CHÂN DUNG MỘT SỐ NHÀ NGOẠI GIAO
THỜI NHÀ LÊ QUÊ CAN LỘC
Can Lộc là quê hương của nhiều danh nhân mà những cống hiến của họ đã làm rạng danh cho quê hương và đất nước. Trong lịch sử ngoại giao thời nhà Lê, huyện Can Lộc cũng đã đóng góp nhiều danh nhân mà khi nhắc đến các vị ấy, nhân dân địa phương hết rất kính trọng và tự hào. Đó là các danh nhân, các nhà khoa bảng như :
* Hà Tông Mục: Sinh năm Quý Tỵ (1653) tại làng Tỉnh Thạch, tổng Phù Lưu nay là xã Tùng Lộc. Năm 36 tuổi đậu Tiến sĩ, được bổ chức Đốc đồng hai xứ Tuyên-Hưng. Lúc này chế độ phong kiến Việt Nam bước vào thời kỳ khủng hoảng và suy thoái kéo dài. Nhà Lê suy sụp, các phe phái phong kiến tranh giành quyền lực đã dẫn đất nước vào thảm hoạ phân tranh và nội chiến kéo dài hàng mấy thế kỷ. Nhà Thanh (Trung Quốc) đã thay thế nhà Minh đang lớn mạnh chờ cơ hội xâm lược nước ta. Trong bối cảnh đó, chúa Trịnh người nắm quyền điều hành đất nước lúc bấy giờ một mặt đưa ra chính sách ngoại giao hoà hiếu với nhà Thanh, một mặt ra sức chống lại các đợt quấy phá xâm lấn biến giới phía bắc, giữ vững chủ quyền đất nước. Người thực hiện được thắng lợi chính sách đó không ai khác là Tiến sĩ Hà Tông Mục. Năm 1703, Hà Tông Mục nhận lệnh làm Chánh sứ đi Trung Quốc. Do đối đáp thông minh giỏi giang nên ông được vua nhà Thanh là Khang Hy rất trọng nể và tặng cho 3 chữ "Nhược-Xung-Thiên" (có nghĩa là người có đức tính khiêm nhường, thông minh, đồng thời lại có chí khí khảng khái). Chúa Trịnh khen ngợi tài năng của ông, cân nhắc ông lên làm Tự Khanh, tả thị lang bộ Hình, Phủ doãn Phụng Thiên, Tham chính xứ Sơn Nam. Hà Tông Mục không chỉ là một tướng lĩnh tài ba, nhà ngoại giao xuất sắc mà còn là một nhà sử học uyên thâm. Bộ Đại Việt sử ký tục biên là một tài liệu quý do ông biên soạn còn được lưu truyền. Ông không chỉ được triều đình trọng dụng mà còn được nhân dân kính trọng, lập đền thờ và ghi công ơn khi ông còn sống với tấm bia Sùng chỉ, một biệt lệ và hiếm hoi trong lịch sử. Ông mất năm 1707, hưởng thọ 55 tuổi.
* Nguyễn Huy Oánh: Tự Kính Hoa, hiệu Lựu Trai và Thạc Đình, sinh năm Quý Tỵ (1713), mất năm Kỷ Dậu (1789), quê ở làng Tràng Lưu, huyện La Sơn nay là xã Trường Lộc. Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê văn hiến có nhiều dòng họ lớn có truyền thống nho học, Nguyễn Huy Oánh đã sớm hấp thụ được tinh hoa của quê hương và tổ tiên hun đúc, năm 1748 khoa thi Mậu Thìn ông đã đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ đệ tam danh (Thám Hoa), trở thành vị khoa bảng đầu tiên và sáng chói của dòng họ Nguyễn Huy ở đất Tràng Lưu. Sau khi đỗ, ông được bổ làm Hàn lâm viện đãi chế, năm sau phụng sai làm Tham mưu đạo Thanh Hoa. Năm 1750, làm Hiệp đồng Nghệ An, sau đó ông về chịu tang cha và khi hết tang ông được bổ làm Đông các hiệu thư rồi Thượng bảo tự khanh, Đề điệu các trường thi Hương hai xứ Hải Dương, Yên Quảng, Khám quan các huyện Yên Phong, Yên Việt (1753-1754). Năm 1756 ông làm Tán trị thừa chính sứ xứ Sơn Nam, sau đó được thăng Đông các đại học sĩ, Giám khảo kỳ thi Hội. Năm Kỷ Mão (1759) được triệu về kinh ban thêm chức Tri biên phiên (phụ trách việc cơ mật), làm Nội giảng kiêm Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Năm Tân Tỵ (1761), Nguyễn Huy Oánh được ban phẩm phục hàng Tam phẩm tiếp đón sứ nhà Thanh. Vì có tài ứng đối, từ lệnh nên đến năm Ất Dậu (1765) ông được triều đình nhà Lê cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh. Ngày ông đi sứ triều đình có ban thơ tiễn. Các quan trong triều nhiều người làm thơ tặng. Lê Quý Đôn đã viết những lời trân trọng: “Quan huynh tài học dồi dào. Thuở đi thi bảng vàng chiếm đầu danh sách. Làm quan lại được chọn dẫn đầu đoàn sứ bộ. Cánh phượng bay cao quả đã thoả chí bình sinh.” và ông Bảng nhãn họ Lê cũng mong muốn ông Thám hoa họ Nguyễn rằng “ Đem tài văn chương để tăng thế nước”. Sang Trung Hoa, đoàn sứ bộ của Nguyễn Huy Oánh đã được vua quan nhà Thanh đón tiếp rất long trọng và sau hành trình vất vả suốt một năm trở về ông được phong tước Bá. Trong thời gian đi sứ, ngoài những nhiệm vụ nặng nề mà triều đình giao phó, Thám hoa Nguyễn Huy Oánh còn sáng tác và biên soạn được 3 tác phẩm rất có giá trị. Đó là tập “Bắc dư tập lãm”, là tác phẩm ông dựa trên cuốn sách đồ sộ ghi chép tỉ mỉ về những nơi danh lam thắng cảnh của Trung Hoa nhan đề “Danh thắng toàn chí” để biên soạn lại thành “Bắc dư tập lãm” đề cập khá kỹ về những tên thành quách, huyện phủ, dân số đến núi sông, chùa quán, đền đài,… “Hoàng hoa sứ trình đồ” là tác phẩm được hoạ đồ bằng thực tế cuộc hành trình. Đây là tập bản đồ kèm theo những ký chú rất cụ thể, bắt đầu từ cửa Nam quan đến thành Bắc Kinh, với các trạm dịch, cung đường, đồn trấn, tên đất, núi sông, sản vật đều được ghi bên cạnh các bức vẽ, biến chúng thành những miêu tả sinh động về bức tranh địa lý hành chính của Trung Hoa thế kỷ XVIII dọc theo con đường sứ bộ và tác phẩm này đã được UNESCO công nhận là Di sản Ký ức tư liệu thế giới vào năm 2018 tại Hàn Quốc. “ Phụng sự Yên Kinh tổng ca” là bộ sách thứ 3 mà Nguyễn Huy Oánh có được trong dịp đi sứ. Đây là tập nhật ký đi đường với khoảng 130 bài thơ, phản ánh những điều mắt thấy tai nghe của tác giả trong quá trình đi sứ. Với sự nghiệp giáo dục, ông từng làm Tế tửu Quốc Tử Giám (Hiệu trưởng), từng là thầy giáo, đào tạo được trên 30 Tiến sĩ và hàng trăm Hương cống Cử nhân, bộ Mộc bản Trường học Phúc Giang (sách giáo khoa) do ông và các danh nhân dòng họ Nguyễn Huy như Nguyễn Huy Tựu, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Cự và Nguyễn Huy Quýnh tổ chức biên soạn, khắc in và dạy học trò hiện còn 383 bản khắc gỗ, cũng đã được UNESCO công nhận là Di sản Ký ức tư liệu thế giới vào năm 2016 tại thành phố Huế.
* Phan Kính: Sinh năm 1715 tại làng Lai Thạch nay là xã Song Lộc. Từ nhỏ ông nổi tiếng là người thông minh thuộc lòng kinh sử, năm 20 tuổi đỗ Cử nhân, 28 tuổi đỗ Đình nguyên Thám hoa; Và ông cũng nổi tiếng là người trung thực, đức độ nhìn xa trông rộng. Có lần ông được chọn làm ban phúc khảo kỳ thi Hương ở trấn Kinh bắc, khi thấy một bài thi chữ xấu, ông cố đọc và thấy văn chương ý tứ hay và có ý tốt, ông đề nghị cho đỗ, có người bác lại, cho rằng chữ xấu, kết quả thí sinh ấy đã đỗ Tiến sĩ, đó là bài thi của Dương Sử, người huyện Gia Lâm. Về sau dân gian xứ Kinh bắc có câu ca “Xét dáng người thì mất Quách Giai, xét chữ viết thì mất Dương Sử”. Với tài năng và đức độ, Phan Kính đã được bổ nhiệm giữ nhiều chức tước khác nhau như Hiệp đồng trấn Sơn Tây, Đốc đồng xứ Thanh Hoa, Thự đốc thị Nghệ An và Đốc đồng xứ Tuyên Quang. Bất kỳ ở đâu và đảm trách nhiệm vụ gì, ông cũng chỉ có quan điểm, lý tưởng vì nước vì dân, đặt quyền lợi của đất nước và nhân dân lên trên hết, nên ông đã được nhân dân kính mến ủng hộ. Bởi theo ông nhân dân có yên ổn thì đất nước mới hoà bình, thịnh trị được. Đặc biệt thời kỳ ông làm Đốc đồng xứ Tuyên Quang nơi giáp ranh với tỉnh Vân Nam- Trung Quốc, tình hình biên giới thiếu yên ổn, triều đình nhà Thanh nhiều lần gửi thư sang ta yêu cầu thương thuyết. Một lần nữa triều Lê lại giao trọng trách ngoại giao cho Thám hoa Phan Kính, cử ông làm Kinh lược sứ trực tiếp giải quyết nhiều công việc hệ trọng như xác định chủ quyền biên giới, vị trí quân đồn trú của mỗi bên, khai thông cửa khẩu đi lại giao dịch buôn bán sinh hoạt thuận tiện cho nhân dân hai nước Việt-Trung. Nhờ đó mà kỷ cương biên giới được khôi phục, cuộc sống của nhân dân hai nước ở vùng biên biên giới ổn định. Trong dịp này Thám hoa Phan Kính đã làm quen với sứ thần nhà Thanh, người đã đỗ Thám hoa ở Yên Kinh cùng một năm với ông (1743), hai người đã trò chuyện thơ ca xướng hoạ rất tâm đắc, biểu hiện mối quan hệ hoà hiếu giữa nhân dân hai nước. Chính vì uy tín lớn của ông trong công việc đi sứ, nên vua Càn Long, nhà Thanh rất khen ngợi và đã phong cho Phan Kính danh vị “Lưỡng quốc Đình nguyên Thám hoa” và ban tặng chiếc áo Cẩm bào và một bức trướng có ghi dòng chữ “Thiên triều đặc tứ, Bắc đẩu dĩ Nam nhất nhân nhi dĩ” (Triều Thanh đặc ban, phía nam Bắc đẩu chỉ có một người). Thấy ông ngày càng phát huy được năng lực và có uy tín lớn, năm 1760 vua Lê giao thêm chức Tham mưu Nhung vụ đạo Hưng Hoá và triệt phá một nhóm cướp tên Thành ở dọc biên giới, gây nhiều rắc rối cho quan hệ hai nước Việt Trung. Với thái độ bình tĩnh, khoan dung độ lượng nhưng rất nguyên tắc, ông đã làm việc hết sức mình với công tác đối nội và đối ngoại, chẳng bao lâu quân của ông đã bắt được tên Thành giải về Thăng Long trị tội, giữ yên ổn cuộc sống cho nhân dân địa phương. Song tiếc thay vì làm việc quá sức, lại ở vùng khí thiêng nước độc, Phan Kính đã ngã bệnh và mất tại quân doanh Hưng Hoá ngày 8 tháng 6 năm Tân Tỵ (7-7-1761). Sau khi ông mất, triều đình ban cho ông thuỵ là Trung Hiển, thăng Hữu thị lang bộ Hình (ngang hàng Tổng đốc) hiệu Quỳ Dương bá, giao bộ Lễ hộ tống linh cửu của ông về an táng tại quê nhà.
Tóm lại: điểm qua một vài nét về chân dung của một số vị ngoại giao quê ở Can Lộc trong lịch sử, chúng ta hết sức tự hào về những đóng góp to lớn của họ vào sự nghiệp ngoại giao của nước nhà. Họ là những bậc hiền tài, trí dũng song toàn, thông minh linh hoạt, trong mọi tình huống ngoại giao họ đều giữ vững khí tiết, giữ gìn quốc thể, đối đáp trôi chảy, luôn luôn giữ thế chủ động trong công tác ngoại giao hoà hiếu và nhu viễn, giữ vững độc lập chủ quyền dân tộc. Các nhà ngoại giao ấy là tấm gương tiêu biểu cho mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước, là tinh hoa của quê hương Can Lộc rất đáng được trân trọng và tôn vinh./.
ThS Nguyễn Trí Sơn
Phó Chủ tịch Hội KHLS Hà TĩnhVÕ ĐÌNH THI