Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử huyện Can Lộc!

VẠN THUỞ LƯU DANH GIỚI THIỆU BIA SÙNG CHỈ TẠI ĐỀN THỜ HÀ TÔNG MỤC (*)

HÀ VĂN SỸ

 

VẠN THUỞ LƯU DANH

GIỚI THIỆU BIA SÙNG CHỈ TẠI ĐỀN THỜ HÀ TÔNG MỤC (*)

(xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh)

 

 

Toàn bộ bia được đặt trên đế bia 3 cấp, 4 mặt hình vuông, kích thước 89cm, 74cm và 64cm. Thân bia có kích thước 94cm x 58cm, lòng bia có kích thước 89cm x 45cm. Phía trên có mái che hình nón úp kích thước 69cm. Trên cùng có hình lồ ô. Phần trán bia được trang trí hoa văn hình chữ V cách điệu cùng các họa tiết hình mây lửa trên diềm bia. Về nghệ thuật trang trí trên bia là các họa tiết trang trí kiến trúc ở thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII thời Lê - Trịnh, như: các áng mây cuộn xoắn lại cả hai đầu, phía sau mỗi áng mây lại có một giải mây cong vút hình nhọn (thường gọi là mây lửa). Phần diềm của bệ bia được các nghệ nhân chạm khắc trang trí vân hình sóng nước nhịp nhàng được lặp đi lặp lại liên tục. Ở mỗi khúc uốn hình sóng được điểm xuyến một bông hoa nhiều cánh đơn giản, được sắp xếp hoàn chỉnh, theo trục đối xứng chân diềm bia. Hình trang trí được chạm khắc với đường nét sắc nhọn, nhưng uyển chuyển, sinh động (ẩn dụ cầu mong cho đất nước quê hương với sự đóng góp của Hà Tông Mục trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa,đất nước phát triển, dân chúng có cuộc sống thanh bình ấm êm no đủ). Phía trên 4 mặt diềm bia đều có khắc các chữ đại từ và đôi câu đối chữ Hán:

 

      - Mặt Nam có các chữ: “Sùng chỉ bi kí” (Văn bia Sùng chỉ) và câu đối:

“Trai nguyệt quang phong đồ bất tận

  Tung sơn huy Đẩu ngưỡng di cao”

Dịch nghĩa:

Ánh trăng nơi phòng sách làm rạng ngời, tạo nên bức tranh muôn thuở

Núi cao sáng chói ánh sao Đẩu, ngưỡng vọng càng cao vời.

 

     - Mặt Bắc có các chữ “Tôn sự bảo từ kí”(Lời kí về việc suy tôn) và câu đối:

Dịch nghĩa:

Âm đức cho dù nhỏ nhoi cũng đồng hành với sự sinh sôi phát triển

Chốn thờ tự nguy nga luôn sánh cùng với sự bảo hộ chở che.

 

-  Mặt Đông có các chữ “Nghĩa hương tính danh kí chú” (Ghi chép họ tên của những người làm điều nghĩa của làng) và câu đối:

Dịch nghĩa:

Uy nghi lẫm liệt như sự hiển linh của Thần

Văn vật rỡ ràng tựa như thứ bậc đã sắp đặt của Lễ

        - Mặt Tây có các chữ “Huệ điền phụng sự nghi chú” (Ghi chú về nghi lễ thờ phụng và ruộng ân huệ” và câu đối:

Dịch nghĩa:

Nước suối rau khe, ngụ trong một niềm thành kính

Xuân thu thờ cúng, quanh năm hương khói ngạt ngào.

Toàn bộ văn bia khắc lõm bằng chữ Hán, có một số chữ Nôm ghi tên xứ đồng, ruộng đất. Bia do GS.NGND Hà Văn Tấn, nhà Hán học Đào Quang Luận và PGS.TS Đinh Khắc Thuân phiên âm, chỉnh lý và dịch quốc ngữ. Hiện đã được in trong sách “Văn bia Hà Tĩnh”. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2017, trang 41-49.

 

Nguyên văn chữ Hán: 崇址碑記

天祿何進士崇崇址碑記

賜戊辰科第三甲同進士出身辭命第二名內贊知水師吏科給事中何鉅公諱令名宗穆字淳如係是天祿醒石社人。

始祖賜丙戌科第二甲進士出身兵刑二部尚書兼國子監祭酒入侍經延何相公諱公程公即七世孫也初公顯考明裔與其母范氏號慈孰多行陰騭以癸巳年九月二十五日已時誕公生得頻悟天資闊達地步七八歲通詩禮十二歲善屬文癸丑入痒生乙卯領鄉解癸亥春會場參中甲子科士望首優進貳鴻臚寺卿奉入侍內其漸磐而進陞之時乎逮戊辰會試科時公年三十有六欽賜同進士出身復中應制第一入直翰苑玉堂春腳聲價千金孔思周情宗師多士尋奉兼為宣興二處督同官蓋以詞學顯也。

辛未欽往保樂州會勘北界北朝委官縑詩頻賀壬申奉之安邊城巡省州民一方士女匡匪爭迎其德望有以鎮服人心也久矣。

癸酉年聖朝重詞臣之選大考廷臣公詞鋒振響名標第二進陟吏科奉賞俸錢尃司辨命更奉王儲簡入內贊委知水師賡國語之詩條兵民之策賞金章服寵渥目隆斯時也簡注於一心結知於聖嗣。

識者咸曰調元之任行將待矣公之於鄉也深恩厚德多有捍災禦患之功圔邑感佩請尊事公與夫人為鄉祖父母公欲辭讓固請至再公嘉其厚意東惠以肥田捌畝秧田肆頃用為黍稷之需鄉人益喜遂建立生祠名之曰崇址留為萬世香火之基。

因徵文以識其事余曰以余觀鉅公之德量才智來必位陟台階功施社稷銘之彝鼎紀之旗常將以耀後世而垂無窮豈止誇一時榮一鄉哉且公之恩澤今在義鄉心後在義鄉子孫心其勳業家有譜系記國有史官記焉用此為皆曰公則何事於斯雖然於我心有不釋焉夫華陰一雀尚知報效矧我邑挾纊騰霄多公之雖結草啣環未應階答姑表一址一碑云爾余無以為結於是乎為之記。

皇鉞正和萬萬年之十七龍輯丙子孟秋下浣穀日。

賜庚戌科第三甲同進士出身戶科給事中東安力田阮甫撰。

丙寅科試中書筭奉入內書寫水兵番文江如鳳…

本衙守役官員子兼令長同社佑福阮止信承

拔石匠局正紹東安穫社仁美伯黎廷相奉刊。

惠田奉事儀註

安壽村分田貳畝秧田一頃,

忠厚村分田貳畝秧田一頃,

榮福村分田貳畝秧田一頃 …  

 

Dịch nghĩa: Văn bia Sùng chỉ (mặt Nam)

Văn bia sùng chỉ của vị Tiến sĩ họ Hà huyện Thiên Lộc.

Hà Cự công đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn (1688), đứng thứ hai kỳ thi Từ mệnh[1], làm quan chức Nội tán Tri thuỷ sư, Lại khoa Cấp sự trung[1], tên huý là Lệnh, tên là Tông Mục, tự là Thuần Như, người xã Tỉnh Thạch huyện Thiên Lộc.

Thuỷ tổ Hà tướng công, huý là Công Trình, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Tuất (1466), làm quan chức Thượng thư hai bộ Binh và Hình, kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu, Nhập thị kinh diên[1]. Ông (Hà Tông Mục) là cháu 7 đời. Trước ngày cha ông là Minh Duệ, mẹ là Phạm thị hiệu Từ Thục, làm nhiều việc có ân đức, đã sinh ra Công vào giờ Tỵ ngày 25 tháng 9 năm Quý Tỵ (tức ngày 14 tháng 11 năm 1653).

Công sinh ra tính trời dĩnh ngộ, nét đất khoáng đạt, bảy tám tuổi đã thông Thi, Lễ, 12 tuổi đã giỏi làm văn. Năm Quý Sửu (1673), 21 tuổi đỗ Tường sinh[1], năm Ất Mão (1675), 23 tuổi đỗ đầu khoa thi Hương. Thi Hội vào mùa xuân trúng tam trường. Năm Giáp Tý (1684) 32 tuổi đỗ đầu khoa Sĩ vọng, được cử làm Hồng lô tự khanh, phụng Nhập thị kinh diên. Đang lúc dần dần thăng tiến thì gặp khoa thi Hội năm Mậu Thìn (1688). Bấy giờ, ông đã 36 tuổi, đỗ Tiến sĩ xuất thân, lại đỗ thứ nhất kì thi Ứng chế, được vào nơi Hàn uyển, gót xuân dạo nhà Ngọc, thanh giá đáng nghìn vàng; tử Khổng tình Chu, tông sư đa sĩ[1].

Sau lại vâng lệnh kiêm chức quan Đốc đồng hai xứ Tuyên Quang và Hưng Hoá. Ấy là vì nổi tiếng về văn học và ngôn từ. Năm Tân Mùi (1691) vâng lệnh đến Bảo Lạc[1] khám xét về biên giới, triều đình Bắc quốc sai quan đưa thư chúc mừng. Năm Nhâm Thân (1692) vâng lệnh giữ yên biên giới, thăm hỏi nhân dân, trai gái một vùng tranh nhau đón tiếp. Đó là vì đức vọng của ông đã thu phục lòng người từ lâu.

Năm Quý Dậu (1693) Thánh triều muốn tự chọn từ thần, đã mở khoa thi đại khảo thần. Tài văn từ của ông vang dội, tên đứng thứ nhì, thăng chức Lại khoa, được thưởng ngân tiền, việc Từ mệnh. Lại vâng lệnh làm nội tán cho thế tử, được uỷ trông coi thuỷ sư. Như vậy là vừa nối thi ca quốc ngữ, vừa vạch sách lược binh dân, được thưởng áo mũ vàng. Từ đó, sự quý yêu của nhà Chúa ngày một tăng, lòng người chú ý, Thánh thượng biết dùng. Bọn chúng tôi đều nói rằng, các chức vụ đang chờđợi Ông.

Ông đối với quê hương ơn sâu đức dày, có nhiều công ngăn trừ tai hoạ, xóm làng đều bội phục, xin tôn thờ Ông và phu nhân làm hương tổ Phụ mẫu, nhưng Ông đã chối từ việc đó. Phải nài xin đến ba bốn lần, Ông khen là có hậu ý, lại ra ơn cho 8 mẫu ruộng tốt, 4 mảnh ruộng mạ để lo việc nếp xôi. Người làng càng vui mừng, bèn lập Sinh từ, đặt tên Sùng chỉ để lưu lại làm nơi hương khói muôn đời. Do đó muốn xin bài văn để ghi lại việc này.

Tôi nói: “theo tôi thấy, thì với đức lượng và tài trí của Ông, tương lai chắc là chức vị đứng hàng tam công. Công lao lan khắp xã tắc, khắc chữ vào vạc, ghi tên lên cờ để chiếu sáng cho hậu thế và lưu lại đến vô cùng, há phải chỉ khoe trong một lúc, thờ trong một làng thôi sao? Vả lại, ân đức của Ông thì nay ở trong lòng dân quê ta, sau ở trong lòng con cháu quê ta. Còn công nghiệp của Ông thì nhà đã có gia phả chép, nước đã có sử quan ghi, còn dùng bài văn làm gì”? Mọi người đều nói rằng: “Đối với Ông thì việc gì phải cần đến, nhưng đối với tấm lòng chúng tôi thì có điều chưa thoả. Một ngọn đuốc ở Hoà Âm còn phải biết trả ơn nữa là ấp chúng tôi được no cơm ấm áo phần lớn là nhờ ở Ông, dẫu kết cỏ ngậm vành cũng không đủ báo đáp, đành bày tỏ bằng một ngôi đền, một tấm bia vậy thôi”.

Tôi không thể nào can ngăn họ được, cho nên làm bài kí này.

Ngày lành tháng mạnh thu năm Bính Tý niên hiệu Chính Hòa thứ 17 muôn muôn năm (1696).

Vị họ Nguyễn, đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất (1670), làm quan chức Hộ khoa Cấp sự trung, người xã Lực Điền, huyện Đông Yên kính cẩn soạn văn bia[1].

Nguyễn Chỉ Tín, chức Thủ dịch bản nha, quan viên tử kiêm Lệnh trưởng, người cùng xã viết chữ.

Thợ đá là Cục chính cục Bạt thạch tượng Lê Đình Tương, tước Nhân Mĩ bá, người xã An Hoạch, huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Thiên vâng khắc bia:

 

Lời kí về việc suy tôn (mặt Bắc)

Quan viên chức sắc 4 thôn Mông Tiết, Trung Hậu, Vinh Phúc và Hựu Phúc thuộc xã Tỉnh Thạch, huyện Thiên Lộc phủ Đức Quang dựng bia ghi việc tôn bầu Hậu.

Thường nghe, người làm phúc ắt được báo đền. Đó là lẽ hiển nhiên từ cổ xưa đến nay vậy. Nay ngẫm làng ta từ cổ xưa, vốn là làng hòa mục và nhân hậu. Không biết quê ta được lập tự bao giờ, người dân ra sức làm lụng, xây đắp ruộng đồng, nêu cao phong tục thuần phúc. Lại nhờ đất thiêng, linh kiệt mà có ngày nay.

Có bậc Tôn trưởng trong làng đậu Tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn (1688), xếp thứ 2 về Từ mệnh, giữ chức Nội tán tri Thủy sư, Lại khoa Cấp sự trung Hà tướng công. Ông là người nổi danh chốn khoa trường, có tài văn chương, nên được Thánh thượng vời vào nơi màn trướng.

Lòng nhân vang nơi phủ nhậm, dồn sức lực vào việc quốc gia, kính trời thương người, lòng mến yêu rộng khắp; luôn chăm lo đến việc tri ân, đến tôn tộc xóm làng. Người già được yên ổn, tuổi trẻ được mến thương, ốm đau có thuốc, đói khát có ăn, trọng vọng người hiền, tha thứ kẻ có lỗi. Nhờ có sự dạy bảo của Tướng công trong dân hết kẻ đãng du. Đối với nghề nông, Tướng công khuyên bảo việc cấy cày làm đầu. Tướng công nêu cao việc giáo hóa, khuyên bảo nhân từ đối với kẻ dưới và những người không có học, không biết lễ phép để thu phục lòng người.

Công đức nhiều, nhưng Tướng công không nghĩ tới việc báo đáp và phục dịch của dân. Nhờ có Tướng công mà giảm bỏ được nhiều hủ tục. Mỗi khi có việc ăn uống, chi dùng trong thôn, Tướng công đều chu cấp. Vì vậy mọi người được đội ơn săn sóc. Kẻ lưu tán đều trở về quê làm ăn, vui vẻ ấm no. Mọi người thường nói với nhau: “Ân đức lớn lao như vậy, hẳn có được con dòng cháu dõi nối đời thịnh vượng và được thừa hưởng hạnh phúc muôn đời vậy”.

Đó là lẽ thường, nay không biết lấy gì báo đáp, nên lập Sùng Chỉ để phụng thờ muôn đời. Mọi người già trẻ trên dưới trong làng họp lại xin tôn thờ Tướng công làm Tổ Ông của làng, bà họ Vũ làm Tổ Bà của làng để tháng năm cúng tế lâu dài mãi mãi.

Tướng công đáp:“Việc trung cần đối với nước, việc hiếu thuận đối với nhà, ăn ở hòa mục đối với dân làng là chức phận đương nhiên của tôi vậy. Sau này kẻ hậu sinh có chí thì noi theo, có lòng thì cảm nhận. Ngày nay mọi người đã suy nghĩ như vậy, cũng là lẽ trời, lòng người nay xin tự tạ”.

Hết thảy già trẻ trên dưới trong 4 thôn đều vui vẻ tôn bầu.

Ngày 6 tháng 6 năm Ất Hợi niên hiệu Chính Hòa 16 (1695).

 

Quan viên chức sắc kí bầu, kê ra sau (mặt Đông):

Bản đình quan viên tôn kiêm xã sử Nguyễn Đình Kiến vâng biên chép.

Sĩ vọng nội đình Diên văn chức Hà Tông Chu.

Nguyễn Chỉ Hiếu Huyện thừa Hưng Nguyên, Nguyễn Quốc Đương nho sinh.

Văn thuộc kiêm lệnh trưởng Hà Thái Bàn xã trưởng, Nguyễn Đình Chương xã chính, Hà Trụ Thạch xã chính, Nguyễn Như Cổn xã chính, Nguyễn Đình Ưu.

Vũ thuộc kiêm lệnh trưởng Nguyễn Thời Nho phó vũ úy, Hà Y Cẩm, Trần Phong Thiện, Nguyễn Văn Sính.

Bản đình lệnh trưởng Nguyễn Nghĩa Sĩ, Hà Thế Khoa pháp lục ty, Nguyễn Văn Ngạnh, Nguyễn Văn Na, Trùm trưởng bản hương Nguyễn Thái Thất.

Các chức văn thuộc: Nguyễn Phúc Trăn tri sự, Hà Đình Kiêm quan viên tử, Đặng Thế Danh nho sinh, Nguyễn Quốc Dung nho sinh, Nguyễn Đình Khuê, Nguyễn Hưng Liêm, Nguyễn Quốc Thể hiệu sinh, Hà Công Bình hiệu sinh khoa Giáp Tý, Nguyễn Đình Tướng hiệu sinh khoa Giáp Tý, Nguyễn Quốc Năng giám sinh, Nguyễn Như Bích hiệu sinh, Nguyễn Chỉ Thiện quan viên tử.

Các chức vũ thuộc: Hồ Văn Nhiễm phó vũ úy, Nguyễn Văn Nho phó vũ úy, Trần Pháp Đình, Nguyễn Văn Mộng, Nguyễn Văn Quân, Trần Văn Hiệu, Nguyễn Văn Kiến, Nguyễn Văn Quý, Vũ Công Luật, Trần Văn Tranh ngũ trưởng, Nguyễn Đình Đốc, Nguyễn Thời Hiên, Nguyễn Hưng Thiêm, Nguyễn Thiện Tòng, Nguyễn Công Chỉ, Nguyễn Thái An, Nguyễn Thời Hồng.

Sắc mục thôn Mông Tiết: Nguyễn Thời Trung, Nguyễn Văn Đình, Nguyễn Văn Nhược, Trần Hữu Lượng, Trần Văn Mạo, Nguyễn Văn Yển, Nguyễn Văn Tích, Trần Văn Thực.

Sắc mục thôn Trung Hậu: Nguyễn Thế Khoa, Trần Đăng Bảo, Nguyễn Viết Thanh, Nguyễn Văn Đầu, Trần Phong Vân, Đặng Văn Tạo, Nguyễn Phúc Thọ, Nguyễn Phúc Thuần.

Sắc mục thôn Vinh Phúc: Hà Thừa Tông, Trần Văn Lộc, Hà Phúc Thuần, Nguyễn Duy, Hà Công Miên, Nguyễn Quang Thường, Nguyễn Bật Thành, Hà Văn Điển, Nguyễn Văn Sỹ.

Sắc mục thôn Hựu Phúc: Nguyễn Bá Lăng, Nguyễn Văn Phúc, Trần Văn Thự, Nguyễn Văn Thông, Nguyễn Bá Xuân, Nguyễn Văn Ngạn, Nguyễn Đăng Lộng, Nguyễn Văn Đình, Trần Văn Nghiệp, Nguyễn Văn Số, Đặng Hữu Phần.       

Nghi tiết:

Tựu vị (vào vị trí), nghênh Thần bái hưng (cúi vái lễ), bình thân (thẳng lưng), quỳ, dâng hương, phủ phục, bình thân, sơ hiến lễ, quỳ, dâng rượu, phủ phục, bình thân.

Độc chúc (đọc chúc văn), phủ phục, bình thân, phủ phục, hưng bình thân, tạ Thần bái, bình thân, hóa văn. Lễ xong.

Chúc văn:

Duy (mỗ) niên tuế thứ (can chi) nguyệt (can chi) nhật (can chi) Tỉnh Thạch xã cập nội Thiên Lộc gian xã Mông Tiết, Trung Hậu, Vinh Phúc, Hựu Phúc tứ thôn quan viên lệnh trưởng mỗ đẳng cảm chiêu cáo vu Tổ công Tứ Mậu Thìn khoa Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân trúng ứng chế thụ Hàn lâm viện Hiệu thảo, trúng Từ mệnh thăng Lại khoa Cấp sự trung, lịch Phụng Thiên Phủ doãn, kinh Bảo Lạc giới thăng (?) phụng Bắc sứ thăng Quang tiến thận lộc đại phu Bồi tụng Hình bộ Tả thị lang Hoan Lãnh nam, phụng thăng Công bộ Thượng thư Tử tước Hà tướng công tự Hậu Như, tứ thụy Mẫn Đạt, hiệu Phác Am tiên sinh, Tổ bà phụng ấm phong Thận nhân Vũ quý thị húy Lâm hiệu Từ Tĩnh.

(Có nghĩa là: Ngày... tháng... năm…, quan viên hương lão, lệnh trưởng 4 thôn xã Mông Tiết, Trung Hậu, Vinh Phúc, Hựu Phúc xã Tinh Thạch và các xã trong huyện Thiên Lộc kính cẩn cáo tế Tổ công là Hà tướng công, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Mậu Thìn khoa, trúng khoa Ứng chế được phong làm Hàn lâm viện Hiệu thảo, trúng Từ mệnh được thăng Lại khoa Cấp sự trung, làm quan trải các chức Phủ doãn phủ Phụng Thiên, được cử đi khám đạc biên giới Bảo Lạc thăng chức (?), phụng đi Bắc sứ thăng chức Quang tiến thận lộc đại phu Bồi tòng Hình bộ Tả thị lang, tước Hoan Lãnh nam, vâng thăng chức Công bộ Thượng thư, tước Tử, tự là Hậu Như, ban tên thụy là Mẫn Đạt, hiệu Phác Am tiên sinh, Tổ bà phụng ấm phong Thận nhân

 

- Hiện vật gốc độc bản: Đây là hiện vật gốc, độc bản duy nhất gắn với danh nhân lịch sử Tiến sĩ Hà Tông Mục.

 

- Hiện vật có hình thức độc đáo: So với các bia đá còn được lưu giữ hàng trăm năm ở tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và của cả nước nói chung, bia Sùng chỉ có hình thức độc đáo, bia được khắc 4 mặt với các hoa văn tinh tế, mang phong cách mỹ thuật thời Lê- Mạc, chữ Hán được khắc rõ nét, rõ ràng.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                       

 

- Hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa: Bia Sùng chỉlà một hiện vật có ý nghĩa rất lớn về mặt lịch sử văn hóa, thể hiện được tình cảm, ước nguyện của nhân dân cách đây trên 300 năm đối với một nhân vật lịch sử, mà những công lao đóng góp của Ông đối với đất nước và quê hương là rất lớn và đã được văn bia ghi chép rất rõ ràng. Người được lập bia dựng đền thờ khi còn sống để ghi nhận công lao sự nghiệp là một biệt lệ có một không hai…Trong lịch sử ở tỉnh Hà Tĩnh chỉ có 2 người có được vinh dự này, đó là Tiến sĩ Hà Tông Mục (thời Hậu Lê) và Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ (thời nhà Nguyễn).

Xin trích một số đoạn văn bia: “Công (tức Hà Tông Mục) đối với quê hương ơn sâu, đức dày, có nhiều công ngăn trừ tai họa, xóm làng đều bội phục, xin tôn thờ Công và Phu nhân làm hương tổ phụ mẫu…”. “Hà Tông Mục là bậc kiện tướng chốn khoa trường, bậc minh hương nơi văn tự…lòng nhân vang rộng khắp, dồn sức lực vào việc quốc gia, kính trời, thương người…Công lao khắp xã tắc, khắc chữ vào vạc, ghi tên lên cờ để chiếu sáng cho hậu thế và lưu đến vô cùng”. Đáp lại tình cảm của dân làng quê mình, Ông chỉ nói “Việc trung cần đối với nước, việc hiếu thuận đối với nhà, ăn ở hòa mục với dân làng là chức phận đương nhiên của tôi vậy. Sau này kẻ hậu sinh có chí thì noi theo, có lòng thì cảm nhận. Ngày nay mọi người đã suy nghĩ như vậy (lập Sinh từ) cũng là lẽ trời, lòng người. Nay xin tự tạ”. Từng ấy chữ trong bia Sùng chỉ còn lưu lạiquá đủ để khẳng định Hà Tông Mục là mẫu mực của đạo làm quan, sự toàn vẹn riêng, chung trong con người ông là mẫu mực của Đạo làm người ./.

Hà Văn Sỹ

  ______________

       *Nội dung bài viết trích trong Hồ sơ đề nghị Thủ tường công nhận Bảo vật Quốc gia

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 1.877.894
    Online: 14
    ipv6 ready