Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử huyện Can Lộc!

LÀNG VĂN HÓA TRƯỜNG LƯU

Về thời gian lập làng và tên làng, từ khi vua Lê Thánh Tông cho vẽ bản đồ cho tới năm 1945, làng Trường Lưu là một trong năm làng của xã Lai Thạch (Trường Lưu, Đông Tây, Yên Thọ, Phúc Lộc và Vĩnh Gia), tổng Lai Thạch, (tổng Lai Thạch gồm năm xã là Kiệt Thạch, Phúc Hải, Nguyệt Ao, Lai Thạch và Thường Nga), huyên La Sơn, phủ Đức Thọ. Nay làng Trường Lưu bao gồm bốn xóm: Đông Thạc, Phúc Trường, Phượng Sơn và Tân Tiến của xã Trường Lộc, với diên tích 362,4 ha,574 hộ gồm 1644     nhân khẩu thuộc 23 chi họ Nguyễn Huy Trường Lưu (NHTL) và 13 họ khác như Nguyễn Xuân, Trần Huy, Nguyễn Thanh, Trần Văn…

Khi về vùng Lai Thạch xưa, nay là phần lớn của các xã Trường Lộc, Song Lộc, Phú Lộc, Kim Lộc,Thanh Lộc, hoặc rộng lớn hơn về vùng xung quanh Rú Cài (Nhạc Sạc Sơn) với các làng cũ: Nguyệt Ao, Mật Thiết, Kiệt Thạch, Yên Huy, Đông Tây, Vĩnh Gia, Nguyễn Xá… ít ai biết được về nguồn gốc tên các làng, thời gian xây dựng làng, kể cả qua các lời truyền hay giai thoại. Riêng với làng Tràng Lưu - Trường Lưu thì trước là giai thoại, truyền ngôn và sau có một số tư liệu về tên làng và thời gian có tên làng Tràng Lưu, sau đọc là Trường Lưu.

Nhớ quan Bác sĩ Nam thiên

Tràng Lưu danh hiệu dõi truyền đến nay

Bác sĩ Nam thiên chỉ cụ Nguyễn Uyên Hậu giữ chức Ngũ kinh bác sĩ, là thầy giáo dạy năm kinh ở Quốc Tử Giám, Thủy tổ họ NHTL, đã về vùng này vào quãng giữa thế kỷ XV. Nhận thấy ba làng Kẻ Đò, làng Vạc và làng Tràng ở đồng trũng, dân vất vả quanh năm, mà Phượng Lĩnh cách đó không xa, độ dăm trăm mét thôi, là nơi “địa linh tú khí” không những dễ làm ăn mà còn cao ráo, bề thế, có cơ phát triển. Có tầm nhìn xa, cụ Uyên Hậu đã đề xuất với dân ba làng chuyển về đây lập làng, và sau khi nhập với Kẻ Bỉn (thuộc làng Đông Tây) đặt tên là làng Tràng Lưu, có ý ghép hai chữ Tràng trong Làng Tràngvà chữ Lưu trong tên Trần Lưu là quê hương của Cụ. Cái tên Tràng Lưu hay đọc là Trường Lưu có từ đó. Cụ Uyên Hậu lấy bà Trần Thị Ý người làng Gia Hanh,năm 1454 sinh con trai là Nguyễn Hàm Hằng,cụ Hằng là con rể của cụ Nguyễn Tâm Hoằng (1434 - ?), người làng Vĩnh Gia, đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất năm 1478, làm quan tới Tham chính, được gia tặng tước vương, triều Nguyễn tôn vinh là Thần.

Cụ Uyên Hậu và Cụ Tâm Hoằng, một vị Ngũ kinh Bác sĩ, một vị Tiến sĩ đã kết thông gia với nhau, đặt nền móng để con cháu cùng các dòng họ khác xây dựng làng thành làng văn hóa Trường Lưu, nhà thờ cả hai cụ đều được xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Nhiều di sản phi vật thể và vật thể có giá trị cao. Sau quãng 100-150 năm nhiều vị thủy tổ của các dòng họ như Nguyễn Xuân, Trần Huy, Trần Văn...đã về  làng Trường Lưu lập nhiệp. Đến giữa thế kỷ XVIII, dòng họ NHTL đã đến thế hệ 11-12, các vị đã cùng dân làng xây dựng làng Trường Lưu thành một trung tâm văn hóa lớn ở Việt Nam thời bấy giờ (như nhận xét của nhiều chuyên gia) với nhiều di tích, danh thắng: đình làng, hệ thống chùa, đền, miếu, nhà thờ các dòng họ, Trường Lưu bát cảnh....

Trường Lưu nổi tiếng với Trường học Phúc Giang, với kho sách hàng vạn cuốn, có hàng ngàn học trò, thu hút nhiều danh nhân tài tử về giao lưu văn hóa, là nơi Nguyễn Du đã từng qua lại và chịu ảnh hưởng của Truyện HoaTiên của Nguyễn Huy Tự (1743-1790) để sáng tác Truyện Kiều, được UNESCO vinh danh.

Dòng văn NHTL có 16 tác giả văn học (đã xác định tác phẩm) với hơn trăm đầu sách, là nôi của Hồng Sơn văn phái, Truyện Hoa Tiên, Mai Đình mộng ký...cùng hệ thống ca dao tục ngữ, hát ví, mà đỉnh cao là Hát phường vải Trường Lưu... tạo thành hệ thống di sản phi vật thể phong phú, có tầm ảnh hưởng lớn.

Mặc dù nhiều miếu, đền, chùa... nay đã thành phế tích, nhưng hệ thống di san vật thể  của làng Trường Lưu hiện tại khá phong phú với 37 nhà thờ các dòng họ, 12 di tích lịch sử văn hóa và kháng chiến, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia.

Nhiều hiện vật ở làng Trường Lưu xứng đáng lập hồ sơ công nhận bảo vật quốc gia như Mộc bản, sách cổ, ấn triện, sắc phong...

Làng Trường Lưu gần đây khá nổi tiếng trên thế giới với các di sản tư liệu, thu hút sự quan tâm của bạn bè quốc tế..

Hai di sản tư liệu đã được MOWCAP vinh danh.Hiện tại Việt Nam đã có 07 Di sản tư liệu đã được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản thuộc Chương trình Tư liệu Ký ức thế giới (MOW).Trong đó, có 03 di sản tư liệu thế giới (MOW) là Mộc bản triều Nguyễn (Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, Đà Lạt), 82 bia Tiến sĩ thời Lê- Mạc (Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn miếu - Quốc Tử giám, Hà Nội), Châu bản triều Nguyễn (Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Hà Nội); 04 di sản tư liệu khu vực châu Á/Thái Bình Dương (MOWCAP) gồm Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (Thừa Thiên Huế), Mộc bản trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh) và sách cổ về hành trình đi sứ Trung Hoa Hoàng hoa sứ trình đồ (Hà Tĩnh). Một Di sản tư liệu tiềm năng khác đang được hoàn thiện hồ sơ để đệ trình

Mộc bản Trường học Phúc Giang là bộ ván khắc dùng để in sách phục vụ cho việc dạy và học, được hình thành trong quá trình hoạt động của dòng họ NHTL từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX tại Trường học Phúc Giang ở làng Trường Lưu.

Đón nhận bằng công nhận Mộc bản Trường lưu là di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

         Mộc bản Trường học Phúc Giang được khắc lưu giữ các bút tích, ấn triện, gia huy, dấu khẳng định bản quyển của 5 nhà giáo, nhà văn, nhà thơ trong một gia đình ba thế hệ của dòng họ Nguyễn Huy ở thế kỷ XVIII: Ông-Nguyễn Huy Tựu (1690-1750), các con-Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), Nguyễn Huy Cự (1717-1775), Nguyễn Huy Quýnh (1734-1785) và cháu Nguyễn Huy Tự (1743-1790).   Tư liệu trên mộc bản là các tác phẩm có chọn lọc do các tác giả họ Nguyễn Huy biên soạn, viết chữ, tổ chức cho thợ khắc với thời gian và địa điểm cụ thể; hình thức khắc phong phú, tinh xảo, chữ viết đẹp…chứa nhiều thông tin về: lịch sử; chính trị-xã hội, tư tưởng-văn hóa; bang giao, tiếp thu và phát triển Nho giáo.

         Mộc bản Trường học Phúc Giang là di sản thể hiện sự ảnh hưởng và tầm quan trọng của Nho giáo đối với triều đình, đất nước và đời sống xã hội, đặc biệt trong việc đào tạo nhân tài từ giữa thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX. Đây cũng là tư liệu gốc minh chứng cho giai đoạn hoạt động văn hóa và giáo dục của một dòng họ trong lịch sử mà ngày nay đã không tồn tại.Bản thân từng tấm mộc bản chính là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

         Toàn bộ Mộc bản Trường học Phúc Giang gốc hiện còn 383 bản, để in 12 tập sách giáo khoa cơ bản, hiện được lưu giữ, bảo quản tại tư gia ở làng Trường Lưu, nay thuộc xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh; là khối mộc bản duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một dòng họ còn lưu giữ được ở Việt Nam.

Hoàng Hoa sứ trình đồ (皇華使程圖) đề cử là bản sao của tập sách với phần bản đồ là chính, ghi chép với nhiều hình ảnh, thông tin phong phú, quý hiếm về hành trình đi sứ của sứ thần Đại Việt thế kỷ XVIII do Nguyễn Huy Oánhbiên tập, hiệu đính và chú thích trong năm 1765 từ các tài liệu của nhiều thế hệ đi sứ trước, để làm cẩm nang cho chuyến đi năm 1766-1767 do ông làm Chánh sứ.

  Hoàng Hoa sứ trình đồ được vẽ với 3 loại màu, viết trên giấy dó bằng chữ Hán với nội dung chính là: Bản đồ về hành trình đi sứ từ biên giới giữa Việt - Trung qua các châu, phủ, huyện, dịch trạm tới điểm cuối là huyện Tân Thành, Bắc Kinh; Ghi chú rõ ràng về quá trình đi sứ: thời gian và địa điểm qua các nơi dừng nghỉ theo lộ trình thủy bộ chiều đi và chiều về; Ngày lưu trú và các hoạt động của đoàn sứ bộ; Chiều dài của mỗi dịch trạm, chiều dài toàn bộ đường thủy bộ đi sứ; Cấu trúc, thời gian xây các cửa cung của Yên Kinh; Cùng các ghi chép tỷ mỷ về địa hình sông núi, phong cảnh, con người, và nghi lễ ngoại giao khi qua các địa phương Trung Quốc và Việt Nam.

Hoàng Hoa sứ trình đồ chứa nhiều tư liệu minh chứng cho hoạt động ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Hoa từ giữa thế kỷ thứ X đến thế kỷ XX.

 

Trao bằng công nhận Hoàng hoa sứ trình đồ

 

Gần một thế kỷ sau, tháng 2 năm ĐinhHợi (1887), cháu năm đời của Nguyễn Huy Oánh là Nguyễn Huy Triện (1852-1909), khi đi học, ông nghe các thầy giáo nói về các sách của Nguyễn Huy Oánh, trong đó có Hành trình đi sứ Trung Hoa, và sau hơn 20 năm tìm kiếm ông đã có được bản sách gốc từ nhà người chú là Tử Quỳnh, đã tự tay sao chép lại hơn 20 ngày mới xong.

Sách được giữ gìn cẩn thận trong dòng họ, năm 1989, Nguyễn Huy Bút (1916-2011) thuộc thế hệ thứ 17 đã giao lại cho đại diện dòng họ.

Với nguồn gốc rõ ràng, Mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng hoa sứtrình đồ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: tính xác thực, ý nghĩa quốc tế….cả hai di sản đã được Hội nghị toàn thể của MOWCAP lần thứ 7 và lần thứ 8 vinh danh.

Di sản tư liệu tiềm năng. Di sản Hán Nôm ở làng Trường Lưu (thế kỷ XVII-XX) là bộ sưu tập gồm gần 300tài liệu tại các nhà thờ và tư gia ở làng Trường Lưu (từ cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX). Đây là khối tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động văn hóa, giáo dục của làng Trường Lưu bao gồm: sắc phong và văn bản hành chính, hoành phi, bảng gỗ, câu đối, trướng và bia đá.

         Di sản Hán Nôm ở làng Trường Lưu (thế kỷ XVII-XX) được ghi bằng chữ Hán, trên giấy dó đặc biệt, trên các bảng gỗ và đá với nội dung phong phú về việc giao lưu giữa các cơ quan trong hệ thống chính quyền và các danh nhân trong và ngoài nước với các nhân vật của làng Trường Lưu trong quãng thời gian 250 năm (1689-1943), qua đó phản ánh các khía cạnh của đời sống xã hội, bao gồm cả chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tư tưởng …. và các vấn đề gia tộc dưới triều đại Lê- Nguyễn. Những tài liệu này hầu hết còn khá nguyên vẹn, là một trong những bộ sưu tập lưu trữ gia đình lớn mang giá trị nổi bật và phổ quát.

Di sản Hán Nôm ở làng Trường Lưu (thế kỷ XVII-XX) chứa nhiều tư liệu minh chứng cho hoạt động văn hóa, giáo dục của một làng quê ở giai đoạn cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX.Hồ sơ dự kiến đệ trình năm 2020.

Vài lời cuối. Làng văn hóa Trường Lưu là làng có nhiều di sản vật thể và phi vật thể có giá trị cao, di sản tư liệu ký ức tầm quốc tế, là nơi giao thoa các giá trị văn hóa của Đông Á trong một quá trình lịch sử lâu dài.

Làng có lịch sử xây dựng và phát triển từ giữa thế kỷ XV, tới giữa thế kỷ XVIII, các danh nhân Nguyễn Huy Tựu, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự…. đã cùng nhân dân xây dựng Trường học Phúc Giang, nơi có hàng ngàn người theo học, đã đào tạo hơn 30 vị tiến sĩ, trong đó có nhiều danh nhân đất nước, gây dựng nhiều cảnh đẹp, cùng nhiều sinh hoạt hát ví, sáng tác, giao lưu văn hóa…Chỉ sau kinh thành Thăng Long, làng Trường Lưu là trung tâm văn hóa lớn nhất nước thời đó.

Hệ thống di sản vật thể bao gồm 4 di tích cấp quốc gia, 8 di tích cấp tỉnh Hà Tĩnh cùng 37 nhà thờ các dòng họ, nhà cổ…Di sản phi vật thể Hát phường vải, một phần của Ví Giặm Nghệ Tĩnh, dược UNESCO vinh danh năm 2014, các tác phẩm văn học chủ chốt trong Văn phái Hồng Sơn, khởi nguồn cho Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều, năm 2015, được UNESCO vinh danh, nhân 250 năm sinh. Nhiều Di sản tư liệu ký ức tầm quốc gia và quốc tế, Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ được UNESCO vinh danh năm 2016 và 2018.

Với các di sản này Làng văn hóa Trường Lưu là một bằng chứng đặc biệt về truyền thống văn hóa Đông Á đang tồn tại (iii) và gắn bó trực tiếp với các tác phẩm văn học nghệ thuật có ý nghĩa nổi bật toàn cầu (vi), (iii và vi là hai trong 6 tiêu chí xét di sản văn hóa thế giới).

Làng Trường Lưu có lịch sử phát triển gắn liền với 550 năm phát triển của huyện Can Lộc, nhân dịp Lễ kỷ niệm này, chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp xã, huyện có kế hoạch lập hồ sơ đề cử công nhận Làng Trường Lưu là Di tích cấp quốc gia đặc biệt và là Di sản văn hóa thế giới.

                                          N.H.M


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 1.879.802
    Online: 41
    ipv6 ready