Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử huyện Can Lộc!

Sáng ngày 11/08/2022, xã Kim Song Trường long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Nhà thờ Trần Văn Tùy. Tham dự có các đồng chí Đậu Khoa Toàn, Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh; Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện; chính quyền địa phương cùng đông đảo con, cháu dòng họ.

Nhà thờ Trần Văn Tùy thuộc thôn Phượng Sơn, xã Kim Song Trường, được xây dựng  trên khuôn viên vườn rộng 179,3m2, theo kiến trúc chữ nhị (=), gồm thượng điện và hạ điện. Thượng điện xây dựng vào thế kỷ XIX, đến năm 1930 con cháu dòng họ sửa sang xây dựng lại, hạ điện xây dựng năm 2003. Trần Văn Tùy thuộc đời thứ 4 của dòng họ Trần Văn, sinh vào khoảng năm 1730 - 1735. Ông lớn lên trong bối cảnh đất nước nội chiến triền miên, dân tình cực khổ nên Trần Văn Tùy đã sớm có ý thức trách nhiệm đối với đất nước, ông chuyên tâm lao động, chăm chỉ luyện tập võ nghệ, rèn sức khỏe để mong có cơ hội giúp dân, giúp nước. Đến tuổi trưởng thành, Trần Văn Tùy gia nhập quân đội triều đình.Từ một người lính ban đầu, ông dần vươn lên giữ chức Đội phó, Đội trưởng, rồi đến Thị hầu nội khuông hữu đội. (Theo Quan chế triều Lê, chức Thị hầu nội khuông thuộc các đội bộ binh thị hậu, là đội quân lo việc bảo vệ cung vua, phủ chúa).

Năm 1782, sau một quá trình dài phục vụ quân đội triều đình, lập nhiều công lao, Trần Văn Tùy được triều đình Lê - Trịnh ban sắc phong thăng hàm Bách hộ, Phấn lực tướng quân, tráng sĩ. Sau khi giải ngũ, Trần Văn Tùy về quê hương sinh sống. Những năm tháng hưu quan, thấy vùng quê đang ở thấp trũng, hàng năm ngập lụt, Trần Văn Tùy cùng với chức sắc trong làng vận động nhân dân di cư vào nơi ở mới cao ráo núi Phượng Sơn. Hiện nay trên vùng đất này có 3 thôn với khoảng 600 hộ dân, 1500 nhân khẩu đang sinh sống, tại đây có 3 giếng cổ hiện còn tồn tại do ông  vận động nhân dân đào giếng lấy nước phục vụ sinh hoạt cộng đồng đó là: Giếng Thạc, Giếng Mạc và Giếng Sau.

Cũng theo truyền ngôn của dòng họ thì Trần Văn Tùy còn mở lớp dạy chữ Hán cho con cháu trong dòng họ và con em trong làng, mục đích là để biết viết tên tuổi của mình, biết đọc văn cúng ông bà tổ tiên.

Phát huy truyền thống các thế hệ đi trước, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ,  dòng họ Trần Văn đã có nhiều người tham gia kháng chiến, trong đó có 6 người con đã anh dũng anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, 1 bà mẹ Việt Nam Anh hùng và nhiều người có công với nước. Ngày nay, con cháu họ Trần Văn lại phấn đấu học tập với trên 50 người có bằng đại học, 02 Tiến sỹ… công tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau .

Với những giá trị lịch sử đó, nhà thờ Trần Văn Tùy đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đây cũng là cơ sở để chính quyền, người dân xã Kim Song Trường và con cháu trong dòng họ tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị của di tích./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 1.877.500
    Online: 54
    ipv6 ready