Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử huyện Can Lộc!

Thờ cúng tổ tiên trong gia đình, gia tộc và thờ Thành hoàng làng là phong tục phổ biến từ xã xưa của nhân dân ta. Hơn nữa, thờ cúng tổ tiên không chỉ là phong tục mà còn là đạo – Đạo Việt Nam. Ở Thiên Lộc – Can Lộc cũng vậy.

Trong gia đình, nhà cửa trưởng nào cũng có bàn thơ ông, bà, cha, mẹ; các nhà cửa thứ thì khi khuyết cửa trường hoặc được giao trách nhiệm thờ một người quá cố nào đó (như bà mẹ kế, bà cô, ông chú, hay anh, chị…) mới lập bàn thờ, làm giỗ riêng, còn giỗ tết đều phải đến cúng ở nhà cửa trưởng.

Các họ đều có nhà thờ tổ, họ lớn thì ngoài nhà thờ đại tôn, còn có các nhà thờ tiểu tôn nữa. Ngoài giỗ tết thường lệ, con cháu đến thắp hương ở nhà thờ, thì quan trọng nhất trong năm là ngày Tế tổ (thường là rằm tháng giêng, tháng bảy hay một ngày quuy định nào đó). Ngày ấy con cháu xa gần đều phải về đông đủ, dự tế lễ và bàn việc họ. Có nơi tế xong, con cháu quây quần ăn uống đông vui hoặc chia phần cỗ mang về…

Cùng với việc thờ cúng tổ tiên, trong nhà còn thờ các  gia thần, vị thần quen thuộc hất là Táo quân, thần bếp, có khi đồng nhất với Thổ công. Một số nhà giàu còn dựng thêm nhà thổ chủ ngoài vườn thờ riêng Thổ công.

Nguồn gốc xa xưa của tục thờ Thần bếp có thể là từ tục thờ lửa và tục thờ ông Núc (tức tổ tiên) của người thượng cổ. Về sau, theo dân gian, Thần bếp là bộ  ba “hai ông, một bà” gồm Trọng Cao là thổ địa coi việc trong nhà, Thị Nhi là Thổ kù coi việc chợ búa, Phạm Lang là Thổ công việc trong bếp. Còn sách “Táo vương kinh” (in năm Gia Long thứ 15-1817) thì chép Táo quân tên là Trương Đan, dòng dõi Trường Lăng (Theo Đạo giáo nên thường gọi Trương Đạo Lăng) và là cháu 9 đời của Trương Lương đời Hán…

Vị hiệu Thần bếp là “Đông trù tư mệnh táo phủ tuần quân”. Khi cúng lễ, ngoài Táo quân, mỗi vùng còn có khấn thêm một số vị khác. Riêng người Can Lộc, Hà Tĩnh thường khấn thêm các vị Xuy đào thần nữ (nữ thần thổi nấu), Chiêu tài đồng tử, Tiến Lộc lang quân (các vị thần tài, lộc) cùng các vị tiên sư, thổ công và bộ hạ.

Ngày 23 tháng chạp hàng năm là ngày ông Táo về trời, mọi nhà đều làm lễ cúng tiễn.

Có sách chép: Mỗi năm Thiên đình sai một vị hành khiển xuống coi việc trần gian, xét việc làm thiện, ác của từng nhà, từng người, tâu lên để trời quyết định thưởng phạt. Năm Tý là Chu Vương hành khiển…, năm Sửu là Triệu Vương hành khiển…, và người ta cho rằng làm lễ giao thừa là để tiễn vị hành khiển cũ, đơn vị hành khiển mới chứ không phải đón Táo quân.

Nhiều nhà có cây cột hương (Thiên đài) bằng trụ tre, gỗ hoặc xây gạch trên có bàn thờ nhỏ đặt nồi hương thờ Nữ thần Thiên đài. Xưa, ấy là nữ thần bản mệnh, một trong sáu mươi vị thần hoa giáp bảo vệ con người theo tuổi sinh. Theo người Trung Hoa, mà các nho sĩ ta truyền lại, Nữ thần này là Cửu thiên huyền nữ (thường gọi là bà Cửu  thiên), một thiên nhiên, con trời, đã từng dạy binh pháp cho Hoàng đế chống Xuy-vưu, và truyền thụ các khoa bói toán, lục nhâm, động giáp.

Ngoài các vị gia thần trên, ở Can Lộc ngày trước lẻ tẻ còn có một số gia đình lập bàn thờ Tổ sư nghề nghiệp (thầy thuốc thờ Hoa Đà, Hải Thượng Lãn Ông; thầy bói thờ Thái Thượng Lão quân; thợ mộc thờ Lỗ Ban…) hoặc thờ Phật, thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh… Các gia đình theo đạo Thiên chúa đều có tượng và bàn thờ Chúa Trời.

*
*  *

Ngày nay, như chúng ta biết, có nhiều nơi như Kẻ Mỏ, xã Phúc Dương (Hương Sơn), Đại Nài, Hương Bộc, Đồn Điền (Thạch Hà)…. thờ thần là Hòn Đá với vị hiệu là Bạch thạch chi thần, Ông Đá Hàn chi thần, Thạch giới linh ứng thần v.v… và ở đến làng Gia Phố (Hương Khê) thì thờ Cối chày đá. Ở Thạch Hà có vị thần làng hiệu Côn các lộ đại vương. Còn ở Can Lộc hiện có một đạo sắc phong để năm Cảnh Hưng thứ 44 cho một thần Thành hoàng là Đương cảnh Đá bạc linh ứng đai vương (sắc bị rách không rõ tên làng, lưu ở Bảo tàng HT), và vị Lân thạch tôn thần ở Yên Điềm… theo lời nguyền, xưa trước cổng chùa Hương Tích (Hồng Lĩnh) có 2 hàng đá gọi đá chày, đá cối, tượng trưng cho thiện nam tín nữ…

Có thể đó là dấu vết tín ngưỡng dân gian nguyên thủy; tục thờ vật thiêng, tục thờ nỏ nường (Linga-Yoni) theo tín ngưỡng phồn thực xa xưa, được phản áng mờ nhạt qua tín ngưỡng phồn thực xa xưa, được phản ánh mờ nhạt qua tín ngưỡng thành hoàng và phật giáo.

Tín ngưỡng Thành hoàng rất đậm nét. Bất cứ làng xã nào cũng đều có đền miếu, Danh mục di tích ở Hà Tĩnh sau tổng kiểm kê năm 1984 của Bảo tàng Hà Tĩnh chỉ ghi 11 đền, đình, miếu ở Can Lộc.Theo bản thống kê của Phòng văn hóa huyện thì có khoảng 60 ngôi. Còn theo tài liệu của Thái Kim Đỉnh ghi chép từ thư tịch, khảo sát điền dã, và một số báo cáo của xã, thì có tới 239 ngôi, mà chắc vẫn thiết sót.

Thành hoàng làng rất đa dạng. Qua một số thần tích và sắc phong, thì ngoài các vị không rõ nguồn gốc, vị hiệu ghi chung chung, như Bản cảnh (hoặc Đương cảnh, hoặc Bản thổ) Thành hoàng đại vương… thì hầu hết Thành hoàng được thờ ở Can Lộc là:

Các vị thiên thần: Sơn lâm thánh mẫu (Bà Sơn, Bà Đại ngàn trong Tam tòa Thánh mẫu) ở miếu Biên Sơn, Phù Lưu; Cao Sơn đại vương ở các đền Yên Huy, Sơn Nê…;… Lộ quốc Bạch Y công chúa ở đền Thượng Xuân Mai v.v…

Các vị sơn thần: Linh nha sơn nhạc hiển ứng đại vương ở đền núi Nghèn, Trảo Nha; Đô nam nhạc đại vương ở đền Nội Thiên Lộc; Hung sơn đại vương ở đền Chi Lễ v.v…

Các vị thủy thần: Tam lang long vương (tức ba con rắn thần) ở các đền Ích Hậu, Hương Đình, Xuân Mai v.v…

Các vị Tổ khai cơ có công đức: Hồ quốc công ở đền Thượng Trụ, Tổ khai cơ làng Chi Lễ ở đền Thượng (hhung Sơn) v.v..

Các vị tổ sư nghề nghiệp: Thần tổ nghề buôn (?) ở Nguyễn Xá; Thần tổ nghề ấp vịt ở Quần Ngọc; Thần tổ nghề đúc lưỡi cày ở Vĩnh Hòa v.v…

Nhưng đông đảo nhất trong các Thành hoàng làng là:

Các vị anh hùng dân tộc: Đặng Quốc Công (Đặng Tất) và Đặng Bình chương (Đặng Dung) ở đền Tả Hạ; Cương Quốc công Nguyễn Xí ở đền Yên Điềm, đền Đỉnh Lự v.v…

Các vị danh thần, danh tướng: Tam tòa đại vương Lý Nhật Quang ở các đền Ích Hậu, Trảo Nha, Thượng Xuân Mai; Tô Đại Liêu (Tô Hiến Thành) và Quốc Phụ thượng tể (?) ở đền Bàn Thạch, Lý Đạo Thành, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư ở dền Ích Hậu; Sát hải tướng quân (Hoàng Tá Thốn) ở các đền Yên Điềm, Bàn Thạch; Đô đốc Kỳ quận  công ở điền Vĩnh Hòa; Nhị Nguyễn Đại vương (Nguyễn Cả, Nguyễn Hai) ở đền Yên Trí; Đô chỉ huy sứ Nguyễn Viết Phúc (Đô Lối) ở đền Thượng Lối; các Tiến sĩ Phan Phủ quân (Phan Ứng Toản) và Lê Phủ quân (Lê Trực) ở đền Dư Nại; Nhuận quận công Ngô Phúc Thiêm ở đền Nghiện Hùng (Trảo Nha); Phan Nguyễn Súy (?) ở đền Yên Huy…

Tứ vị Đại Càn thánh nương (mẹ con bà Dương Thái hậu nhà Tống) cũng được thờ ở một số làng như Yên Điềm, Yên Đồng….

Cùng với Thành hoàng làng, ở vùng núi, còn có miếu thờ các sơn thần như Hồng Sơn đại vương (miếu ở ngọn Hương Tích bên chùa Hương Tích), Ô trà sơn thần (tức miếu ông Sóc ở Ngoại Thiên Lộc) và ở vùng biển có miếu thờ cá voi (Nhân ngư tôn thần (miếu ở Yên Điềm)…

Nhiều nhân vật lịch sử có công với làng, với nước (như Bạch Ngọc hoàng hậu, chiêu dân lập ấp (ở Thường Nga), Giám sinh Trần Quang Hiền giúp dân đào mương đưa nước vào ruộng (ở Bát Trạc), ông thọ Phan đưa lúa gạo giúp quân vua Lê Thánh Tôn đi đánh Chiêm Thành qua đây (ở Thanh Lương); hoặc tiết phụ như bà Vạn (ở Mật Thôn), bà Phan Thị Thuấn (ở Trảo Nha); hoặc là văn thần võ tướng có công với triều đình (Kiêm quận công Lê Thế Tuấn ở Nga Khê; Hoàng giáp Võ Viêm ở Thổ Vượng, Tiến sĩ Hà Tôn Mục ở Tỉnh Thạch, các tiến sĩ – Quận công Dương Trí Trạch, Dương Trí Dụng ở Yên Huy, Ngô Cản Hoàn và Ngô Lượng ở Trảo Nha, Tiến sĩ Lễ quận công Nguyễn Văn Giai, Tiến sĩ Trần Đức Mậu ở Ích Hậu, Tào quân ông Ngô Phúc Vạn ở Trảo Nha, Thám hoa Phan Kính, Thám hoa Nguyễn Huy Oánh…ở Lai Thạch, La sơn phu tử Nguyễn Thiếp ở Nguyệt Ao v.v… đều được nhân dân địa phương dựng miếu thờ hoặc con cháu lập nhà thờ riêng, các tiến sĩ Hoàng Hiền, Nguyễn Cung, Thái Kính ở Kiệt Thạch cũng được nhând ân dựng bia ghi sự trạng ở thông Kỳ Thủy…

Như vậy, ngoài tín ngưỡng Thành Hoáng còn có tục thờ các thần tự nhiên và những người có công, có đức, có văn học, tước vị, được coi như lực lượng bảo hộ nhân dân.

*
*  *

Xứ Nghệ (Nghệ - Tĩnh ) xưa kia có tiếng lắm thần thiêng. Ở Can Lộc cũng lưu truyền chuyện về nhiều vị linh thần.

Nào là thời thuộc Đường, viên quan đô hộ Cao Biền dùng thuật phù thủy yểm trấn mạch đất ở Hồng Lĩnh, bị thần núi Sư Tử quở phạt, sai một con vật to như con trâu cắn vào chân đau điếng, làm hắn sợ hãi phải gỡ bỏ búa phép; nào là Tam lang Long vương giúp vua Lê Thánh Tôn dâng nước lên cho đoàn thuyền chiến vượt qua Kênh Cạn; nào là thần Linh nha ở rú Nghèn giúp Tào quận công Ngô Phúc Vạn bắt tướng nhà Mạc; nào là “Ông sóc” thần núi Ô Trà, giết con hổ dữ, cứu dân Can Lộc, Thạch Hà khỏi bị hại… Lại còn chuyejn hai đại vương họ Nguyễn - Con trai Thánh mẫu Liễu Hạnh – rất giỏi pháp thuật, khi mất, con cháu theo lời dặn đưa quan tài xuống thuyền, thuyền tự trôi về đến quê; chuyện ông Trần Hồ nhờ nuốt lông trâu thần mà giỏi bơi lặn, được vua Lê Thánh Tôn cho gọi là “Thám Hồ”. Lại nữa, Tiến sĩ Nguyễn Văn Giai được coi như thần sống, vì có “uy “ lớn, ai dám phạm đều bị quở! v.v…

Tuy nhiên, nhân dân thờ thần không phải chỉ vì sợ uy linh, mà cũng như thờ tổ tiên, ông bà, trước hết là để báo ân, để tỏ lòng tôn kính và để được bảo hộ, được phù trợ. Trong số Thành hoàng và các vị thần được thờ ở Can Lộc không thấy có ác thần, và rất ít thiên thần và thần tự nhiên, mà hầu hết là nhân thần. Đối với nhân dân, các vị đều có đức, có công với dân với nước, đáng tôn kính, tin cậy, là chỗ dựa về tinh thần, và có quyền năng giúp đỡ con người trong cuộc sống hàng ngày.

Thế nhưng trừ một số trường hợp rất hiếm hoi, như khi ốm đau, tai nạn phải cầu cúng, thì lễ bái ở đền miếu không phải của dân thường, mà là của kỳ hào, lý dịch và thủ từ. Do đó, với các vị thần, dân thường “kính mà xa” vậy.

*
*  *

Thiên Lộc – Can Lộc là vùng đất, ngoài đạo Nho thì các tôn giáo lớn khác Lão giáo, Phật giáo, Thiên chúa giáo, đều có cơ sở sớm hơn và ghi dấu đậm hơn nhiều huyện khác ở Hà Tĩnh, Nghệ Tĩnh.

Sách Đạo giáo nguyên lưu của An Thiền (TK XIX), trong phần Đại Nam Thiền học sơ khởi, viết về các nhà sư thời Hùng Vương (Hùng Vương Phạm tăng) như sau: Dưới thời Hùng Vương, khi dạo núi Quỳnh Viên, Chử Đồng Tử gặp một nhà sư tên là Phật Quang tại một túp lều. Nhà sư này gốc người Ấn, tuổi trên 40. Ông truyền cho Đồng Tử một cái nón lá và một cây gậy bảo đó là chìa khóa của mọi quyền lực thần bí. Đến lượt Đồng Tử truyền dạy đạo Phật cho Tiên Dung..

Chuyện Nhất dạ trạch trong sách Lĩnh Nam chích quái của vũ Quỳnh và Kiều Phú (TK XV) cũng kể như vậy. Sách này nói chuyện xẩy ra đời Hùng Vương thứ III, còn theo Ngọc phả Hùng vương thì lại là đời Hùng vương thứ XVIII.

Sách Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch (1757-1828) viết về núi Nam Giới (trước thuộc Thiên Lộc, từ đầu thế kỷ XX thuộc Thạch Hà) cũng chép Chử Đổng Tử và nàng Tiên Dung tu đạo ở đó, và cho biết núi này tức núi Quỳnh Viên. Thơ Lê Thánh Tôn có câu: “Danh Sơn do thuyết cổ Quỳnh Viên” (Ngọn núi nổi tiếng này còn kể chuyện Quỳnh Viên xưa). Tuy nhiên ông Bùi cho rằng: “Việc ấy là một việc hoang đường không nên tin”.

Thật vậy khó mà tin được đạo Phật đã được truyền vào đất Thiên Lộc, vào xứ Nghệ từ thời Hùng Vương. Hơn nữa chuyện Chử Đổng Tử lại là Tiên thoại chứ không phải là Phật thoại.,

Tuy nhiên, nhiều sách cổ cho biết Luy Lâu (Chùa Dâu, Hà Bắc) là trung tâm Phật giáo xớm nhất ở Đông Á, có từ đời Hán, đầu TK III, và ở Chiêm Thành, Phù Nam (nay là nam phần Việt Nam) Phật giáo cũng đã được truyền đến trước TK IV. Như vậy, ở xứ Nghệ không thể không có ảnh hưởng của tôn giáo này rất sớm.

Nhưng theo sách Đại Việt sử ký toàn thư thì đầu thế kỷ VII mới có một sự kiện liên quan: Ấy là năm Quý Hợi (603) đời Tuuy Văn đế, tướng Lưu Phương sang làm Giao châu, đạo hành quân tổng quản để đánh dẹp nhà Hậu Lý (571-603). Đến năm Ất Sửu (605) Phương được phong làm Hoan châu đạo hành quân tổng quản, đi đánh Lam Ấp. Thời gian này, Phương đóng quân trên vùng đất Hà Tĩnh bây giờ, được vua nhà Tùy sứ mang cho năm hòm xá lỵ của Phật Thích ca (?). Theo sách Cổ châu Pháp Vân Phật bản hành ngữ lục thì Phương xây tháp ở chùa Pháp Vân đặt một hòm xá lỵ, còn các hòm khác, phân phát cho các xứ Hoan, Ái.

Sách Đại Nam Nhất thống chí chép: Ngôi chùa Linh Vân ở xã Yên Trường “do Cao Biền đời Đường xây dựng” và NghệAn cổ tích lục thì chép huyện Cao Biền yểm trấn ở chùa Sư Tử trên Ngàn Hống bị thần núi quở phạt… (Cao Biền sang cai trị nước ta từ năm 864 đến năm 875).

Như vậy, chậm nhất là từ thời Tùy – Đường (thế kỷ VII-IX), ở châu Hoan, và ở núi Hồng Lĩnh thuộc đất Can Lộc bây giờ, đã có điểm đặt xá lỵ của Phạt, và một số ngôi chùa.

Theo sách Thiền uyển tập anh thì từ thời Tiền Lê (thế kỷ X) sư Ma-Hà (hay Ma-ha Ma-ra) gốc Chàm lấy họ Dương, tu ở chùa Quan Ái, từng du hóa ở Ái châu, Hoan châu, sư Tịnh Giới (tức Chu Hải Ngung -? – 1207) đời Lý từng tu hành ở chùa Quốc Thanh trên Bí Linh sơn (?) phủ Nghệ An; sư Hiện Quang tức Lê Thuần ? – 1120) từng tham bái và học với sư Pháp Giới trên núi Uyên Trừng, phủ Nghệ An và đắc đạo ở đây.

Vậy là từ đời Lý chùa Uyên Trừng tức chùa Dằng (nay thuộc xã Xuân Hồng, Nghi Xuân) đã là ngôi chùa lớn, nơi tu hành đắc đạo của nhiều vị thiền sư tiếng tăm trong nước.

Cùng thời với chùa Dằng, ở Can Lộc có chùa Nghèn (Ngạn Sơn tự) trên núi Nghèn, xã Trảo Nha. Sách “Hoan châu phong thổ ký của Tiến sĩ Trần Danh Lâm (1704-1777) có câu: “Giữa xã Trảo Nha chín nhận tháp cao chót vót”. Theo “Nghệ An cổ tích lục” thì Tháp ở xã Trảo Nha do vua Lý Thái Tôn (1028-1054) dựng. Xưa Thái Tôn vào Nam đóng quân ở đây, đêm mộng thấy đức Quan âm bồ tát ban cho y bát. Khi tỉnh dậy, vua sai dựng chùa, bên ngoài xây ngọn tháp cao hơn trăm thước. Tháp này có chín mặt, thường gọi là “Cửu diện tháp”. (Sách Nghệ An ký chép là “Tháp chín tầng” và cho biết tháp này đổ năm Cảnh Hưng thứ 35 (1774). Chính sử còn cho biết thêm: Vua Lý Thái Tôn, trên đường đi đánh Chiêm Thành đã qua đây hai lần, vào năm Tân Tỵ (1031”) và năm Giáp Thân (1044), và “năm Thiên thánh thứ tư (1031) ở Châu Hoan về, vua ra lệnh xây 950 ngôi chùa”. Chắc là chùa Nghèn cũng được dựng vào dịp này. Điều đáng chú ý nữa là có sách mô tả “trên núi Nghèn có ngôi tháp cao và mấy dãy nhà tranh”, mà không nói đến chùa. Như vậy chắc là chùa mới dựng sau… Đây là một chứng cứ rằng chùa Nghèn có từ đời Lý (chùa Lý chịu ảnh hưởng dòng Tiểu thừa, thường chỉ đặt một pho tượng - chủ yếu là tượng Thích ca, vào chỗ thờ chính. Vậy “Tháp chín mặt” chính là  Phật điện, đặt pho tượng duy nhất ấy (chứ không chứa xá lỵ như chùa đời Trần về sau).

Từ thời Lý - Trần, vua Hồng Lĩnh đã là một trung tâm Phật giáo quan trọng ở Nghệ Tĩnh với nhiều chùa chiền cổ kính, nhiều thiền sư tiếng tăm. Đời Lê-Mạc, chùa chiền càng phát triển. Tiến sĩ Trần Danh Lâm (1704-1777) viết trong bài Hoan châu phong thổ ký: “… Chùa Động Dang quang cảnh vui thay - Chùa Thiên tượng thanh tao khác tục – Một vùng cõi tĩnh, chùa Long Đàm gió mát trăng trong - Bảy chục nền xưa, chùa Sư tử yên hà dấu cũ - Chùa Am Đông nổi tiếng, bàn phật nguy nga - chùa Bạch Đế cảnh tiên, long cung đáy nước..” (bản dịch của Ngô Đức Thọ). Sáu ngôi chùa trên đều ở trên dãy Hồng Lĩnh. Theo các sách cổ thì trên triều núi Hồng, không kể ở các làng quanh núi, có tới 23 ngôi chùa. Ngoài sáu ngôi kể trên, còn có các chùa Phong Phạn, Liên Hoa, Đại Hùng, Hương Tích, Chân Tiên, Long Hội, Bồn Sơn, Báo Ân, Hoa Tàng, Linh Sơn, Yên Lạc, Cực Lạc, Tĩnh Lạc (Tứ Phổ). Lại còn có chùa Gạo, chưa rõ tên chính thức là gì. Như ta biết, chùa Hoa Tàng (chùa Dằng) có từ thời Lý, còn nhiều chùa khác được xây dựng đời Lý, Trần, trong đó có bốn ngôi chùa được người xưa xếp vào loại “Danh làm xứ Nghệ” là Hương Tích, Báo Ân, Long Đàm, Bạch Đế. Cùng với Hương Tích, Thiên Tượng cũng được coi là ngôi chùa tiêu biểu ở Hồng Lĩnh.

Phần lớn chùa trên dãy Hồng Lĩnh đều thuộc đất Thiên Lộc, Can Lộc, ngoài ra còn có trên hai mươi ngôi chùa làng (Đại Nam nhất thống chí chỉ ghi hai ngôi ở Can Lộc hiện nay – Hương Tích và Ngạn Sơn. Sách di tích danh thắng Hà Tĩnh ghi ba ngôi – Hương Tích, Chân Tiên, Minh Thịnh; còn tư liệu của Thái Kim Đỉnh ghi 86 ngôi). Ngôi chùa được coi là tiêu biểu nhất xưa nay ở Can Lộc và xứ Nghệ là chùa Hương Tích – “Hoan Châu đệ nhất danh lam”.Theo một số tài liệu cũng như câu thơ “Hương tích Trần Triều tự” của La Sơn phu Tử Nguyễn Thiếp thì chùa Hương Tích có từ đời Trần. Giáo sư Nguyễn Đổng Chi và Phó giáo sư Nguyễn Du Chi cũng phát hiện được gạch nung đời Trần ở đây. Nhưng vẫn có ý kiến cho rằng chùa Hương Tích có thể được thành lập sớm hơn, từ đời Lý (?).

Đầu đời Lê, Nho giáo lấn át hẳn Phật giáo, nhất là dưới triều Thánh Tôn, triều đinh hạn chế việc lập chùa chiền và bắt nhiều sư sãi hoàn tục. Từ đời Mạc về sau, có sự nới rộng của nhà nước, Phật giáo lại có phần phát triển, chùa chiền được xây dựng thêm nhiều, và ngày càng có nhiều người xuất gia tu hành. Ở Nghệ Tĩnh, ở Thiên Lộc - Can Lộc cũng vậy, số chùa nhiều nhất là chùa làng, hiện nay ta còn được biết, đều được xây dựng hoặc tôn tạo, số chuông được đúc thêm, hầu hết là dưới các triều Mạc, Lê-Trịnh, Tây Sơn và triều Nguyễn, từ giữa TK XVI đến đầu thế kỷ XX.

Tuy có nhiều chùa chiền, nhưng sách Đại Nam nhất thống chí lại viết về Nghệ An: “Đất xấu dân nghèo, tập tục cần kiệm, nhà nông chăm chỉ ruộng nương, học trò ưa chuộng học hành, không mê đạo Phật (không có chùa quán lớn, không làm chay, làm tiếu linh đình), chỉ thờ thánh Khổng Tử (từ phủ, huyện đến xã, thôn đều có văn chỉ) rất kính cẩn việc thờ thần…”. Dương Tử Mỹ (Dương Thúc Hạp) trong sách Nghệ Tĩnh sơn thủy vịnh cũng viết về Hà Tĩnh: “… Tuy có những chỗ danh lam, nhưng cũng bỏ đó mà ít lễ bái”.

Các sách trên đây đều viết vào đời Nguyễn. Rất tiếc là đến nay ta chưa thấy tài liệu nào nói rõ về thái độ của dân chúng vùng núi Hồng (Mmột trung tâm Phật giáo thời Lý - Trần-Lê-Mạc ở xứ Nghệ) đối với đạo Phật thời ấy.

Nhưng ta có thể thấy rằng, nhân dân rất kinh sợ thần linh vì thần là người bảo họ có uy lực, có thể ban phúc hoặc giáng họa cho con người. Còn đức Phật đối với dân thường, chỉ là ông Bụt – bà Bụt trong quan niệm dân gian, có lòng từ bi cao cả, hay cứu giúp người khi hoạn nạn, khó khăn, nhất là người nghèo, người ăn ở phúc đức. Ai cũng kính trọng Phật, kính trọng các nhà tu hành, nhưng không đến chùa cúng lễ, không có tổ chức phật tử, thiện nam tín nữ, không biết kinh kệ… người ta chỉ đến chùa khi có lễ hội với mục đích vui chơi hay trong ngày trung nguyên, tham gia lễ thí thực, “cướp cỗ (cô) hồn” lấy khước, hoặc khi “hữu sự”, thường là đi cầu tự. Đến nay, người ta còn kể lại chuyện một chúa Trịnh, một ông Hiệp trấn họ Trần từng cầu tự ở chùa Hương Tích, hay có câu ca về chuyện cầu tự ở chùa Thiên Tượng: “Có chồng mà mượn (muộn) con, - Lên chùa Thiên Tượng đã mòn gót chân”….

Song khi xây dựng, tu sửa chùa hay đúc chuông, dựng bia thì mọi người đều sẵn sàng quyên cúng theo khả năng từng nhà.

Tuy vậy dân gian cũng có những chuyện châm biếm sư sãi như chuyện “Sư bị của kẹp”, chuyện “Ông bu ga, ông ba lạt”…

Thời xưa, các nhà nho đều thông hiểu, nhiều người rất uyên thâm Phật học, thường thích qua lại, thăm thú các chùa. Tà còn được biết Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm, Thám hoa Nguyễn Oánh, Tiến sĩ Trần Công Soạn… từng du ngoạn các danh lam trên Ngàn Hống và để lại những bài thơ vịnh chùa Hương Tích, chùa Thiên Tượng.. Nguyễn Nghiễm còn là tác giả của bài văn bia chùa Viên Quang (Nghi Xuân); Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác thì đến các chùa Tượng Sơn (Hương Sơn), Sơn Quang (Dũng Quyết), La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp thì qua lại các chùa Nam Ngạn, Ân Quang (ở La Sơn) và chùa Hương Ngàn Hống.. đàm đạo với các vị sư hoặc ngâm vịnh. Nguyễn Du có nhiều người bạn là thiền sư, và đã viết cho nhà chùa bài văn nổi tiếng Tế thập loại chúng sinh…

Về sau, các nho sĩ bình dân ít hiểu biết Phật học, ít quan tâm đến Phật giáo, tuy lẻ tẻ cũng có người đến chùa vãn cảnh, làm thơ. Một số người cũng tham gia những ngày lễ ở chùa làng cùng với các hương hào chức dịch, một số người sảo khả, cũng như dân thường có đóng góp dâng cúng cho nhà chùa.

Tuy chưa có điều kiện khảo cứu sâu hơn, nhưng xin lưu ý là phật giáo lưu truyền ở Nghệ Tĩnh hình như mang đậm dấu vết của Phật giáo Việt cổ (Phật - tiên - Thần, sơn môn Dâu) và Phật phái Mật tông, pha tạp Phật giáo, Đạo giáo, và tín ngưỡng dân gian.

*
*  *

Đến nay chúng ta chưa có cứ liệu để xác định Đạo giáo du nhập vào Thiên Lộc, Hà Tĩnh từ bao giờ, nhưng chắc chắn cũng không sau Phật giáo.

Ở Hà Tĩnh, ngoài truyền thuyết Chử Đồng Tử tu tiên ở Quỳnh Viên còn có ngôi đền thờ Thái thượng lão quân ở rú Ranh (Quỳ Sơn - xã Yên Lạc), và ở làng biển Kỳ Anh rước thần Độc cược về làm lễ cầu yên.

Lão quân, thường gọi Lão tử, tên là Lão Đam (605-523 TCN) là người sáng lập đạo Lão, về sau bị biến dạng thành Đạo giáo – tức Đạo thần tiên, phù thủy… Thần Độc cước (một bản chân) là vị thần nổi tiếng ở bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa). Nhà phù thủy thường thờ Lão quân, thần Độc cước  hoặc Phật bà Quan âm.

Hà Tĩnh cũng là nơi in đậm các truyên thuyết về bà chùa Liễu Hạnh và tư Nghi Xuân vào Kỳ Anh, từ Đức Thọ lên Hương Khê có rất nhiều đền miếu thờ Tam tòa Thánh mẫu, hoặc thờ riêng bà chúa Liễu Hạnh (có nơi với vị hiệu Mã Vàng công chúa), bà chúa Đại Ngàn  (cũng gọi bà Chúa Sơn), bà Chúa Thủy (còn gọi Bạch y công chúa). Ở miếu Tam tòa Thánh mẫu (Tam phủ) thường có ba pho tượng; Tượng đặt chính giữa, áo đỏ là mẫu Địa sau là mẫu Liễu, một bên là tượng mẫu Đại ngàn, áo xanh; bên kia là tượng mẫu Thoải (Thủy), áo trắng. Ở đây không thờ Tứ  phủ (thêm mẫu Thiên) như ở Bắc bộ, mà chỉ thờ Tam tòa (tức Tam phủ)(1). Thờ Mẫu (đất-rừng-nước) là tục, có thể nói là đạo của người Việt cổ. Nhưng hiện nay ta chưa có cứ liệu để xác minh tục thờ Tam tòa Thánh mẫu ở Hà Tĩnh, là do người Việt cổ bản địa truyền lại, về sau mới thờ bà chúa Liễu và đồng nhất vị này với mẫu Địa, hay là mới du nhập vào đây từ đời Lê. Điều dễ nhận là việc thờ cúng mẫu Liễu mang nặng yếu tố Đạo giáo…

Ở vùng núi Hồng Lĩnh thuộc Thiên Lộc - Can Lộc -, xưa đã có truyền thuyết Cao Biền là một phù thủy cao tay, thường cưỡi diều giấy đi tìm mạch đất để yếm trấn linh khí nước Nam trên ngọn Sư Tử…

Về bà chúa Liễu, vùng này có nhiều câu chuyện, nhưng đặc biệt, thần tích đền Nhị Nguyễn Đại Vương ở Yên Trí (nay thuộc xã Phúc Lộc) chép, đại ý: Có người học trò quê ở làng này là Nguyễn Phán gặp Liễu Hạnh công chúa giữa vùng núi biếc khe xanh, cùng xướng họa rồi thành vợ chồng. Ồng bà sinh được hai con trai đặt tên là Nguyễn Cả, Nguyễn Hai. Nguyễn công thi đỗ, được vào hàn uyển. Nhưng rồi tiên mẫu về trời, ông buồn rầu từ quan về quê quán nuôi nấng, dạy dỗ các con, lúc này mới 6-7 tuổi. Khi lên 16-17 tuổi hai chàng trai thông tuệ hơn người, đều làu văn, giỏi võ. Năm Tân Mão nên hiệu Hồng Đức thứ 2 (1471) Lê Thánh Tôn đi đánh Chiêm Thành qua đây, xuống chiếu cầu nhân tài. Hai chàng trai xin cha cho ra ứng mộ, rồi vào vùng Đồng Trại núi Thường Lạc (trong Ngàn Hống) hòng phục được hai con voi trắng, đến bái yết, được nhà vua cho làm tướng tiên phong. Thắng trận trở về, hai chàng được phong đại tướng quân. Tiên mẫu trở lại, ban cho các con mỗi người một thanh kiếm và một bộ binh thư. Hai người đào một hồ lớn dài trăm trượng, ngày ngày ra luyện tập thủy chiến. Triều đình được tin sợ hai chàng có dị chí, bèn triệu ra biên ải, đời đời làm phiên thần, không được về quê…Về sau, hai anh em cùng mất một giờ… Theo lời dặn, thân nhân đặt hai chiếc quan tài xuống thuyền, đặt trên một chiếc tráp, trong có giấy ghi rõ họ tên, quê quán… hai người quá cố, rồi thả cho thuyền trôi theo dòng nước. Chiếc thuyền trôi về đến cửa Động Gián thì dạt vào bờ. Dân địa phương ra xem, biết được, bèn báo tin cho dân làng Yên Trí rước quan tài về mai táng ở núi Thường Lạc… Về sau hai vị hiển linh được nhân dân lập đền thờ ở làng quê, và ở Động Gián (nNghi Xuân), nơi chiếc thuyền dạt vào cũng có một ngôi đền thờ (đền Bạch Thạch). Năm Đinh Hợi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 18 đời Lê Hiển Tôn (1757), đền ở Yên Trí được ghi vào tự điển, hai vị được phong Trung đẳng thần. Nhưng khi rước sắc qua phố, bão tố làm náo động kinh thành, triều đình cho đó là hai vị thần bất bình, bèn gia phong làm Thượng đẳng thần. Đám rước sắc về qua đền Phố Cát (Thanh Hoa), nơi thờ bà chúa Liễu, thì Thánh Mẫu hiển ứng, cho một đôi mâm chạm rồng về thờ… (theo sách Thiên Lộc huyện chí)(1)

Một câu chuyện khác về bà chúa Liễu: Sau hai lần thi hội không đỗ, ông Cống trẻ Phan Kính trở về quê Vĩnh Gia ôn luyện, chờ khoa sau. Năm đó ông 26 tuổi.,. Một đêm ông ngồi đọc sách bên áng thư, bỗng có một người con gái đẹp đến bên, tự xưng là Ngọc Nữ vốn cùng ông có túc duyên, nay vận mệnh Thượng đế đến giúp ông học tập. Từ đố cứ dăm ba đêm nàng lại đến một lần, cùng ông đàm đạo kinh sử, xướng họa thi ca. Có hôm, đọc bài thơ “Nghiêu nữ Thuần thiếp” của ông, có câu “Nguyệt lãng bình dương song lộng ngọa-Phong huân vi nội tịnh điều huyền”, nàng bèn chữa lại là “Mao già tất hạ hoa song phát - Cầm chấm khuê trung nguyệt tịnh huyền”.  Ông rất bái phục.. Nàng còn cho ông biết trước việc thi hội, thi đình của ông sau này sẽ ra sao… Mọi điều đều linh nghiệm.

Người con gái ấy chính là bà chúa Liễu (Can Lộc huyện phong thổ ký chép theo Phổ ký).

Vùng thượng huyện Thiên Lộc, đời Lê từng có nhiều nho sĩ ở ẩn, như giám sinh Trần Quang Hiển, ở Bạt Trạc, Hương cống Hoàng Dật (nguyên người Bình Thọ- La Sơn) vào ở Gia Hanh.. lại có Trần Uông ở Đông Lâm đi tu tiên. Ông là dòng dõi thế gia, thi đỗ tam trường, nguyên người làng Quảng Khuyến, sau mời dời vào Đông Lâm. Lúc trẻ ông làm bạn với Phạm Viên ở Đông Thành, cùng tu tiên. Sau khi đắc đạo, Phạm Viên đi đâu không rõ. Trần Uông bèn về quê lấy gió mát, suối trong làm vui. Việc gì xẩy ra ông cũng đều biết trước. Có một hôm ông đến nhà thờ lấy bài vị đi đâu không ai rõ, đêm ấy nhà thờ cháy. Hôm sau ông mới đưa bài vị về. Người nhà trách sao ông không cho biết trước, ông bảo: “Cháy hay không là mệnh trời, nói trước nào có ích gì!” (Theo Thiên Lộc huyện chí).

Ở làng Tràng Lưu, có Nguyễn Thị Hộ, con gái Nguyễn Công Ban 91630-1711) tu tiên đắc đạo, được tôn là Đệ nhất thiên thai quý nhân Thạch sơn tiên mẫu. Ngôi miếu thờ Nguyễn Công Ban của con cháu họ Nguyễn Huy sau thờ bà, và được coi là đền thờ Tiên mẫu của làng. Dân trong vùng thường đến cầu tiên và trở thành đệ tử của bà. Hàng năm dân làng cúng giỗ bà vào ngày rằm tháng ba âm lịch.

Họ Ngô ở Trảo Nha có nhiều người theo Đạo giáo, tiêu biểu nhất là Ngô Phúc Vạn (1577-1652), con Tứ quận công Ngô Phúc Tịnh, cháu nội Thể quận công Ngô Cảnh Hựu. Ông còn có tên là Phúc Mại, tự Tử Hãn, được phong đến Thái bảo Tào quận công. Gia phả chép: Ông đọc rộng, ngoài kinh truyện, thiên văn, địa lý, bói toán, lại được Hoàng quân đạo sư truyền phép thuật tu hành, được coi là phật, thường gọi là “Thái bảo Bụt”. Cuối đời, ông xây am Phúc Quy, để 30 mẩu ruộng cúng Tam tài phủ quân (?), tự đặt hiệu là Huân Dương chân nhân. Bài văn bía am Phúc Quy viết: “Thường nghe nói đạo truyền lại phải có gốc. Những kẻ học đạo ai là người nhận được chân truyền chính pháp đây?. Xem chỉ có chân nhân tên là  Phúc mỗ… Chân nhân… mang chất tố của âm dương, trời đất, sông núi, trăng sao hun đún, nên vè linh tú của Người khác thường, có tiên phong đạo cốt, cử chỉ chính đại quang minh, hiểu rộng học nhiều, thành kinh hiền truyện đều đến độ tinh diệu, binh thao tướng lược đều đạt đến độ cao sâu. Năm vừa mới lớn, gặp được Hoàng quân tôn sư luyện phép bùa chhus ở đan đài. Mỗi khi nghe bàn về đạo học, cõi tâm linh như được rộng mở… Chí sâu biết đền đáp, công thần biết gọn gôm, sáng suốt hơn người, biết thế nào là đủ. Rõ đạo người quân tử, giữ trọn được thân. Nhớ đến lời hẹn xưa cùng Hoàng Thạch vui vầy với cảnh núi xanh. Với mảnh đất lành này, bầu trời riêng biệt. Trông đầu ngọn núi, hình dung ra cánh phượng long. Nhũ đá trong hang trông ngỡ con rùa đang bò trên gò. Phảng phất hương thơm bên mình đều là cỏ lạ chi lan. Nhảy nhót đẹp sao, trân cầm bảo thú. Rõ ràng là một thế giới thần tiên. Dựng ngôi gác quý, trên thờ Tam tài phủ quân, giữa thờ các bậc tôn sư, đặt cỗ chay cúng vào những ngày sóc vọng. Để 30 mẫu ruộng tốt dùng vào hương khói quanh năm. Giao cho hơn mười ngày chay tịnh trông nom việc này. Tự hiệu là Huân Dương chân nhân. Còn giảng giải về đạo, muốn góp phúc cho nước nhà, phúc cho muôn dân, phúc cho con cháu, phúc cho nòi giống, nên đặt tên cho am là Phúc Quy… Chân nhân gia truyền y bát, nhà lắm người tài giỏi, “ở nơi rộng rãi trong trời đất, đứng nơi ngay thẳng trong thiên hạ, làm những việc mà mọi người cho là hay, là phải”. Đạo đức cao vời, dáng vẻ trang nghiêm nhưng lại vui với cảnh thần tiên đao giáo…” (Theo “Hoan châu Thạch Hà Trảo Nha Ngô tộc truyền gia tạp lục” của Tiến sĩ Ngô Phúc Lâm (soạn năm Mậu Thìn,17848 - bản dịch của Ngô Đức Thắng),

Truyền gia tạp lục còn chép về Nhuận quận công Ngô Phúc Thiêm (1628-1661) con trưởng Ngô Phúc Vạn: “… Biết phép thuật Đạo gia, nghe ở Thiên trù có pháp sư, sai người đến xin học. Pháp sư khuyên không nên theo, bèn đi tìm thầy khác mà học. Khi về đến châu Hoan, ngồi trên lầu cao xem xét, có thần binh vạn đội, hàng ngũ chỉnh tề, đi trên đường lớn, hoặc tập trận, hoặc về dinh, đi đứng rất đàng hoàng. Hàng đêm cắm cờ đốt đuốc, luyện tập như thường…”. Khi mất, linh ứng, xưng là Thiên cương đại tướng quân, đốt miếu thần làng Hùng Ngạn, được thờ làm  Phúc thần”.

Các tài liệu trên đây là chứng cứ để khẳng định, là dưới triều Lê, Đạo giáo rất thịnh hành ở Thiên Lộc. Ở Hà Tĩnh không có huyện nào như ở đây, có các nhà nho ở ẩn hay tu tiên, các nhân vật tiếng tăm như những người họ Ngô, học và thực hành các pháp thuật phù thủy.

Trong dân gian đạo giáo hòa đồng với tín ngưỡng cổ đại và Phật giáo Mật tông. Một số gia đình có bàn thờ Phật Quan âm, Lão quân hoặc Thánh mẫu Liễu Hạnh… Vào dịp tết trung nguyên hoặc khi hữu sự (hỏa hoạn, dịch tể, ốm đau…) các chùa, các làng xã và nhiều gia đình mời tăng ni hay pháp sư về lập đàn, làm chay cầu yên, hay làm phép trừ yêu, trừ quỷ… Ở Phan Xá (Hậu Lộc) ngày trước có thầy Hường là một phù thủy nổi tiếng. Việc diễn trò phương tướng trong đám tang cũng có nguồn gốc xa gần từ Đạo giáo.

Cho đến trước Cách mạng tháng 8-1945, hiện tượng này mới nhạt dần.

*
*   *

Theo sách Thông giám cương mục thì đạo Thiên chúa vào Việt Nam từ đầu niên hiệu Nguyên hòa đời Lê Trang Tôn (1533). Năm 1659, Tòa thánh Vatican cho thành lập hai Giáo phận Đàng Trong và Đàng Ngoài. Năm 1679 Giáo phận Đàng Ngoài tách làm đôi, thành hai Giáo phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội) và Đông Đàng Ngoài (Hải Phòng). Nhưng mãi đến cuối thế kỷ XVIII hay đầu thế kỷ XIX, tôn giáo phương Tây này mới vào đến Hà Tĩnh. Năm 1846 Giáo phận Tây Đàng Ngoài tách làm hai, Tây Đàng Ngoài và Nam Đàng Ngoài, mà tư năm 1924 mới gọi là Giáo phận Hà Nội và Giáo phận Vinh.

Khi Giáo phận Nam Đàng Ngoài, tức giáo phận Vinh thành lập (1846) thì ở Hà Tĩnh đã có 7 giáo xứ, riêng Can Lộc mới có giáo xứ duy nhất là Trại Lê (lập khoảng 1834), bao gồm cả các giáo xứ Tam Đa, Tràng Đình, Tiếp Võ, Kim Lâm và Tân Thành ngày nay, với 1709 giáo hữu, và vị linh mục đầu tiên là Thánh Khanh (Saint Phêro Hoàng Khanh, người Hòa Duyệt Nghệ An, năm 18919 thụ phong linh mục ở Thọ Kỳ (Thọ Ninh), phụ trách xứ Trại Lê 7 năm – sau được phong Thánh). Từ giáo xứ này, tách ra thành giáo xứ Tràng Đình (1903) và giáo xứ Tam Đa (1937). Từ giáo xứ Tràng Đình lại tách ra thành các giáo xứ Tiếp Võ (1914- nay thuộc thị xã Hồng Lĩnh), Kim Lâm (1927) Tân Thành (1936).

Hiện nay trên đất Can Lộc có 5 giáo xứ thuộc hai giáo hạt Văn Hạnh (Thạch Hà) và Nghĩa Yên (Đức Thọ).

1. Giáo xứ Trại Lê (xã Quang Lộc) nay thuộc giáo hạt Văn Hạnh (xã Thạch Trung – Thạch Hà) có 14 họ: Trại Lê, Phương Mỹ, Bình Hòa, Mỹ Hòa, Tân Thủy, Văn Định, Thịnh Lạc, Kẻ Lịch, Đồng Nghĩa, Tân Thành, Đông Bàn, Sơn Thủy, Mỹ Thủy, Vĩnh Long (thuộc Can Lộc, Thạch Hà) với số giáo dân năm 1939: 1771, năm 1945: 1.977 và năm 1996: 7.484.

2. Giáo xứ Tam Đa (xã Quang Lộc) lập năm 1937, tách ra từ giáo xứ Trại Lê, nay thuộc giáo hạt Văn Hạnh, chỉ có một họ Tam Đa với số giáo dân năm 1939: 737, năm 1945: 849; và 1996: 1316. Vị phụ trách đầu tiên là linh mục Ngân (1937-1953).

3. Giáo xứ Tràng Đình (xã Yên Lộc) lập năm 1903 tách từ giáo xứ Trại Lê, nay thuộc giáo hạt Nghĩa Yên (xã Đức Yên, Đức Thọ) có các họ Tràng Đình, Yên Mỹ, Yên Cài, Kim Long với số giáo dân năm 1939: 467; năm 1945: 584; năm 1996: 2.568. Vị phụ trách đầu tiên là linh mục Kiên (1903-1913).

4. Giáo xứ Kim Lâm (Cự Lâm, xã Vượng Lộc) lập năm 1927, tác từ giáo xứ Tràng Đình nay thuộc giáo hạt Nghĩa Yên có các họ Kim Lâm (hay Kim Loan, Cự Lâm), Tân Lập, Văn Thọ, Vĩnh Lộc với số giáo dân năm 1939; 463; năm 1945: 559, năm 1996: 3.119. Vị phụ trách đầu tiên là linh mục Hiên (1927-1931).

5. Giáo xứ Tân Thành (Nam Huân nay Trại Cày, xã Nhân Lộc) lập năm 1936, tách từ giáo xứ Tràng Đình, nay thuộc hạt Nghĩa Yên, chỉ có một dòng học Tân Thành (Nam Huân hay Trại Cày) với số giáo dân năm 1939: 469; năm 1945: 509; năm 1996:2.436. Vị phụ trách đầu tiên là linh mục Hạp (1936-1942).

Can Lộc là vùng đất mà đạo Thiên chúa vào khá sớm so với nhiều huyện ở Hà Tĩnh, nhưng sự phát triển của tôn giáo này chậm chạp, hạn chế.

Năm 1846, khi lập giáo phận Vinh, với một giáo xứ Trại Lê, ở Can Lộc có 1.709 người theo đạo, thì đến năm 1945 với 6 giáo xứ (Trại Lê, Tam Đa, Tràng Đình, Tiếp Võ, Kim Lâm, Tân Thành) cũng chỉ có 5.002 giáo dân, như vậy trong 99 năm, số giáo dân cũng chỉ tăng lên 2,9 lần. Hơn nửa thế kỷ sau nữa, năm 1996, số giáo dân toàn huyện (lúc này Tiếp võ đã chuyển về Thị xã Hà Tĩnh và xứ Trại Lê có mấy họ thuộc Thạch Hà không tách ra được, cũng chỉ có 16.923 người, tăng 3,37 lần so với năm 1945, và chiếm khoảng 10% số dân. Hầu hết số giáo dân đều là con cháu những gia đình có đạo từ trước, còn số người mới nhập đạo không có bao nhiêu.

Suốt trong quá trình lịch sử chỉ có một bộ phận ít ỏi mùa quáng nghe theo bọn phản động, chống lại Tổ Quốc, còn tuyệt đại bộ phận giáo dân đều kính chúa yêu nước. Nhất là sau Cách mạng tháng 8 lại nay, giáo dân cũng như các hàng giáo phẩm đều ủng hộ và tham gia tích cực hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, và ngày nay đang góp sức xây dựng quê hương, đất nước.

 

(1) Cần phân biệt Tam tòa Thánh mẫu với Tam tòa đại vương tức Lý Hoảng (Nhật Quang), hoàng từ đời Lý, cũng được nhiều nơi thờ.

Ngoài Tam tòa thánh mẫu, ở Nghệ Tĩnh còn thờ Tứ vị, thánh nương (không phải tứ phủ) là mẹ con bà Dương Thái hậu nhà Tống, thường gọi là Thánh mẫu Đại Càn. Người Minh Hương ở đây còn thờ bà Thiên hậu thánh mẫu, vị thần biển họ  Lâm ở Phúc Kiến. Một số nơi còn thờ thần sông, như Tiêm Giang thánh mẫu.

(1) Ở Yên Trí nay vẫn còn hai ngôi mộ và phế tích đền thờ nhị Nguyễn Đại Vương – Đền Bạch Thạch nay vẫn còn, vừa được sửa lại (ở cạnh đường 22-12 từ Can Lộc ra Nghi Xuân)


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 1.882.513
    Online: 16
    ipv6 ready