Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử huyện Can Lộc!

ĐÔ CHỈ HUY SỨ, DIỄM ĐỨC BÁ PHẠM VIẾT SỨC - MỘT VÕ QUAN CÓ NHIỀU CÔNG LAO VỚI TRIỀU TÂY SƠN VÀ ĐẤT NƯỚC

Theo gia phả và truyền ngôn của các bậc trưởng lão qua các đời, dòng họ Phạm tại làng Khố Nội, xã Nga Khê, huyện Thiên Lộc (nay là xã Trung Lộc, huyện Can Lộc) vốn là con cháu nhà Mạc trốn chạy sự truy sát của chính quyền Lê - Trịnh, cải thành họ Phạm. Kể  từ đời thứ nhất vào cư ngụ tại làng Khố Nội đến đức thế tổ Phạm Viết Sức 范曰力 (còn có tên là Phạm Công Sức) là đời thứ 8 và đến nay đã trải 15 đời.

         Nhà Mạc là một triều đại phong kiến chính thống trong lịch sử Việt Nam, bắt đầu khi vua Mạc Thái Tổ lên ngôi tháng 6 năm 1527, sau khi giành được quyền lực từ tay vua Lê Cung Hoàng nhà Hậu Lê và chấm dứt khi vua Mạc Mậu Hợp bị quân đội Lê-Trịnh do Trịnh Tùngchỉ huy đánh bại vào cuối năm 1592 – tổng cộng là gần 66 năm. Tuy nhiên, hậu duệ nhà Mạc như Mạc Kính CungMạc Kính KhoanMạc Kính Vũ vẫn còn tiếp tục chống lại nhà Lê Trung hưng đến tận năm 1677[1] tại khu vực Cao Bằng. Thời kỳ 1527-1592 trong lịch sử Việt Nam còn được gọi là thời kỳ Nam-Bắc triều, Bắc triều của chính quyền nhà Mạc chỉ thực sự có quyền lực từ địa phận Ninh Bình ngày nay trở ra, còn từ Thanh Hóa trở vào trên danh nghĩa nằm trong tay các vua Lê - được phục dựng lại từ năm 1533.

         Sau khi chính quyền Lê - Trịnh nhiều lần cử quan quân lên Cao Bằng, đất cát cứ của nhà Mạc, tập kích dữ dội, ông vua cuối cùng của nhà Mạc là Mạc Kính Vũ, phải đổi họ thay tên lánh mình tỵ nạn.

         Mạc Kính Vũ lên làm vua, lấy niên hiệu Thuận Đức, tại vị 39 năm. Khi Mạc Kính Khoan, cha Kính Vũ, sắp mất, bèn gọi Kính Vũ đến bên giường bệnh mà bảo:

Nhà Lê - Trịnh đã đến hồi thịnh, nhà Mạc ta đã đến lúc suy, đó là số trời. Dân ta là dân vô tội mà phải nạn binh đao, sao nỡ thế. Con nên đổi họ thay tên, lánh mình tỵ nạn để bảo toàn cả dòng tộc, không nên tranh giành nhau để nhân dân khổ cực và cũng không nên cầu viện binh nước ngoài vào dày xéo xã tắc. Đó là tội cực hình không sao tránh khỏi”.

         Vâng mệnh cha, Mạc Kính Vũ đã rời ngai vàng, trút bỏ long bào, đổi họ thay tên, cùng với hoàng thân, quốc thích lánh mình tỵ nạn trên khắp các địa phương, từ Cao Bằng cho tới Thanh - Nghệ, Thuận - Quảng. Khi chia tay nhau đi tỵ nạn, hội đồng gia tộc họ Mạc đã  quy định rằng: dù đổi ra họ gì thì tên gọi họ phải tuân theo nguyên tắc “Mạc, khứ túc bất khứ thủ”, có nghĩa là: Chữ 莫 Mạc bỏ phần chân (gồm chữ nhật日 và chữ đại 大) mà không bỏ phần  đầu (chữ thảo 艹, tức là lấy chữ thảo 艹 ghép vào phần trên của bất cứ chữ gì được chọn làm tên gọi họ), để con cháu đời sau dễ nhìn nhận họ hàng. Riêng số chạy vào Thanh - Nghệ, quy định với nhau rằng: 一改爲黄, 一改爲范 nhất cải vi Hoàng, nhất cải vi Phạm (một số cải thành họ Hoàng, một số cải thành họ Phạm). Trong số anh em họ Mạc chạy vào Thanh - Nghệ, có một vị là thuỷ tổ họ Phạm ở Khố Nội.

         Căn cứ vào gia phả họ Phạm tại Khố Nội, thì cụ thuỷ tổ được gọi là “Hoàng sơ thuỷ tổ”, có tên huý là Đức (long văn ghi: tiền lão nhiêu húy Đức), không ghi rõ về nguồn gốc, vợ con. Đức thế tổ thứ hai thì ghi rõ hơn: "Tiền Cao Bình quận, húy Nhân" (Tên là Nhân, trước ở quận Cao Bằng).

         Đến đời thứ ba, có lẽ do việc truy sát con cháu nhà Mạc đã không còn là vấn đề được nhà Lê - Trịnh quan tâm nữa nên thông tin về đức thế tổ thứ 3 được ghi đầy đủ: "Thuỷ tổ khảo, tiền Đô chỉ huy sứ, Từ Liêm huyện tri huyện Phạm tướng công, Nhân lý hầu, tỷ chính thất Nguyễn thị hạng nhất cung nhân" (Thuỷ tổ khảo, trước là Đô chỉ huy sứ, Tri huyện huyện Từ Liêm, vợ cả người họ Nguyễn)

Nếu đối chiếu với tên huý thì rất có khả năng vị Hoàng sơ thuỷ tổ họ Phạm Khố Nội chính là Mạc Kính Vũ, vì khi lên làm vua, ông lấy niên hiệu là Thuận Đức, trong khi đó, vị Hoàng sơ thuỷ tổ của họ Phạm cũng lấy tên (húy) là Đức.

Mặt khác, khi ông Phạm Viết Đức vào Khố Nội là đời thứ nhất cho đến đời ông Phạm Viết Nuôi (trưởng tộc, mất năm 1998) đã là đời thứ 13 đời. Năm ông Đức ra đi lánh mình tỵ nạn là năm 1677, đến năm 1998 là 321 năm, bình quân mỗi đời là 25 năm như vậy vừa đúng 13 đời. Tương truyền, Trạng Trình có tiên đoán về chung cục của con cháu nhà Mạc như sau:

                           Ngũ bách niên tiền chung phục thuỷ,

                           Thập tam thế hậu dị nhi đồng.

                           (Năm trăm năm trước là cùng một gốc,

                           Mười ba đời sau con cháu lại tìm về với nhau)

         Nếu tính từ đời Mạc Đăng Dung (sinh năm 1483 mất năm 1541), người sáng lập ra triều Mạc, đến lúc con cháu nhà Mạc bắt đầu kết nối lại với nhau  trên phạm vi toàn quốc là vừa tròn 500 năm.

         Ông Phạm Viết Sức là thế tổ đời thứ 8, thuộc Giáp môn, Ất phái. Theo Gia phả, ông là ưu binh thuộc quân doanh Ninh Trấn của triều đình Lê – Trịnh, có công phò tự vương Trịnh Tông, được vua Lê Hiển Tông phong là Phấn lực tướng quân, Hiệu lệnh ty tráng sĩ, Bách hộchức. Sắc phong vào năm Cảnh Hưng thứ 44, tức là năm 1784. Gia phả không ghi năm sinh năm mất của ông, nhưng căn cứ vào nội dung và niên đại sắc phong thì lúc được phong có lẽ ông vào cỡ 25 - 30 tuổi, tức là sinh vào khoảng năm 1754 đến 1759.  Nội dung bản sắc phong như sau (do ông Thái Kim Đỉnh phiên âm và dịch):

Phiên âm

“Sắc:

Thiên Lộc huyện, Nga Khê xã, bản thân Phạm Công Sức, vi phụng tự vương sơ chính, chuẩn cập chư quân, dực đái công nhị, do Ninh Trấn quân dinh, ưu binh, nhất tâm thôi đái, tại khả tưởng lục, dĩ kinh dĩ chuẩn thăng chức nhất thứ, tái khâm thưởng nhất thứ, ưng Bách hộ chức, khả vi Phấn lực tướng quân, Hiệu lệnh ty tráng sĩ, Bách hộ, hạ trật.

Cố sắc.

Cảnh Hưng tứ thập tứ niên, nhị nguyệt, nhị thập lục nhật”

Dịch:

Sắc phong cho Phạm Công Sức, người xã Nga Khê, huyện Thiên Lộc là ưu binh thuộc quân doanh Ninh Trấn, lúc tự vương mới lên nắm quyền, có công tôn phù, đã hết lòng giúp đỡ, đáng được ghi công khen thưởng. Trước đó, đã được nhà vua xuống chỉ chuẩn cho, nên đã một lần được thăng chức. Nay lại vâng mệnh vua thưởng cho một lần nữa, nên phong chức Bách hộ, làm chức Phấn lực tướng quân, Hiệu lệnh ty tráng sỹ, Bách hộ, bậc dưới.

Nay ban sắc.

Cảnh Hưng năm thứ 44, tháng 2, ngày 26

Theo sử sách lúc bấy giờ ghi chép về cuộc binh biến của ưu binh Thanh - Nghệ phò Trịnh Tông lên ngôi chúa thì sau khi sự việc thành công, kiêu binh đòi được tưởng thưởng công lao và nhà vua đã phong chức tước cho nhiều người. Việc ông Phạm Công Sức được phong chức tước 2 lần (“Trước đó, đã được nhà vua xuống chỉ chuẩn cho, nên đã một lần được thăng chức”) chứng tỏ ông không phải là lính mới, lính “trơn”, tức là ông đã có một thời gian tại ngũ ít nhất cũng phải 5,6 năm và đã có công lao và chức tước nhất định.

         Theo gia phả (bản chữ Hán, nay đã thất lạc) và truyền ngôn của các bậc trưởng lão trong họ, thì năm Kỷ Dậu (1789), khi quân Tây Sơn ra Bắc lần thứ ba để đánh đuổi quân Thanh và bọn bán nước Lê Chiêu Thống, ông đã theo quân Tây Sơn, chiến đấu dưới ngọn cờ chính nghĩa của Hoàng đế Quang Trung. Do có công lao trong chiến dịch Kỷ Dậu và những quân công khác dưới thời vua Quang Toản, nên đến niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 4 (1795), ông được phong là Tráng tiết tướng quân, Hùng uý, Diễm tài nam. Nội dung đạo sắc như sau (Thái Kim Đỉnh phiên âm và dịch nghĩa):

Phiên âm:

“Sắc:

Đức Thọ phủ, Thiên Lộc huyện, Nga Khê xã,  đạo…, Thiên cán cơ[1], Phạm Viết Sức, lịch tòng chiến trận, thiểu hữu vi lao, khả gia Tráng tiết tướng quân, Hùng uý, Diễm tài nam, suất bản phận quân, ứng tòng sai bát. Nhược giải đãi nhất cần, hữu quân hiến tại.

Khâm tai, cố sắc.

Cảnh Thịnh, tứ niên, nhị nguyệt, thập nhất nhật.”

Dịch:

 Sắc phong:  Phạm Viết Sức, người xã Nga Khê, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Thọ, thuộc Thiên cán cơ, đạo quân (…), đã từng đi theo chiến trận, có công lao, thật đáng khen và đã phong là Tráng tiết tướng quân, Hùng uý, Diễm tài nam. Nay, phải đưa quân bản bộ đi theo để sai phái. Nếu lười biếng, không chuyên cần thì đã có quân pháp ở đó.

Nay ban sắc.

Cảnh Thịnh năm thứ 4, tháng 2, ngày 11

Tiếp đến, theo nội dung tờ sai (tờ lệnh) của vua Quang Toản, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 5 (1896), ông lại được phong là Chỉ huy sứ, tước Bá. Nội dung tờ sai đó như sau (Thái Kim Đỉnh phiên âm và dịch):

Phiên âm

“Nhất sai Bản toán Trung uý, Diễm Đức tử, tuân cứ, do y viên cần cán, phả hựu vi lao, hợp sai hứa vi Chỉ huy sứ, Bá tước, suất bản phận quân, tuỳ hành sai bát chư công vụ, tại cần cán dĩ xứng sở chức, nhược giải đãi bất cập đậu lưu, khủng khiếp, tức sự quân hiến tại.

Tự sai

Cảnh Thịnh ngũ niên, lục nguyệt, thập ngũ nhật”

Dịch:

Lệnh cho Bản toán Trung uý, tước Diễm đức tử, theo đó, (ông) vốn siêng năng mẫn cán lại có công lao, nay phong là Chỉ huy sứ, tước Bá và phải đưa quân bản bộ để đi theo chịu sự sai bảo mọi việc công, phải hết sức siêng năng để xứng với chức ấy. Nếu lười biếng, chần chừ, hoặc khiếp sợ thì đã có quân pháp ở nơi đó.

Nay lệnh

Cảnh Thịnh năm thứ 5, tháng sáu, ngày 15.

 

Theo gia phả ông bị tử trận và theo lời truyền trong dòng họ, ông tử trận vào năm 1802, trong cuộc chiến bảo vệ thành Nghệ An khi Nguyễn Ánh đưa quân ra Bắc đánh nhà Tây Sơn. Có lẽ để tránh trả thù nên gia phả không chép nhiều về ông, chỉ chép long văn của ông bà như sau:

“Vọng tế:

Thần tổ, tiền Lê triều Đô chỉ huy ty, Đô chỉ huy sứ, Tráng tiết Diễm đức bá Phạm tướng công, truy phong Dực bảo Trung hưng linh phù tôn thần, gia tặng Đoan túc tôn thần.

Tỷ Lê thị hạng nhất phủ phong.”

         Cũng theo gia phả, ông bà chỉ sinh được một người con trai tên là Phạm Viết Thiện, vợ ông Thiện người họ Đặng. Ông Thiện không có con trai nối dõi.

         Đức thế tổ Phạm Công Sức không chỉ có công lao hạng mã với nhà Tây Sơn mà còn có nhiều công đức với nhân dân địa phương và dòng họ. Tương truyền, lúc còn làm bộ tướng ở dinh trấn Nghệ An, dưới thời Quang Toản, ông đã xuất tiền của xây dựng các công trình phúc lợi cho làng Khố Nội và cả xã Nga Khê.

         Sang thời Nguyễn, do nhân dân và chức dịch địa phương báo lên, ông được ghi nhận về dương công (tôn phù nhà Lê) và âm đức (bảo hộ dân bản xứ), được phong thần với nhiều lần được gia phong, được triều đình giao cho dân trong vùng thờ phụng. Hiện tại, dòng họ chỉ còn giữ được hai đạo sắc thời Khải Định của ông. Đạo sắc Khải Định năm thứ 2 (1917) như sau (Thái Kim Đỉnh phiên âm và dịch):

Phiên âm

“Sắc:

Hà Tĩnh tỉnh, Can Lộc huyện, Nga Khê xã, Khố Nội thôn, phụng sự Lê triều Đô chỉ huy sứ ty Đô chỉ huy sứ, Tráng tiết Diễm đức chi thần, nậm trứ linh ứng, tứ kim khởi thừa cảnh mệnh, diến niệm thần hưu, tứ phong vi Dực bảo trung hưng linh phù chi thần, chuẩn kỳ phụng sự, tứ kỷ thần kỳ tương hựu, bảo ngã lê dân.

Khâm tai

Khải Định, nhị niên, tam nguyệt, thập bát nhật.”

Dịch:

Sắc cho: Thôn Khố Nội, xã Nga Khê, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, từ trước tới nay vốn đã phụng thờ vị thần (được gọi là) Lê triều Đô chỉ huy sứ ty, Đô chỉ huy sứ, Tráng tiết, Diệm đức chi thần, đã từng nhiều lần linh ứng. Đến nay, ta vâng nhận mệnh sáng, nghĩ đến công lao của thần, cho nên phong làm Dực bảo Trung hưng linh phù tôn thần, chuẩn cho (thôn Khố Nội, xã Nga Khê) thờ phụng để bảo hộ dân đen của ta.

                                                                                 Nay ban sắc

Khải Định năm thứ 2, tháng 3, ngày 18

         Đạo sắc Khải Định năm thứ 9 (1924) như sau (Thái Kim Đỉnh phiên âm và dịch):

Phiên âm

“Sắc:

Hà Tĩnh tỉnh, Can Lộc huyện, Nga Khê xã, Khố Nội thôn, tòng tiền phụng sự, nguyên tặng Dực bảo Trung hưng linh phù, Lê triều Đô chỉ huy sứ ty Đô chỉ huy sứ, Tráng tiết Diễm đức tôn thần, hộ quốc tý dân, nậm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp sắc phong, chuẩn kỳ phụng sự, tứ kim chính trị, trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kinh ban báu chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, tứ gia tặng Đoan túc tôn thần, đặc chuẩn phụng sự, dụng chí quốc khánh, nhi thân tự điển.

Khâm tai

Khải Định, cửu niên, thất thập, nhị thập ngũ nhật.”

Dịch:

Sắc cho:

Thôn Khố Nội, xã Nga Khê, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, từ trước tới nay vốn đã phụng thờ vị thần nguyên được tặng là Dực bảo Trung hưng linh phù, Lê triều Đô chỉ huy sứ ty Đô chỉ huy sứ, Tráng tiết Diễm đức tôn thần, giúp nước che chở cho dân, nhiều lần linh ứng. Nay gặp dịp ban cấp sắc phong, chuẩn cho thờ phụng. Vào đúng lúc tứ tuần đại khánh của trẫm, trẫm đã từng ban chiếu báu, ra ơn có lễ long trọng để nâng bậc trật (cho các vị thần), cho nên gia tặng là Đoan túc tôn thần. Đặc biệt phê chuẩn cho thờ phụng để nhớ ngày quốc khánh và mở rộng điện thờ.

Nay ban sắc

Khải Định năm thứ 9, tháng 7, ngày 25

         Sau khi Đô chỉ huy sứ Phạm Viết Sức tạ thế, nhớ ơn ông, nhân dân địa phương đã lập đền thờ ông tại làng Đình Cương, xã Nga Khê (nay là xóm Chợ Đình, xã Trung Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), tương truyền gọi là Đền Cây Lả, vì trước đền có hai cây lả cổ thụ. Theo các cụ cao tuổi trong làng cho biết, đền thờ ông khá lớn, có thượng điện, trung điện và bái đường, tắc môn, cổng tam môn, cột nanh hoành tráng. Đền thờ ông nổi tiếng  linh thiêng một thời. Sau năm 1945, đền bị phá, bài vị, đồ tế khí, sắc phong bị hợp tự và đến nay đã bị thất lạc hầu hết. Các cụ lớn tuổi trong dòng họ cho biết, ông có đến hàng chục đạo sắc, nhưng sau này đã mất mát, hư hỏng gần hết, nay chỉ còn lại ba đạo sắc và hai bản sao (tờ sai và đạo sắc của Cảnh Thịnh) đựng trong một hòm sắc sơn son thếp vàng cùng hai vỏ kiếm. Sau đó, con cháu rước bài vị, sắc phong và một ít đồ tế khí của ông về thờ chung trong nhà thờ đại tôn.

Gần đây, nhà thờ ông đã được con cháu trong họ đóng góp sức người sức của làm mới lại hoàn toàn, nằm trong khuôn viên nhà tộc trưởng Phạm Viết Kế. Nhà thờ có kiến trúc hình chữ nhất, lợp ngói, đầu đao, nóc đắp lưỡng long triều nguyệt; mái gác tường, cột hiên đắp hình rồng cuộn. Bên trong có 3 ban thờ, một ban giành riêng thờ đức thần tổ Phạm Công Sức. Hiện tại, Nhà thờ Bá tước Phạm Viết Sức đã được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh (năm 2013)

Chỉ huy sứ ty Đô chỉ huy sứ, Diễm đức bá Phạm Viết Sức là người, lúc sống có công với sơn hà, xã tắc; sau khi mất, lại hiển linh bảo hộ cho nhân dân. Điều đó, đã được ghi nhận trong gia phả, truyền ngôn, và đặc biệt là trong sắc phong của triều đình phong kiến Lê - Trịnh, Tây Sơn và Nguyễn.

Khố Nội là một làng cổ được lập từ thời Lê sơ, Trung Lộc là một xã có truyền thống lịch sử - văn hoá lâu đời. Qua các triều đại, con em của các dòng họ trong làng xã có không ít người tài đức đóng góp nhiều công lao cho quê hương, đất nước. Nhưng đáng tiếc là do nhiều nguyên nhân nên đến nay không có một nhân vật nào còn lưu giữ đủ bằng cứ để lập hồ sơ xin công nhận di tích, ngoại trừ Bá tước Phạm Viết Sức. Vì vậy, nhà thờ và các di tích còn lại của Bá tước Phạm Viết Sức trở thành một di sản văn hoá quý hiếm của địa phương.

 

                                                                                 P.Q.A


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 1.878.000
    Online: 11
    ipv6 ready