Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử huyện Can Lộc!

Ngày 27/10/2020, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 3085-QĐ-BVHTTDL công nhận xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền thờ Dương Trí Trạch, thuộc xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Tiến sĩ Bạt Quận công Dương Trí Trạch sinh năm Bính Tuất (1586) tại làng Yên Huy xã Bạt Trạc, huyện Thiên Lộc, nay là xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc. Thủa nhỏ ông là người học giỏi thông minh, nhưng đi thi chỉ đỗ tú tài rồi không đi học nữa. Khi có việc làng, nhiều người hạch sách không cho ngồi chung chiếu, tức chí ông lại tiếp tục học hành và đi thi. Khoa thi năm Kỷ Mùi (1619) ông đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, lúc này ông 34 tuổi.

Sau khi đỗ, ông bắt đầu làm quan với triều Lê. Năm Canh Ngọ (1630), ông được vua Lê Trần Tông cử làm chánh sứ sang nhà Minh tuế cống. Sau 3 năm làm công tác đối ngoại thành công, năm Quý Dậu (1633) đoàn sứ Bộ do Chánh sứ Dương Trí Trạch về đến Thăng Long bái yết vua Lê được nhà vua khen ngợi, ghi nhận công lao và thăng chức bồi tụng. Năm 1644, Đốc thị Dương Trí Trạch cùng với Thái bảo Tây Quận công Trịnh Tạc đi đánh nhà Mạc ở Cao Bằng, có công truy bắt được nhiều đảng giặc. Sau đó ông được thăng chức Thượng thư Bộ Lễ, kiêm Thị độc Viện hàn lâm, tham dự công việc ở khu mật viện, rồi được phong Dực vận tán trị công thần, tước Bạt Quận công

Vào những năm giữa thế kỷ XVI và XVII, các thế lực phong kiến tranh giành quyền lực, nhà Lê đã mất dần vai trò lịch sử, đẩy đất nước vào họa chia cắt, nội chiến tàn khốc giữa các thế lực Lê - Mạc, Trịnh - Nguyễn. Đứng trước tình hình đó, Dương Trí Trạch đã dâng sớ nhiều lần và thực hiện nhiều chính sách về chính trị nhằm bình ổn đất nước, được vua Lê lúc bấy giờ thực thi có hiệu quả.

Năm Tân Sửu (1661), ông xin về hưu, được thăng chức Thượng thư Bộ Lại, gia Quốc lão Thái bảo. Năm sau (1662), Tiến sĩ Bạt Quận công Dương Trí Trạch mất, thọ 77 tuổi, được truy tặng Thái Tể. Vua Lê đã phong sắc “Hồng Nho Thạc Đức, Nguyên Lão Đại Thần” ( nghĩa là: Núi Hồng sinh ra người có công lớn đức cao, vị Đại thần cao tuổi đứng đầu quan triều đình).

Sau khi ông mất, Nhân dân làng Bạt Trạc lập đền thờ để tưởng nhớ công đức của ông. Sau hai lần trùng tu (năm 1924 và năm 1942), hiện đền vẫn còn đầy đủ đồ thờ như hương án, bài vị, bộ nghi trượng, hoành phi, câu đối chạm trên gỗ được sơn son thếp vàng... Ban đầu trong đền có tấm bia đá được tạc theo mẫu văn bia Văn Miếu, nội dung do chính ông soạn vào năm Thịnh Đức thứ nhất (1653) đời vua Lê Thần Tông. Về sau, vua Minh Mạng triều Nguyễn đã ra chỉ dụ buộc đền chùa nào có văn bia, liễn đối đề cao họ Trịnh thì phải mài, đục không để dấu tích. Con cháu dòng họ sợ truy bức nên đục hết phần chữ mà không ghi chép lại. Rất tiếc, đến nay vẫn chưa biết văn bia chép gì.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 1.877.603
    Online: 38
    ipv6 ready