Di tích nhà thờ Lê Sỹ Triêm, Lê Sỹ Bàng
Xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Trước thuộc xã Nội Thiên Lộc, huyện Thiên Lộc, nay là xã Thuần Thiện.
Ngày 30 tháng 12 năm 2008, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3822/QĐ-UBND xếp hạng Nhà thờ Lê Sỹ Triêm, Lê Sỹ Bàng là di tích cấp tỉnh. Ngày 24/4/2015, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 1345/QĐ-BVHTTDL xếp hạng nhà thờ Lê Sỹ Triêm, Lê Sỹ Bàng là di tích lịch sử Quốc gia.
Căn cứ một số tài liệu như “Các nhà khoa bảng Việt Nam”, “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Văn miếu Quốc tử Giám và 82 bia Tiến sĩ”, “Nghệ An ký”, “Hà Tĩnh nhân vật chí”, “Can Lộc huyện phong thổ chí”, “Địa chí huyện Can Lộc”, Gia phả họ Lê Sỹ cho biết: Lê Sĩ Triêm anh ruột Lê Sĩ Bàng, 44 tuổi đỗ Đệ Tam giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Thìn (1736) đời vua Lê Ý Tông. Hai anh em cùng thi đỗ một khoa thi, vì vậy người đương thời có câu ca:
“ Thiên hạ thiếu chi người sang
Đã Lê Sỹ Bàng lại Lê Sỹ Triêm.
Dòng họ Lê Sỹ vốn gốc Thanh Hoá vào lập nghiệp ở làng Bói-Nội Thiên Lộc vào những năm cuối thế kỷ XVI, về sau là một dòng họ có truyền thống học hành, đỗ đạt nhiều và công danh lắm, nhưng đều “độc đinh”(con một). Đến Hầu Thái bảo (không rõ tên) đời thứ tư, ông là người tu nhân tích đức đứng ra lập chùa, gọi là Quán Trạch tự. Về sau con trai của Lê Thái Bảo đã sinh hạ 3 con trai và 2 con gái, trong đó có huynh đệ đồng khoa Tiến sĩ Lê Sỹ Triêm và Lê Sỹ Bàng, làm quan đến Đông các học sĩ.
Lê Sỹ Triêm sinh năm Quý Dậu (1693), 7 tuổi được ông bà ngoại Cẩm Đình Bá đưa về nuôi dưỡng và tầm sư học đạo. Năm 19 tuổi ông ra Thăng Long học tập, 21 tuổi (khoa thi Giáp Ngọ-1714) Lê Sỹ Triêm thi đỗ Tam trường, 4 năm sau thi đỗ Tứ trường nhưng ông không ra làm quan. Năm 29 tuổi Lê Sỹ Triêm tiếp tục thi Hội trúng Tam trường, nhưng kỳ thi thứ 3 đậu thấp hơn kỳ thi thứ 2, cho nên ông không tiếp tục đèn sách nữa, mà về nhà chăm lo việc gia đình giúp người em là Lê Sỹ Bàng tiếp tục học hành đi thi. Nhưng đến năm Tân Hợi (1731), khi điều kiện gia đình đã tạm ổn, Lê Sỹ Triêm lại tiếp tục học tập để đi thi. Khoa thi Bính Thìn, đời vua Lê Ý Tông niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2 (1736), ông thi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, cùng với người em Lê Sỹ Bàng đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp).
Sau khi thi đỗ, Tiến sĩ Lê Sỹ Triêm đã được triều đình trọng dụng và bổ các chức như: Chánh phúc khảo kỳ thi Hương Sơn Tây, Hàn lâm viện hiệu lý, giám sát Ngự sử, tướng quân đi đánh giặc ở Sơn Nam, Tuần phủ sứ, Hàn lâm viện thị chế, Đốc đồng xứ Sơn Nam tham gia đánh dẹp cuộc khởi nghĩa của Quận He Nguyễn Hữu Cầu, Bố chính xứ Nghệ An, Phó đốc châu Hoan, Đông các học sĩ...Lê Sỹ Triêm là một người văn võ song toàn, một vị tướng cầm quân luôn luôn đưa lại chiến thắng vẻ vang, đưa lại bình yên cho đất nước và được vua Lê tin tưởng, một vị giám khảo thanh liêm trung thực nghiêm khắc trong các kỳ thi hội, thi đình.
Sống và làm quan trong một giai đoạn lịch sử hết sức phức tạp và nhiễu nhương, nhà Lê đang mất dần thực quyền, quan lại nhũng nhiễu đẩy dân chúng vào cực khổ trăm bề, các cuộc khởi nghĩa của nông dân ở Bắc bộ nổi lên liên miên. Chán cảnh làm quan thời loạn lạc, lấy cớ có bệnh, Tiến sĩ Lê Sỹ Triêm đã xin cáo quan về nhà được ông thể hiện trong một bài thơ duy nhất “Nhân bệnh cáo quan” bằng chữ Hán, được dịch như sau:
“Phó đốc Hoan Châu năm đã tròn
Cáo về điều dưỡng chốn cô thôn
Nhà tranh ba nóc vừa ăn nghỉ
Ruộng xấu vài khoanh đủ nếp lòn
Khuya sớm ân cần thờ lão mẫu
Tháng ngày vui rộn lũ nhi tôn
Bệnh tình nay gặp danh y giúp
Trở lại yên lành hẹn nước non”
(Theo sách Địa chí huyện Can Lộc, xuất bản năm 1999, trang 278-279).
Qua bài thơ chúng ta phần nào hiểu được tâm trạng của ông khi sống và làm quan trong thời nhiễu nhương ấy. Ông mất tại quân doanh Sơn Nam ngày 05 tháng 12 năm Nhâm Thân, đời vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13 (1752), hưởng thọ 59 tuổi.
Lê Sỹ Bàng sinh năm Giáp Thân (1704). Thuở nhỏ sớm bộc lộ là người thông minh học giỏi như một thần đồng, được gia đình chăm sóc và lo cho ăn học đến nơi đến chốn. Năm 22 tuổi ông đã tham gia thi Hương và đỗ đầu. Năm 32 tuổi, khoa thi Bính Thìn (1736), Lê Sỹ Bàng thi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp). Sau khi thi đỗ, Lê Sỹ Bàng được giao chức Hàn lâm viên hiệu lý, Hàn lâm viên thử chế. Năm 1738 (Mậu Ngọ) ông được cử làm Khâm sai đi giám sát khoa thi Hương ở Thanh Hoá. Năm sau- Kỷ Mùi ông nhận chức Đô đốc xứ Sơn Nam. Năm Canh Thân niên hiệu Cảnh Hưng thứ nhất (1740) ông được cử giữ chức Hình sát sứ xứ Thanh Hoá. Tháng 9 năm ấy, Hoàng giáp Lê Sỹ Bàng về chịu tang cha trong 2 năm 3 tháng. Trong thời gian ở nhà để tang cha, Hoàng giáp Lê Sỹ Bàng đã mở trường để dạy cho các học trò trong làng trong xứ đến học, trong đó có nhiều người về sau thành đạt và chịu ơn ông. Tháng 12 năm Nhâm Tuất (1742) hết hạn tang cha ông về Kinh nhận chức Hàn lâm viện thi thư. Năm Ất Sửu (1745), Lê Sỹ Bàng nhận chức Đốc đồng xứ Lạng Sơn. Bất kỳ ở đâu và đảm trách nhiệm vụ gì, ông cũng chỉ có quan điểm đặt quyền lợi của đất nước và nhân dân lên trên hết. Bởi theo ông nhân dân sống có yên ổn thì đất nước mới hoà bình. Đặc biệt thời kỳ ông làm Đốc đồng xứ Lạng Sơn, tình hình biên giới thiếu yên ổn, triều Lê đã giao trọng trách ngoại giao cho Hoàng giáp Lê Sỹ Bàng giải quyết nhiều công việc hệ trọng như xác định chủ quyền biên giới, vị trí quân đồn trú của mỗi bên, khai thông buôn bán hai nước Việt -Trung. Nhờ đó mà kỷ cương biên giới được khôi phục, cuộc sống của nhân dân hai nước ổn định, vua Lê đã ban thẻ bạc, tặng sắc bằng cùng nhiều phẩm vật có giá trị và triệu về Kinh đô Thăng Long thăng chức Đông các học sỹ, tước Bá (1747).
Năm Canh Ngọ-1750, vua giao cho Lê Sỹ Bàng khảo hạch học trò trường thi xứ Kinh Bắc vào thi Hội. Với tài đức vẹn toàn, ông làm việc hết sức công minh, chính trực, lựa chọn được nhiều người hiền tài phục vụ cho đất nước, được mọi người đương thời hết sức khen ngợi, tiếng vang về đến triều đình. Vua Lê hài lòng biểu dương đức độ của ông và sai giữ chức Thiêm sai ngự phủ được phép cầm bút duyệt văn, án, tấu chương trong thiên hạ. Sách Đại Việt sử ký (tục biên) chép “Đời Lê Hiển Tông năm Cảnh Hưng thứ 12 (1751) vời Tham chính ở Kinh Bắc là Lê Sỹ Bàng về Kinh cho thường trực ở điếm tả môn, cầm bút khám hỏi các việc từ tụng”.
Lê Sỹ Bàng nhận trọng trách này giữa lúc nước nhà hết sức rối ren, loạn lạc, dân tình đói khổ, các cuộc khởi nghĩa nông dân nổi lên khắp trong Nam ngoài Bắc, giặc phương Bắc lăm le xâm lược nước ta, ông khuyên vua: kỷ cương phép nước phải nghiêm minh, xếp đặt công việc phải ở nơi công đường, hoạch định chính sách chế độ phải thật thích hợp, phải lấy chữ thành tâm làm then chốt để tu thân sửa đức...Với quyết tâm vô hạn, công việc bộn bề nhưng Đông các học sỹ đã giải quyết hết sức chu đáo, được nhà vua hết sức tán thưởng và cấp sắc chỉ khen thưởng, coi ông là chỗ dựa vững chắc của triều đình.
Nhưng do làm việc quá sức, ông đã bị đột quỵ tại nhiệm sở vào cuối năm Tân Mùi-1751 và ngày 19 tháng 2 năm Nhâm Thân-1752 Đông các học sỹ-Hoàng giáp Lê Sỹ Bàng mất, hưởng thọ 48 tuổi. Cái chết của vị Đại thần Đông các học sỹThiêm sai ngự phủ đã làm rung động triều đình và xứ Kinh Bắc lúc bấy giờ. Chúa Trịnh và vua Lê đã đến trực tiếp viếng thi hài của ông, ban thưởng rất hậu và phong tặng Đại lý Tự khanh, Phú Khê bá trụ quốc khâm sai ngự phủ. Vua Lê đã cử người về xem chọn đất để mai táng cho ông. Tháng 5 năm Nhâm Thân triều đình đã đưa thi hài của Đông các học sỹ Lê Sỹ Bàng về quê nhà và mai táng ở đồng làng Bói xóm Thuần Chân, nay cải táng tại đồng Cao Các, xã Thuần Thiện.
Suốt cả chặng đường 15 năm phò vua giúp nước, Hoàng giáp Lê Sỹ Bàng luôn luôn được vua Lê tin tưởng trọng dụng giao phó nhiều chức vụ quan trọng ở trong Kinh cũng như ngoài trấn, nội trị cũng như ngoại giao, quân sự cũng như chính trị. Đối với dân chúng ông đề xuất cho miễn giảm tô thuế để an dân, nhờ vậy đã đem lại thái bình cho cả xứ Bắc Hà. Ông cũng được giao tổ chức các kỳ thi tuyển, sát hạch tuyển chọn nhân tài phò vua giúp nước hết sức công minh chính trực. Sau khi mất ông được vua Lê ban tặng sắc phong ghi nhận công lao và đóng góp của ông cho đất nước và nhân dân, với những danh hiệu như “Tướng công văn thơ bút pháp đứng đầu hàng Nho sĩ”, “Võ lược điều hành xếp vào loại tướng tài”, “Người có nghĩa khí như sao Bắc đẩu”, “Sống vẻ vang chết cũng vẻ vang”,... Ông đã được triều đình nhà Lê và nhân dân địa phương lập đền thờ tại quê nhà làng Thuần Thiện xã Nội Thiên Lộc nay thuộc xã Thuần Thiện huyện Can Lộc.
Về sau đến thời nhà Nguyễn, để ghi nhận những công trạng của Lê Sĩ Triêm-Lê Sĩ Bàng cho đất nước và nhân dân, các triều vua Thành Thái, Duy Tân và Khải Định đều có sắc phong cho 2 ông.
Sắc của vua Thành Thái năm thứ 2, tháng 2 ngày 20 ghi rõ: Sắc phong cho thôn Thuần Chân, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh phụng thờ Tiến sĩ triều Lê Đại lý tự khanh chi thần, giúp nước bảo vệ dân đã hiện rõ, từ trước đến nay phụng thờ đã nhiều lần linh ứng, trước đã gia phong Dực bảo trung hưng chi thần, nay cho phép phụng thờ như cũ, để thần giúp nước bảo vệ dân của ta. Kính vậy thay !
Nhà thờ Lê Sỹ Triêm và Lê Sỹ Bàng quay hướng Đông Nam, bao gồm các công trình kiến trúc: Tắc môn, hạ điện và thượng điện, mặt trước nhà thờ có xây hàng rào thấp, xung quanh 3 phía là hàng rào xây cao.
+ Hạ điện: Là ngôi nhà xây bằng gạch 3 gian, 2 hồi 4 vì kèo, xây tường 3 phía, hai đầu hồi bít đốc. Mái lợp ngói, mặt trước 3 gian đều có cửa mở bằng pa nô. Trên nóc mái chính giữa có trang trí hình hổ phù, hai đầu có 2 con rồng đầu chầu vào giữa mái. Hệ thống kèo cột xà ngang và đòn tay đều được đúc bằng bê tông cốt sắt. Phía trước hạ điện có 3 đôi câu đối bằng chữ Hán, phiên âm:
- “Đồng khoa huynh đệ phúc tổ tiên
Văn vũ kiêm toàn bá trụ quốc”
Tạm dịch: “Anh em đỗ cùng khoa phúc tổ tiên
Văn võ song toàn được phong tước bá”
- “Mộc bản vĩnh nguyên công đức viễn
Thạch bi kim bảng nhật tinh quang”
Tạm dịch: “Cây gốc nước nguồn công đức đời trước Bia đá bảng vàng sao trời rực sáng”.
- “Tam ngũ cương thường kim cổ địa Tung hoành lễ nhạc ẩn thiên xuân” Tạm dịch: “Đạo tam cương ngũ thường xưa nay trong đất trời
Tung hoành nhạc lễ xuất hiện nghìn mùa xuân”.
Nội thất có đặt hai bộ đồ thờ binh khí bằng gỗ ở gian chính giữa bao gồm đại đao, gậy, giáo mác, thẻ bài và đôi câu đối chữ Hán bằng gỗ sơn son, phiên âm:
“Hồng Sơn chung tú khí
Thuỷ thẩm ẩm lưu trường”
Nghĩa là: “Núi Hồng hun đúc nên khí phách
Sông nước chảy mãi với thời gian”.
Trên 3 bậc cửa ra vào thượng điện có 3 bức hoành phi bằng gỗ sơn son viết chữ Hán, nội dung: “Bản chi bách thế”, “Vĩnh ngôn bảo chi”, “Thiệu từ lai hứa”.
+ Thượng điện: là ngôi nhà bằng gỗ lim 3 gian, 2 hồi 4 vì kèo, mái lợp ngói âm dương, mặt trước 3 gian có mở cửa bằng gỗ lim kiểu thượng song hạ bản. Hệ thống cột, kèo, xà ngang được làm bằng gỗ lim có kết cấu chắc chắn đỡ phần mái.
Nội thất ba gian đều có 3 ban thờ với đầy đủ đồ thờ theo truyền thống như long ngai, bài vị, mâm bồng, chúc thư...Gian giữa thờ vị thuỷ tổ dòng họ Lê Sỹ, thờ Đông các học sĩ Lê Sỹ Triêm, Lê Sỹ Bàng. Hai gian thờ hai bên thờ tiền hiền và hậu hiền dòng họ Lê Sỹ và thờ ông Phạm Kim Công, người đã cưu mang giúp đỡ dòng họ Lê Sỹ đời thứ nhất Lê Sỹ Toàn và ông Cẩm Đình Bá người họ Nguyễn trong làng đã giúp đỡ trực tiếp cho Lê Sỹ Triêm, Lê Sỹ Bàng thành đạt vẻ vang. Hiện nay Nhà thờ đã được con cháu hậu duệ tu bổ tôn tạo lại khang trang.
Có thể nói Tiến sĩ Lê Sỹ Triêm và Hoàng giáp Lê Sỹ Bàng là những nhân vật lịch sử, học hành đỗ đạt cao, có nhiều đóng góp về các mặt chính trị, quân sự và ngoại giao, ổn định đất nước vào những năm đầu và giữa thế kỷ XVIII, là giai đoạn lịch sử hết sức phức tạp, nhà Lê đang mất dần thực quyền, chúa Trịnh lấn át quyền cai trị đất nước, khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi. Sau khi mất các ông được lịch sử đất nước ghi nhận và nhân dân thờ phụng chu đáo.
Đánh giá về cuộc đời và sự nghiệp của Tiến sĩ Lê Sỹ Triêm và Hoàng giáp Lê Sỹ Bàng, PGS-TS Nguyễn Văn Nhật, Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam đã viết: “Lê Sỹ Triêm và Lê Sỹ Bàng bước vào hoạn lộ trong bối cảnh chính trị, xã hội Đàng Ngoài không ổn định. Từ những năm 30 của thế kỷ XVIII, tình hình trật tự xã hội Đàng Ngoài bắt đầu biểu hiện những diễn biến phức tạp. Dấu hiệu đầu tiên là tình trạng xiêu tán, khủng hoảng dẫn đến các cuộc nổi dậy của nông dân bùng nổ mạnh mẽ và rộng khắp, mở đầu là cuộc nổi dậy của Nguyễn Dương Hưng ở miền Thái Nguyên, Sơn Tây năm 1737. Tiếp đó, trong những năm 1739-1740 liên tục nổ ra các cuộc nổi dậy của nông dân, tiêu biểu là cuộc nổi dậy của Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Vũ Trác Oánh ở Hải Dương, của Hoàng Công Chất, Vũ Đình Dung ở Sơn Nam, của thủ lĩnh Tế, Bồng và Nguyễn Danh Phương ở Sơn Tây. Trong khi đó, một lực lượng nổi dậy khác do nhóm quý tộc nhà Lê, đứng đầu là Lê Duy Mật cũng nổi dậy ở miền núi Thanh Hóa, Ninh Bình…khiến triều đình Lê-Trịnh phải điều quân đánh dẹp khá vất vả. Trước tình hình đất nước loạn lạc, người cầm quyền chính lúc bấy giờ là Trịnh Giang lại không đủ khả năng điều hành đất nước, quyền bính tập trung trong tay bọn hoạn quan, đứng đầu là Hoàng Công Phụ. Chúng gây bè đảng thao túng hoành hành làm cho triều chính rối loạn, trật tự kỷ cương xã hội bị lung lay đến tận gốc rễ. Trước thực trạng đáng lo ngại đó, năm 1740, một số quan lại thân tín của Trịnh Doanh đã mật bàn, tổ chức đảo chính đưa Trịnh Doanh lên ngôi Chúa, từng bước ổn định tình hình.
Tuy nhiên trong hơn 10 năm đầu cầm quyền chính, Trịnh Doanh phải lo chuẩn bị lực lượng, tập trung đối phó với các cuộc nổi dậy của nông dân, trong đó hai cuộc nổi dậy có quy mô lớn nhất là cuộc nổi dậy của Nguyễn Danh Phương ở vùng Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và cuộc nổi dậy của Nguyễn Hữu Cầu ở vùng Đồ Sơn (Hải Phòng). Đến năm 1751, về cơ bản hai cuộc nổi dậy trên đều bị chính quyền Lê-Trịnh dẹp tan. Khi phong trào nổi dậy của nông dân ở Đàng Ngoài nổ ra rầm rộ, ngoài các võ tướng trực tiếp cầm quân, phần đông các văn thần đều được cử làm tham tán quân sư với nhiệm vụ giúp việc giấy tờ, tham mưu việc quân khi hành quân dánh dẹp. Đây là thời kỳ “Văn thần ra trận” như sử sách từng ghi nhận. Đó là Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Huy Oánh, Phạm Đình Trọng, Lê Quý Đôn và nhiều bậc đại khoa khác. Do vậy, Lê Sỹ Triêm, Lê Sỹ Bàng phải tham gia các đạo quân tiễu phạt là điều không tránh khỏi. Mặc dù hoạn lộ của Lê Sỹ Triêm và Lê Sỹ bàng không dài, quan tước không cao, nhưng hai ông đã có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ an ninh trật tự ở các địa phương nơi trị nhậm, góp phần cùng triều đình Lê-Trịnh ổn định tình hình đất nước và đấu tranh bảo vệ, gìn giữ miền biên cương phía Bắc của Tổ quốc. Trên lĩnh vực giáo dục, hai ông cũng có những đóng góp đáng kể với chức trách của mình, vừa là giáo chức vừa tham gia khảo hạch các khoa thi chọn lựa nhân tài cho đất nước. Ghi nhận và khẳng định công lao của Lê Sỹ Triêm và Lê Sỹ Bàng đối với sự phát triển của lịch sử dân tộc, sau khi các ông qua đời, triều đình Lê-Trịnh đã có sắc giao cho nhân dân địa phương lập đền thờ, các vị vua triều Nguyễn như Thành Thái, Duy Tân đã ban tặng cho hai ông các đạo sắc phong, giao cho dân làng tiếp tục thờ phụng theo điển lễ.
Hơn 250 năm qua, Lê Sỹ Triêm và Lê Sỹ Bàng vẫn được nhân dân địa phương hương khói thờ phụng, điều ấy thể hiện sâu sắc tấm lòng tri ân của hậu thế đối với hai ông. Thiết nghĩ, tên tuổi và sự nghiệp của hai ông cần được tôn vinh hơn nữa, xứng đáng với những cống hiến của hai ông đối với quê hương Hà Tĩnh nói riêng và đất nước nói chung.”