VŨ VĂN TUYỂN- DANH NHÂN VĂN HOÁ
NỔI TIẾNG VÙNG ĐẤT NÚI HỒNG
Hiện nay dưới chân núi Hồng Lĩnh thuộc xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh còn có một toà nhà thờ lớn, thờ danh nhân Vũ VănTuyển. Ngôi nhà thờ này vừa qua đã được tỉnh Hà Tĩnh xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.
Danh nhân Vũ Văn Tuyển, sinh ngày 8 tháng 10 năm Tân Dậu (1655), trong một gia đình nhà nông nghèo, tại làng Thổ Phượng huyện Thiên Lộc (Nay là xã Vượng Lộc). Lúc nhỏ, cha mẹ mất sớm, cuộc sống nghèo không nơi nương tựa, hai anh em trai côi cút tự lao động nuôi nhau. Được người anh cả chăm sóc, dìu giắt, với ý chí vượt khó để vươn lên, nên mới 19 tuổi (1674) Vũ Văn Tuyển đã thi đỗ Sinh Đồ. Đến lúc 22 tuổi (1977) đi thi Hương đỗ Tam Trường (Tú tài). Sau khi thi đậu Tam Trường, vì nhà nghèo Vũ Văn Tuyển không có điều kiện để theo học lên, ông xin ra làm huấn đạo (dạy học) ở phủ La Sơn thuộc xứ Nghệ An. Bắt đầu từ đây, ông bước vào con đường công danh, sự nghiệp.
Thời kỳ làm huấn đạo ở phủ La Sơn, thông minh từ nhỏ, kiến thức sâu rộng, tâm huyết với nghề, có tấm lòng bao dung với các học trò nghèo, Vũ Văn Tuyển không chỉ dạy chữ mà còn rèn đức, lễ, nghĩa cho các học trò. Đặc biệt vùng nông thôn thường có bệnh tật, ốm đau, ông còn đi sưu tầm những bài thuốc quý, vị thuốc quý truyền lại cho học sinh, để chữa bệnh giúp dân. Với cách làm đó, chỉ trong một thời gian ngắn,Vũ Văn Tuyển nổi tiếng khắp vùng là người thầy thanh liêm, dạy giỏi, nho sinh ở khắp mọi miền đổ về xin theo học. Ông là người đã đào tạo được nhều học trò tài đức, thành danh để ra phụng sự triều đình đất nước trong đó có Lưỡng quốc Thám hoa Phan Kính quê ở xã Lai Thạch (1715- 1761).
Thời gian làm huấn đạo, lo rèn dạy học trò, nhưng Vũ Văn Tuyển vẫn đèn sách, dùi mài kinh sử, tìm hiểu sâu kiến thức của các bậc tiên hiền, tiên thánh. Vì vậy ông là người hiểu biết rộng về văn chương, thơ phú, thông thạo về thi, thư, lịch, lễ, đặc biệt là rất có tài nhân, cầm, độn, toán. Đến niên hiệu vua Vĩnh Hữu- triều Lê, Vũ Văn Tuyển quyết định đi thi Hội tại trường thi Nghệ An và đỗ cử nhân. Sau lần thi này ông được bổ làm tri phủ huyện Kiến Xương thuộc trấn Sơn Nam (nay là Thái Bình). Vừa yên dân được vùng đất Kiến Xương, ở miền dân tộc ít người vùng biên giới Lạng Sơn, các tù trưởng kết hợp với loạn tặc bên kia biên gới đem quân sang quấy phá, cướp bóc. Triều đình Lê -Trịnh một lần nữa lại chọn Vũ văn Tuyển về làm quan tri phủ Kinh Sơn, xứ Lạng Sơn. Với tài thuyết phục, mềm dẻo trong đối ngoại, ông đã yên được dân cư vùng biên viễn. Chưa được bao lâu, vùng Quỳnh Lưu, Nghệ An loạn quân lại nổi lên, là người thổ dân xứ Nghệ, hiểu biết đất đai, tập tục, nhà vua lại điều Vũ Văn Tuyển về vùng đất Quỳnh Lưu để dẹp loạn đạo tặc. Khi cầm quân về vùng đất này ông không đem quân tiêu giệt lực lượng nổi loạn làm tổn thất dân tình. Ông tìm cách hòa hợp, dàn xếp, làm thỏa mãn lòng người, quân tướng không mất một người, uy tín cầm quân của ông trong đám quan trường càng lừng lẫy.
Đã từng bang giao với các tù trưởng nhà Thanh bên kia biên giới, cùng với kinh nghiệm mềm dẻo trong việc quân chính, sau lần phong chức Tham tri, Vũ Văn Tuyển hai lần được nhà vua cử đi sứ Nhà Thanh, Trung Quốc. Trong đối ngoại ông là người thông minh, mềm dẻo, văn chương ứng tiếp đến tuyệt vời, được nhà Thanh tặng cho mỹ từ: “Bậc Khôi thám tài năng”. Tiếng vang của ông lẫy lừng, triều đình tín nhiệm, Vũ Văn Tuyển được nhà vua thăng chức: Đại Nguyên Soái và phong tước: “Chí Minh Vương”.
Tuổi già, Vũ Văn Tuyển cáo quan xin về nghỉ hưu tại làng Thổ Phượng. Từng làm huấn đạo dạy học, ông thấm hiểu đến giá trị kiến thức, trí tuệ. Để cải tạo vùng quê nghèo lam lũ, ông cùng với con trai là Vũ Duy Dư thảo tờ trình xin nhà vua lập hội khuyến học ở địa phương. Ông cho lập ruộng học điền, ruộng khoa điền để có tiền cấp học bổng cho con em trong làng đi học. Nếu tiền cấp không hết cho khuyến học, thì ông chi vào việc cúng tế, tu sửa từ đường, đình miếu, lập bảng vàng nêu danh về học vấn. Cùng với việc khuyến học, Ông chăm lo cải tạo nông thôn, mở thêm đường sá, lo việc tế lễ trong làng, trong họ, giáo dục sự đoàn kết trong địa phương, giúp nhau những việc khi già yếu ốm đau. Bên cạnh đó, ông tiếp tục làm nghề y dược, bốc thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Nhiều người dân mắc bệnh hiểm nghèo, Ông bắt mạch chăm nom nên bệnh tình qua khỏi. Nhân dân trong vùng ai cũng cảm phục công lao, tài đức của ông .
Vũ Văn Tuyển không chỉ chăm lo cho cộng đồng dân cư trong vùng, đối với gia đình, ông còn là người cha, người ông mẫu mực, làm rạng rỡ cho dòng họ Vũ. Trong cuốn “Nghệ An ký” của Bùi Dương lịch còn ghi: "Cả gia đình Vũ Văn Tuyển là một gia đình khoa bảng, con cháu đều thông minh, học vấn cao, có tiếng thanh liêm trong quan trường, trung thành với vua tôi, đóng góp lớn cho đất nước lúc đương thời". Về sau các con cháu của ông đều là những người nổi tiếng như : Vũ Diệm- người con trai thứ nhất, đỗ Hoàng Giáp; Vũ Hiển - người con thứ 2 đỗ cử nhân, làm tri huyện Yên Khánh; Vũ Quỳnh - người con thứ 3 đỗ cử nhân, làm tri huyện Quỳnh Lưu xứ Nghệ; Vũ Vỹ - con trai thứ 4 độ Cử nhân; Vũ Duy Dư, con trai thứ 5 đỗ cử nhân, làm huấn đạo đất Thăng Long; Và người cháu nội Vũ Duy Áng đậu cử nhân, có 5 năm làm bảo hộ trên đất Cam –Pu- Chia .
Vũ Văn Tuyển mất ngày 11 tháng 01 năm 1734 tại quê nhà, hưởng thọ 79 tuổi. Khi mất, ông được dựng rạp Trung đồ. Trong lễ tang có mặt tất cả các quan trường về tham dự. Triều đình cũng thông báo rộng rãi cho các nơi ông đã từng làm tri phủ và huấn đạo về thăm viếng. Đám tang của ông có hàng trăm người đưa tiễn, cờ lọng cắm rợp đường, dân làng ai cũng kính trọng người đức tài trọn vẹn. Từ xưa nhân dân đã lập nhà thờ để tôn vinh công lao của ông. Tên tuổi của ông đã làm rạng ngời dòng họ Võ dưới dưới chân núi Hồng, vừa qua nhà thờ của ông đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh./.
Nguyễn Xuân Bách