Những ngày này, dù không phải mùa cao điểm, nhưng bên những chiếc khung gỗ nhiều người dân thôn Yên Lạc, xã Quang Lộc vẫn đang miệt mài “chằm” nên những chiếc áo tơi, vật dụng quen thuộc của người dân địa phương và các vùng miền lân cận.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thị là một trong những hộ “chằm” tơi có tiếng ở thôn Yên Lạc, xã Quang Lộc. Biết, theo học nghề chằm tơi từ lúc còn nhỏ, đến nay, ở tuổi 51 ông Thị đã có trên 40 năm làm nghề. Ông chia sẻ: “ Tuy được xem là nghề phụ nhưng với tôi chằm tơi ngày càng gắn bó và làm để giữ lấy nghề truyền thống của ông cha để lại”. Từ suy nghĩ đó, ông Thị luôn cố gắng trau dồi tay nghề để làm nên những chiếc áo tơi đẹp nhất, tốt nhất.

Để hoàn thiện một chiếc áo tơi phải mất gần 2 tiếng đồng hồ.

Đợt cao điểm năm nay, vợ chồng ông Nguyễn Văn Thị làm được trên 300 chiếc áo tơi.
Nghề chằm tơi ở thôn Yên Lạc, xã Quang Lộc có từ lâu và được trao truyền từ đời này, sang đời khác. Chằm tơi là nghề đòi hỏi sự khéo léo trong từng công đoạn. Vào mỗi mùa chằm tơi, người dân thôn Yên Lạc phải lặn lội lên vùng rừng núi ở Hương Khê để tìm lá tơi là nguồn nguyên liệu quan trọng nhất để làm nên áo tơi. Nguồn lá ngày một khan hiếm, quãng đường đi ngày một xa, hầu như mỗi lần đi tìm lá đều phải đi từ 2 – 3 giờ sáng và kéo dài đến tận hôm sau mới về. Tuy vậy, công việc này đã trở nên gắn bó với nhiều người dân của thôn Yên Lạc.

Bà Trần Thị Phượng ( mặc áo đỏ), thợ chằm tơi lành nghề chia sẻ: lá tơi khi hái còn tươi về phải sấy qua lửa sau đó phơi sương, phơi nắng,vuốt thật thẳng, xếp thành bó nhỏ rồi vào khuôn để kết tơi.
Người dân Yên Lạc làm áo tơi quanh năm nhưng cao điểm vẫn là từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm. Vào mùa, mỗi gia đình ở thôn Yên lạc làm được 100 đến 300 cái, giá bán dao động từ 70 đến 100 nghìn đồng. Áo tơi sau khi làm xong được thương lái đến đặt hàng và thu mua tận nơi.
Thôn Yên Lạc có khoảng 180 hộ dân trong đó có 30 hộ làm nghề chằm tơi thường xuyên. Để bảo tồn nghề truyền thống này xã Quang Lộc cũng đã có sự quan tâm kịp thời và các chính sách, giải pháp hỗ trợ. Mới đây, Hội LHPN xã Quang Lộc đã đứng ra thành lập Tổ hợp tác chằm tơi Yên Lạc với 24 thành viên tham gia. Tổ hợp tác hoạt động theo quy chế và tham gia thực hiện kế hoạch theo sự phân công của Hội LHPN xã.

Chị Trần Thị Lệ Thu, Phó Chủ tịch Hội LHPN, Tổ trưởng THT chằm tơi Yên Lạc cho biết: THT chằm tơi là nơi để các thành viên thường xuyên chia sẻ những kinh nghiệm được coi như “bí quyết riêng” để đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường và tiếp cận kịp thời với các nguồn vốn, chính sách hỗ trợ để phát triển nghề chằm tơi.

Ông Trần Trọng Thể, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Lộc cho biết: “Trước những khó khăn do nguồn nguyên liệu cũng như sự phổ biến, cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp hiện đại, việc lưu giữ nghề truyền thống gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên công dụng của những chiếc tơi đối với đời sống người dân đã mang lại thêm nhiều động lực để người dân thôn Yên Lạc gìn giữ và phát huy nghề truyền thống”.

Ông Bùi Vĩnh Luận, thôn Tân Mỹ, xã Trung Lộc đến tận chợ Lối xã Quang Lộc để chọn cho mình chiếc áo tơi ưng ý nhất.


Nhiều người nông dân xem áo tơi như "người bạn" giúp chống lại sự khắc nghiệt của thời tiết.
Giữa cái nắng hè oi ả, những chiếc áo tơi được chằm bởi những người thợ lành nghề ở thôn Yên Lạc đã tạo nên những giá trị rất đỗi bình dị, thân thuộc. Áo tơi Yên Lạc đã có mặt hầu khắp các chợ lớn nhỏ trong, ngoài huyện và nhiều khu du lịch, sự kiện ở các tỉnh, thành trên toàn quốc.