Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử huyện Can Lộc!

NHÀ KHOA HỌC, NHÀ QUẢN LÝ XUẤT SẮC

Nguyễn Đình Tứ sinh ngày 1-109-1932 trong một gia đình nhà giáo ở xã Song Lộc, huyện Can Lộc.

Tốt nghiệp Trung học chuyên khoa ở trường Huỳnh Thúc Kháng và lớp toán học đại cương ở Nghệ An, Nguyễn Đình Tứ sang học trường khoa học cơ bản ở Khu học xá trung ương (1950-1953) rồi vào khoa thủy điện Học viện thủy lợi Vũ Hán, Trung Quốc (1954-1957). Lúc này, Viện liên hiệp nghiên cứu hạt nhân các nước XHCN vừa được thành lập ở thành phố Đúp-na, gần Matxcơva (Liên Xô). Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chính thức tham gia Viện Đúp-nà và cử đoàn cán bộ khoa học đầu tiên sang tham gia nghiên cứu. Một trong ba cán bộ được chọn là anh thanh niên cộng sản Nguyễn Đình Tứ vừa tốt nghiệp Học viện thủy lợi Vũ Hán về nước.

Mặc dầu học ở một ngành khác nhưng vốn cần cù, thông minh và có kiến thức toán học vững vàng, Nguyễn Đình Tứ đã sớm trở thành nhà khoa học trong lĩnh vực vật lý năng lượng cao thực nghiệm.

Ông đã cùng các đồng chí, đồng nghiệp trong nhóm nghiên cứu quốc tế tìm ra một hạt cơ mới - hạt phản xích-ma âm. Thành công này là một đóng góp quan trọng cho sự phát triển ngành vật lý các hạt cơ bản trên thế giới. Ông cùng với các đồng nghiệp đã được cấp bằng phát minh của Liên Xô. Năm 1962, ông tập hợp các công trình nghiên cứu trong 5 năm (1957-1962) ở Viện Đúp-na và bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ khoa học toán lý - Phó tiến sĩ ngành vật lý hạt nhân đầu tiên ở nước ta.

Năm ấy, ông về nước công tác. Với một số kính hiển vi và phim ảnh đem từ Đúp-na về, ông bắt đầu hướng dẫn một số cán bộ vật lý trẻ nghiên cứu về vật lý cơ bản thực nghiệm.

Năm 1966, ông trở lại Viện Đúp-na cùng với một số cán bộ khoa học từ nước ta sang tham gia các nhóm nghiên cứu quốc tế. Những cán bộ này ngày nay đã là những nhà  khoa học đầu đàn của ngành hạt nhân nước ta. Nguyễn Đình Tứ lúc đó vừa là cộng tác viên cao cấp của Viện Đúp-na, vừa là Trưởng đoàn các nhà khoa học Việt Nam công tác tại Viện này.

Năm 1971, Nguyễn Đình Tứ về nước đảm nhiệm chức vụ Phó hiệu trưởng trường Đại học tổng hợp Hà Nội, kiêm chủ nhiệm khoa học vật lý. Hồi ấy trường mới từ khu sơ tan Đại Từ (Bắc Thái) trở về được vài năm, công tác của Ban giám hiệu bộn bề và nhiều khó khăn. Ông đã cùng lãnh đạo nhà trường tìm cách tháo gỡ, cùng năm ấy ông được bầu làm ủy viên Thường vụ (sau là Bí thư) Đảng bộ nhà trường.

Là phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, ông rất quan tâm việc xây dựng đội ngũ giảng dạy. Ông chủ trì lập đề án nâng thời gian đào tạo sinh viên từ 4 năm lên 5 năm của một khóa học chính quy, và xin mở thêm một số khoa mới.

Trong một bài báo, ông Trần Thước, nguyên cán bộ của trường viết: “… Tác phong làm việc khoa học, cụ thể, chính xác của anh Tứ thể hiện rõ khi anh đọc và thông qua các báo cáo của trường do chúng tôi dự thảo… anh đọc và phát hiện những chỗ sai sót, nhiều lần anh rút từ trong cặp ra thước lôgarít để tính những chỗ sai (hồi đó chưa có máy tính bỏ túi). Chúng tôi thường được anh giao chuẩn bị các bài nói báo cáo ở hội nghị. Anh dặn đi dặn lại rằng trong bài viết không nên dùng từ hoa mỹ, cách nói văn vẻ, phô trương. Vì nếu viết như vậy người nghe sẽ cho rằng đó không phải là bài viết của anh, không hợp với anh…”.

Năm 1976, Nguyễn Đình Tứ được giao trọng trách Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp. Cùng năm ấy ngày 26-4, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quyết định thành lập Viện nghiên cứu hạt nhân (Đà Lạt), trực thuộc Ủy ban khoa học kỹ thuật Nhà nước và bổ nhiệm Nguyễn Đình Tứ làm Viện trưởng. Năm 1979, Viện nghiên cứu hạt nhân được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ và năm 1984, đổi tên thành Viện năng lượng nguyên tử quốc gia; Từ năm 1993 Viện chuyển về Bộ Khoa học công nghệ và môi trường và lấy tên là Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Đình Tứ làm chủ tịch Hội đồng của Viện:

Ông đã để nhiều tâm huyết vào việc xây dựng và phát triển ngành hạt nhân nước ta. Vừa là Viện trưởng, ông vừa là chủ nhiệm hai chương trình cấp Nhà nước “Sử dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành kinh tế quốc dân” và “Nghiên cứu công nghệ sản xuất nguyên-nhiên-vật liệu hạt nhân”. Ông đã lãnh đạo việc khôi phục và xây dựng lại lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt với công suất nâng lên gấp đôi, vận hành an toàn và khai thác có hiệu quả phát triển rộng rãi việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong các ngành kinh tế quốc dân và trong đời sống.

Ông hết sức coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ và đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế. Từ sau khi nước ta chính thức tham gia cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, sau thời kỳ đổi mới và mở cửa, quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng, các chuyên gia và đại biểu ngành hạt nhân các nước sang ta ngày càng nhiều. Ông đã cố gắng thu xếp công việc tiếp khách nhằm tranh thủ sự giúp đỡ đối với ngành hạt nhân nước ta. Các bạn nuớc ngoài đều hết sức quý mến và cảm phục nhà khoa học và một nhà lãnh đạo thông thạo nhiều ngoại ngữ, học vấn uyên bác, luôn luôn khiêm tốn, chân thành, tế nhị theo phong cách Á Đông.

Trong sự phát triển nhanh chóng và những thành tựu của ngành hạt nhân nước ta trong hơn hai mươi năm qua, có công lao to lớn của ông.

Trên cương vị người quản lý, lãnh đạo, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũng như ở Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Giáo sư Nguyễn Đình Tứ luôn mong muốn nắm được đội ngũ cán bộ, hiểu người, hiểu việc. Đến các trường, ông thường tiếp xúc với các cán bộ giảng dạy, thăm các lớp học, các phòng thí nghiệm, tìm hiểu các thiết bị hiện đại, có khi ông trực tiếp vận hành các máy móc thí nghiệm. Có lần sang Cộng hòa dân chủ Đức, đến một trường đại học, ông cũng làm như vậy. Các bạn Đức rất ngạc nhiên và khâm phục kỹ năng thành thục làm việc ở phòng thí nghiệm và khả năng nói tiếng Đức của ông…

Do có tầm nhìn cao, hiểu biết rộng, năng lực quản lý giỏi và sát thực tế, trong kỳ họp Quốc hội năm 1978, ông đã đề nghị Nhà nước khi lập kế hoạch các công trình lớn phải tính đến việc đầu tư và đào tạo cán bộ khoa học và kỹ thuật phục vụ công tình đó. Sau này, quan điểm trên đã được Đảng và Nhà nước nâng lên ở mức cao hơn “Đầu tư cho giáo dục Đào tạo là đầu tư cho phát triển đất nước” (Nghị quyết TƯ 4). Sau này cũng chính ông đã chỉ đạo việc chuẩn bị văn bản dự thảo Nghị quyết TƯ 4 về “Tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục – đào tạo”(1998).

Có một điều ít người biết đến là ông rất ngại đi ăn cơm khách, sợ làm phiền cho các trường, các địa phương. Đến đâu ông cũng thường kết thúc buổi làm việc với cơ sở trước bữa ăn,và từ chối lời mời mọc, trở về nhà nghỉ ăn cơm như thường ngày. Có lần vào Thanh Hóa làm việc, ông bảo chuẩn bị thức ăn mang theo. Qua cầu Hàm Rồng, ông bảo đánh xe lên dốc núi Ngọc ngồi ăn cơm với những người đi theo dưới bóng cây, và nghỉ ngơi đến gần giờ làm việc mới về nhà khách của tỉnh.

Với những đóng góp về khoa học và giáo dục, Phó tiến sĩ Nguyễn Đình Tứ đã được phong học hàm Giáo sư năm 1980.

Ông còn là nhà hoạt động chính trị có tầm cờ, là đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII, là ủy viên Hội đồng Nhà nước khóa VIII, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học và kỹ thuật của Quốc hội.

Tại Đại hội Đảng lần thứ IV, ông được bầu làm ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

Liên tiếp trong các đại hội Đảng lần thứ V, VI, VII ông được bầu làm ủy viên Ban chấp hành trung ương, Ban chấp hành trung ương khóa VII bầu ông vào Ban bí thư, làm Trưởng ban khoa giáo TƯ.

Tại Đại hội Đảng lần thứ VIII (tháng 6-1996) Giáo sư Nguyễn Đình Tứ lại được bầu vào Ban chấp hành trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị. Nhưng ông đã qua đời vào ngày 26-6-1996 sau một cơn đau tim đột ngột.

_____

* Bài viết này dựa theo bài của các tác giả: Đinh Ngọc Lần, Nguyễn Tiến Nguyên (Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam), Trần Thước (Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp) cùng một số tài liệu khác. Xin chân thành cảm ơn các tác giả.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 1.882.519
    Online: 9
    ipv6 ready