CAN LỘC XÂY DỰNG LẠI QUÊ HƯƠNG
SAU NGÀY ĐẤT NƯỚC THỐNG NHẤT
Tháng 5/1975, tôi tái cử vào Hội đồng nhân dân (HĐND) huyện Can Lộc. Đến hội nghị HĐND huyện phiên đầu tiên, tôi được đề cử làm Chủ tịch UBND huyện. Các đại biểu đều nhất trí cả, tôi trúng cử với 100% phiếu bầu.
Tình hình chung của huyện lúc này cũng khá phức tạp, nhiều khó khăn; phong trào yếu kém vào loại nhất nhì tỉnh Hà Tĩnh (Thông báo của Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh số 45 ngày 18/8/1975); Đội ngũ cán bộ cốt cán huyện, xã trưởng thành trong cách mạng dân tộc dân chủ, nhưng bảo thủ, ngại khó, không dám tiếp thu cái mới.
Phương châm của tôi là "nói ít làm nhiều", "dám làm, dám chịu trách nhiệm", làm dứt điểm một số mũi công tác trọng tâm mà nghị quyết huyện ủy đề ra để lấy lại niềm tin cho Đảng bộ và nhân dân. Trước hết huy động lực lượng thanh niên, dân quân phục hóa, khai hoang mở rộng diện tích cấy lúa, sản xuất màu. Mỗi xã có 1 trang trại trồng cây, chăn nuôi trâu bò đàn, trồng chè ở Trà Sơn. Riêng các xã ven Hồng Lĩnh, làm trang trại ở Hồng Lĩnh. Nhiều xã có đàn trâu bò hàng trăm con như: Sơn Lộc, Thượng Lộc, Đồng Lộc, Minh Lộc, Hồng Lộc, Tân Lộc v.v... Một số xã trồng chè cho xã viên uống và bán như: Tiến Lộc, Hồng Lộc, Tân Lộc. Đồng thời làm thủy lợi kết hợp cải tạo đồng ruộng.

Sau này, phong trào khai hoang phục hóa mở rộng ra toàn huyện, với khẩu hiệu “Đánh một trận sạch hoang hóa, đánh hai trận lúa khoai dư thừa”. Ngoài lực lượng làm thủ công, tỉnh còn huy động trên 100 máy cày, máy san ủi để hỗ trợ Can Lộc khai hoang cải tạo đồng ruộng. Chiến dịch khai hoang vùng Trà Sơn đã huy động trên 3.000 thanh niên và hàng trăm con trâu cùng máy kéo đã làm được hàng nghìn ha đất trồng sắn.
Tiếp đến chiến dịch làm thủy lợi (tháng 5/1975) mở đầu làm kênh Giua nối liền với kênh Chính Linh Cảm từ xã Nhân Lộc đến xã Tân Lộc có chiều dài gần 20 km đi qua một số đồi núi, vùng sâu trũng, khe hói, với hàng triệu khối đất đào đắp và hàng trăm công trình lớn nhỏ, bao gồm công trình tưới, tiêu, cầu qua kênh, xi phông qua sông. Trong điều kiện vật tư, tiền vốn hết sức khó khăn, phải huy động lực lượng thanh niên dân công của các xã đóng góp ngày công theo nghĩa vụ, huyện khoán làm được 1 khối đất tùy cự ly xa gần từ 0,5 - 1 kg gạo.
Trên hệ thống kênh giữa có mấy công trình lớn đó là cầu máng Ba Gia, xi phông sông Nghèn, Hạ Hoàng, cầu Hầm và nhiều cầu cống qua sông, nằm trên các trục đường nông thôn và 1 cầu qua đường 1A nên việc thi công phải làm trong một thời gian nhất định. Cầu máng Ba Gia, cầu máng Trường Lộc do khảo sát thiết kế không chính xác, nên đáy máng thấp hơn đáy kênh không tải được nước xuống phía hạ lưu, sau này phải nâng thành máng lên 60 cm mới tưới được.
Trong các xi phông vượt qua sông, hói thì việc thi công xi phông sông Nghèn là phức tạp nhất vì trước chiến tranh chống Mỹ thi công dở dang, đến năm 1975 đã trên 10 năm nên bùn đất lắng đọng hàng ngàn khối, việc xử lý hết sức khó khăn, lúc đầu bố trí 5 đoàn xã thanh niên khoảng 500 người dùng chậu xô để vớt bùn nhưng năng suất rất thấp.
Xi phông sông Nghèn làm xong, vấn đề đặt ra là phải đào kênh dẫn dòng trước để cho thuyền bè qua lại (UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ cho phép ngăn sông 7 ngày), phải đào xong kênh dẫn dòng. Hệ thống thủy lợi Can Lộc, kênh chính Linh Cảm theo thiết kế tưới 10.000 ha nhưng thực tế chỉ mới tưới được khoảng 5.000 ha cho vùng phía trên đường 1A, do đó phải làm thêm 1 hệ thống hồ đập Trà Sơn, Hồng Lĩnh để tưới cho diện tích trên cốt ba và bổ sung vào hệ thống Linh Cảm tưới cho vùng cuối kênh. Hệ thống hồ đập này đều làm trước và trong chiến tranh chống Mỹ nên một số công trình chưa có kênh mương tưới.
Đến đầu năm 1975, huyện mới làm hệ thống kênh tưới Cù Lây - Trường Lão để tưới cho Phúc Lộc, Tùng Lộc (đúng ra kênh Cù Lây phải đào thẳng qua rú xuống Tùng Sơn, nhưng không có cơ giới nên phải đi vòng và làm cầu máng). Năm 1977, huyện tiến hành làm kênh tưới đông, nam Vực Trống để tưới cho các xã Nhân Lộc, Phú Lộc, Thượng Lộc và tưới bổ sung cho kênh Linh Cảm. Năm 1986, huyện huy động hàng vạn thanh niên, dân công lao động thủ công cùng với lực lượng cơ giới làm thêm hồ Trại Tiểu có dung tích 4.000.000 m3 nước, Khe Giao, Khe Quả có dung tích 4.000.000 m3. Năm 1989, huyện hợp đồng với binh đoàn 12 làm hồ Cửa Thờ - Trại Tiểu có dung tích 15.000.000 m3.
Trước đó, ngoài hồ đập, tôi đề xuất với huyện ủy, UBND huyện: năm 1975 ngăn sông Ba Nái, năm 1977 cùng với huyện Thạch Hà huy động hàng nghìn lao động làm trong 10 ngày hoàn thành đập sông Già để ngăn mặn, giữ ngọt đến các xã Tiến Lộc, Xuân Lộc, Quang Lộc, Thạch Kênh, Thạch Liên, Thạch Minh làm các trạm bơm điện tưới trên 1.000 ha cho hai vụ lúa ổn định.
Đến năm 1987, hầu hết các xã ven sông Nghèn, sông Nhe, sông chợ Vi đã xây dựng được trạm bơm điện có công suất 500 - 2.000 m3/giờ. Thấy có hiệu quả, tôi đề xuất với Sở Điện lực Nghệ Tĩnh và họ cho dỡ máy 1.000 KVA ở đê Bấn (thị xã Hồng Lĩnh) vào lắp đặt ở bắc Nghèn cho huyện Can Lộc nhưng cũng không đủ tiền xây dựng các trạm bơm điện cho các xã. Sau đó, tôi ra Hà Nội gặp trực tiếp đồng chí Đậu Ngọc Xuân (Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước) xin cấp cho huyện một trạm trung gian 5.000 KVA. Đồng chí Xuân viết thư ngay cho đồng chí Phúc - Thứ trưởng Bộ Điện và Than.
Mờ sáng hôm đó, tôi và đồng chí Lê Ba chờ sẵn trước cửa nhà đồng chí Phúc - trước khi đồng chí đi làm việc để đưa thư. Xem xong, đồng chí đồng ý, giải quyết ngay: cung cấp cho huyện Can Lộc một trạm biến thế 5.000 KVA thanh toán bằng chuyển khoản, số tiền là 5.000 đồng (chỉ bằng giá tiền một chiếc xe máy thời đó) và cấp cho 30 tấn dây AC15 nhưng phải đổi bằng thóc.
Vì tôi và đồng chí Ba còn phải ở Hà Nội làm việc với Bộ Thủy lợi nên tôi nhờ người đồng hương mang thư về Can Lộc cho đồng chí Thừa - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện để bàn với ngân hàng giải quyết tiền mặt, mua máy biến thế 5.000 KVA thay máy 1.000 KVA trạm trung gian bắc Nghèn. Phải nói thêm, huyện Can Lộc làm được điện nhanh là nhờ đồng chí Thừa, đồng chí Ba rất quyết tâm, đồng chí Tài - Giám đốc Ngân hàng huyện lúc đó rất nhiệt tình và đầy trách nhiệm với cơ sở mới giải quyết được tiền để lấy máy biến thế và dây kịp thời. Tiền vận chuyển máy biến thế từ Quảng Ninh về Can Lộc gấp 6 lần tiền mua máy (5.000.000 đồng), chưa kể chi phí bồi dưỡng cho các bến phà qua sông trong mùa mưa bão sóng to gió lớn.
Sau khi có máy biến thế 5.000 KVA, có cột, có dây mới kéo được mạng lưới điện từ trung gian bắc Nghèn đi khắp các xã trong huyện. Đến đầu năm 1990 chỉ còn lại 3 xã chưa có điện: Thịnh Lộc, Sơn Lộc, Mỹ Lộc.
Sau năm 1975, tỉnh Nghệ Tĩnh bổ sung quy hoạch thủy lợi Can Lộc một cách đồng bộ hơn, kết hợp cải tạo đồng ruộng hoàn chỉnh thủy nông. Tháng 3 năm 1977, làm hệ thống kênh tiêu nước Trà Sơn ở Nhân Lộc đến xã Thạch Long, Thạch Sơn - Thạch Hà dài 18 km để tiêu úng cho 18.000 ha diện tích lúa của hai huyện Đức Thọ và Can Lộc. Nhưng do chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc nên kênh tiêu úng còn bỏ dở, cống Đò Điệm đến năm 2000 mới làm xong và đã phát huy tác dụng.
Sau đó để làm công tác tư tưởng cho Đảng bộ và nhân dân, thường vụ huyện ủy đồng chí ông Bùi Huy Đáp - Phó tiến sỹ nông nghiệp về nói chuyện tại kho đội 2 xóm Phúc Sơn (trụ sở huyện ủy sơ tán). Nghe xong, huyện ủy hạ quyết tâm đưa diện tích cấy lúa xuân lên 5.000 ha. Muốn làm được điều này, ngoài giao chỉ tiêu cho từng xã, phòng nông nghiệp, huyện tập huấn kỹ thuật, quy trình gieo mạ, cấy giống mới thẳng hàng cho cán bộ quản lý kỹ thuật các hợp tác xã nông nghiệp và phân công các đồng chí huyện ủy, cán bộ huyện về các xã để chỉ đạo thực hiện. Nhưng khó khăn lúc này là các xã đã cấy hết diện tích giống cũ. Vụ Đông Xuân đó, tôi được phân công chỉ đạo xã Tiến Lộc. Hôm về xã, tôi triệu tập họp thường vụ Đảng ủy, họp cốt cán toàn xã để quán triệt chủ trương, sau cùng mới họp toàn dân để giải quyết tư tưởng và giao chỉ tiêu diện tích cấy giống mới cho từng hộ dân.
Để thực hiện được, tôi phải giao cho đảng viên, cán bộ gương mẫu phá bỏ diện tích giống cũ đã cấy. Tôi vận động đồng chí Mùi - Bí thư Đảng ủy, đồng chí Trọng - Chủ nhiệm Hợp tác xã phá lúa mình trước, sau đó cấy bừa bón phân lót mỗi sào 400 kg phân chuồng, 20 kg phân lân, 8 đến 10 kg/1 m2, khi mạ lên 5, 6 lá mới được cấy, trước khi cấy phải bón thúc đạm để bộ rễ phát triển nhanh.
Nhưng năm đó lại gặp rét đậm dưới +10 độ C nên ban đêm phải đưa nước vào ngập gốc mạ 10 cm để giữ ấm cho mạ, ngày tháo nước ra có nơi phải dùng phên tre chắn gió, rơm rạ tấp bổi đốt lửa trên gió sưởi ấm cho mạ. Đầu vụ làm mạ tuy có khó khăn nhưng nhờ nhân dân đã được hướng dẫn kỹ thuật, cán bộ chỉ đạo nghiêm túc nên vụ Đông Xuân được mùa (năng suất trên 4 tấn/ha) trong khi giống chiêm cũ và 314 chỉ đạt 100 kg - 120 kg/sào (2 tấn/vụ). Vụ Đông Xuân được mùa, nhân dân phấn khởi tin tưởng. Thế mà đến tận những năm 1980, một số hợp tác xã vẫn cấy 50% giống cũ và 50% giống mới, đấu tranh mãi cũng chỉ làm được 70% - 80%.
Tôi nói với bà con nông dân: “Miền Bắc họ đã làm lâu rồi nhưng ta còn bảo thủ không chịu làm giống mới. Thế mới biết nông dân Can Lộc bảo thủ đến mức độ nào và cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới phải có thời gian và rất công phu mới thành công được”.
Kết hợp với làm thủy lợi đã quy hoạch lại mạng lưới giao thông nông thôn làm đường Đại Lộc - Thịnh Lộc, đường Đại Lộc - Sơn Lộc, đường Vượng Lộc đi Thanh Kim - Quán Trại; Nâng cấp đường ngã ba chợ Đình đi Quán Trại; Bắc cầu Thó Thanh Lộc, cầu Thương Trụ (Đoàn Kết), cầu Hòa Lộc (Tùng Lộc), cầu Trù (Thụ Lộc), cầu Văn Đinh (Xuân Lộc), cầu Thượng Huề, cầu Đồng Huề (Vượng Lộc).
Đến những năm 1980, tuy mặt đường còn xấu nhưng ô tô tải đã về các xã (trừ Vượng Lộc). Can Lộc từng bước tự chủ được về lương thực, có ý nghĩa rất quan trọng đới với một huyện thuần nông, “cái ăn” luôn đặt lên hàng đầu./.
Nguyễn Lương Dần