Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử huyện Can Lộc!

Di tích Đền thờ Đặng Tất, Đặng Dung

 

           Xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Còn có tên đền Hai Đại vương, trước thuộc làng Tạ Hạ, xã Tả Thiên Lộc, huyện Thiên Lộc, nay là xã Tùng Lộc.

     Ngày 30/8/1991, Bộ Văn hóa-Thông tin đã có Quyết định số 1548/QĐ-BVHTT xếp hạng Đền thờ Đặng Tất-Đặng Dung là di tích lịch sử Quốc gia.

Đặng Tất, Đặng Dung là hai cha con, hai danh tướng trong buổi đầu chống quân Minh xâm lược. Đặng Tất quê ở làng Tạ Hạ, xã Tả Thiên Lộc, xuất thân trong một gia đình trâm anh, trung nghĩa, nổi tiếng là người học giỏi, cương trực, thi Hương đỗ Cống sĩ, thi Hội trúng tam trường, văn võ toàn tài. Ông đã từng làm quan dưới triều nhà Trần. Tháng 8-1401, ông được Hồ Quý Ly bổ làm Đại tri châu nắm toàn quyền vùng Hoa Châu (nay là tỉnh Quảng Bình). Đặng Dung con trai đầu của Đặng Tất cũng là người có tư chất thông minh, có tài văn võ và có nghĩa khí.

           Đầu thế kỷ XV, nhà Minh kéo hàng chục vạn quân sang xâm lược nước ta gây ra bao cảnh đau thương, tang tóc. Nhà Hồ quyết tâm lãnh đạo nhân dân kháng chiến. Đặng Tất được Hồ Quý Ly giao cho cùng với Hối Khanh trấn giữ vùng Thăng, Hoa. Nhưng sự nghiệp kháng chiến của nhà Hồ nhanh chóng bị thất bại. Tháng 5-1407, cha con Hồ Quý Ly bị giặc Minh bắt ở huyện Cẩm Xuyên-Hà Tĩnh. Nhà Minh cai trị nước ta, tiếp tục gây nhiều tội ác đối với nhân dân ta. Mùa thu năm 1407, ngay sau khi nền đô hộ của giặc vừa mới thiết lập, nhân dân 2 huyện Đông Lan và Trà Thanh thuộc phủ Diễn Châu đã nổi dậy, tiếp đó phong trào kháng chiến lan ra nhiều nơi trong cả nước, tiêu biểu là 2 cuộc khởi nghĩa của 2 quý tộc nhà Trần: Trần Ngỗi (con thứ của vua Trần Nghệ Tông) dựng cờ khởi nghĩa ngày 01-11-1407 tự xưng là Giản Định Hoàng đế, thường gọi là Đế Ngỗi. Trần Quý Khoáng (cháu Trần Nghệ Tông) lên ngôi vua ở Chi La (Đức Thọ) ngày 02-9-1409, lấy niên hiệu là Trùng Quang. Sau khi lên ngôi Trần Trùng Quang đã cùng Trần Ngỗi thống nhất lực lượng tôn Trần Ngỗi làm Thái Thượng Hoàng, còn mình xưng vua nhà hậu Trần. Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân là hai thủ lĩnh chủ chốt của Đế Ngỗi. Theo kế sách của Đặng Tất, lực lượng của nghĩa quân Đế Ngỗi đã lập chiến công đầu tiên là tiêu diệt lực lượng địch và 600 tên tay sai trong vùng, tạo căn cứ địa vững chắc làm bàn đạp phát triển ra cả nước. Đến tháng 6-1408, cả dải đồng bằng rộng lớn từ Tân Bình, Thuận Hoá đến Thanh Hoá đã thuộc quyền kiểm soát của nghĩa quân. Tháng 12-1408, Đặng Tất kéo quân ra Đông Đô (Hà Nội) trên đường tiến quân nhân dân khắp nơi nhiệt liệt hưởng ứng. Đến Tràng An, hào kiệt trong vùng kéo về ủng hộ ngày càng đông. Nghĩa quân đã đánh tan 4 vạn quân Minh ở Bô Cô (gần thành phố Ninh Bình). Đây là chiến thắng lớn chứng tỏ tài thao lược và lòng dũng cảm của tướng Đặng Tất. Sau trận này, Đế Ngỗi định thừa thắng tiến ra đánh chiếm Đông Đô, Đặng Tất lại chủ trương truy bắt hết bọn giặc cùng tay sai, để phòng ngừa mối hoạ về sau. Vua tôi mưu tính dùng dằng. Vừa lúc ấy viện binh giặc kéo đến. Quyết định của Đặng Tất đã làm hỏng thời cơ chiến thắng, đồng thời gây tai họa cho bản thân. Lòng ngờ vực của Đế Ngỗi trổi dậy, bọn nịnh thần nhân cơ hội thổi thêm vào (vì ông vốn là quan nhà Trần, sau đi với nhà Hồ chống Minh, rồi trá hàng quân Minh để tính mưu kế, phát triển lực lượng kháng chiến, bấy giờ lại làm trái ý bề trên). Kết quả Trần Ngỗi tin theo lời chúng, tháng 02-1409 cho người đến ám hại Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Được tin cha hy sinh, Đặng Dung vô cùng đau đớn và căm giận. Nhưng ông biết cân nhắc thù nhà nợ nước, nén cái đau riêng, gạt mối tư thù quyết chí tiếp tục sự nghiệp của cha, diệt trừ quân xâm lược. Chỉ một tháng sau khi cha mất, Đặng Dung cùng với Nguyễn Cảnh Dị (con Nguyễn Cảnh Chân) đem quân từ Thuận Hoá ra Thanh Hoá rước một tôn thất nhà Trần là Trần Quý Khoáng lên ngôi vua, tổ chức lực lượng kháng chiến thứ hai. Khi hai lực lượng hợp nhất, Đế Ngỗi và Trần Trùng Quang thân chinh mang quân ra Bắc, Đặng Dung cùng các tướng khác như Nguyễn Suý, Nguyễn Cảnh Dị trực tiếp chỉ huy đánh chiếm nhiều nơi. Quân Minh hoảng sợ vội đóng kín các đồn ải, chờ viện binh, vua Minh sai Trương Phụ mang thêm quân sang nước ta. Chúng đánh phá nhiều nơi, Đế Ngỗi phải rút quân về Mỹ Lương (Nho Quan) bị quân Minh bắt cùng Thái bảo Trần Hy Cát. Trước tình hình đó, Trần Trùng Quang sai Đặng Dung đem quân về giữ cửa Hàm Tử (Hải Dương), xây dựng phòng tuyến đánh lại Trương Phụ. Quân của Đặng Dung đứng vững được khá lâu, nhưng sau đó vì thiếu lương thực, lại bị quân giặc đánh phá liên tục, quân Đặng Dung phải rút lui về Nghệ An, để bảo toàn lực lượng. Quân Minh đuổi theo đi đến đâu chúng đốt phá chém giết đến đó, lòng dân ta hết sức căm thù. Tháng 6-1410, Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Dung lại tiến quân ra đánh Hạ Hồng, Bình Than, nhân dân khắp nơi nổi dậy hưởng ứng. Ở Thanh Hoá có Lỗ Mặc đã chém giết được nhiều địch, được vua Trùng Quang phong Tri phủ Thanh Hoá. Đầu năm 1412, trước sự tấn công ồ ạt của giặc, nghĩa quân quay trở lại Nghệ An, đến năm 1413 cuộc khởi nghĩa lâm vào tình cảnh khó khăn.

           Sau khi củng cố lực lượng, Trương Phụ kéo quân vào đánh Hoa Châu, Đặng Dung và Nguyễn Suý trấn giữ sông Thái Gia (Quảng Trị). Chính nơi đây đã diễn ra trận Ái Tử hay trận Thái Gia vào tháng 10-1413, một trận thắng lớn do Đặng Dung chỉ huy, tiêu diệt được hơn nửa số quân giặc, song trận này cũng không thể xoay chuyển được tình thế của nghĩa quân. Quân Minh tập hợp lực lượng phản công, Đặng Dung phải rút quân. Chúng đánh chiếm Hoa Châu, Thuận Hoá. Tháng 12-1413, Đặng Dung và Nguyễn Suý trên đường sang Xiêm (Thái Lan) bị quân Trương Phụ bắt được trong rừng Thuận Châu (Quảng Trị). Vua

Trần Trùng Quang bị giặc bắt ở Cam Muộn- Lào. Tháng 011414, chúng dẫn Đặng Dung, Nguyễn Suý, Trần Trùng Quang về Đông Quan, dụ dỗ mua chuộc nhưng không được, chúng đưa 3 ông về Yên Kinh bằng thuyền. Trần Trùng Quang, Đặng Dung đã nhảy xuống sông tự tử, Nguyễn Suý cũng tử tự sau khi đánh chết những tên lính canh giữ trên thuyền.

          Năm 1428, sau khi toàn thắng quân Minh, Lê Lợi đã phong cho những người có công với nước, trong đó Đặng Tất, Đặng Dung được phong bốn chữ “Tiết nghĩa công thần”. Các triều đại kế tiếp đều có sắc phong, đưa hai ông vào hàng Trung nghĩa. Về sau nhân dân lập đền thờ ở chính làng quê của hai cha con ông. Hàng trăm câu đối, thơ liễn khắp nơi gửi về trong dịp khánh thành đền thờ. Đền được xây dựng trên khu đất rộng, bao quanh có hàng cây xanh tốt. Đây là vùng dân cư khá đông đúc và sầm uất. Phía trước đền là con sông Yến, chảy từ Hồng Lĩnh ra sông Nghèn. Nhìn tổng thể hiện nay đền kiến trúc theo kiểu chữ Nhị (=) gồm bái đường và thượng điện. Nối liền bái đường với thượng điện là một hệ thống tường vây được xây bằng gạch. Phía trước cổng có 2 cột nanh đồ sộ, trên đỉnh có đắp nổi hai con nghê chầu bằng mảnh vỡ thuỷ tinh ghép. Năm 1968, máy bay Mỹ đã ném bom phá huỷ 2 cột nanh, đánh sập hạ và thượng điện. Năm 1970, nhân dân đã tu sửa, làm lại bái đường, chuyển trung điện lên vị trí thượng điện. Kiến trúc thượng điện hiện nay mang dáng dấp cuối Lê đầu Nguyễn.

           Bái đường gồm 3 gian 2 hồi xây tường bịt nóc, mái lợp ngói máy. Nhà không có cửa ra vào, trước và sau thông nhau. Phía sau nối liền với sân thượng điện. Thượng điện kiến trúc theo kiểm tam oai tứ trụ, 3 gian 2 hồi lợp ngói âm dương, gồm 10 cột chính. Tất cả đều làm bằng gỗ lim. Nhà gồm 3 cửa, gian giữa cửa rộng hơn 2 gian hai bên. Các bức trang trí ở đây tuy không có chạm lộng bốn mặt như thường thấy ở các công trình kiến trúc cổ nhưng cũng thể hiện được tài năng của các nghệ nhân dân gian chạm trổ tinh tế như hình hoa chanh, hoa thị trên các hệ thống con đấu, hình cỏ cây, hoa lá, tứ linh…trên tất cả các phần đuôi xà hạ. Cách bài trí nội thất đơn giản, các đồ thờ không nhiều. Gian giữa đặt án thư hình chữ nhật bằng gỗ lim, trên có lư hương, cùng với một số đồ thờ như cọc sáp, mâm quả, bát chén…Giữa án thư bố trí 2 long ngai sơn son, chạm hình lưỡng long chầu nguyệt. Hai bên trái và phải án thư đặt giá gỗ để các loại binh khí như gươm, giáo, quả chuỳ, hai lá cờ màu đỏ, viền bằng kim tuyến nhũ vàng, giữa thêu 4 chữ “Tiết nghĩa công thần”. Phía trước cửa ra vào có bức đại tự “Võ bị gia- Trung thần hiếu tử- Văn khoa phái”. Hai gian hai bên có hai đôi câu đối chữ Hán:

-“Chính khí tranh quang Nguyễn phụ tử

   Nghĩa thanh xướng khí Lê quân tần”

Nghĩa là:  Sáng hơn cả vua tôi nhà Nguyễn

                 Cuộc khởi nghĩa này nổ ra mới có vua tôi nhà Lê

-“Tinh sáng tại thiên, danh tại sử

    Huân lao ư quốc, đức ư dân”

Nghĩa là: Tinh thần còn mãi với trời đất, lưu sử sách

      Công lao với nước với dân để lại tiếng thơm muôn đời

Hàng năm đến ngày Mồng 5 tháng 3 âm lịch, con cháu dòng họ và nhân dân địa phương làm lễ tế tại đền, ghi nhớ công lao của hai cha con Đặng Tất, Đặng Dung cho đất nước, quê hương vào đầu thế kỷ XV.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 1.901.700
    Online: 21
    ipv6 ready