Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử huyện Can Lộc!

LÀNG CỔ MẬT THÔN

Làng Mật Thiết nay thuộc xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, trước có tên Mật thôn ở xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An. 

  Đây là ngôi làng cổ có vị trí phong thuỷ đắc địa. Phía đằng đông trước làng là rú Cài trông đẹp như một con chim phượng đang vỗ cánh bay lên. Phía sau là sông Linh Giang uốn lượn, mang phù sa sông La chảy qua đây, đến chợ Quan (Trường Lưu) rồi xuôi về cửa Sót, nhưng là bên bồi cứ không là bên lở. Xa xa bên trái là dãy Hồng Sơn trải dài 99 ngọn trập trùng, bên phía tây nam là dãy Trà Sơn tít tắp núi đồi, như hai vòng cung lớn, cân xứng hài hoà. Theo các nhà địa chất, hàng triệu năm trước, thổ địa ở đây được phù sa sông đẩy lùi vịnh biển mà có, nên về sau ruộng đồng màu mỡ phì nhiêu. Rú Hống, rú Đò gắn bó với người làng Mật từ khi còn trẻ và theo suốt năm tháng cuộc đời trên vai nặng trĩu những gánh củi, gánh sim...

Làng xưa vốn không " cận sơn " nhưng lại " cận thuỷ ", bên tuyến giao lưu huyết mạch trên bến dưới thuyền, dọc một dải Chợ Vạn, chợ Vi, chợ Tổng, chợ Trường sầm uất buôn bán ngược xuôi. 

Họ Trần đến vùng đất này sớm nhất. Theo gia phả còn lưu giữ thì đến đời Văn lý hầu Trần Tịnh đầu thế kỷ XVI - đã có 6 đời, khoảng từ 120-130 năm trước đó, tức cuối thế kỷ XIV - cách nay trên dưới 600 năm.

 Họ Nguyễn Bật mà thuỷ tổ là Tiến sĩ Nguyễn Bật Lượng (sinh 1546), định cư ở làng Mật vào 1577 sau khi vinh quy, bái tổ. Ông là con trai Tú lâm công, cháu của quận công Nguyễn Lưu. Sơ tổ Nguyễn Lưu vốn người làng Tiền, xã Cương Gián bên kia Hồng Lĩnh, lấy bà người họ Võ làng Nguyễn Xá ( nay thuộc xã Song Lộc) và ở lại đây luôn. Như vậy, họ Nguyễn Bật chính thức đến làng Mật từ khoảng đầu thế kỷ 16, cách nay gần 500 năm.

 Ngoài hai dòng cự tộc Trần và Nguyễn, lần lượt có thêm 12 dòng họ khác quần tụ về làng Mật, định cư thành các xóm Luỹ, xóm Hồ và xóm Đình. Ngoài số người đã thoát ly kể đến hàng ngàn, nay ở làng có khoảng 250 hộ, gần 1000 nhân khẩu, so với những năm 60 thế kỷ trước đã tăng thêm gấp hai lần. 

 Tục xưa, những dòng họ đến sau được gọi là dân ngụ cư, ở độ. Ở làng Mật cũng thế, không có ngoại lệ. Họ Bùi chẳng hạn, thiên di cách nay 250 năm, vốn từ làng Cao Hương, phủ Nghĩa Hưng, xứ Sơn Nam (nay là làng Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) vào xã Đức Vịnh và đến ở đất này từ khoảng 160 năm nay. Ông tổ Bùi Đình Đán có tài làm thuốc, lấy bà Nguyễn Thị Xướng, sinh 11 người con, 5 trai, 6 gái. Hai trai là cụ Bùi Huynh và cụ Bùi Đạm thành gia thất và có con cái nối dòng, 7 đời ở làng Mật đã nảy nở trên 80 đinh. Các con gái ông kết duyên với 4 rể trong làng, gồm: Cố Mỵ (sinh ra con cháu cố Tuệ ... ), Cố Chửng ( sinh ra con cháu ông Thái, ông Huỳnh...), Cố Học (sinh ra con cháu ông Mậu, ông Trăn... ), Cố Triêm ( sinh ra con cháu ông Ngụ xóm ngoài... ) và Cố Đờn (ở Yên Hợp, Thanh Lộc ). Con cháu nội và ngoại tôn Cố Lái đã nảy nở lên đến mấy trăm người... Và các dòng họ khác như Phạm, Phan, Lê, Đào, Nguyễn Huy, Nguyễn Khắc... quần tụ dần rồi thành chủ nhân của làng, gắn kết cộng đồng bên nhau,  không thể tách rời.
   Trải bao đời khai phá, đồng đất làng Mật khá rộng, khoảng vài trăm mẫu, rất màu mỡ. Có đồng trên cao và đồng dưới thấp. Những tên đồng có tự xa xưa như Chợ Vạn, Cửa Trại, Dăm Cháy, Đồng Chộp, Hói Quốc, Đồng Bông, Nhà Chòi, Mụ Sây, Mụ Xẻo, Cồn Tiền, Cồn Thiêng, Cựa Dinh, Đồng Dòng, Nhà Phác, Đồng Phạm, Đồng Ruồng... đều đặn mỗi năm hai vụ lúa, ngày xưa còn trồng cả bông, khoai, sắn, môn, mía, kê, cà...

  Luỹ và đê làng nằm ở phía bắc án ngữ, chống chọi giông bão, mưa lụt trải dài gần 300 mét từ Da Nậy đến Cửa Đền. Xưa khi chưa đắp đê La Giang ( được xây dựng từ 1930 ) thời thuộc Pháp thì mùa lụt, nước từ phía bắc ào ạt tràn về như những cơn đại hồng thuỷ càn quét làng xóm vùng Đức Thọ, Can Lộc, nước cuồn cuộn chảy ngập sâu đến nửa cột nhà. Phát kiến trồng cây xây luỹ để khắc chế thiên tai vì thế mà ra đời ở rất nhiều làng, nhưng luỹ ở Mật thôn có lẽ là một điển hình. Bề rộng luỹ khoảng 50 mét được trồng cây khá dày, qua hàng trăm năm thành cổ thụ, phong phú tầng thực vật thấp cao xanh quanh năm, phổ biến hơn cả là mưng (lộc vừng), sanh, quéo, cừa, trường, có cả mây, tre. Chim cò, chồn sóc cũng tìm về trú ngụ. Mùa hạ về, hoa trập trội nở vàng trong nắng, hương thơm ngọt trải một vùng rập rờn ong bướm... Nay thì luỹ làng chỉ còn trong ký ức, những dãy nhà dân đã được xây dựng trên đó và khi đê La Giang được xây dựng kiên cố thì nạn lụt không còn như trước, làng xóm luôn được yên bình.

  Phần lớn phía bắc và phia tây làng Mật được giới hạn với bên kia là các làng Phúc Xá, Phúc Hậu, Chợ Vi, Phúc Lộc Rục bởi dòng sông Linh Giang, thường gọi là sông chợ Vạn hay chợ Vi. Đây là một đoạn giữa nằm trong hệ thống sông Nghèn trải dài một vùng từ đầu Minh đến cuối Sót (từ sông La đến biển Thạch Kim). Với lưu vực rộng lớn, đây vốn là một con sông dài và lớn nhất ở bắc Hà Tĩnh. Khi tôi lớn lên, tuy đã dần bị thu hẹp dòng chảy do sông Nhà Lê được khai thông, đê La Giang được xây dựng vẫn thấy xuôi ngược thuyền bè, buôn bán trên sông... Nhưng nay thì hầu như sông xưa chỉ còn trong ký ức, " đã nên đồng " theo tháng năm dâu bể.

 Làng từ xưa đã có nhiều cây đa cổ thụ trồng ở đầu làng hay ở đền chùa, có cây mấy người ôm không xuể, toả bóng nơi giếng nước, bến sông, sân đình...
  Tháng ba nông nhàn, trai tráng làng ngược ngàn đi bè mang về gỗ nứa, củi, lá tro... để dựng nhà cửa. Dân làng vì thế có câu: " muốn giàu đi bè, muốn què đi vật ". Bè xuôi sông La, qua hói Đẻo cập bến Cựa Trại, Cồn Đình. Vui nhất là những buổi trưa cả làng đi kéo gỗ, tiếng hò dô vang động bến sông quê.

 Làng Mật nổi tiếng với nghề thợ mộc gia truyền, kế tiếp từ cố cao đến cháu con. Mực thước nhà của thợ làng Mật thanh thoát, mộng thắt chắc chắn, bào trơn, đóng bén được nhiều nơi như Nghi Xuân, Thạch Hà, Nghèn, Kiệt Thạch, Yên Huy, Thổ Vượng... ưa dùng. Trong số các tay thợ xưa, nhiều cụ xứng tầm nghệ nhân như Cố Tiều, Cố Lơn, Cố Quyền... bởi tài chạm trổ lừng danh. Nhiều tác phẩm rồng bay phượng múa in dấu tài hoa trên các công trình kiến trúc còn lưu giữ được đến tận ngày nay... Ngoài nghề mộc, cư dân trong làng còn làm đủ thứ nghề như cưa xẻ, đan lát, rèn, hàn nồi, bưng trống, trồng bông quay tơ dệt vải, chằm tơi, chạy chợ... để mưu sinh. Quần quật quanh năm mà không thoát khỏi cảnh đói nghèo, nhiều dân làng đi làm thuê, ở đợ chịu cảnh tôi đòi... Nhưng trong làng cũng nhiều nhà làm ăn giỏi, căn cơ trở nên giàu có khá giả như ông Hàn Thanh, ông Quang Thâm, ông Nghĩa Thành, cố Cửu, ông cửu Hiệu, bà Phận Kỷ... nhà nhiều, ló lắm... Có người giàu có do cha ông để lại và có người do trí lực tự làm lấy mà nên…

  Nhà ở làng Mật đậm nét văn hoá Bắc Bộ, mỗi nhà mỗi vườn, rộng thì vài ba sào, hẹp thì một sào, có khi chỉ năm bảy thước. Xung quanh vườn bao bọc là những bụi tre. Tre gắn bó với người như hình với bóng, tri kỉ: tre làm nhà, làm đòn triêng, đòn gánh, làm gường chõng, ngăn mưa gió, bão giông.

Kiến trúc nhà ở chính ngày trước phổ biến là ba gian, hoặc ba gian một hồi, hay hai hồi theo ba việc của đời người sinh - tử - tế, từ trong ra ngoài. Nhà ngang hay còn gọi là nhà bếp thường hai gian, một chái, bố trí bếp nấu, cối đâm, cối xay, chuồng trâu, lợn gà, để phân và nông cụ. Phía trên là chạn để rơm. Bếp được đặt ở một góc ấm cúng, tiện chỗ ra vào bể nước. Trên bếp nhà nào cũng có một cái kến ( giàn bếp ) nơi xông hơ bầu đựng hạt giống, vỏ bưởi, vỏ quýt, chạc lợp nhà... lâu ngày đen ngòm mòng hóng. Nhà khá giả thì có nhà ngói, làm bằng các thứ gỗ quý lim, dổi, chua..., tường xây, cửa sổ song loan, kín cổng cao tường; nhà nghèo thì nhà tranh tre, trát đất, phên nứa, rèm thưa...

 Vật nuôi có trâu bò, lợn, gà vịt và hầu như nhà nào cũng có chó và mèo để giữ nhà, bắt chuột. Ao đìa và hồ được đào để cho các loài cá trú ngụ đem lại nguồn lợi thuỷ sản đáng kể của nhiều hộ dân trong làng.

Gắn với sản xuất lúa nước, nông cụ có cày, bừa, cuốc, xuổng, cào, bàn vét, liềm, hái, dao, rạ, mác, nống, nia, thúng mủng, cạu, đúa, dần sàng, quang gánh, đòn xóc, trác đựng cỏ, quạt lúa v.v.. Nhà đầy đủ tính ra cũng vài ba chục thứ.  Ngày trước đồng làng có rất nhiều cá nước ngọt, phổ biến nhất là tràu, rô, diếc và tôm tép, dam đồng, lươn, ếch... Đây là nguồn thực phẩm người ta đánh bắt khá dễ dàng, dùng trong các bữa ăn thường ngày. Theo đó, nghề làm cá cũng rất đa dạng như nơm, đó, lừ, nhủi, câu, xiếc, lái, vó...Trẻ con trong làng thường rủ nhau đi tát cá, làm trụp, mò hến sông đồng Chộp... Mùa mưa lụt, có nhà làm được cả vài ba yến cá các loại, thứ ăn, thứ bán, thứ cho, thứ phơi, thứ muối có khi đủ dùng quanh năm... Nhưng ruộng đồng hồi trước đủ thứ sâu bọ, tôm tép làm thức ăn nên cá đìa, cá ruộng, lươn, chạch, ếch, dam con nào con nấy béo vàng hươm, thịt béo ngậy, cực ngon chứ không phải như bây giờ... Bọn con nít trong làng lớn lên từ nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên theo kiểu "trời sinh, trời dượng" như thế, ngày xưa có cái sướng của ngày xưa, bây giờ nằm mơ cũng không thấy nữa...

Văn hoá ẩm thực của dân làng phong phú và nhiều nét bản sắc, độc đáo. 
Món ăn thường ngày có dưa, cà, mắm muối. Món ăn ngày lễ tết có giò chả, cá tràu kho vỏ quýt, bánh ngào, chè kê và không thể thiếu bánh chưng, bánh tày thơm dẻo nếp đồng... Đôi khi, một chút bèn môn, rau vác muối chua, một nồi tép đồng kho lá nghệ thôi nhưng đủ níu chân người.

Và không thể không nhắc đến rượu nếp làng Mật nấu ba nồi, uống vài ba chén hạt cau mà lâng lâng say đắm lòng người, có cả hương đất tình người trong đó...Trên cơ tầng văn hoá lúa nước, đã hình thành nên một làng quê nơi đây giàu bản sắc trong lòng xứ Nghệ, thắm đẫm tình người. Những nét thuần phong mỹ tục, mấy trăm năm được dân làng trao truyền lưu giữ, phát huy. Trong sự nghèo khó, người ta sống dựa vào nhau, cố kết, sẻ chia trong tình làng nghĩa xóm. Người làng Mật sống nhân nghĩa, thuỷ chung, ngay thẳng, ít lá lay, gian trá... Hò vè, hát dặm, tầm vinh sắc bùa, đánh đu ngày xuân... là những sinh hoạt văn nghệ dân gian được truyền từ đời này sang đời khác. Bài Phụ tử tình thâm, ngày trước các ông các bà hình như ai cũng thuộc làu... Từng tồn tại trong dân gian câu: “Gái Trường Lưu, sưu làng Mật, đất làng Trù, tru Giao Tác "... Người dân làng Mật thuộc nhiều thành ngữ, tục ngữ, ca dao, câu đố có ý nghĩa răn dạy, giáo dục, được sử dụng như một thứ ngữ khí trong sinh hoạt hàng ngày.....Thợ mộc trong làng có câu đố: " Bốn chân đứng trên bốn chân, bốn chân chạy,
tám chân chạy - là gì?". Vừa thông minh vừa dí dỏm....

Dân làng Mật ít mê tín dị đoan, bói toán nhưng cũng có niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng và tục thờ cúng tổ tiên. Bởi vậy, không biết tự năm nào đã có chùa Cố Pháp thờ Phật, đền Cơ Bản thờ thành hoàng và thánh thần, nền tế lễ trời đất ở đầu làng. Các nhà thờ họ Trần, họ Nguyễn Bật và các dòng họ trong làng vào dịp lễ rằm tháng Giêng, tháng Bảy rộn ràng chiêng trống lễ tế tổ tiên, hương trầm thơm ngào ngạt, gợi không khí trang nghiêm, thành kính khắp xóm dưới làng trên. 

Các lễ lạt hiếu hỉ trong làng thường được tổ chức theo lễ tiết chu đáo, gọn gàng và tiết kiệm. Người làng Mật có kinh nghiệm dự báo thời tiết khá độc đáo như: " Rú Hống đeo đai, rú Cài đội mạo ", " chim bay xuống bể thì nắng chang chang, chim bay lên ngàn thì mưa sộng sộng "... hoặc " Mưa trại Côốc, bốc không kịp ", " Nắng lập thu, tru nhảy nhót "...

  Làng Mật tuy nhỏ nhưng có truyền thống học hành khoa cử, cùng với làng  Trường Lưu, Vĩnh Gia, Yên Huy, Kiệt Thạch làm nên một vùng " Sạc Sơn tứ diện giai công hầu " nổi tiếng Địa linh, Nhân Kiệt.

Văn lý hầu Trần Tịnh ( đầu thế kỷ XVI) qua bao sự thăng trầm của thời cuộc, từng làm quan dưới 3 triều vua, từ Lê Anh Tông (1556-1573), Lê Thế Tông (1573- 1599), Lê Kính Tông (1599-1619) đã có nhiều công lao đóng góp cho đất nước trong bối cảnh xã hội phong kiến rối ren thời Lê - Trịnh. Ông là một vị quan thanh liêm chính trực, đức độ, thông minh và giàu dũng khí được nhân dân kính trọng, quân sĩ cảm phục, bạn bè nể trọng, vua tôi tin tưởng yêu mến. Sau khi mất, để tưởng nhớ đến công lao và sự nghiệp giúp dân cứu nước của ông, triều đình phong kiến nhà Lê – Trịnh đã gia phong ngài chức Liêm quận công, tước Văn lý hầu. Bia đá nơi nhà thờ ông và dòng họ do Thượng thư tiến sĩ Phùng Khắc Khoan phụng soạn còn ghi rõ sự tích và lưu truyền danh thơm đến ngày nay.

 Dòng họ Nguyễn Bật nổi tiếng giàu có một vùng và mười đời liên tục có người đỗ đạt, khoa danh. Tiến sĩ Nguyễn Bật Lãng còn gọi là Lượng, hiệu là Xuân Sơn tiên sinh. Ông sinh năm 1546, trong một gia đình có truyền thống nho học. Là cháu huyền tôn của Lưu quận công Nguyễn tướng công làm quan đại thần vào thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Sinh trưởng trên quê hương xứ Nghệ nổi tiếng học hành, trong dòng họ danh gia vọng tộc, cùng họ với Nguyễn Xí công thần khai quốc thời Lê Thái Tổ, Nguyễn Bật Lãng đã thừa kế truyền thống hiếu học của quê hương, thừa hưởng những nét tinh hoa nơi đất học.

Năm 1577 (Đinh Sửu) niên hiệu Gia Thái, đời Lê Thế Tông, nhà Lê tổ chức chế khoa thứ hai để chọn nhân tài, Nguyễn Bật Lãng đã 31 tuổi, ghi tên tham dự và thi đỗ chế khoa. Chế khoa năm Đinh Sửu (1577), triều đình nhà Lê lấy ba người đỗ đệ nhất giáp chế khoa xuất thân, trong đó Nguyễn Bật Lãng được xếp thứ hai, đệ nhất giáp đệ nhị danh sau Lê Trạc, được ghi nhận tại bia tiến sĩ năm Đinh Sửu ở Văn miếu Quốc Tử Giám. Sau khi đậu tiến sĩ, Nguyễn Bật Lãng ra làm quan giúp triều Lê, ông nhận chức Chính sứ ty Chân Lộc đại phu Nam tước Thái thường Tự khanh, phụng sai Nhị xứ hùng nghĩa quân doanh, ông là người trung quân; tận tụy. Mộ ông ở Dăm lăng, làng Mật Thiết cùng với nhà thờ ông ( trong vườn nhà ông Thuộc, xóm Luỹ ) đã được xếp hạng di tích LS VH cấp Quốc gia.

Tiến sỹ Nguyễn Hành ( Nguyễn Danh Hành ), đã được khắc tên tại Bia Tiến sĩ ở Quốc tử giám. Ông đã từng làm quan Sát Sứ tại Thái Nguyên, là chú ruột của La Sơn Phu Tử. Nhà thờ ông tại vườn ông Thìn xóm Đình Hồ và lăng mộ ông tại xứ Cựa Dinh đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.

La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp ( 1723 - 1804 ) là nhân vật lịch sử kiệt xuất tài cao, đức trọng, tinh thông lý số. Năm 21 tuổi ông dự kỳ thi hương, đỗ thủ khoa và sau đó dự thi Hội vào đến tam trường. Ông từng giữ chức huấn đạo Anh Đô, tri huyện Thanh Chương. Trước thế sự nhiễu nhương, ông lui về ẩn dật ở trại Bùi Phong trên núi Thiên Nhẫn. Quang Trung Nguyễn Huệ từng ba lần mời ông xuống núi giúp lo việc đại sự quốc gia ( 1786; 1788; 1789 ) nhưng ông từ chối không ra. Cuối năm 1788, sau khi lên ngôi Hoàng đế tại núi Bân (Huế), vua Quang Trung kéo quân ra Bắc, đến Nghệ An nghỉ binh, nhà vua lại triệu Nguyễn Thiếp đến hỏi kế sách đánh đuổi quân Thanh xâm lược, Nguyễn Thiếp nói: " Người Thanh ở xa tới mệt nhọc không biết tình hình khó dễ thế nào. Vả nó có bụng khinh địch, nếu đánh gấp thì không ngoài mười ngày sẽ phá tan. Nếu trì hoãn một chút thì khó lòng mà được nó ". Lời tâu này rất hợp ý vua. Vì thế, về sau vua Quang Trung từng ca ngợi ông là người mà " một lời nói mà làm nổi cả cơ đồ "! Năm 1791, vua Quang Trung lại cho mời ông vào Phú Xuân để bàn việc nước. Vì cảm thái độ chân tình ấy, nên lần này ông đã nhận lời ( trước đó ông đã từ chối 3 lần ). Ông đã dâng lên vua Quang Trung một bản tấu bàn về 3 vấn đề: Một là " Quân đức " ( theo đạo Thánh hiền để trị nước ); hai là " Dân tâm " ( dùng nhân tâm để thu phục lòng người), và ba là " Học pháp " ( chăm lo việc giáo dục). Nguyễn Thiếp quan niệm: " Dân là gốc nước, gốc vững nước mới yên ". Ngày 20 tháng 8 (1791), nhà vua ban chiếu lập " Sùng chính Thư viện " ở nơi ông ở ẩn và mời ông làm Viện trưởng. Kể từ đó, ông hết lòng chăm lo việc dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm để dạy học như Tiểu học, Tứ thư, Kinh Thi, và chủ trì biên soạn xong hai bộ sách là Thi kinh giải âm và Ngũ kinh toát yếu diễn nghĩa. Ông để lại tập thơ Hạnh Am thi cảo ( hay còn gọi là Hạnh Am tiên sinh thi tập ) với trên dưới 100 bài thơ và Hạnh Am di văn gồm các bài đáp từ, trần tình, tạ ơn... Di cảo, sáng tác thơ văn của ông liên đới tới triều đại Quang Trung, lại qua bao biến động lịch sử dưới thời Gia Long Nguyễn Ánh thù nghịch, có lẽ đã bị tiêu huỷ, đa phần thất lạc..

 Ông được nhà vua ban tặng tước hiệu cao quý " La Sơn Phu Tử ",  chữ Phu Tử tạm dịch là "Cha của mọi nhà ". Ở nước ta, được danh hiệu như thế chỉ có ba người là Tuyết Giang phu tử Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Văn An và ông mà thôi. Ông cũng được suy tôn là một trong mười bậc " Đại danh sư " nước ta qua mọi thời đại.

 Lăng mộ ông bà nay được trùng tu trên núi Thiên Nhẫn ( Nam Đàn ) và nhà thờ ông cũng được xây dựng khang trang tại xóm Luỹ và đều đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia

  Mật Thiết vinh dự tự hào là hiếm nơi một làng mà có đến bốn di tích lịch sử cấp Quốc gia, cấp tỉnh gắn liền với công lao vinh hiển và tên tuổi của các bậc tiền nhân như thế.  Truyền thống hiếu học đã được các thế hệ con cháu của làng kế tục phát huy, đến nay hàng trăm người con các dòng họ là Giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, kĩ sư, bác sĩ, sĩ quan, giáo viên, nhà quản lý lãnh đạo... đang sống, làm việc khắp mọi miền, cả ở trong nước và ở nước ngoài, được xã hội ghi nhận và đánh giá cao. Mấy trăm năm, huyết thống các dòng họ giao hoà trong máu thịt cháu con đã kết tinh thành các giá trị văn hoá trong mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi dòng họ và trong cả làng, dài lâu, bền chặt và linh thiêng. Đi đâu, ở đâu, người làng Mật cũng gắn bó, yêu thương, sẻ chia, đồng cảm vì họ đều đã sinh ra lớn lên từ một ngôi làng thân yêu, từ một cội nguồn sâu nặng nghĩa tình như thế...

  Làng cổ Mật Thiết cùng Yên Tràng, Phúc Xá làm nên thế chân kiềng vững chãi trong ngôi nhà chung xã Kim Lộc, xã Anh hùng lực lượng vũ trang trong hai cuộc kháng chiến, xã giàu giáo sư, tiến sĩ hàng nhất nhì trong tỉnh ( hơn 60 người ) và là xã Nông thôn mới trong thời kỳ hội nhập phát triển, xứng danh làng quê của các bậc tiền nhân.

  Cuộc sống đã sang trang, phía núi Cài xa xa trước làng, ánh dương đã bừng sáng như vẫy gọi các thế hệ người làng Mật noi gương tiền nhân , theo tiếng lòng mình, tự hào và tin yêu, vững vàng bước tới tương lai tươi sáng./.

(Thành phố Hà Tĩnh, đêm 17/9/2019.)

                   Bùi Đức Hạnh


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 1.879.812
    Online: 26
    ipv6 ready