DI CHỈ KHẢO CỔ RÚ NGHÈN
Hà Tĩnh từng đóng góp vào lịch sử khảo cổ Việt Nam một nền văn hóa - Văn hóa Thạch Lạc cách đấy 4000-5000 năm. Nhóm di tích khảo cổ thuộc hậu kỳ thời đại đá mới này được phân bố nhiều nơi, tập trung nhất là vùng ven biển Hà Tĩnh, từ Nghi Xuân đến Cẩm Xuyên. Đồng thời, nó cũng có những loại hình khác nhau mang đặc trưng từng địa phương riêng biệt. Di tích khảo cổ rú Nghèn được đặt trong khuôn khổ ấy, nó cung cấp nhiều tư liệu có giá trị nghiên cứu thời kỳ tiền sử ở Hà Tĩnh cũng như trong cả nước: Lớp
Di chỉ rú Nghèn thuộc thôn Nam Sơn thị Trấn Nghèn, huyện Can Lộc được phát hiện cuối năm 1976 – Di chỉ nằm phía đông nam chân rú Nghèn, độ dốc thoải 20o cao hơn mặt nước biển 4 m va cách sông Nghèn 1 km về phía đông.
Trong một hố đào nhỏ rộng 2m2 (2mx1m) nằm xác định nội dung văn hóa của di chỉ, được biết: Lớp trên cùng là đất canh tác sâu 15 cm, màu vàng lẫn nhiều rễ thực vật, không có hiện vật khảo cổ. Lớp thứ hai dày 20cm đất màu nâu lẫn sỏi sạn, phát hiện nhiều mảnh gốm và đồ đá. Lớp thứ 3 dày 35 cm đất màu vàng nâu chứa nhiều mảnh gốm vỡ. Lớp dưới cùng là đát cát màu vàng lẫn đá cuội không có dấu vết các di tích khảo cổ. Tuy trong hố đào nghiên cứu chỉ tìm thấy một chiếc rìu đá mài, nhưng tìm nhặt trên mặt đất xung quanh có tới 10 chiếc rìu khác và 2 bàn mài bằng sa thạch, còn lại các dấu vết mài rãnh sâu và mài lõm vát lòng chảo trên mặt đá.
Rìu đá có nhiều loại kích thước khác nhau, nhưng đều măng đặc điểm chung là chế tác từ đá trầm tích màu xanh xám, minh và cứng. Dáng rìu gần hình thang không có vai, lưỡi rộng và cong, đốc hẹp vát mỏng, rìu mài toàn thân nhưng không hết các vết nghè đẽo, tiết diện cắt ngang hình bầu dục dẹt. Kích thước trung bình của rìu đá dài 7,5 cm, rộng 4,3 cm và dày 1,7 cm. Kỹ thuật chế tác đá đạt đỉnh cao nhưng về mỹ thuật lại ít được chú ý nên các công cụ đá đều có dáng thô, mài không kỹ và nhất là rất hiếm thấy các loại hình trang sức. Đó cũng là đặc điểm chung của các di tích hậu kỳ thời đại đá mới ở Hà Tĩnh.
Đồ gốm chỉ phát hiện ở các mảnh vỡ của các đồ đựng và sinh hoạt, chất liệu hơi thô, xương gốm màu nâu và nâu xám, áo gốm nâu đỏ. Loại hình gốm phổ biến miệng loe cong, mép miệng cuộn tròn, chân đế choãi và thấp. Kỹ thuật chế tạo bằng bàn xoay thủ công, hoa văn trang trí đơn giản phổ biến là văn thừng thô.
Tầng văn hóa và các di vật bằng đá và gốm tìm được ở di chỉ rú Nghèn cho thấy một trình độ phát triển khá cao của kỹ thuật cũng như đời sống kinh tế - xã hội của cư dân nguyên thủy rú Nghèn, tạo tiền đề cho bước tiến mới của thời đại văn minh, thời đại đồ đồng. Di chỉ rú Nghèn thuộc loại hình cồn đất ven đồi phân bố vùng ven biển Hà Tĩnh giống hệt di chỉ rú Nài (thị xã Hà Tĩnh). Đó là loại di chỉ có một tầng văn hóa cấu tạo bằng đất lẫn sỏi tồn tại song song và cùng niên đại, cùng tính chất văn hóa với các loại hình cồn cát ven biển như Phôi Phối (Nghi Xuân), Thạch Tiến (Thạch Hà) hoặc loại hình cồn sò điệp Thạch Lâm, Thạch Lạc, Thạch Vĩnh (Thạch Hà)… Các di chỉ này tạo nên sự phong phú về số lượng, đa dạng về các hình loại di tích khảo cổ cuối thời đại đá mới ở Hà Tĩnh, cuốn hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu khảo cổ học, đặt ra một khả năng to lớn cho phép nghiên cứu nhiều mặt trên địa bàn mà địa phương khác không thể có được.
_______
* Bài của Trần Hồng Dần, cán bộ khảo cổ học.
CHÙA HƯƠNG TÍCH
HOAN CHÂU ĐỆ NHẤT DANH LAM
Để chạm hình tượng tiêu biểu của danh sơn Hồng Lĩnh tên “Anh đỉnh” (một trong 9 đỉnh đồng ở Nội thành Huế, đúc năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), các nghệ sĩ đã chọn cảnh động Hương Tích.
Hương Tích động, Hương Tích phong là gọi theo tên ngôi chùa cổ ở đây – Hương Tích tự - Hoan châu đệ nhất danh lam. “Hương Tích” nghĩa đen là chứa mùi thơm. Sách vở giải thích là “do đi quanh am, chùa, nghe phảng phất mùi thơm”, hay “do nước con suối ở đây uống thơm ngon, được gọi là hương tuyền”. Thật ra Hương Tích là mượn điển tích trong kinh nhà phật: Hương Sơn là ngọn núi ở bắc Tuyết sơn trong dãy Hymalaya (Ấn Độ), nơi xưa kia đức Phật tư khổ hạnh. Ở Trung Quốc có 6 nơi và ở Việt Nam có 2 nơi lấy tên Hương Sơn – Hương Tích (Hà Tĩnh và Hà Đông).
Chùa Hương Ngàn Hống dựng đời Trần có thể đồng thời với chùa Yên Tử (Quảng Ninh) thế kỷ XIII. Qua những biến thiên lịch sử, cảnh cũ đổi thay nhiều. Trong chuyến lên thăm chùa năm 1974, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp ghi lại trong thơ:
“Hương Tích Trần triều tự,
Hồng Sơn đệ nhất phong.
Di am không bạch thạch,
Cố chỉ đãn thanh tùng…”
(Hương Tích ngôi chùa đời Trần
Dựng trên ngọn núi đẹp nhất Ngàn Hống.
Am cũ chỉ còn lưu lại đá trắng
Nền (Trang Vương) xưa chỉ còn bóng thông xanh
Du khách đi qua đất Hữu Thiên Lộc (nay là xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc) thì bắt đầu bước chân lên đường núi. Qua khe Đá Bạc, theo dốc leo lên, lối đá mấp mô, có chỗ phải vịn cây níu đá mà đi, đúng như câu thơ của Nguyễn Nghiễm viết thế kỷ thứ 18 (dịch): Níu đá vin cấy tới đỉnh chùa. Đến đây xanh rợp một vùng rừng thông, rừng trúc, rừng mai bao quanh quần thể kiến trức và di tích cổ kính. Chùa gồm hai tòa: tòa trong và tòa ngoài, am Thánh Mẫu, đền Thiên Vương, nền Trang Vương, nhà tăng… Trước cửa chùa, đá mọc thành 2 hàng bên lối đi có hình chày, cối, tượng trưng cho thiện nam tín nữ….
Sách “Thiên Lộc huyện phong thổ chí” của Lưu Công Đạo viết năm Tân Mùi (1811) đời Nguyễn Gia Long mô tả:
“Trên đỉnh núi có bức thành đá, bên thành đá có 99 cái nền, cái nào cũng ghép bằng đá mài đẽo trơn phẳng gọi là nền Trang Vương…ở trước cửa thành có 2 cây thông đứng đối xứng nhau, cây nào cũng to lớn đến năm sáu sải tay ôm, cao đến chừng 20 trượng, bóng nhâm che kín một mẫu đất, vỏ cây xanh đen, rắn chắc như sắt, trông như vách đá cổ. Dưới chân thành chừng sáu bảy chục thước, có ám đá trắng ngoảnh ra phía đông, hai bên tả hữu vách đá dựng đứng, bên trên có tảng đá che phủ, đứng ngoài nhìn vào thấy như động sâu,có nơi uốn lượn như hàm rồng. Người ta lấy gạch đá xây tiếp vào, thành cái Am. Trong Am đặt tượng Quan Âm, nộm đá tượng trưng cho đồng nam tay cầm chùy đuổi quỷ, một nộm gỗ đồng nữ tay cầm kính chiếu yêu. Am này là am Thánh mẫu… Bên phải am có chùa Phật, bên phải chùa là dòng khe nước vọt từ trong vách đá ra, quanh năm không cạn,nước khe ấy có máng dẫn ra bể nước trước chùa: Bên trái chùa có đền thờ Đại vương núi Hồng (tài liệu khác chép là đền Thiên Vương). Trong đền có tấm biển vua ban chữ thiếp vàng. Phía dưới miếu là mấy nếp nhà ở và nhà bếp của các sư… Một dải suối xanh, sóng tùng vạn khoảnh.. Theo bậc đá đi lên, mỗi bước lại mỗi cảnh sắc khác nhau, lên cao trông khắp bốn phương, đúng là nơi danh thắng đệ nhất ở châu Hoan ta”: Đó là cảnh trí chùa Hương Tích đầu thế kỷ XIX.
Một số sách cũng chép vài chi tiết về Am và chùa, cho biết đền Thiên Vương có niên đại thời thuộc Minh (1407-1427). Năm Ất Dậu (1885), chùa bị cháy, đền cũng cháy một phần, đến năm Tân Sửu niên hiệu Thành Thái thứ 13 (1901) Tổng đốc An Tĩnh là Đào Tấn mới cho xây dựng lại chùa: Bấy giờ ngôi chùa xưa đã mất. Dấu vết còn lại là một ít gạch có chữ và hoa văn (đời Trần?) mà người ta dùng xây lại tường Am và chùa mới. Trong chùa nay còn lại quả chuông lớn, bài “minh” trên chuông để ngày rằm tháng 8 năm Tân Dậu (có thể là năm thứ 2 đời Lê Cảnh Hưng (1741), năm thứ nhất đời Bảo Hưng nhà Tây Sơn (1801) hoặc năm thứ 14 đời Nguyễn Tự Đức (1861) (?), cùng nhiều tượng Phật… là quý giá nhất.
Đền Thiên Vương xưa rất đẹp, tường dưới bàn thờ có hình bát quái, phía trên treo bức biển vua ban, nay cũng đã cháy. Mấy cây thông lớn bên nền Trang Vương tương truyền có từ đời Trần, đến đầu thế kỷ này cũng chỉ còn trơ gốc cháy sém.
Hiện nay các công trình kiến trúc chính (am, chùa, đền) vẫn giữ được gần nguyên vẹn dáng vẻ đầu thế kỷ XX. Nhưng Phật phả, bi ký không còn, do đó, chúng ta không biết chính xác ngày thành lập, trùng tu chùa, các nhà tu hành trụ trì qua các thời kỳ…
Sách Thiên Lộc huyện phong thổ chí chép một dòng đơn sơ: “Tương truyền còn gái thứ ba của vua Trang Vương tên là Mậu tu hành và hóa thân ở đây”. Về Trang Vương, sách “Thối thực ký văn của Trương Quốc Dụng chép: “Trang Kiệu tướng nước Sở, sau làm vua nước Dạ Lang, lập chùa tu hành ở đây nên có am Trang Vương”.
Còn sách “Hương Sơn báu quyển” từ lâu đã truyền lại sự tích chùa Hương như sau:
“Vua Sở Trang Vương chỉ sinh được ba người con gái là Diệu Ân, Diệu Duyên và Diệu Thiện. Khi họ trưởng thành, hai chị theo ý vua cha đều lấy chồng làm quan trong triều. Vua muốn gả người con gái út Diệu Thiện cho một quan võ để làm chỗ dựa khi già yếu. Biết hắn là kẻ độc ác, nàng không tuân theo, nên bị vua cha ruồng rẫy, phẫn chí, nàng bỏ ra ở chùa. Viên quan võ kia được vua sai đi trừng trị nàng. Hắn phóng hỏa đốt chùa. Nhưng Diệu Thiện và các tăng ni đều được Phật che chở cứu thoát. Phật lại sai Bạch Hổ đưa nàng trốn sang đất Việt Thường thị. Đến trước hang động ngọn Thíu Lĩnh (tức Hồng Lĩnh) nàng Diệu Thiện ở lại dừng am tu hành. Chẳng bao lâu nàng nổi tiếng là vị sư cô từ bi bác ái… Giữa lúa ấy, Trang Vương bị bệnh nặng. Thầy thuốc bảo phải có tròng mắt và bàn tay của một người con gái lớn không ai chịu hy sinh. Nghe tiếng ni cô ở Việt Thường, vua liền sai người sang cầu xin. Diệu Thiện biết cha mình là kẻ độc ác, nhưng do lòng từ bi hỉ xả cứu vớt chúng sinh, bèn móc mắt, cắt bàn tay mình đem cho sứ giả.. Trang Vương được thuốc, khỏi bệnh, sai người sang tạ ơn, mới biết người cứu vua chính là cô con gái út từng bị ruồng bỏ… Đức Phật cảm về tấm lòng của Diệu Thiện, bèn ban phép cho mắt nàng sáng lại, bàn tay nàng mọc lại… Sau khi hóa, nàng Diệu Thiện trở thành Phật Quan Âm”.
Theo lời truyền thì am Thánh mẫu là nơi nàng Diệu Thiện tu hành lúc mới đến, cũng là nơi Diệu Thiện hóa Phật,. (Nhưng cũng có tài liệu chép am lập lên từ đời Trần). Cũng theo lời truyền mà một số sách ghi lại thì nền Trang Vương là nơi quan quân của Sở Trang Vương đóng khi sang tạ ơn Phật… Dưới ngọn Sư Tử gần ngọn Hương Tích có ngôi chùa Gạo, tương truyền là nơi của quân Trang Vương chứa gạo thóc.. Các nền nhà còn lại thì có tài liệu chép đó là lầu gác Sở Trang Vương dựng cho Diệu Thiện ở (?)…
Thật ra, chuyện kể trên đây là dựa theo kinh Lăng Nghiêm. Kinh này chép: Về vô số kiếp trước, có vị phật hiệu là Quan thế âm như lai, sau thường gọi là Quan âm (vì chữ Thế là tên húy của vua Đường Thái Tôn (627-650), Trung Quốc). Tượng Quan âm thường có 32 tay hay “nghìn tay nghìn mắt”. Nhân tích ấy, pháp sư Đạo Tuyên đời Nguyên mới chép thành một phật thoại: “Trong ba kiếp quá khứ, có người tên là Hoa Nghiêm, sinh ba con gái, đều có tướng mạo Phật “thiên thủ thiên nhãn”, và đều tu hành đắc đạo”. Lại từ chuyện Hoa Nghiêm, người Trung Quốc kể sang chuyện Sở Trang Vương có ba con gái, con út là Diệu Thiện tu thành Phật Quan âm, rồi từ huyện Trung Quốc trở thành chuyện Việt Nam: Con út ở sở Trang Vương là Diệu Thiện tu hành ở động Hương Tích, Ngàn Hống và nàng Diệu Thiện ở đây không chỉ chân tu, chí nhân, mà còn kiên cường chống lại cái ác.
Chuyện truyền ngôn còn cho biết một chi tiết về mối quan hệ giữa chùa Hương Ngàn Hống và chùa Hương ở Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, sau là huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông.
Theo Hương Sơn thiên trù thiền phả, thì chùa Hương Tích Hà Đông do một hòa thượng tìm ra địa điểm và cho xây dựng vào cuối niên hiệu Chính Hòa (16801-1704) đời Lê Huy Tôn Còn truyền thuyết ở Chùa Hương Tích Ngàn Hống thì nói:” Chùa Hương Hà Đông là nơi nàng Diệu Thiện đi qua và là nơi thờ vọng (?).
Một truyền thuyết khác hợp lý hơn: Xưa kia người ta thường đến am Thánh Mẫu ở chùa Hương để cầu tự. Ông Hiệp trấn họ Trần (Tiến sĩ Trần Công Soạn) cầu tự ở đây sinh ba con trai đặt tên là Hồng, Hương Tích, nhân đó Trần Công xuất tiền tu sửa đền chùa.
Một chúa Trịnh (không rõ chúa nào?) cũng vào cầu tự sinh được thế tử. Hàng năm, chúa sai người về làm lễ tạ ơn Phật. Về sau, thấy vùng Hương Sơn Hà Đông có phần phong cảnh đẹp hơn, lại ở gần kinh thành, chúa bèn cho xây dựng lại ngôi chùa ở đây thật lớn để tiện việc đi lại lễ Phật, khỏi phải vào Ngàn Hống xa xôi. Ngôi chùa ở Hà Đông này cũng gọi theo tên ngôi chùa Hương Ngàn Hống và mối quan hệ giữa Chùa Hương này với chùa Hương Hà Đông như trên đây, chỉ là truyền thuyết chưa chắc chắn.
Nhà nghiên cứu Võ Hồng Huy trong Non nước Hồng Lam có viết: “Chùa Hương Tích, theo Nguyễn Thiếp là có từ đời Trần…. Nhưng không phải có lý đối với những ý kiến cho rằng chùa ấy có từ đời Lý”. Ý kiến này cũng đáng quan tâm vì theo một truyền thuyết thì Chùa Nghiễn Sơn (Chùa Nghèn) cũng có từ đời Lý. Và theo sách Thiền Uyển Tập anh thì từ đời Tiền Lê, đồng thời với sư Pháp Thuận (?-990) đã có “nhà sư Ma-ha Ma-ra gốc Chàm lấy họ Dương, tư ở chùa Quan Ái đã từng du hóa ở Ái châu và Hoan châu”. Đời Lý có Thiền sư Tĩnh Giới (?-1207), quê hương Giang Mão (Trú tại chùa Quốc Thanh trên Bí Linh sơn, phủ Nghệ An” và Thiền sư Hiện Quang (?-1220) quê ở Thăng Long “… đi vân du, sau đến tham bái Thiền sư Pháp Giới trên núi Uyên Trừng, phủ Nghệ An và đắc pháp ở đây”…
Như vậy, dưới triều Lê-Lý (từ thế kỷ X-XII) đã có ba vị Thiền sư có tiếng tăm tới đất Nghệ An. Một vị đã trú trên chùa núi Bí Linh (chưa rõ ở đâu), và đặc biệt là một vị đã thụ giáo với một Thiền sư chùa Uyên Trừng (tức chùa Dằng, xã Xuân Hồng ngày nay), cùng trên dãy núi Ngàn Hống, thì chẳng lẽ lại không biết đến động Hương Tích, mà đường thiên lý lúc đó đi qua dưới chân núi? Nhưng dẫu sao đây cũng chỉ mới là phỏng đoán.
Điều hiển nhiên động Hương Tích là một thắng cảnh và chùa Hương Tích là một danh lam, như vị Tiến sĩ, nhà thơ Thái Thuận Phó nguyên súy Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông đã viết trong bài Nhớ chùa Hương dịch: Bỗng nhớ chùa Hương Tích… Muôn thuở tiếng Châu hoan.
Hương Tích sở dĩ nổi tiếng “không chỉ nó là ngôi chùa cổ kính mà có khá nhiều kỳ quan, thắng tích xung quanh nó liên kết thành một cụm thẳng cảnh gồm hàng chục di chỉ, động Tiên Nữ có 36 cửa ra vào, có Am Phun Mây, khe Tiên Tắm, có thông cổ thụ, suối ướp hương” (non nước Hồng Lam)…
Người xưa lên Hương Tích vì mê cảnh thiên nhiên như Nguyễn Nghiễm trong bài “Du Hương Tích tự” (Chơi chùa Hương Tích) Thanh Minh dịch:
“Sớm tối suối rừng vui cảnh đẹp
Mênh manh trời bế gửi niềm mơ…”
(Lạc xứ lâm tuyền tương hiểu mộ,
Vọng Trung thiên hải cọng thanh thương…)
Hoặc vì muốn thả tâm hồn vào cõi siêu thoát như Trần Công soạn trong bài “Hương Tích Sơn” (Núi Hương Tích), võ Hồng Huy dịch:
“… Suối ngọc một gàu vơi tục lụy,
Trống đồng ba nhịp tỉnh người say…”
(Nhất cúc ngọc tuyền thanh bách lụy,
Tam thông đồng cổ tỉnh quần cam..)
Thường năm, cứ đến mười tám tháng hai âm lịch, ngày Diệu Thiện hóa Phật, là hội chùa, nhưng ba năm mới có một lần hội lớn. Vào dịp này, hàng nghìn thiện nam tín nữ và du khách không chỉ ở châu Hoan, ở xứ Nghệ, mà tứ xứ Bắc, xứ Thanh kéo vào, từ xứ Quảng đổ ra dự hội. Có những năm hội chùa kéo dài mười ngày liền mới vãn. Dọc đường từ chân núi đến cửa chùa, lều quán san sát, ban đêm đèn đuốc sáng rực một vùng… Trong một bài báo, Giáo sư Bùi Văn Nguyên nhắc lại một chuyến trẩy hội Chùa Hương Ngàn Hống ngày trước “… Dịp chúng tôi trẩy họi chùa lại sau ngày hội, nhưng dư âm ngày hội vẫn còn phảng phất….”.