Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử huyện Can Lộc!

NHÀ VĂN – NHÀ NGHIÊN CỨU VĂN HÓA DÂN GIAN – NHÀ SỬ HỌC – NHÀ HÁN NÔM HỌC

Nguyễn Đổng Chi là một trong những Đại biểu ưu tú nhất của dòng họ nho học nổi tiếng ở xã Ích Hậu, huyện Can Lộc. Thân sinh ông là cụ tú kép Nguyễn Đức Thuận, tức Nguyễn Hiệt Chi (1870-1935), một nhà giáo yêu nước, sáng lập viên trường “Dục Thanh” ở Phan Thiết: Chú ruột ông là liệt sĩ Nguyễn Hàng Chí (1886-1908), người cầm đầu cuộc “xin sưu” tại Hà Tĩnh năm 1908.

Ông tên Đổng, thường gọi là Gióng, sau có các bút danh Nguyễn Trần Ai, Bình Ân, Bạch Hào…. Không phải sinh ở làng Đông thượng, xã Ích Hậu, mà tại thị xã Phan Thiết ngày 6-1-1915. Ông sống qua tuổi nhỏ ở đây, sau đó theo cụ thân sinh về Vinh học tiểu học và học chữ Hán, rồi vào Đồng Hới vừa học vừa làm thư ký cho hãng dầu khuynh diệp của Viễn Đệ và đỗ tiểu học Pháp - Việt ở đây. Ông trở lại Vinh học bậc cao đẳng tiểu học ở trường Lê Văn và tiếp tục học Hán - Nôm với cụ thân sinh.

Ở tuổi 16, 17 ông bắt đầu học lập nghiệp, mở Bình Ân dược phòng chế thuốc gịt gia truyền và cải tiến hàng mỹ nghệ đồ tre chạm, bán ở Vinh và nhiều nơi khác. Đồng thời ông mở “Kho sách Bạn trẻ”, viết dịch những truyện giáo dục trẻ em, in được 5 quyển.

Năm 1934 ông theo anh ruột là Nguyễn Kim Chi, y sĩ Đông Dương, lên Kon –Tum sưu tầm, nghiên cứu các tộc người Bana (Banhnar), Gia Rai (Djarai). Trở về, hai anh em viết chung cuốn Mọi Kon Tum.

Ở Vinh, ông lại tiếp tục đi học một thời gian nữa, rồi làm phóng viên tuần báo Thanh – Nghệ - Tĩnh và làm cộng tác viên cho Báo bạn dân (Vinh), tiểu thuyết thứ hai (Hà Nội), Phụ nữ tân văn (Sài Gòn). Thời gian này, ông lấy bút hiệu Nguyễn Trần Ai, cho xuất bản tập truyện Yêu đời, được giải của Báo Tiểu thuyết thứ hai.

Sau khi tự thử thách trên trường kinh doanh và trường văn, Nguyễn Đổng Chhi nhận ra khả năng của mình và có ý thức về nghề cầm bút. Thấy cần phải có vốn học sâu rộng hơn, ông quyết định trở về làng quê tiếp tục xay dựng Mộng Thương thư trai, một thư viện gia đình lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh, có hàng chục ngàn cuốn sách và nhiều tư liệu Hán Nôm cổ quý giá lưu giữ từ nhiều đời. “Nguyễn Đổng Chi quyết tâm cạo đầu đóng cửa ngồi nhà học thêm chữ Hán mấy năm trời. Ngoài những việc lao động trong gia đình anh không đi ra  xóm ngõ, chỉ mài miệt trau dồi vốn liếng của mình. Sách báo từ Hà Nội, Huế gửi về cho anh rất đều. Anh cố gắng đọc hết và bỗng thấy mình có hứng thú với nền văn học cổ” (Nguyễn Duy Quý).

Thời gian từ năm 1936 đến 1945, Nguyễn Đổng Chi vừa   học tập, vừa viết sách, đồng thời bắt mối tham gia hoạt động cách mạng.

Năm 1937, cuốn Mọi Kon Tum của Nguyễn Kim Chi, Nguyễn Đổng Chi xuất bản ở Huế. Công trình nghiên cứu này được nhà dân tộc học người Pháp Công-đô-mi-nát (Condominas) nhắc đến một cách trân trọng.

Cũng năm này, ông viết và xuất bản ở Vinh tập phóng sự Túp lều nát - 84 trang, 13 chương, nêu lên tình cảnh nông dân Nghệ Tĩnh sống dưới ách cường hào, ký bút danh mới Nguyễn Trần Ai. Tác giả đã bị mật thám Hà Tĩnh gọi đến tra vấn…

Sau đó, năm 1938, ông tham gia Đoàn thanh niên dân chủ phản đế ở Hà Tĩnh và bắt đầu soạn bộ Việt Nam cổ văn học sử (3 tập). Năm 1942, ông cùng bạn là Nguyễn Chung Anh ra Hà Nội, đọc sách ở thư viện trường Viễn Đông bác cổ, và qua một người bạn khác là Đặng Đôn Giá, liên lạc với Nguyễn Đắc Giới (tức Thôi Hữu), tham gia tổ chức Thanh niên cứu quốc, hoạt động ở mạn bắc ngoại thành. Cũng thời gian này, ông xuất bản tập I Bộ Việt Nam cổ văn học sử. Sách được Trần Văn Giáp đề tựa, Huỳnh Thúc kháng viết lời “bạt” đều khen tác giả là người “đạt kiến” và có công lao. Các học giả Nguyễn Văn Tố, Đặng Thai Mai đều có nhận xét trân trọng trên báo Tri Tân, Báo Thanh Nghị.

Thời gian này ông bắt đầu biên soạn công trình nghiên cứu Đào Duy Từ, và xuất bản năm 1943. Sách được tặng giải khuyến khích của học Hội A-léch-đăngđơRốt (Alexan-dre de Rhodes –Sài Gòn).

Năm sau, 1944, ông lại liên tiếp cho ra mắt tại Hà Nội tập I Hát giặm Nghệ Tĩnh và tập I bản dịch Thối thực ký văn của Trương Quốc Dụng mà ông dịch chung với ông chú họ Nguyễn Lợi.

Với ba công trình Việt Nam cổ văn học sử, Đào Duy TừHát giặm Nghệ Tĩnh liên tiếp ra đời, tên tuổi Nguyễn Đổng Chi đã trở thành quen thuộc trong giới nghiên cứu Việt Nam. Nhưng sau đó, người ta thấy ông im lặng.

Số là, từ tháng 4-1943, Nguyễn Đổng Chi đã cùng Nguyễn Chung Anh mang theo Nghị quyết của Việt Minh về Hà Tinh, và chịu trách nhiệm trước Chu Huệ (vừa vượt ngục về xây dựng phong trào ở đây), cùng một số bạn bè tổ chức Đoàn thanh niên cứu quốc vùng Can Lộc, Thạch Hà. Đến tháng 8, phong trào bị khủng bố, một số thanh niên bị bắt, Nguyễn Đổng Chi lánh ra Vinh rồi vào Huế ít lâu, sau đó trở về quê tiếp tục xây dựng lại tổ chức biến tướng “Phường tập phúc”, “Hội lợp nhà”. Đầu năm 1945, Thanh niên cứu quốc được phục hồi, Nguyễn Đổng Chi được phân công ra làm thủ lĩnh thanh niên Phan Anh Can Lộc để hướng tổ chức này phục vụ cách mạng. Thời gian này, ông dịch cuốn Chiến thuật du kích làm tài liệu cho đội vũ trang.

Ngày 15-8-1945, Nguyễn Đổng Chi tham gia lãnh đạo cướp chính quyền ở huyện Can Lộc, rồi được Ủy ban Cách mạng liên tỉnh Nghệ Tĩnh điều động ra làm báo Kháng địch ở Vinh. Ông lập “Kho sách Bạn dân” in được 2 cuốn, tiếp đó được bầu làm Phó chủ tịch rồi Chủ tịch Hội văn hóa cứu quốc Nghệ An, đồng thời làm bút báo Truyền thanh, Thành lập nhà xuất bản “Ngàn Hống” in được ba đầu sách, thì ông phải chuyển sang cơ quan kinh tài LK IV rổi chuyển ra Hà Nội công tác.

Cuộc kháng chiến bùng nổ, ông tham gia tự vệ thành, chiến đấu ở khu Bảy mẫu, rồi về nhận việc ở Ban tài chính Trung bộ, Ban kinh tế LK IV, công tác ở đồn điền Bà Triệu Phủ Quỳ, và được kết nạp vào Đảng cộng sản ở đây (1947).

Năm 1949, khi làm Chánh văn phòng Ban kinh tài LK IV ở Nam Đàn, ông viết truyện dài Gặp lại một người bạn nhỏ. Năm 1950, ông làm báo Cứu quốc LK IV một thời gian, rồi làm Giám đốc nhà xuất bản Dân chủ mới. Năm 1952, ông bị đau về nghỉ ở quê, rồi đi dạy học ở trường cấp II. Nguyễn Hàng Chi, tham gia Hội đồng nhân dân xã, Ủy ban Mặt trận Liên việt xã và huyện cho đến khi phát động giảm tô..

Từ năm 1973, Nguyễn Đổng Chi đã được mời làm cộng tác viên Ban nghiên cứu văn sử địa trung ương. Đầu năm 1955, theo lời mời của nhà sử học Trần Huy Liệu, Trưởng ban, Nguyễn Đổng Chi ra làm việc ở tổ văn.

Từ Ban nghiên cứu văn sử địa, ông chuyển sang Viện sử học, (1959) làm Trưởng ban tư liệu của Viện, (1962). Ông đã cùng Lê Văn Lan, Hoàng Hưng phát hiện di chỉ núi Đọ (1960), rồi tham gia đoàn điều tra biên giới Việt - Trung, Việt - Lào 18 tháng (1973-1974),sau đó ông tham gia Ủy ban đổi tên đường phố Sài Gòn (1975), và chuyển vào công tác ở Ban sử - Khảo cổ Viện Khoa học xã hội thành phố Hồ Chí Minh (1976); lại ra Hà Nội làm Trưởng ban Hán- Nôm, quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán - Nôm (1977-1981), rồi xin sang làm chuyên viên Ban văn hóa dân gian (1981). Ông từng được cử sang Trung Quốc, Liên Xô nghiên cứu và trao đổi khoa học… Ở cương vị công tác nào, ông cũng làm việc xuất sắc và được bạn bè quý mến về tài năng, đức độ.

Cũng từ khi ra công tác tại Ban nghiên cứu Văn - –Sử - Địa trung ương (1955) về sau, Nguyễn Đổng Chi có điều kiện tập trung công sức, hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu, biên soạn có giá trị và có cống hiến lớn trong nhiều lĩnh vực: Văn học, Sử học, Hán Nôm học, Văn hóa dân gian, Thư tịch học…

Bước vào nghề cầm bút, Nguyễn Đổng Chi thử sức mình trong địa hạt văn chương. Sau 5 tập truyện trong “Kho sách bạn trẻ” do Mộng thương thư trai xuất bản ở Vinhh 1933, ông còn có thêm tập truyện Yêu đời (MTTT, Vinh, 1935) và cuốn phóng sự “Túp lều nát” (MTTT, Hà Tĩnh 1937). Mãi 20 năm sau (1957) ông mới lại có cuốn ký sự kháng chiến, sau viết lại thành “Gặp một bạn nhỏ”. Đóng góp của ông về sáng tác không nhiều, nhưng ông là một nhà văn có tâm huyết và thành tựu.

Nhưng về văn học sử Nguyễn Đổng Chi được coi là “Người mở đường” với Việt Nam cổ văn hóa sứ (Hàn Thuyên H.1942). Bộ sách được đánh giá là làm “Có thể tài, có phán đoán, có phương pháp” (Trần Văn Giáp), và tác giả được gọi là “Người phát hiện nền Việt nam cổ văn học sử” (Trần Thị Băng Thanh). Ông còn là đồng soạn giả bộ sách Việt Nam trên những chặng được chống phong kiến Trung Quốc (H.1981).

Về sử học, sau cuốn Đào Duy Từ, Nguyễn Đổng Chi lấy bút danh Bạch Hào viết lịch sử các cuộc các mệnh trên thế giới (Cách mệnh Hoa Kỳ, Cách mạnh Phi luật tân, Cách mệnh Pháp)Phạm Hồng Thái (Đều do  NXB Ngàn Hống, Vinh in năm 1946). Nhưng đó chỉ là những tập sách mỏng bước đầu. Từ 1955 về sau: ông có những đóng góp quan trọng trong các công trình lớn, viết chung với các tác giả khác nhau: Nguyễn Trãi nhà văn học và nhà chính trị thiên tài (H.1957). Nguyễn Trãi khí phách và tinh hoa của dân tộc (H.1980), Nhà yêu nước và nhà văn Phan Bội Châu (H.1970), Hùng Vương dựng nước (các tập II, III, IV - 1972, 1974, 1974), Thời đại Hùng Vương (H.1973), Nguyễn Đình Chiểu tấm gương yêu nước và Lao động nghệ thuật (H. 1973), Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài mút (Tiền Giang 1977), Nông dân Việt Nam trong lịch sử (2 tập H.1978), Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý – Trần (H.1981) v.v… Một số công trình lớn khác của ông như Lịch sử phong trào nông dân thời trung đại, Làng xã từ Bắc đến Nam, nền tảng của một quốc gia ViệtNam thống nhất, Góp phần tìm hiểu phong trào nông dân Việt Nam trong lịch sử xã hội phong kiến v.v.. đến nay vẫn chưa được xuất bản… Ông còn có các tập Đặc khảo về quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa, Bảo Bạch Long Vĩ, các tập Đặc khảo về biên giới Việt - Trung, biên giới Lào - Việt, Bộ Tổng mục lục và sách dẫn các bài luận văn của 48 tập san Văn – Sử Địa, 153 số tạp chí Nghiên cứu lịch sử (1954-1973)…

Là nhà Hán Nôm uyên bác, người phụ trách cơ quan nghiên cứu đầu tiên, Nguyễn Đổng Chỉ đã góp công không nhỏ xây dựng ngành Hán Nôm học Việt Nam về nhiều Mặt. Riêng về dịch thuật, ngoài cuốn Thối thực ký văn của Trường Quốc Dụng (Tân Việt H.1944), ông chỉ hiệu đính và viết lời giới thiệu bản dịch sách nghệ An ký của Bùi Dương Lịch (do Nguyễn Thị Thảo dịch, H.1993). Nhưng ông là đồng tác giả sách Thư tịch cổ và nhiệm vụ mới (H.1979); Một số vấn đề văn bản học Hán - Nôm (H.1983); Nghiên cứu Hán Nôm (H-1984); Nghề nông cổ truyền Việt nam qua thư tịch Hán Nôm (H-1995) v.v… Đặc biệt ông đã viết đề cương Từ điển thư tịch Hán Nôm và đã triển khai xong 8000 phiếu lược thuật tên sách, và trực tiếp biên soạn xong 3.500 từ điều.

Với tác phẩm Mọi Kon Tum (một cuốn sách về dân tộc học và văn hóa dân gian), nhất là với Hát giặm Nghệ Tĩnh (T.1 H 1944); Nguyễn Đổng Chi được coi là một trong những nhà Phôn-cơ-lo học tiên phong, và khi Hội Văn nghệ dân gian Việt nam thành lập (1966), ông được bầu vào ban chấp hành khóa I của Hội. Trên lĩnh vực này, ông có cống hiến to lớn cả về lý luận sưu tầm, nghiên cứu biên soạn sách, và góp phần quan trọng xây dựng ngành Phôn-cơ-lo học Việt Nam.

Ông là người đầu tiên khảo cứu về thần thoài và viết Cuốn Lược khảo về thần thoại Việt Nam (X 1956-1959). Đặc biệt ông đã để 20 năm biên soạn bộ sách đồ sộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam gồm 5 tập, đã tái bản đến lần thứ 7. Bộ sách được giới thiệu khoa học trong nước và nước ngoài đánh giá cao. “Chắc chắn bộ sách cùng với tác giả của nó sẽ tồn tại lâu dài”. (Vũ Ngọc Khánh). Và chính tác giả cũng tự hào viết trong bài “Bảy mươi tuổi tư trào”. Một kho tàng lưu lại cháu con, Còn hơn cả vinh hoa của cải”.

Ông là đồng tác giả những cuốn sách. Những ý kiến về văn học dân gian (H.1966). Những ý kiến về văn học nghệ thuật dân gian (H.1969). Phương pháp sau tầm văn học dân gian ở nông thôn (H.1969) và nhiều sách viết về truyện dân gian, văn hóa dân gian khác.

Nhiều công trình quan trọng khác của ông đến nay vẫn còn là bản thảo, trong đó có nhiều báo cáo khoa học trình bày trong và ngoài nước như: Dự án viết xã chí trên quy mô cả nước (1961), Dự thảo đề cương công trình từ điển bách khoa Folkloer (1980)… Giới thiệu Pholkore ở  Việt Nam (thuyết trình tại Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, 1984), Một ít nét về ngành nghiên cứu Folkloer học Việt Nam (báo cáo tại Viện học Ucraina, 1984). Trong sự nghiệp trước tác của mình, Nguyễn Đổng Chi đã dành nhiều thời tâm huyết cho quê hương Nghệ Tĩnh, là nhà Nghệ Tĩnh học hàng đầu . Ngoài các tác phẩm văn chương, lịch sử, ông đã có nhiều bài viết và báo cáo khoa học, chủ biên nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh quan trọng: Hát giặm Nghệ Tĩnh (3 tập 1944-1962-1963). Vè Nghệ Tĩnh (2 tập 1965), Ca dao Nghệ Tĩnh (1984), Địa chí Văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh (1995), Văn học dân gian sưu tâm ở Ích Hậu ( 4 tập cùng soạn với Đoàn Thị Tịnh, chưa xuất bản).

Có thể gọi Nguyễn Đổng Chi bằng nhiều danh hiệu cao quý: Nhà văn, nhà văn học sử, nhà sử học, nhà thư tịch học, nhà Hán Nôm học, nhà Phô-cơ-lo học, Nhà Nghệ Tĩnh học… nhưng có thể đã đầy đủ nếu ta gọi ông là học giả - học giả uyên bác và tài năng.

Với những công hiến to lớn cho nền văn hóa Việt Nam hiện đại, Nguyễn Đổng Chhi đã được Nhà nước phong giáo sư và được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (1996).


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin đã đăng
Tin liên quan
     Liên kết website
    Thống kê: 1.882.555
    Online: 22
    ipv6 ready