam, thăm viếng bạn bè đàm đạo thi văn để lại nhiều áng thơ văn ngâm vịnh về danh lam cổ tích trên quê hương. Ông nổi tiếng là người thanh tao, có trình độ uyên bác. Ông cũng là người cao sỹ sống ẩn dật. Chúa Trịnh đã nhiều lần mời ông ra làm quan, nhưng ông từ chối. Chỉ đến khi vua Quang Trung kiên nhẫn cầu hiền đến ba bốn lần,ông mới nhận lời giúp. Cũng từ đây giữa Nguyễn Thiếp và vua Quang Trung đã có quan hệ thường xuyên trao đổi thư từ. Tháng chạp năm 1788 trên đường đem quân ra Bắc (lần 3) đánh quân Thanh xâm lược, Quang Trung lại hội kiến với Nguyễn Thiếp tại Nghệ An và hỏi cụ “Quân Thanh sang đánh, tôi đem binh ra chống cự, mưu đánh và giữ, có được hay thua ? Tiên sinh nghĩ như thế nào ? ”; cụ Nguyễn Thiếp bèn trả lời “Bây giờ trong nước trống không, lòng người ly tán. Quân Thanh đến đây không biết tình hình quân ta yếu hay mạnh, không rõ thế nên đánh hay nên giữ ra sao. Chúa công đi ra chuyến này không quá 10 ngày giặc Thanh sẽ bị dẹp tan”. Đúng như lời dự đoán của Nguyễn Thiếp, chưa đầy một tuần lễ, 29 vạn quân Thanh đã bị quân của vua Quang trung đánh cho tan tác. Tôn Sĩ Nghị không kịp lên ngựa đóng yên bỏ chạy về nước. Giữa trưa ngày Mồng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789) vua Quang Trung cưỡi voi, mình mang áo bào màu đỏ đã bị nhuốm đen màu khói bụi thuốc súng, dẫn đoàn quân đại thắng tiến vào thành Thăng Long. Sử sách đã ghi rõ những đóng góp của Nguyễn Thiếp: Thống nhất với Quang Trung thời cơ đánh quân Thanh, chiến lược thần tốc và khẳng định như chân lý là vua Quang Trung sẽ thắng trận.

           Đánh quân Thanh xong, vua Quang Trung bắt tay vào xây dựng và củng cố vương triều trên các mặt chính trị, quân sự, văn hóa…Nguyễn Thiếp được vua Quang Trung mời tham gia trông coi việc thi cử, chọn đất lập đô. Khi Quang Trung lập Sùng Chính viện đã cử Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng, trực tiếp chỉ đạo việc dịch các sách chữ Hán, chữ Nôm. Đề xuất với Quang Trung việc chính học, nhấn mạnh việc giảng dạy đạo đức.

         Năm Tân Hợi (1791), tiếp chiếu triệu của vua Quang Trung, Nguyễn Thiếp vào Phú Xuân dâng sớ lên nhà vua bàn 3 việc mà ông cho là thiết yếu nhất: Một là bàn về quân đức; hai là bàn về nhân tâm; ba là luận bàn về học pháp. Nhà vua ủy cho ông tổ chức việc dịch ra quốc âm và chú thích sách Tứ thư, Kinh thư, Thư dịch. Nhưng tiếc thay, năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung đột ngột băng hà, sự nghiệp của Nguyễn Thiếp dang dở. Năm Tân dậu (1801), Nguyễn Thiếp đến Phú Xuân nhằm giúp vua Quang Toản, thì bị Nguyễn Ánh bắt giữ lại. Nguyễn Ánh dụ ông ra giúp việc nhưng bị ông từ chối, ngầm cảm phục, tiếp đãi tử tế và xuống chỉ cho ông về quê. Nguyễn Thiếp trả hết bổng lộc, về ẩn dật trên núi Bùi Phong và mất tại đó năm 1804, thọ 81 tuổi.

            Đền thờ Nguyễn Thiếp nằm trên một khu đất rộng sát bên đường liên thôn liên xã. Đền gồm một ngôi nhà chính 3 gian bằng gỗ lim, hai đầu hồi xây tường bịt đốc, mái lợp ngói mũi hài, hệ thống xà dọc gác vào hai tường đốc hai đầu. Trên hai tường đốc hai đầu đều có hở cửa xuyên hoa thông gió. Mặt trước là hệ thống cửa pa nô. Hai gian hai bên có cửa ra vào đóng mở bằng 2 cánh. Gian giữa, mặt trước xây một tường lững. Đây là nơi đặt lư hương để du khách hoặc con cháu xa gần đốt hương tưởng nhớ mỗi khi về thăm viếng. Trên đường xà hạ là cột chồng đấu (hay còn gọi là cột dội). Với lối kết cấu chồng đấu này tạo nên vẻ thoáng đãng, chắc chắn và tạo diện tích sử dụng rộng rãi hơn. Kèo được nối từ xà thượng trên đầu cột chồng đầu cột quân xuống xà hạ và xà đấu rồi liền kẻ cũng được chạm trổ hoa văn tinh xảo bằng kĩ thuật chạm lộng uyển chuyển, hài hòa, tạo vẻ trang nghiêm cho ngôi đền. Nội thất bài trí bàn thờ với các đồ thờ truyền thống nhưng đơn sơ. Hiện vật trong đền hiện nay còn 4 sắc phong và chỉ dụ đã bị hỏng. Năm 2014-2015, với sự hỗ trợ của Ngân hàng BIDV Việt Nam, đền thờ Nguyễn Thiếp đã được đầu tư khang trang.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 1.901.986
    Online: 24
    ipv6 ready