Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử huyện Can Lộc!

THIÊN LỘC - CAN LỘC HÀNH TRÌNH 550 NĂM

Can Lộc là huyện nằm trên đường quốc lộ 1A, cách trung tâm thành phố Hà Tĩnh 18km, có tổng diện tích tự nhiên 302,13km2 với gần 130 vạn dân, nằm gọn giữa hai triền núi Hồng Lĩnh và Trà Sơn, tạo nên một cảnh quan vùng quê sông núi, ruộng đồng làng mạc đan xen sầm uất, trù phú, sơn thuỷ hữu tình. Từ xa xưa trên mảnh đất này đã sớm được khai phá, có lịch sử hàng nghìn năm. Qua khảo cổ học đã tìm thấy công cụ bằng đá thuộc di chỉ hậu kỳ bằng đồ đá mới ở rú Nghèn và chân núi Hồng Lĩnh, đó là loại Rìu bằng đá dáng thô được chế tác từ đá trầm tích.

Lúc đầu huyện có tên gọi là Phỉ Lộc từ thời Trần và cả thời nước ta thuộc nhà Minh đô hộ. Đến niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (năm 1469), lần đầu tiên nhà Lê định bản đồ trong nước thì huyện Thiên Lộc ra đời từ đó. Theo Hán học tên Thiên Lộc mang hàm nghĩa của sự giàu có "Lộc trời", điều này nói lên rằng chính tài năng của con người trong huyện mà mọi của cải đã và sẽ giàu có, cuộc sống tốt đẹp như sự ban phát của trời xuống cho dân vậy. Tên Thiên Lộc kéo dài gần 400 năm, đến năm 1854, vua Tự Đức đã xuống chiếu đổi Thiên Lộc thành huyện Can Lộc cho đến ngày nay.

Trong dòng chảy của lịch sử dựng nước, giữ nước hàng nghìn năm với khí phách hào hùng, oanh liệt của dân tộc Việt Nam để chống chọi với thiên nhiên, giặc giã. Suốt cuộc hành trình 550 năm qua, con người Thiên Lộc - Can Lộc đã liên tục lao động, chiến đấu, gian khổ, hy sinh vì sự trường tồn của dân tộc, vì khí thiêng sông núi đã tạo dựng lên một bề dày truyền thống lịch sử - văn hoá thật sự đáng trân trọng và tự hào, mà thực chất quá trình lịch sử tại mỗi vùng đất, với cách nhìn tổng quát là quá trình phát triển những giá trị văn hoá, thành tựu nhất của mỗi con người và cộng đồng người trên vùng đất ấy.

Nói đến cái tên Thiên Lộc là phải nhớ đến thủa ông khổng lồ khai thác núi Hồng, sông Rum; thủa vua Hùng dựng nước, thủa người anh hùng họ Mai phất cờ tự trị "Đánh đổ quân thù thua liễng xiểng" ở thời nhà Đại Đường. Đó là cuộc khởi nghĩa kháng Minh, Phù Trần mà thủ lĩnh chủ chốt là Đặng Tất, Đặng Dung… bao nhiêu sự kiện khiến chúng ta bồi hồi, hào hứng. Cái tên Thiên Lộc cũng nhắc ta bao nhiêu thế kỷ vượt gian lao, lập xóm, dựng làng, đào núi, ngăn sông, bao nhiêu thời gian rực lửa đấu tranh. Nhiều khi phải quằn quại vì trở thành một bãi chiến trường, có khi thầm lặng mà vững vàng góp sức xây dựng cơ đồ đất Việt.

Người Thiên Lộc - Can Lộc khi thì chống quân Chiêm thành, khi thì đánh giặc Minh, rồi các tập đoàn phong kiến tranh giành quyền lực gây bao nỗi oan tình, khổ ải. Nhiều khi làng xã phải phiêu bạt, dân cư phải bỏ làng chạy giặc. Đến đầu thế kỷ XIX, sau mấy chục năm nhà Nguyễn ổn định xã hội, sắp xếp lại hành chính các cấp, lập thêm tổng giữa huyện và xã, đặc biệt các làng xã được ổn định, dân phiên tán trở về làng, các xã cũ của Can Lộc được phát triển.

Dường như trong vòng 550 qua, Thiên Lộc - Can Lộc khá ổn định về duyên cách. Phía Tây là dãy Trà Sơn, phía Đông là dãy Hồng Lĩnh, phía Bắc có một ít xê dịch với huyện Đức Thọ, rồi thị xã Hồng Lĩnh, phía Nam có một ít xê dịch với huyện Thạch Hà. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, trước yêu cầu chung về phát triển KT-XH tỉnh nhà theo hướng công nghiệp, du lịch và dịch vụ, ngày 7/02/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 20/QĐ-TTg, tách 7 xã thuộc huyện Can Lộc để sáp nhập với 6 xã của huyện Thạch Hà, thành lập nên huyện mới Lộc Hà. Như vậy, huyện Can Lộc chỉ còn 23 đơn vị hành chính, trong đó có 22 xã và 1 thị trấn.

Từ Thiên Lộc - Can Lộc cho đến hôm nay, quê hương Can Lộc có thể tự hào về tấm lòng yêu nước nồng nàn, về ý chí kiên cường, bền bỉ trong lao động sản xuất của con người nơi đây, luôn ý thức sâu sắc về cội nguồn và kế thừa phát huy truyền thống tổ tiên. Trong lịch sử chống ngoại xâm,  bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước, đây là vùng đất khá tiêu biểu, với những địa danh, danh nhân, di tích được Nhân dân và sử sách lưu truyền, ghi công. Qua các triều đại, hàng ngũ sỹ phu hầu hết đều cần mẫn, trung thực, vì một chút thiên tài cũng có, nhưng nhiều hơn là sự liêm chính, khẳng khái. Cương trực gan dạ như Bùi Cẩm Hổ, Phan Huân, trung nghĩa, tận tâm như Sử Huy Nha, giữ phong tiết như Nguyễn Thiếp, Võ Liêm Sơn... Những người được xếp vào hàng danh thân, giữ chức vụ cao nhất có công lao, tài đức tiêu biểu như Ngự sử Bình Chương Bùi Cẩm Hổ, Thượng thư bộ lễ tước bạt quân công Dương Trí Trạch. Đó là những danh tướng thiên tài về chiến lược quân sự, ngoại giao như Tiến sỹ Hà Tông Mục, Tào quận công thái bảo Ngô Phúc Vạn, Lưỡng quốc Thám hoa Phan Kính, dũng tướng Nguyễn Huy Tự…

Sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga (1917), công cuộc vận động cách mạng chuyển sang hướng mới, nhất là sau ngày thành lập Đảng (03/2/1930), với cao trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh, là một sự kiện quan trọng trong lịch sử của Đảng ta. Theo tư liệu lịch sử, cuộc biểu tình của nông dân Can Lộc ngày 01/8/1930 tại Ngã ba Nghèn là mốc mở đầu có tổ chức, có chỉ đạo của cao trào Cách mạng 30 - 31 ở Nghệ Tĩnh. Can Lộc lúc đó như một trong những trung tâm, một cao điểm trong cao trào Xô Viết. Ngày nay, Đài Tưởng niệm các chiến sỹ Xô Viết ở Hà Tĩnh được xây dựng tại Ngã ba Nghèn lịch sử là một chứng tích.

Cách mạng tháng Tám thắng lợi, Nhân dân thoát khỏi đêm dài nô lệ, được đứng lên làm chủ vận mệnh của mình. Nhưng với chính quyền cách mạng còn non trẻ với biết bao nhiêu khó khăn, thách thức. Chưa một ngày ngơi nghỉ, người dân Can Lộc cùng cả nước lao vào cuộc kháng chiến, kiến quốc, xây dựng đời sống mới. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nằm trong vùng tự do, Can Lộc góp sức phục vụ chiến trường chính Bắc bộ, Bình Trị Thiên và chiến trường lân cận khác. Và trong cuộc kháng chiến đó, Can Lộc đã có 13.006 người tham gia bộ đội ở các chiến trường; huy động 91.390 lượt dân công sửa chữa đường sá, cầu cống; cung cấp hàng vạn tấn thóc. Các làng chiến đấu đã đào 56.338m giao thông hào và 65.000 hầm trú ẩn phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. Hậu phương Can Lộc cũng làm nên một điển hình của phong trào "Đỡ đầu dân quân" trong kháng chiến.

Đến cuộc đọ sức một mất một còn với đế quốc Mỹ, với chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã tiếp tục trở thành máu thịt, thành hào khí của mọi thế hệ người dân Can Lộc, vừa sản xuất xây dựng quê hương, vừa chiến đấu "Vì miền Nam ruột thịt". Nằm trong vùng chiến lược của Khu 4, Can Lộc là một huyện có vị trí chiến lược quan trọng về giao thông, là vị trí yết hầu trên con đường chi viện của hậu phương lớn với chiến trường miền Nam, do đó đã trở thành trọng điểm đánh phá quyết liệt của quân đội Mỹ. Nhưng Đảng bộ, Nhân dân Can Lộc hạ quyết tâm: "Can Lộc còn, đường vào Nam còn", với lời thề  "Đường vào Nam không một phút ngừng tuyến xe qua", rồi "Xe chưa qua, nhà không tiếc". Chiến tranh càng ác liệt, quân và dân Can Lộc càng đoàn kết một lòng, kiên trì vượt qua nhiều thử thách, hy sinh. Mỗi tên đất, tên làng còn mang trong mình đầy những chiến tích, cứ thế đi vào lịch sử. Đó là xã "Thép" Tiến Lộc gắn với tên Làng K130; đó là Đồng Lộc đã trở thành "Ngã ba soi đường cho thế kỷ phong ba"; đó là sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái TNXP tại chiến trường Đồng Lộc. Đó còn là gương các anh hùng La Thị Tám, Nguyễn Tiến Tuẩn, Nguyễn Tri Ân, Cao Bá Tuyết, Vương Đình Nhỏ cùng hàng trăm chiến sỹ các lực lượng và Nhân dân đã anh dũng hy sinh để bảo đảm mạch máu giao thông.

Tổng kết cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, huyện Can Lộc có 25.466 người tham gia cách mạng, trong đó hơn 17.000 người là bộ đội và TNXP. Có 3.276 người con quê hương đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường; có 2.014 thương binh, 1.115 bệnh binh. Vinh dự lớn đến với Đảng bộ, Nhân dân và các lực lượng vũ trang huyện Can Lộc, năm 1994 được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và lần lượt 23/23 xã, thị trấn cũng đã được trao tặng danh hiệu cao quý đó. Có 187 bà mẹ được truy tặng và trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 4 người con quê hương được phong tặng danh hiệu anh hùng LLVTND, đó là anh hùng Nguyễn Xuân Lực (được phong tặng 2 lần), anh hùng Phan Như Cẩn, chị La Thị Tám và anh Nguyễn Tri Ân.

Nói đến Thiên Lộc - Can Lộc là nói đến vùng đất văn hoá truyền thống, là vùng quê nhân văn và cách mạng anh hùng. Nhân dân Can Lộc vốn thông minh, cần cù, chịu khó, biết tôn trọng đạo lý, lẽ phải, gắn quyện với vùng văn phái Hồng Sơn; do vậy sớm hình thành tiểu vùng văn hoá đặc trưng, để lại những di sản quý báu trong kho tàng văn hoá dân tộc. Vốn là vùng đất học, vùng đất “Địa linh nhân kiệt” đã sinh thành và nuôi dưỡng những tài năng lớn, một thời nổi tiếng đất kinh kỳ. Thế kỷ XVII có câu "Bút cấm chỉ, sỹ Thiên Lộc". Đây là vùng đất hiếu học và có nhiều người học giỏi. Sách hiến chương ghi nhận vùng đất có "Phong tục thuần hoá, chỗ nào cũng có văn học, khoa giáp, đỗ đạt thì thình hơn cả…". Can Lộc có 42 người đỗ đại khoa, chiếm gần 1/3 tổng số người đỗ đại khoa trong tỉnh. Trạng nguyên sử Huy Nhan, thám hoa Đặng Bá Tỉnh là những khôi nguyên mở đầu đại khoa trong tỉnh và huyện. Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, La sơn Phu tử Nguyễn Thiếp là những học giả uyên thâm, đức độ cao cả được cả nước tôn kính như bậc thầy cùng với nhiều học giả đóng góp lớn lao cho sự nghiệp dạy học và sáng tác. Những trung tâm giáo dục như Phúc Giang thư viện (Trường Lưu); Mộng Thương thư trại (Ích Hậu) là những kho sách có hàng mấy vạn đầu sách. Tại đây, đã đào tạo nhiều người thành tài, hình thành những văn phái có tiếng tăm.

Những danh nhân đó được nuôi dưỡng, bồi trúc, gắn với mỗi vùng quê, góp phần tạo nên nét bản sắc mỗi vùng văn hoá. Như vùng văn hoá Lai Thạch với "Tổ chức diện công hầu" gắn với những dòng họ nổi tiếng như họ Nguyễn Huy (Trường Lộc), họ Phan (Lam Kiều), họ Nguyễn (Kiệt Thạch), họ Dương (Yên Huy), họ Nguyễn (Mật Thiết). Rồi vùng văn hoá Trảo Nha gắn với dòng họ Ngô 18 đời Quận công, họ Võ (Thiên Lộc) và vùng văn hoá gắn với họ Hà, họ Đặng (Tùng Lộc), họ Nguyễn (Ích Hậu)….

Can Lộc là một huyện có đóng góp đáng kể làm nên một dáng nét văn hoá xứ Nghệ trong nền văn hoá dân gian, dân tộc như: Hát ví phường vải Trường Lưu là một trong những cái nôi của dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại; nói lối Yên Huy (Yên  Lộc)... Có thể nói hầu hết những vùng quê ở Can Lộc đều in đậm một dấu ấn, ẩn chứa một giá trị văn hoá, đó là những di tích, danh nhân, danh thắng. Là một huyện sớm quan tâm những giá trị lịch sử - văn hoá, đến nay đã có 82 di tích được xếp hạng, trong đó có 16 di tích cấp Quốc gia và 66 di tích cấp tỉnh. Đặc biệt, tháng 5/2016, Mộc bản trường học Phúc Giang và tháng 5/2018, sách cổ “Hoàng hoa sứ trình đồ” được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Thấm nhuần tư tưởng của Đảng và Bác Hồ kính yêu là đưa văn hoá đến với Nhân dân và đưa Nhân dân đến với văn hoá để được hưởng thụ văn hoá và chính Nhân dân sáng tạo ra những giá trị văn hoá, tạo nên sức mạnh chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu. Can Lộc đã sớm có chủ trương xã hội hoá các hoạt động văn hoá - xã hội thực sự có tác động sâu rộng đến đời sống văn hoá cơ sở, từng bước đáp ứng đời sống tinh thần cho Nhân dân theo từng giai đoạn lịch sử; là địa phương nhiều năm liền được công nhận là đơn vị thi đua xuất sắc. Các hoạt động văn hoá - thể thao ở cơ sở đều khắp và đa dạng. Cùng với hệ thống phát thanh - truyền hình, thông tin Bưu điện ngày càng được tăng cường, nhu cầu thông tin, nghe nhìn phát triển mạnh.

Về sự nghiệp giáo dục có thể khẳng định thành tựu hết sức to lớn cả về nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Sự nghiệp giáo dục, đào tạo ngày càng được khẳng định và phát triển toàn diện cả về số lượng và chất lượng, được xã hội hoá sâu rộng và hiệu quả. Đến nay, có 100% xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về phổ cập THCS; cơ sở vật chất, cảnh quan trường học, môi trường giáo dục được nâng lên. Nhiều năm liền ngành Giáo dục Can Lộc được công nhận là đơn vị tiên tiến của tỉnh. Con em quê hương Can Lộc ở khắp mọi miền của Tổ quốc luôn tự hào truyền thống quê hương, không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện để cống hiến tài năng, trí tuệ của mình cho đất nước. nhiều người có học vị, học hàm cao là những cán bộ cao cấp của Đảng, những nhà khoa học đầu ngành của đất nước như Nguyễn Đình Tứ, Phan Đình Diệu, Nguyễn Huệ Chi…

Khi nói đến truyền thống, đến bản sắc một vùng quê bao giờ nó cũng được gắn kết với một nền tảng cơ sở vật chất, đời sống KT-XH tương ứng. Khi nói tới Can Lộc ai cũng khẳng định đó là một huyện trọng điểm lúa của Hà Tĩnh. Nhưng để có như hôm nay, hàng bao đời nối tiếp nhau từng đổ mồ hôi, từng sôi nước mắt chống chọi với thiên nhiên, chủ động khai khẩn đất đai, mở mang đồng ruộng. Với đặc tính rõ nét nhất của con người Can Lộc là cần cù, kham khổ, một nắng hai sương để tồn tại và phát triển. Trên vùng đất Can Lộc nói riêng, Hà Tĩnh nói chung là vùng thiên nhiên khắc nghiệt, nắng lửa gió Lào, vừa dễ gây úng lụt, vừa hạn hán, nhưng với địa hình da dạng có điều kiện để phát triển nền kinh tế nông nghiệp phong phú, đa dạng và toàn diện.

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng bộ và Nhân dân Can Lộc có những bước tiến vững chắc xây dựng nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại. Nền kinh tế huyện nhà phát triển bền vững, toàn diện hơn, có bước chuyển dịch kinh tế theo hướng tích cực, mức tăng bình quân hàng năm 9 - 10 %. Đồng thời, với việc đầu tư thâm canh, gắn với phát triển TTCN - thương mại - dịch vụ, từng bước hình thành nền kinh tế tổng hợp trên địa bàn. Nhờ đó, từ một huyện độc canh về lúa, đến nay tỷ trọng giá trị sản phẩm TTCN, thương mại, dịch vụ ngày càng cao, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo, ổn định và cải thiện đời sống Nhân dân.

Trong quá trình hơn 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Can Lộc đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào. Khi mới bắt tay xây dựng nông thôn mới, toàn huyện chưa có xã nào đạt trên 5 tiêu chí, các điều kiện về cơ sở hạ tầng nông thôn, các chương trình, dự án trên địa bàn còn ít. Nhưng với sự quan tâm của cấp trên, sự chỉ đạo, lãnh đạo, triển khai quyết liệt với nhiều cách làm hiệu quả, cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và của mỗi người dân, đến nay 21/21 xã trên địa bàn đã đạt chuẩn nông thôn mới và huyện Can Lộc đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

Với truyền thống quê hương Xô viết anh hùng, trong công tác xây dựng Đảng đã được cấp ủy các cấp quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, toàn Đảng bộ có 43 Đảng bộ, chi bộ cơ sở với trên 8.000 đảng viên. Hệ thống chính trị các cấp ngày càng trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng vai trò lãnh đạo. Đảng bộ luôn giữ vững quan điểm, lập trường, tiếp tục đổi mới, cải tiến nâng cao chất lượng các đợt sinh hoạt chính trị, chăm lo bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, củng cố vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, đặc biệt là vai trò của chi bộ thôn xóm. Chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở ngày càng được củng cố, hoạt động có hiệu lực và đảm bảo được quyền dân chủ của Nhân dân, từng bước cải cách hành chính, tạo điều kiện cho các tổ chức quần chúng và Nhân dân thể hiện rõ quyền dân chủ, tham gia quản lý nhà nước, thực hiện Nhà nước thực sự là của dân, do dân và vì dân.

Trong hành trình 550 năm, có thể khẳng định rằng: Tuy còn những khó khăn và còn nhiều mặt hạn chế, nhưng sắc thái của quê hương cách mạng Can Lộc đã có những thay đổi nổi bật. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng lên, nghĩa tình làng xóm được khôi phục và phát huy; bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đoàn kết, dân chủ hoá sâu rộng hơn, kỷ cương phép nước được tôn trọng. Đó chính là những yếu tố cơ bản đảm bảo cho phong trào huyện nhà ngày càng vững bước đi lên.

Trong hành trình đó, những giá trị lịch sử, văn hóa được ngày càng tôi luyện, những truyền thống quý báu của vùng quê nhân văn, cách mạng, anh hùng luôn được lưu giữ. Đó chính là nguồn sức mạnh tinh thần, nguồn nội lực vô giá, chuẩn bị cho hành trang của Đảng bộ và nhân dân Can Lộc bước tiếp những chặng đường mới. Tiếp tục kế thừa, khai thác sức mạnh truyền thống, tạo thêm những nguồn lực, tiếp thêm sức mạnh bước vào thời kỳ mới, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện tốt mục tiêu xây dựng huyện Can Lộc giàu về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng, an ninh, Nhân dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc, xứng đáng với tiền nhân, xứng danh với quê hương Xô Viết nhân văn, cách mạng và anh hùng./.

                                                                                                                                                Nguyễn Như Dũng

TUV, Bí thư Huyện ủy huyện Can Lộc


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 1.882.454
    Online: 17
    ipv6 ready