Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử huyện Can Lộc!

HỌ NGÔ TRẢO NHA- CỘI NGUỒN VÀ TRUYỀN THỐNG

Trải qua hàng nghìn năm tồn tại và phát triển song hành cùng lịch sử dân tộc, Tổ Tiên họ Ngô đã có nhiều đóng góp trong công cuộc dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Từ Triệu Tổ Ngô Nhật Đại tham gia cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan chống lại sự đô hộ của nhà Đường (năm 713 – 722).

Đến Ngô Vương Quyền đại thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, dựng nền độc lập đầu tiên cho đất nước sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc. Ngô Tuấn - Lý Thường Kiệt, đánh tan quân xâm lược nhà Tống (1075 – 1077). Sông Như Nguyệt vẫn còn sang sảng bài Tuyên ngôn độc lập đầu tiên vọng mãi đến hôm nay…Từ một gốc, họ Ngô  đã dần dần phát triển hùng mạnh, tỏa ra muôn cành xanh tốt, con cháu thiên cư khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài.          

Từ nửa cuối Thế kỷ thứ 15, Ngô Nước - một trong 6 người con tha phương của Thanh Quốc công Ngô Khế di cư từ Thanh hóa vào sinh cơ lập nghiệp ở làng Trung Thủy xã Chỉ Châu phủ Thạch Hà (nay là xã Thạch Trị - Thạch Hà - Hà Tĩnh) sau đó thiên cư ra xã Đan Liên, sau đổi thành Trảo Nha, nay là làng Phúc Sơn thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh, hai ông bà cần kiệm cày cấy, nấu rượu nuôi lợn kiếm kế sinh nhai. Do có biết chữ nên được dân làng bầu làm Lý Chính trông coi việc làng (tương đương như Lý trưởng sau này).

Sau đó được phong “Nghệ An Chánh Quản Lĩnh”. Ông bà giàu lòng nhân ái, thường hay giúp đỡ người nghèo và kẻ hoạn nạn nên được nhân dân trong vùng quý mến. Trên mảnh đất Đan Liên - Trảo Nha - thị trấn Nghèn giàu truyền thống cách mạng và văn hóa này, họ Ngô đã nhanh chóng phát triển thành một dòng họ “cự tộc võ thần”. Đã dược Lịch sử vinh danh là một dòng họ công thần tôn tử và là một trong hai dòng họ lớn ở vùng Hà Tĩnh: “Hà Hoàng vi Võ, Trảo Nha vi Ngô”.

Lễ đón nhận dòng họ Ngô - Dòng họ 18 quận công

Trải qua hơn 500 năm tồn tại và phát triển, con cháu hậu duệ của đức Thủy tổ Ngô Nước từ làng Chỉ Châu (sau này là đất Thổ Sơn) đã chuyển cư đến nhiều nơi khác nhau trong nước và nước ngoài nhưng đều mang theo hoài niệm về quê gốc, về Thần Tổ - Thuỷ Tổ của họ mình. Ở đâu cũng phát triển thịnh vượng sản sinh ra nhiều danh nhân trên các lĩnh vực văn hóa, khoa học, lịch sử, quân sự…

Những tên tuổi làm rạng danh dòng họ Ngô Trảo Nha như Thế Quận Công Ngô Cảnh Hữu – người đầu tiên được phong tước Quận công. Năm Bính Ngọ 1546, được tin Vua Lê đặt hành dinh ở Vạn Lại (Thọ Xuân, Thanh Hóa), ông dẫn quân ra bái yết xin theo đánh Mạc, đem theo 2000 quân, 20 ngựa, bộ tướng hơn 10 người. Trọn cuộc đời 46 năm ông gắn liền với cuộc nội chiến Lê – Mạc, trải qua bốn đời vua (Lê Trang Tông, Lê Trung Tông, Lê Anh Tông, Lê Thế Tông) Ngô Cảnh Hữu tỏ ra là một dũng tướng có tài thao lược, đánh Đông dẹp Bắc lập nên nhiều chiến công oanh liệt.

Đến đời thứ 7, Tào Quận công Ngô Phúc Vạn, người khai sinh ra tên làng Trảo Nha, người đầu tiên mở con đường thiên lý từ Đông Huề ( Vượng Lộc) đến Kỳ Hoa (Kỳ Anh). Tào Quận công Ngô Phúc Vạn là con rể của Trịnh Tùng được tặng Thái Bảo. Ngô Phúc Vạn có 10 người con trai làm rạng rỡ thêm võ công dòng họ và đều được phong công hầu như Ngô Phúc Trị, Ngô Phúc Điền và cháu là Ngô Phúc Lâm, người viết Tân tập Hoan Châu Thạch Hà Trảo Nha Ngô Thị Truyền Gia lục tập.

Đại Tư mã Chấn Quận công Ngô Văn Sở vị tướng thao lược giúp vua Quang Trung đại phá 20 vạn quân Thanh xâm lược thế kỷ 18…Đại tư đồ Ngô Phúc Phương là người tài kiêm văn võ, 32 tuổi đỗ Tạo sĩ (Tiến sĩ võ) có công dẹp các cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Mật, Ngân Già và dẹp giặc cướp ở Chương Đức, Yên Thường, Sơn Tây...Năm 1781, quân Tam phủ phế Trịnh Cán lập Trịnh Tông, ông được trọng dụng làm quyền Phủ sự trong phủ chúa, sau được phong Đại Tư đồ Hoành Quận công (tương đương Thủ tướng bây giờ).

Năm 1786 khi quân Tây Sơn ra Bắc Hà, ông cùng 5 con trai tôn lập Trịnh Bồng, hai con ông là Ngạn Trung hầu và Thuần Trung hầu tử trận. Sau khi Trịnh Bồng trốn bỏ ngôi chúa đi tu, ông lui về ẩn lúc ở Ninh Sơn (Chương Mỹ), lúc ở Thụy Chương (Thăng Long). Một lòng trung thành với nhà Lê Trịnh, ông cho con trưởng là Ngô Phúc Trọng theo phò Lê Chiêu Thống.

Khi Tổng trấn Bắc thành của nhà Tây Sơn Ngô Văn Sở, nhân thuộc dòng họ Ngô Trảo Nha, xin đối chiếu phả, ông nói thác rằng phả đã bị thất lạc trong cơn binh hỏa và nói với người nhà rằng “Ta với người ấy là kẻ thù không đội trời chung”.

Năm Giáp Tý (1804), ngày 18 tháng 10, ông mất ở vườn cũ Ninh Sơn (nay là thị trấn Chương Mỹ, Hà Nội), thọ 93 tuổi. Mộ nay còn ở đó.   

Thời kỳ cận đại sau này con cháu họ Ngô Trảo Nha đã noi gương Tổ Tiên phát huy truyền thống ông cha và đã xuất hiện nhiều gương mặt lịch sử tiêu biểu như Tiến sĩ Ngô Đức Kế - chí sĩ cách mạng, đã từ bỏ con đường công danh hoạn lộ, chấp nhận hy sinh lao vào con đường cứu nước cứu dân và trở thành lãnh tụ của phong trào Duy Tân đầu thế kỷ 20.

Liệt sĩ Ngô Phúc Diễn – lãnh tụ của Tân Việt Cách mạng Đảng đầu thế kỷ 20. bị bắt và  giam cầm ở các nhà lao, mặc dù bị giặc dùng mọi nhục hình tra tấn đến chết nhưng ông vẫn luôn giữ vững chí khí kiên trung với Đảng, với nhân dân. Ngô Đức Đệ bí thư chi bộ nhà lao Kon Tum bị tra tấn dã man và mang thương tất suốt đời.  Ngô Đức Tốn bí thư đầu tiên của Đảng bộ Ninh Thuận. Ngô Đức Mậu Bí thư đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, khi bị giặc bắt chúng dùng nhục hình bắt ông phải quỳ xuống trước mặt tên chánh mật thám, ông đã khẳng khái trả lời chúng: “Tao là thầy giáo, mà ở nước tao, đã là thầy giáo thì không bao giờ quỳ!”.

Xuân Diệu – “Ông hoàng thơ tình” cây đại thụ của nền thi ca Việt Nam đã để lại cho đời những kiệt tác văn chương làm lay động lòng người… và còn biết bao người con trung hiếu của dòng họ đã và đang đóng góp sức lực trí tuệ và xương máu cho công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Cách đây hơn 300 năm, Khiêm Quận Công Ngô Phúc Lâm có bài thơ dạy con:

Thao lược văn thi sẵn nghiệp nhà,

Dùi mài mai rạng dấu khôi khoa.

Thảo ngay nối vẹn dòng cao mật,

Hiền đức chen vai cửa Phục Ba.

Đỉnh Nhạc thung còn xây đắp vững,

Non Yên quế đã nức thơm xa.

Đinh ninh bền giữ lời cha dạy,

Đừng xưng người khóng đấng Trảo Nha.

(Nghĩa là: Chỉ có nối chí ông cha tu dưỡng học hành, sống trung thực lương thiện, đạt đến thành công mới được người ta quý trọng chứ đừng tưởng cứ xưng danh là người Trảo Nha thì sẽ được người ta khen ngợi)

Lời dạy đó của tiền nhân đến bây giờ còn nguyên giá trị !

Phát huy truyền thống hào hùng oanh liệt của Tổ Tiên, con cháu họ Ngô hôm nay luôn hướng về cội nguồn, trân trọng những giá trị tinh thần vô giá mà Tổ Tiên đã để lại, khơi dậy và phát huy truyền thống của cha ông, hun đúc nên tâm hồn, bản lĩnh và khí phách cho muôn đời các thế hệ mai sau.

Dù ở cương vị công tác nào, trên bất cứ lĩnh vực nào cũng đều phải ra sức rèn luyện phấn đấu để đóng góp sức mình xây dựng đất nước quê hương ngày càng phồn vinh, họ tộc ngày càng cường thịnh.

BOX

* Theo “Phả hệ họ Ngô Việt Nam” thì họ Ngô cả nước có 60 Quận công thì họ Ngô Trảo Nha chiếm tới 18 Quận công. Trong đó đặc biệt là ba anh em: Ngô Phúc Đang, Ngô Phúc Hộ và Ngô Phúc Hạp được phong tước cùng một ngày. Họ Ngô cả nước có 147 tước Hầu thì họ Ngô Trảo Nha chiếm 36 người trong đó có ba người đỗ Tạo sĩ (Tiến sĩ võ). Họ Ngô cả nước có 42 tước Bá thì họ Ngô Trảo Nha chiếm 6 người và còn nhiều danh hiệu khác…

* Tháng 8/2016, UBND huyện Can Lộc - Hà Tĩnh đã tổ chức lễ đón nhận bằng chứng nhận Kỷ lục Việt Nam “Tôn vinh giá trị nội dung kỷ lục họ Ngô Trảo Nha - dòng họ 18 Quận công”.

Trước đó, tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục Việt Nam cho họ Ngô Trảo Nha - dòng Ngô Nước với 3 nội dung: dòng họ có nhiều Quận công nhất với 18 vị; dòng họ có nhiều đời liên tiếp được phong tước Quận công với 8 đời (từ đời thứ 5 đến đời thứ 12); dòng họ có ba anh em ruột được phong ước Quận công cùng một ngày (đồng nhật đồng phong).

Đại tá, bác sỹ Ngô Trọng Kim

(Phái 1, Chi 5 họ Ngô Trảo Nha)


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 1.879.788
    Online: 34
    ipv6 ready