Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử huyện Can Lộc!

THĂNG TRẦM LỊCH SỬ NHÌN TỪ MỘT GÓC HUYỆN

Nếu giỏi, nếu giàu truyền thống cách mạng, con người cần cù sáng tạo thì phải giàu đẹp. Nếu không giàu đẹp, hẳn phải xét lại vế thứ nhất. Can Lộc là huyện quê tôi, và nghi vấn này đã ám ảnh tôi gần suốt cuộc đời.

 

Can Lộc nằm trọn phía tây và nam dãy Hồng Lĩnh. Hồng Lĩnh xưa nay là “Hoan Châu đệ nhất danh thắng”, là biểu tượng của cả vùng Xứ Nghệ.  Nơi đây có Chùa Hương được xây dựng từ đời Trần… Đối diện với Hồng Lĩnh có Rú Bụt, Trùa Sen ở xã Phú Lộc từng có hàng trăm pho tượng – nghĩa là Phật giáo đã thịnh hành ở Can Lộc từ rất sớm, cũng đồng nghĩa với sự có mặt của đội ngũ trí thức. Năm 1469,  vua Lê Thánh Tông đã đặt tên huyện là Thiên Lộc, nghĩa là “lộc giời”. Năm này được coi là Ngày Truyền thống, hay ngày thành lập huyện. Đến năm 1862 (Tự Đức 15), húy chữ “thiên” để tỏ lòng kính trời, nhà Nguyễn mới đổi ra Can Lộc. Can Lộc là “cầu lộc”, là chỉ huyện có nhiều người làm quan, ước được làm quan để ăn lộc nước. Lộc giời hay lộc nước thì cũng xêm xêm.

Ấy vậy mà nhiều đời, đây vẫn là mảnh đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Chúng tôi (thế hệ 5x) lớn lên xa lạ hoàn toàn với  đường sữa, thịt cá... Chỉ Tết nhất mới được vài bữa cơm không độn mà chẳng được no. Bởi thế, đọc Hàn nho phong vị phú của Nguyễn Công Trứ như thấy tả cảnh nhà mình:

Ba gian nhà cỏ .

Đầu kèo mọt đục vẽ sao,

Trước cửa nhện giăng màn gió .

Phên trúc ngăn nửa bếp nửa buồng,

Ống nứa đựng đầu kê đầu đỗ…

Bây giờ khi có tuổi, cứ muốn ngẫm ngợi những bài học từ lịch sử  để chứng minh cái lô-gich Can Lộc giỏi thì nhất định phải giàu; nếu mãi không giàu thì thôi, không nên gọi là giỏi và không nên tự hào thái quá nữa mà nên cức chí bấm chí đổi đời.

Ví dụ lịch sử 1: Bút Cấm Chỉ, sĩ Thiên Lộc

Truyền ngôn cổ nhân về Can Lộc có ba câu đáng nhớ: “Xã tắc chi trảo nha”; “Văn Lai Thạch, sách Hoàn Hậu”, “Bút Cấm Chỉ, sĩ Thiên Lộc”.

Xã tắc chi trảo nha, nói về Can Lộc thời nào cũng có đóng góp người trụ cột cho nước nhà như  Đặng Tất, Đặng Dung, Đặng Bá Tĩnh, Bùi Cầm Hổ, Nguyễn Thiếp đến 42 vị đại khoa và hàng chục danh tướng nổi tiếng khác thời phong kiến. Thời hiện đại, Can Lộc có GS, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Đình Tứ; Tướng chỉ huy biệt động Sài Gòn Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu).

“Văn Lai Thạch, sách Hoàn Hậu” để chỉ Hà Tĩnh có Lai Thạch ; Nghệ An có Hoàn Hậu (Quỳnh Đôi) là hai địa phương có nhiều sĩ tử giỏi. Nó cũng cho biết tính cách, đặc điểm của hai vùng đất: Hà Tĩnh trội về văn chương, Nghệ An trội về chính trị.

Câu “Bút Cấm Chỉ, sĩ Thiên Lộc” xuất hiện từ nửa sau thế kỷ 17 khi có  Vũ Diệm người xã Vượng Lộc, Can Lộc hay chữ nhất một thời, đứng đầu Tràng An tứ hổ và nhiều đại khoa khác xuất thân từ Can Lộc.  Vì sao thời Lê Can Lộc có nhiều người đỗ đạt như vậy?

Không thầy đố mầy làm nên. Một nguyên nhân trực tiếp, quan trọng là vùng này có Thám hoa Phan Kính, sau đó là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh chăm lo dạy học theo cách phụ giáo tử đăng khoa (cha dạy con thi đỗ) và mở trường tại quê. Ở Trường Lộc có Phúc Giang thư viện, Trường Lưu học hiệu, có cơ sở in riêng, nay Mộc bản Trường Lưu dùng để in giáo khoa được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới.

Muốn đỗ đạt cao, không chỉ cần thầy giỏi mà còn phải tích thiện nhiều đời. Phan Kính (1715-1761),  đỗ Thám hoa và làm quan dưới thời vua Lê Hiển Tông. Ông làm quan ở đâu cũng gần gũi, chăm lo cho đời sống nhân dân nên ở đâu cũng được yên ổn. Ông từng đi sứ Trung Hoa, vua Càn Long rất phục tài đức và phong cho ông danh hiệu"Lưỡng quốc Đình nguyên Thám hoa", ban tặng áo gấm và bức trướng  ca ngợi ông là người số một của phương nam.

Trong văn bia lưu tiếng tốt (Di phương thiện mỹ chi bi) do Phan Kính soạn còn lưu tại xã Song Lộc viết: “Năm 11 tuổi đã thuộc nhiều thơ văn. Đến lúc này, kinh tế gia đình sa sút đã nhiều, tiền giấy bút đèn sách cũng không đủ, Kính tôi thường phải lấy giấy một mặt để viết bài, nhiều khi phải ngồi đọc sách dưới ánh trăng… Mùa xuân năm 1743, Kính tôi 29 tuổi lại khăn gói ra Kinh theo học để thi Hội. Khi đi qua sông Lam, vứt dao xuống sông khẳng khái thề không thi đỗ, không trở về”. Giải thích việc thi đỗ, ông viết: “Người làm điều thiện thì được hưởng phúc lành. Điều ấy quả không sai. Huống chi mấy đời lo tích thiện, lại nhờ công ơn giáo dưỡng của cha mẹ”. Tôi rất thấm thía với kết luận này của Phan Kính và của nhà giáo, nhà sử học Pháp Hippolyte Le Breton của thế kỷ 20, cách rất xa Phan Kính về thời gian và địa lý: “Con đường của sự tiến bộ đi giữa các ngôi mộ… Chính những người đã chết đang cai trị chúng ta”.

Những năm gần đây, tôi về quê nghe mọi người nói: “Quê mình giờ đất học nhưng người không học nữa”. Nghe buồn cười, vừa cười mà vừa buồn!

Can Lộc có truyền thống về giáo dục, phải chăng cần tập trung nuôi dưỡng, vun đắp truyền thống này, chăm lo cho thế mạnh của mình như một mục tiêu hàng đầu. Từ học mà có vinh hoa phú quý đủ đầy, không gì hơn đầu tư cho con cái và việc học. Nếu Can Lộc không có ngôi trường nào ở tốp đầu trong nước thì cần phải xem lại đất cách mạng đang làm gì?

 

Đất quê ta đào lên đâu cũng đỏ

Đây là câu tục ngữ có từ thời cách mạng. Song nó cũng phản ánh một truyền thống.

Mai Thúc Loan và chí lớn khởi nghĩa chống ách đô hộ nhà Đường (thế kỷ 7) được nuôi dưỡng trên mảnh đất này.

Trong những áng hùng văn bất hủ của đất nước, có bài thơ Cảm hoài của Đặng Dung (Tùng Lộc):

Thù nước chưa đền, đầu sớm bạc

Mài gươm đã vẹt mấy vầng trăng

Cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi khi rút vào Xứ Nghệ mới mạnh lên và từ đấy bách thắng. Không chỉ quân lính, lương thảo mà Can Lộc còn đóng góp nhiều vương phi, Nga Lộc từng có tên xã Hằng Nga.  Hằng Nga cửu thế cửu cung phi. Ngày nay người ta khen con gái Hà Tĩnh đẹp, âu cũng có căn duyên!

Bài vè “Bà Từ Dũ xin thuế cho dân”có đoạn tố cáo sưu cao thuế nặng dưới thời thuộc Pháp:

Nước Nam thường bị thuế thân,

Mỗi năm tám tiền nó chạy không ra.

Đứa thời bán cửa bán nhà

Thằng vô gia sản vậy mà cũng dong…

Năm 1908, phong trào chống thuế ở Can Lộc nổi lên mạnh mẽ, hòa vào phong trào chống thuế khắp Trung Kỳ. Lãnh đạo phong trào Nguyễn Hàng Chi bị Bố chánh Hà Tĩnh lúc đó là tên Cao Ngọc Lễ, kết án “tội khôi” (tội cầm đầu) và bị xử chém. Người đời khóc Nguyễn Hàng Chi: “Hỏi vợ vẫn chưa vợ, hỏi con vẫn chưa con, khăng khăng làm gì đấy? Máu tươi tuôn chảy với đồng bào”.

“Máu tươi tuôn chảy với đồng bào” là truyền thống anh hùng, xả thân vì đại nghĩa của người dân vùng đất này. Ngay từ khi mới có Đảng, ngày 1-8-1930, nông dân Can Lộc đã nhất tề vùng lên, lật đổ chính quyền thực dân phong kiến, lập nên chính quyền công nông ở nhiều thôn xã; cùng các huyện khác của Nghệ An – Hà Tĩnh làm nên một Xô viết anh hùng. Trong chiến tranh chống Mỹ, Can Lộc thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người. “Làng 130”, biệt danh dành cho làng Hạ Lội ở xã Tiến Lộc, ngày 13-8-1968, với khẩu hiệu “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, nhân dân làng Hạ Lội đã tự nguyện tháo dỡ 130 ngôi nhà để lát đường cho đoàn xe 130 chiếc chở xăng dầu, lương thực và đạn dược vận chuyển vào chiến trường miền Nam. Kỳ tích Ngã ba Đồng Lộc với sự hy sinh của hàng nghìn đồng bào, chiến sĩ bộ đội, TNXP, công nhân giao thông để giữ vững huyết mạch giao thông trong chiến tranh chống Mỹ là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng dưới trời xanh Can Lộc, để Can Lộc mãi xứng đáng với câu ca Đất quê ta đào lên đâu cũng đỏ/ Sông núi quê ta đâu cũng có anh hùng.

Có đội ngũ trí thức đông đảo, có chí khí anh hùng, sao quê hương chưa thể tiến vượt lên. Cái đất cằn như Hàn Quốc, bây giờ cũng đã giàu mạnh, thu nhập bình quân 40 nghìn đô la người/năm, gấp 20 lần Việt Nam. Đồ dung Hàn Quốc chạy ầm ầm trên đường Việt Nam, hiện diện sâu trong  phòng ngủ người Việt Nam, Điều đó không đáng phải suy nghĩ sao? Điều nghĩ đầu tiên phải chăng là thể chế, cơ chế, cách đi, cách nghĩ, cách tổ chức xã hội?

 

“Rú Nghèn như một con tàu không đi”

“Rú Nghèn như một con tàu không đi” là câu thơ của Mai Hồng Niên để chỉ tình trạng chậm chân của Can Lộc khi cả nước đã đổi mới, bứt phá khỏi mọi tầm nhìn, tầm nghĩ lạc hậu cổ xưa.

Sự trung thành, nhất tuân thủ cấp trên của người vùng này đã thấm sâu vào máu tủy nên không thức dậy được những sáng tạo. Cái gì trái với “trên” đều khó nẩy mầm. Vì thế nhiều việc rất có hại.  Bảo trồng mía thì phải trồng mía, đào ao thì phải đào ao, “trên” nói là đúng, không phải nghĩ lại; nếu phản kháng thì bị kỷ luật, nghỉ việc là cái chắc. Trong những năm 60 trở về trước, tôi còn thấy giống lúa ré trầm, ré hương, gạo chành, gạo nếp thơm, một nồi cơm sôi đã thơm nức cả xóm. Thế rồi chạy theo giống mới có sản lượng cao, các giống lúa đặc sản tích lũy từ bao đời nay mất sạch…

Phú Lộc quê tôi nổi tiếng là dân “miêu rẹ” (me rượu) nấu rượu lậu, thịt bê lậu từ suốt thời Tây đến thời hợp tác. Bởi không chấp hành chính sách nên lúc nào cũng xếp bét huyện. Bét huyện nhưng có miếng thịt ăn.  Đang làm thịt bò, thịt lợn, thấy cán bộ đến thì vội khoác áo tơi cõng trên lưng, ai hỏi “Chi đó” thì bảo cõng con đi viện.

Khi tôi về làm báo Nhân Dân, một trong những bài viết đầu tiên, được khen hẳn hoi, là bài phê phán nạn giết trâu, giết bò phá hoại sức kéo trong nông nghiệp. Hỡi ôi, trình độ đại học hẳn hoi, phóng viên báo Đảng hẳn hoi mà không biết tới quy luật căn bản của thị trường: có cầu thì có cung; cầu càng nhiều thì cung càng mạnh! Càng giết thịt, người ta càng nuôi nhiều. Không quen nghĩ bằng cái đầu của mình thì còn lâu mới thấy bóng hồng chân lý!

Tôi từ nhỏ chỉ được dạy về sự hiếu nghĩa, về tinh thần hy sinh cho Tổ quốc, mà ít được dạy về cách làm ăn. Nguy hại hơn là sự khinh bỉ, rẻ rúng đồng tiền, coi tiền là “bạc”,  chỉ thấy mặt trái của đồng tiền mà không thấy mặt phải của tiền bạc, của cải. Tự coi mình là người tốt, thậm chí nghèo xơ ra mà vẫn coi là tốt, đến lúc lầm lẫn rằng nghèo cũng là một phẩm chất, một biểu hiện của người tốt! Cụ Đặng Huy Trứ, một nhà canh tân lớn ở nửa cuối thế kỷ 19 chẳng phải nói một câu  rất chí lý đó sao: “Làm ra của cải là một đạo lý lớn, không thể coi thường”!

Sau màn sương đã ló dạng bình minh

Sự thức tỉnh của tôi là muộn. Những người dân cọ xát với thực tế đã thức tỉnh sớm hơn nhiều. Người Can Lộc bây giờ không chỉ biết làm giàu mà còn biết làm thương hiệu.

Mấy năm nay người Nghệ An, Hà Tĩnh ra Hà Nội làm  quà đều tìm mua cho được cam vườn Thượng Lộc. Cam Thượng Lộc đã có thương hiệu được đăng ký và thực tế đã làm ngọt miệng cả nước.

Ngày 17-10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thay mặt Chính phủ ký Quyết định số 1405/QĐ-TTg công nhận huyện Can Lộc đạt chuẩn nông thôn mới. Đây không phải một danh hiệu mà một sự đổi thay.

Ai đến Hà Tĩnh trong những năm qua, đều thấy một khí thế bốc cao như hồi đánh Mỹ, hồi  “Người đi xây Hồ Kẻ Gỗ”. Mỗi xóm nhỏ như một công trường. Để xây dựng quê hương, người dân không chỉ góp sức, góp của mà hiến cả sào vườn không một điều kiện gì. Nhà nhà hiến đất để đường sá to lớn, phong quang. Đường làng không chỉ để ô tô tránh nhau được mà còn vệ đường trồng hoa hai bên. Không khác gì đô thị! Tôi bỗng nhớ đầu năm 1980, khi tôi làm phóng viên đi công tác ở huyện Krông Pách, ở đó có một đơn vị bộ đội khai hoang, điện chưa có, đời sống khổ lắm; nhiều người chạy về Buôn Ma Thuột. Người chỉ huy trung đoàn người Hà Tĩnh nói: “Tôi từng nói với anh em: Ta sẽ kéo điện về đây, biến vùng đầm lầy này thành một thành phố. Chúng  ta, con cháu chúng ta  sẽ tự hào rằng, chúng ta là những người đầu tiên xây nên thành phố này. Ngày xưa vua Pi-ốt của Nga cũng xây dựng Xanh Pê-téc-bua từ đầm lầy”…  Rồi qua bao nhiêu khó khăn, thậm chí có người đã bỏ mình ở cái rốn sốt rét ấy, cuối cùng, vùng đất này cũng trở thành một đô thị. Chuyện ấy ghi vào lòng tôi một ấn tượng không phai về tầm nhìn và ý chí con người, rằng không có gì là bất khả.

Phú Lộc quê tôi lâu đời lạc hậu, người xưa từng nói “Lộ Đông Tây bất khả hành” vì toàn đường nhỏ và lầy lội. Thế mà sau cuộc nông thôn mới, Cống 19 trở thành thị tứ, đất Phú Lộc đắt ngang với thị xã Hồng Lĩnh, khiến người các xã khác và từ thành phố ào về nhập cư. Một con số đáng đáng ngạc nhiên khác: 10 năm qua, thu nhập của người dân thành thị ở Hà Tĩnh  tăng 2,9 lần, còn khu vực nông thôn tăng 3,6 lần. Nhiều hộ có thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm. Cha nông dân, con đi học Anh, Mỹ về rồi làm việc cho cha. Ở quê làm giàu, làm ông chủ, chẳng phải đi đâu cả. Trường hợp như Lê Văn Hải ở xã Thường Nga từ nhiều năm nay chỉ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao không hiếm. 

Cùng mảnh đất ấy, con người ấy - chuyển đổi to lớn đó là gì?

Câu trả lời thật đơn giản: Đó là người nông dân được làm chủ và tự quyết trên mảnh ruộng của mình; người cán bộ chỉ là chất men; không phải là ông địa chủ chỉ tay năm ngón; không phải là ông tướng chỉ đâu  bắt lính đánh đấy.

Thời ông Chỉ, ông Dần, ông Chính… làm Bí thư, ông Lồng, ông Thức… làm Chủ tịch Can Lộc đã tích lũy được sự hy sinh, tận tụy; đã treo lên những tấm gương trong sạch, liêm khiết. Thời Dưới thời Bí thư Huyện ủy Phan Duy Đường, cả huyện đã xóa được nhà tranh tre dột nát. Đó là bài học lớn về vận động sức dân, huy động  mọi nguồn lực xã hội và cái quan trọng nhất cần thấy là vì lợi ích thiết thực của nhân dân. Cách mạng cứ thế mà làm. Khó cũng trở thành dễ khi được lòng dân, sức dân. Khó và “nội bộ” như xây dựng Đảng không có dân chắc chắn cũng không xong, cũng chỉ bè phái, cục bộ mãi. Thời ông Bùi Hạnh, Võ Hải, Bùi Tam… làm Bí thư, Chủ tịch đã đem lại một hàm lượng văn hóa cho người cán bộ, một tư duy hội nhập trong thế giới phẳng. Lớp cán bộ huyện bây giờ rất trẻ, từ Bí thư Dũng, Phó bí thư Phong, đến Chủ tịch Hào …; trẻ, có trình độ và kế thừa được tất cả những phẩm chất, kinh nghiệm của những người đi trước. Quan trọng là tự tin, biết tin:  tin ở mình, tin ở chân lý, tin đồng chí và quan trọng nhất là biết tin dân. Tin dân và yêu dân – đó là con đường sống, con đường vinh quang của người cán bộ. Cán bộ như chất men, gây men cho phong trào, còn việc dân, dân làm. Như thế làm mà như không làm. Không làm mà làm, mà cuộc sống cứ tuần hành theo quy luật: Trời có nói gì đâu, đất có nói gì đâu mà bốn mùa thay đổi!

     N.S.Đ


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 1.882.359
    Online: 3
    ipv6 ready