Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử huyện Can Lộc!

ĐẤT CHO HƯƠNG

Tôi vốn sinh ra trên đất trồng lúa nước. Những năm từ 1972 - 1977 xã đã được mang danh hiệu “ quê hương năm tấn”. Với phương thức sản xuất hợp tác xã nông nghiệp, với kĩ thuật canh tác cũ kĩ giống còn khan hiếm. Một ha ruộng Trung bộ thời đó đạt năm tấn đã cao lắm. Ngày ấy, người nông dân còn thiếu thốn trăm đường bởi nhà nào cũng đông con. Hơn thế nữa, đất nước nằm trong hoàn cảnh chiến tranh và sau chiến tranh chấm dứt nên mọi thứ đều thiếu. Trong muôn vàn khó khăn của thời kỳ đất nước chưa được mở cửa, những người con sinh ra trên đất quê vẫn cần mẫn, chi chút chăm lo cho tương lai. Với diện tích không lớn so với các xã trong huyện, đặc biệt đất chỉ chuyên canh trồng lúa nên nghề phụ không có mấy hộ. Con đường đi đến tương lai chỉ một: Học đến nơi đến chốn đi ra kiếm bát cơm manh áo từ nhà nước bao cấp. Thế nhưng cán bộ công chức lúc bấy giờ chẳng hơn kém nông dân bao nhiêu, thậm chí bát nước chè hàng ngày cũng chưa có. Trong làng, chỉ có những gia đình khá giả thỉnh thoảng mới có bát nước chè xanh. Mỗi sáng, khi cơm nước xong nghe tiếng gọi y ới qua bờ dậu, chòm xóm tập trung đến uống nước chè xong hút thuốc lào kèm theo mấy câu chuyện phiếm rồi ai về theo việc nấy. Có đi phải có lại nên bát nước chè trở thành đặc sản giao tiếp  tối giản nhất. Có nhiều hộ rất khó khăn nhưng rồi cũng  “thắt lưng buộc bụng” mua bó chè để có ấm nước “mời làng” theo thông lệ. họ nghĩ cũng phải chứ có ai bắt họ phải làm thế đâu. Phải nói rằng: Lúc bấy giờ, vật chất thiếu thốn nhưng cuộc sống tình cảm thì thật hiếm nơi nào có được                                                                            

                                                *    *    *

        Thế mà “rành rành định phận ở đất trời”, thật may mắn đất quê có một dải đồi thấp như đứa con sinh sau của dãy Trà Sơn gặp phải sữa chua từ mẹ nên không lớn. Chiều dài từ đường 15A đến gần kênh C8 chưa đủ một cây số; rộng từ Đông sang Tây vẻn vẹn 300m. Có thể nói nơi đây vùng đất xa dân cư. Những năm hoà bình lập lại lũ chúng tôi thường chăn trâu trên đất đồi cây cỏ lúp xúp. Chăn trâu bò ở đây sướng lắm, sáng sáng mỗi lưng trâu một thằng, có con chở hai thằng (đứa không có trâu vẫn đi) mang theo ít gạo, muối vài cái nồi lên đồi thả trâu rồi tập trận giả. Tội nhất mấy đứa còi cọc không bên nào chịu nhận phải làm anh nuôi khi đủ lớn mới cho xung trận. Các anh lính sau khi bài binh bố trận nằm phục kích chờ, có anh chờ không được ngủ quên khi giặc tới bắt trói làm tù binh dẫn về trận đánh mới kết cục. Khổ nhất mấy anh nuôi: Sáng chiều thay phiên nhau tìm củ sắn, củ khoai dân bỏ sót, tát vũng kiếm cá mò cua bắt ốc, kiếm củi thổi cơm. Chỉ có tuổi thơ đất quê mới có thời kỷ niệm đẹp đẽ êm đềm làm hành trang tung cánh muôn phương. Xa quê, mỗi người mới lội ngược thời gian tìm lại ký ức sống động vô tư nhạy cảm thời thơ bé để giành thời gian rỗi nghĩ về nhau chút ít.

        Sau năm 1975 xã tôi quy hoạch khu dân cư sau chiến tranh đồng thời khai khẩn đất hoang hoá. Thế là tất cả lăng mộ trước đây an táng trên đồng ruộng tập kết về mái đồi phía Đông của dãy Bài Sơn. Bài Sơn Tây trở thành đất của các xóm. Tuy ít nhưng hộ nào trong xã cũng có ít thước đất màu (loại đất không thu sản lượng) có thể trồng cây cho quả, củ, rau màu. Vậy Từ đó người dân bắt đầu gắn bó trên đất hiếm tìm nguồn sống, tìm cảm giác lạ từ đất. Bài Sơn Tây dần phủ màu xanh ngút ngàn sườn thoải. Đất không rộng nhưng màu mỡ, phần lớn sườn đồi phủ một lớp dày sỏi cơm - Loại đất pha sỏi màu đỏ tươi giữ nước cày xới lên tơi xốp có thể trồng nhiều loại cây nông sản. Gia đình tôi tuy đông khẩu nhưng cũng chỉ có vẻn vẹn 200m2 theo phương án ăn chia hợp tác xã.

         Mấy năm đầu nhận đất nhà nhà hối hả bắt tay trồng rau màu, khoai sắn song năng suất không đáp ứng nhu cầu đầu tư. Từ đó lác đác người ta chuyển cơ cấu trồng cây lâu năm nhưng vẫn không xoay chuyển tình thế. Nhiều chỗ đất cao thiếu nước đã bỏ hoang khi cùng trên đất trồng như thế, các xã lân cận trồng chè. Cây chè họ trồng không ngon và đẹp nước song cũng đủ cung cấp đủ cho các xã lân cận. Nhu cầu uống nước chè xanh của người nông dân lớn ấy thế mà phần đất màu chưa phát huy tác dụng.

        Trong khó khăn mới có sáng tạo qua bước thử nghiệm. Rồi một thu nào không biết nữa, ông dượng tôi ở Thanh Chương - Nghệ An đưa về hai bì hạt chè  biếu họ hàng, bà con rồi nói:

        - Cứ ươm thử xem, giống hạt có nguồn gốc Đại Từ , Thái Nguyên - đất chè nổi tiếng cả nước.

              Lúc đó chúng tôi đã lập nghiệp xa quê, có ngành nghề rồi song mấy khi được thưởng thức chè Thái - Chưa nói đến ẩm thực chè như cụ Nguyễn Tuân. Thỉnh thoảng về làng được ké vài ba chén trà phì phèo thêm điếu thuốc cũng lấy làm hãnh diện vi sung sướng khi được ai mời.

         Đất cho hương. Quả không sai, sau hai năm dân tình được thưởng thức bát nước đầu tiên từ bàn tay họ trồng trên đứa con út cuối dãy Trà Sơn trời ban ấy. Lần đầu người nông dân thưởng thức hương vị thơm ngon của bát nước nấu từ cây chè xanh mới hái về còn rỉ nhựa. Cũng từ đây, Bài Sơn Tây trở thành vùng đất nhỏ luôn thơm ngát mùi hương. Cây chè trồng giữa đồi trọc trông có vẻ cằn cỗi. Nhưng không, sườn đồi ngăn ngắt một màu xanh đầy sức sống. Tuổi cây chè chưa nhiều người ta nhân giống điều đó đã đưa một nửa mái đồi từ đất hoang hoá trở thành nơi cho người nông dân thu nhập thêm từ cây chè. Chè trồng từ đất sỏi cơm trông khoẻ lắm, cây chè đang xuân tràn đầy sức sống: Cành mướt một màu đỏ như đất, lá nhỏ gọn y như lá Hoa Trà nhưng dày giòn khi được phơi mình trên nửa mái đồi trọc không một bóng cây che khuất nắng. Trong mỗi lô đất trồng ai cũng để giành vài chục gốc làm giống. Cứ đến mùa hoa, nửa mái đồi trắng xanh lẫn lộn như một bức thảm xanh của lá, trắng của hoa chè cùng một mùi hương dể chịu khi bước chân  đến sườn đồi trong những sáng mai lành trong những chiều nhạt nắng. Đôi lần lên nghĩa trang thắp hương tổ tiên, thưởng thức màu xanh điểm trắng toả hương thơm ngát để rồi cứ mỗi lần xa quê màu xanh trắng chứa không ít hương vị phảng phất cùng cảm giác  thơm chát ngọt sau mỗi lần ẩm thực kết đọng trong ảo giác nhân thêm nỗi nhớ quê hương.

        “Có sức người sỏi đá cùng thành cơm”, tôi nhớ lại “Bài ca vỡ đất”- Hoàng Trung Thông đồng thời suy ngẫm về bước đi của người nông dân quê hương. Không giúp được gì cho ai nhưng tôi mừng thầm vì trên một diện tích không lớn của quê, người dân đã sớm chiều lăn lộn với dòi đất nhỏ bé bên con lạch làm nên sản phẩm từ chính bàn tay họ. Chè Bài Sơn thời trẻ chỉ có người sống trên đất quê thưởng thức. Nhưng hiện nay đang trong độ tuổi sung sức, nó đã lan toả trên mọi miền bởi người đất quê thành đạt. Mấy ai về quê lúc ra đi không mang theo vài bó uống cho đỡ nhớ đồng thời làm quà quê tặng bạn. Dần dần, hương vị chè Bài Sơn đã lan toả khắp vùng thị trường chè các chợ lân cận khách mua lúc nào cũng hỏi: Có phải chè Bài Sơn không hả chị?

         Tôi nực cười vì tiếng thơm lây, nhiều người đến trưa ế hàng đã mượn thương hiệu để bán với khách lạ. Tôi thấy lương tâm cắn rứt nên nhân có lần gặp, tôi buột miệng biết người bán sẽ không vui:

- Chị bán chè ơi! chị có mượn áo người mang mãi thế không?

 Nhìn tôi ra chiều hổ thẹn, chị nói chỉ đủ tôi nghe:

- Kế sinh nhai anh giáo à!

Thực ra, những hộ có nhiều chè rất ít bởi đất trồng không nhiều. Nhà đông con, khi cha mẹ già yếu không chăm sóc được, họ chia cho con cháu mỗi người ít rãnh* may ra chỉ đủ dùng hàng ngày đồng thời làm quà cho khách phương xa. Trong điều kiện thiếu thốn hoặc có nhiều người thích dùng “thanh thuỷ” chè họ trở thành địa chỉ quen thuộc của cánh chuyên buôn chè xanh.

       Làng tôi có nhiều người tỉnh táo thương trường khi chè xanh đã có thương hiệu. Cứ chiều họ mua vài chục bó rồi sáng sớm ngồi lên xe máy đi từ quê ra đến thị xã Hồng Lĩnh, mấy hôm đầu còn vất vả song khi đã quen khách, cứ vài hôm họ tranh thủ ít thời gian mang vài chục bó cũng kiếm được bạc trăm* còn đưa về một câu cảm ơn cùng lời hẹn - cách nhật*  Trên quảng đường từ Thị xã Hà tĩnh đến Bến Thuỷ - thành phố Vinh nhiều người trong làng đã đưa chè theo hợp đồng “cách nhật”bởi chè xanh còn rỉ máu thơm chát đồng thời mang vị ngọt dễ mến.

       Chè không nhiều nhưng không ai phải đi chợ. Cứ chiều đến, không kể đông hè Tây Bài Sơn tấp nập, người chăm bón, người thu hoạch kẻ đứng chờ hàng. Sườn đất hoang ngày nào bỗng rộn ràng âm thanh hỗn độn: tiếng cuốc xen lẫn với âm thanh sắc ngọt của liềm chấu* bứt chè trong những câu chuyện râm ran giữa chủ với khách; sườn thoải ấy trở thành nơi hội tụ một nét văn hoá ẩm thực đơn giản: Bát nước chè xanh tăng thêm sáng khoái  những buổi sớm cho người biết thưởng thức.

       Đất cho hương như thế chưa đủ, nước chè muốn ngon phải tuân thủ các bước chế biến: Chọn nguồn nước, lượng nước, số lượng chè cần dùng, dụng cụ om*, cách om, thời gian ẩm thực ngon nhất. Khi đã có chè, kỹ thuật chế biến cũng tiến bộ theo sự trưởng thảnh của cây. Cứ mỗi sáng, các chị các mẹ lên đồi chăm lo việc nước cho gia đình. Công việc không rãnh nhưng họ vẫn tranh thủ ít thời gian: Đun nước, rửa sạch chè đồng thời vứt bỏ lá già, rửa sạch dụng cụ om, cốc đĩa khay. Xong mới đến bước vò nát chè bằng tay cho vào ấm tích để trần khi mùa hè, chèn lớp ủ nóng vào mùa đông. Chờ khi nước thật sôi đổ một bát nhỏ rửa qua rồi mới cho nước vào. Ấm được đậy kín nhưng mùi thơm từ nước sôi rửa chè lần đầu toả hương khắp nơi trong căn bếp ấm cúng.

        Một ấm nước chỉ sau vài tiếng đều hết nhẵn - nước chè xanh ngon nhất, thơm, ngọt nhất chỉ tồn tại trong vài giờ. Trường hợp không uống hết cần phải đổ thêm đầy nước, đậy kín miệng để nước khỏi bị om trở thành màu đỏ. Phương pháp ẩm thực này đã trở thành độc chiêu với người biết ẩm thực chè xanh.

                                    *

                                  *   *

         Chúng tôi rất sung sướng và tự hào mỗi khi đang sống trên đất quê, được thưởng thức hương của đất bởi nhìn quanh các xã lân cận có rất nhiều diện tích đất đồi trồng chè song cây chè trồng trên đất họ không bao giờ mang hương vị đặc trưng như chè Tây Bài Sơn. Chè ngon nhưng không có chè khô xuất khẩu nên tiếng cứ vang dần theo không gian thời gian, hương cứ lan toả dần qua từng bát nước chè xanh. hiếu khách Tự hào hơn nữa, con em đất quê ăn cơm uống nước chè xanh lớn lên trưởng thành, có mặt trên nhiều lĩnh vực: Khoa học, kỹ thuật, quân sự khắp mọi miền tổ quốc. Hẳn không ai quên được tuổi thơ trong vòng tay cha mẹ, xóm làng ngày ngày được uống bát nước đậm hương vị từ đất rồi ngấm vào máu thịt. Người nông dân hàng ngày chung thuỷ với đất, người ra đi khi tuổi còn trẻ có thể chung nhau một số phận: về an nghỉ trên đất quê để khi chết họ được ở Đông Bài Sơn cống hiến chất của đời người cho cây chè xanh tốt đậm hương đồng thời làm những linh hồn luôn ở đất Bài Sơn bảo vệ thành quả từ mồ hôi nước mắt người lao động đỏ xuống bên mỗi gốc chè cho cây đời mãi mãi xanh./.

         Chú thích:

 1:   Rãnh: hàng chè dài theo lô đất

 2:   Bạc trăm :  Một trăm ngàn VNĐ 

 3;  Cách nhật: Cách m ột ngày

 4;  Liềm chấu: Loại liềm dùng để gạt lúa, bứt cỏ

 5:  Om: Hãm nước

 

                                                 Lê Trường


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 1.882.329
    Online: 5
    ipv6 ready