DI TÍCH VĂN HÓA NGHỆ THUẬT
Đền Tam Lang còn gọi là đền Lớ, đền Cả, ở địa phận hai thôn Phan Xá và Lợi Xá và Ích Hậu, tổng Phù Lưu, nay là xã Hậu Lộc.
Sách Can Lộc huyện phong thổ chí và Sách Đại Nam nhất thống chí đều chép: “Tương truyền có người con gái ra tắm ở sông Cổ Kinh, thốt nhiên cảm động rồi có mang, dân làng gạn hỏi, người con gái đem tình thực nói lại. Mãn kỳ thai nghén cô ta đẻ ra ba quả trứng. Người lãng cho đó là linh dị, bèn bỏ vào chậu nước đem đặt ngoài bến sông. Không bao lâu ba quả trứng nở ra ba con như loài cá mà có mào son mỏ đỏ, thân hình rực rỡ như gấm thêu (có bản chép: Người con gái đã có chồng sinh ra ba quả trứng nở thành ba con rắn). Dân làng kinhh sợ cho là cá (rắn) thần, con của Long Vương, bèn thả xuống sống rồi dựng miếu thờ bên bờ… khi vua Thanh Tôn đi đánh Chiêm Thành (1470-1471), đoàn thuyền ngự qua quãng sông Kênh Cạn thì không thể đi được. Vua cho người vào miếu cầu đảo, nước bỗng dưng lên, đoàn thuyền vượt qua cạn tiến về phía trước. Khi thắng trận trở về qua đây, vua sai dân tổng Phù Lưu dựng ngôi đền lớn thờ phụng. Trải các triều vua đều có sắc phong”.
Trong đền hiện còn có một câu đối nhắc đến chuyện này:
“Truyền văn Hồng Đức quân trung sự,
Trường đối Kỳ Anh hải khẩu từ”
(Nghe truyền lại việc trong quan đời Hồng Đức
Mãi mãi sánh với ngôi đền cửa bể Kỳ Anh).
(Tức đền Chế Thắng phu nhân ở cửa Khẩu, cũng được vua Thánh Tôn cho dựng vì đã hiển linh giúp vua trong cuộc Nam chinh nay).
Đền Tâm Lang là một công trình kiến trúc tiêu biểu thời Lê – Nguyễn còn lại tương đối nguyên vẹn hiện nay, mặc dầu đã nhiều lần trùng tu, mà hai đợt sửa chữa gần nhất là vào những nămn 1961-1983.
Đền dựng trên một khu đất rộng, xung quanh cây cối um tùm, ngoảnh ra cánh đồng hướng nam cách sông Kênh Cạn non 1 km gồm ba tòa nhà chính xếp theo hình chữ tam (=) và một số công trình khác. Từ ngoài vào trong cổng đền, là bồn phần hóa (đốt vàng mã) xây hình bông sen, cao 1 mét. Qua bậc tam cấp thì đến cửa chính với hai cột quyết cao khoảng 2 mét, trên đắp búp sen, hai bên tả hữu có hai voi đá quỳ, kích thước không lớn nhưng tinh xảo. Qua cổng thì đến hạ đường, trung đường rồi đến thượng đường. Giữa trung – thượng đường có sân, hai bên là tả, hữu vu và chính giữa là tòa lâu các hai tầng.
Thượng đường, tương truyền Tiến sĩ Trần Đức Mậu (1441-?), người Ích Hậu, được vua sai về trông coi xây dựng vào năm Giáp Ngọ (1475( (?). Ngôi nhà này có tên “Điện Xuân đài”, có ba gian hai hồi, bốn vì với 16 cây tường bịt đốc. Phía sau cũng là tường bịt kín, còn phía trước là ba khung cửa, cửa hai bên rộng 1 m, cửa giữa rộng gấp rưỡi – 1,5m. Mặt bằng khá rộng (6,6m x 5,2m) nhưng nhà thấp, cột kèo xà hạ đều to lớn, nên tồng dáng nặng nề. Trong nhà không có những chạm tổ công phu với đề tài đa dạng. Bố trí nội thất cũng đơn sơ. Gian giữa đặt chiếc án chạm rồng sơn son, trên bày ngai thờ và các tự khí (mâm bồng, hộp quả, bát, chén gỗ tiện)… sơn son thiếp vàng, cùng chiếc lư hương đồng..
Trung đường, tương truyền do Tiến sĩ Nguyễn Văn Giai (1554-1628) cũng người Ích Hậu, là từ Thăng Long đưa về (?) dựng vào năm 1583 dưới triều Lê Thế Tôn. Đây là ngôi nhà tiêu biểu nhất cho nghệ thuật kiến trúc đền Tam Lang.
Nhà có ba gian, bốn mái dựng trên một mặt bằng rộng 13m x 6 m kiến trúc theo lối “tiền bông hậu bẩy” (trước kẻ, sau kẻ) bộ vì kèo gian giữa kết cấu kiểu tứ trụ đỡ lấy bốn mái. Hệ thống cột 16 chiếc, to nhưng hơi thấp cùn rường, kèo, kẻ đều bằng gỗ lim. Các cửa lớn phía trước và các bức thưng đóng xung quanh, khung đố và ván ghép đều bằng lim. Mặt trước,bờ nóc nhà là hình “lưỡng long triều nguyệt”, đắp nổi ghép mảnh sứ, hai bờ mái nổi bật những đầu đao to mập, uốn cong vút, đắp hình rồng, phượng, nghê chầu. Hai đầu hồi mái nhà có hình đắp nổi. Hồi phía đông đắp hìn hoa lá, chim muông. Hồi phía tây đắp cảnh đền, thuyền rồng… với hình nét, màu sắc đậm nhạt…. làm cho mảnh chạm khắc, hoa, lá, chim muông, đặc biệt là mình rồng, phượng trên gỗ. Rồng ở đây có rồng mẹ, rồng con (rồng ổ), con nào cũng thân hình thon thả, mềm mại, râu tóc xỏa dài thoái mái trông hiền lành mà linh hoạt. Trên hệ thống ván mỏng giữa xà trung và xà nách đầu hồi bên phải chạm hình gà rất sinh động, nhất là bức “gà trống” (phía ngoài), bố cục gọn, hình chắc khỏe, nét chạm có đường cong nhẹ nhàng thanh thoát. Ở mảng dưới đuôi bẩy hồi nhà, phía đông chạm hình kỵ sĩ, tay cầm cờ, nét chạm sâu dứt khoát, biểu hiện rõ sức mạnh và dũng khí… Ở mặt ngoài xà dọc thượng chạm hình “cá hóa rồng” và mặt sau chạm “Phượng ngậm bao kinh”. Các bức chạm khác là cảnh sinh hoạt thường ngày: Người đánh cờ, người chèo thuyền, thiếu nữ múa, nhạc công thổi sáo, kéo nhị, đánh đàn. Lại có cả bức chạm người, ngựa, voi dừng nghỉ sau trận mạc trở về… Ngoài ra còn có các hình chạm khắc hình dây leo, hoa lá, sóng nước… với nét mảnh, lưu loát, nhẹ nhàng… Tất cả đều là những tác phẩm dân gian có giá trị nghệ thuật cao.
Nội thất ngôi trung đường cũng bài trí đơn sơ. Gian chính đặt bàn thờ, phía trước là hương án sơn sơn thiếp vàng… trên đặt lư hương đá và bộ ngũ sự gỗ.. Hai bên hương án là đôi hạc chầu…
Nối thượng đường với trung đường có ngôi lâu các hai tần sáu mái, đầu mái đắp các đầu đao cong vút, trên nóc đắp hình “lương long triều nguyệt”, trong có bệ thờ vuông, cạnh 1m và cao 1,2m. Trên bệ đặt ngài thờ, đoi kiếm gỗ đều sơn thiếp vàng son và lư hương đá…
Hạ đường do Tổng Phù Lưu xây dựng vào năm Đinh Sửu đời Tự Đức (1877), ngôi nhà có chiều dài 11,9m, rộng 9,5 m, 5 gian, hai hồi, xây tường bịt đốc, kiến trúc theo kiểu “tiền bông hậu bẩy” gồm 6 cột cái, 8 cột quân. Vì kèo là bộ phận trụ chống chủ yếu, nối với nhau bằng những xà hạ tạo thành cái khung vững chắc đỡ toàn bộ mái nhà. Toàn bộ đồ gỗ sườn nhà đều bằng lim, mái lợp ngói âm dương như thượng đường và trung đường. Kết cấu mỗi vì 4 cột, tạo cho lòng nhà rộng, trước và sau đều không có cửa, nên sáng sủa, thoáng đãng. Các hệ thống đuôi kẻ được chạm khắc hoa lá, dây leo; xà thượng gian giữa chạm hình “phượng ngậm bao kinh” hai bên và chữ “thọ” ở giữa, hai đầu dư chạm đầu sư tử ngậm ngọc…
Hạ đường là bái đường nên chỉ treo các bức biển và đối liễn … hầu hết đều từ đời Tự Đức về sau… Nhiều câu đối nói về việc đền thờ Thủy thần (Cá, Rắn):
- Long chầu trợ thuận ba vô dạng
Thẩn thị phù quang thủy hữu lâu
(Giúp thuyền rồng (nhà vua) thuận lợi, sóng không còn
nỗi lo,
Khí thẩn nổi lên sáng lóa (như) trên mặt nước có lâu đài)
Sơn nhạc giáng thần, anh linh thiên cổ miếu,
Hải hà hiển thánh, hương hỏa tứ thời xuân.
(Núi non giáng thần, miếu thiêng liêng muôn thưở,
Biển sông hiển thánh, hương khói xuân bốn mùa)
Đời Lê, hàng năm vào dịp tế xuân (mồng bảy tháng giêng) và tế thu (thường tế vào quý hạ - mồng sáu tháng sáu) triều đình sai trấn thần về chủ trì lễ thần. Nhưng từ năm Canh Thân, Cảnh Hưng năm đầu (1740) triều đình giao cho Tổng Phù lưu thờ phụng, trông coi việc tế lễ, nên đền Tam Lang cũng được gọi là đền Hàng Tổng.
Cho đến trước cách mạng tháng 8-1945, lễ hội đền Lớn được tổ chức trọng thể trong vài ba ngày, từ Mồng năm đến mồng bảy tết. Mở đầu lễ hội, dân rước kiệu, các đền miếu trong xã về hội tế ở đình, chầu chực hát xướng cả đêm nên cũng có tên là “đình hát”. Suốt ngày hội, dân làng tổ chức các trò chơi: thi chạy, thi bơi, đấu vật, thi nấu cơm, kéo co, đánh cờ, đi cầu kiều… Vui nhất là cuộc đua thuyền trên sông Kênh Cạn. “Chiều mồng sáu cáo trò” (vè) kết thúc lễ hội, hàng tổng cử hành đại tễ, rước kiệu về các đền: “Thánh giá hồi cung” (vè) (1).
*
* *
Đền Tam Lang - đền Cả - đền Lớn là di tích kiến trúc nghệ thuật có giá trị. Họa sĩ Lê Anh Tuấn, nhà nghiên cứu nghệ thuật dân gian, viết trên tạp chí “Văn hóa Hà Tĩnh” (số 8 tháng 11 và 12 năm 1994); “Công trình có chân dung Nghệ thuật đậm đặc nhất hiện còn có khá nguyên vẹn phải kể đến đền Chiêu Trưng (ở Thạch Kim, Thạch Hà…) và đền Cả (ở Hậu Lộc, Can Lộc…). Loại hình kiến trúc nói trên ghi đậm phong cách hậu Lệ; Quy mô nhỏ hẹp, nhưn duyên dáng, không phô trương dáng vẻ bề ngoài, mà nặng về nội thất”… “Trong một quy mô nhỏ, ưu thế về chiều cao không bao nhiêu… thì sức mạnh kiến trúc nghiêng hẳn về phần bên trong (phần gỗ). Như vậy cái đẹp tổng thể gợi tả quy mô của một khuôn viên độc lập với những kiến trúc phụ, bổ trợ cho nhau… “có thể đây cũng là cách giải phù hợp nhất trong vùng địa lý nghiệt ngã… để công trình kiến trúc có điều kiện tồn tại”.
(1) Về lễ hội đền Tam Lang, sách “Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh chép khác một số chi tiết như về ngày lễ hội, hình thức lễ hội v.v… Nhưng đại để không trái ngược với các chi tiết mà sách “Non nước Hồng Lam” chép như trên (xem thêm phần “Văn hóa dân gian” ở trên).