Thực hiện quy định Đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân là dịp để cấp ủy, chính quyền trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những ý kiến, kiến nghị của Nhân dân về các cơ chế, chính sách, những vấn đề còn bất cập, nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện từ cơ sở. Thời gian qua, huyện Can Lộc luôn chú trọng hoạt động này, thông qua đó giải quyết được nhiều việc khó, vấn đề nổi cộm ở cơ sở, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân, tạo đồng thuận xã hội.

Hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân của xã Thường Nga được tổ chức vào ngày 08/7/2023.
Sau khi tiếp nhận được thông tin từ hệ thống truyền thanh của xã Thường Nga về cuộc đối thoại giữa bí thư đảng ủy và chủ tịch UBND xã với bà con nhân dân, ông Phan Duy Trọng, thôn Trà Liên đã rất phấn khởi. Bởi đây là dịp để ông bày tỏ, kiến nghị những vấn đề còn băn khoăn bấy lâu về các chính sách hỗ trợ xây dựng NTM. Tại hội nghị ông đã thẳng thắn nêu ý kiến, quan điểm của mình về vấn đề hỗ trợ hạ tầng nước sạch trong xây dựng NTM. Ông Phan Duy Trọng bày tỏ sự phấn khởi vui mừng khi người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã tổ chức đối thoại để nhân dân được đưa ra ý kiến, tâm tư, nguyện vọng. Ông cũng mong muốn những cuộc đối thoại như thế này được tổ chức thường xuyên hơn nữa.


Người dân Thường Nga nêu ý kiến tại hội nghị đối thoại.
Với tinh thần đối thoại dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, xây dựng, hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân của xã Thường Nga đã có trên 10 lượt ý kiến. Các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề: sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM, tranh chấp đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nước sạch, ô nhiễm môi trường, tình trạng xe quá khổ quá tải, chế độ chính sách đối với người có công...
Đây là những kiến nghị, đề xuất, trao đổi đóng góp rất tâm huyết và sát với thực tế cuộc sống hằng ngày của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Thường Nga. Các vấn đề mà nhân dân phản ánh, nêu ra tại buổi đối thoại đã được người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền trực tiếp trao đổi, trả lời đầy đủ, trách nhiệm, trọng tâm, trọng điểm, thấu tình, đạt lý, cơ bản được nhân dân đồng tình và đánh giá cao.
“Để buổi đối thoại đạt hiệu quả, trước khi tiến hành, xã Thường Nga đã rà soát, chuẩn bị đối thoại và thông báo đến Nhân dân rõ thời gian, chủ động chuẩn bị nội dung tham gia đối thoại. Đây là cơ hội để chúng tôi nâng cao vai trò lãnh đạo , quản lý và được gần dân, hiểu dân hơn”, ông Đường Hồng Lam, Bí thư Đảng ủy xã Thường Nga cho biết.


UBND huyện tổ chức hội nghị đối thoại với các hộ dân xã Kim Song Trường liên quan đến công tác đền bù, GPMB cao tốc Bắc – Nam.
Xã Kim Song Trường, nơi có Dự án cao tốc Bắc – Nam đi qua địa bàn với chiều dài 6,34 km (chiếm hơn 1/3 tổng chiều dài của cả huyện), đi qua 12/16 thôn. Đất các loại cần thu hồi 54,8 ha (trong đó đất ở 4,2 ha, đất nông nghiệp 50,6 ha). Có 380 ngôi mộ, 118 thửa đất ở, 2 trạm xá, 4 công trình cấp nước và 1 nhà chờ ra nghĩa trang bị ảnh hưởng và 76 hộ thuộc diện tái định cư. Vì vậy, thời gian qua công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư được người dân quan tâm với không ít băn khoăn, lo lắng.

Bà Phan Thị Nga, thôn Đông Vĩnh, xã Kim Song Trường chia sẻ vướng mắc về áp giá đền bù tại hội nghị đối thoại.

Gia đình chị Nguyễn Thị Nga kinh doanh, buôn bán tại thôn Phúc Lộc, xã Kim Song Trường đã hơn 20 năm nhưng khi hiểu được chủ trương, ý nghĩa của Dự án cao tốc Bắc – Nam, gia đình chị đã đồng thuận nhận tiền đền bù, sẵn sàng di dời nhường mặt bằng cho dự án.
Trước thực tế đó, cùng với tập trung cho công tác tuyên truyền, vận động, nhiều cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp huyện, cấp xã với người dân bị ảnh hưởng dự án đã được tổ chức. Các phản ánh, kiến nghị, vướng mắc liên quan giải phóng mặt bằng được tập trung xem xét, giải quyết kịp thời, thấu tình, đạt lý, đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân. Bà Nguyễn Thị Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Kim Song Trường cho biết: “Nhờ đối thoại sớm, chúng tôi đã tuyên truyền những lợi ích, hiệu quả của dự án. Đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, từ đó có phương thức vận động phù hợp để tạo sự đồng thuận. Nhờ vậy, đến nay đa số người dân đều đồng tình với chủ trương chung, nhận tiền đền bù, sẵn sàng dời dọn để nhường mặt bằng cho dự án”.
Với phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, “hướng về cơ sở, lắng nghe, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân”, thời gian qua, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Can Lộc đã quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, của huyện về “Đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân”. Hoạt động tiếp xúc, đối thoại được thực hiện thống nhất, đồng bộ, khoa học và ngày càng đi vào nền nếp. Đến hết tháng 7, các xã, thị trấn trên địa bàn đã hoàn thành đối thoại đợt 1/2023 với sự tham gia của đông đảo người dân và có trên 200 ý kiến, câu hỏi, phản ánh tại các hội nghị.



Hội nghị đối thoại giũa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân của xã Thiên Lộc với sự tham gia của đông đảo người dân.
Không chỉ lắng nghe, chủ tịch UBND, bí thư đảng ủy các xã, thị trấn đã trả lời, giải đáp và kiểm tra thực tế để giải quyết những ý kiến, kiến nghị của người dân. Nhờ vậy, quyền dân chủ trực tiếp của Nhân dân được phát huy, nhiều vụ việc bức xúc của người dân đã được giải quyết, hạn chế đơn thư vượt cấp. Cùng đó, ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân chuyển biến tích cực, nhất là việc nắm bắt và giải quyết kịp thời những vấn đề bất cập trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách trên địa bàn. Bà Võ Thị Hiền, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc cho biết: “MTTQ xã phối hợp với các tổ chức thành viên nắm bắt tư tưởng các tầng lớp nhân dân, dư luận xã hội, những vấn đề bức xúc, phức tạp để tập hợp, tham mưu đề xuất phương án, giúp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã chủ động trong quá trình tổ chức hội nghị đối thoại. Đồng thời giám sát thực hiện đối thoại và sau đối thoại”.

Bí thư Huyện ủy Nghiêm Sỹ Đống phát biểu tại hội nghị Thường trục Huyện ủy đối thoại với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố vào ngày 27/6/2023.
Để có được những kết quả từ các cuộc đối thoại của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân, thời gian qua, huyện Can Lộc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 657-QĐ/TU, ngày 04/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”. Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã kịp thời ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện. Công tác phối hợp thực hiện của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; việc đôn đốc, tổ chức giám sát việc giải quyết các ý kiến của Nhân dân sau hội nghị đối thoại của Ban Dân vận Huyện ủy được tăng cường. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại theo nhiều hình thức như chức đối thoại định kỳ, đối thoại đột xuất, đối thoại chuyên đề.
Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 657-QĐ/TU, huyện Can Lộc đã tổ chức được 235 cuộc đối thoại, trong đó, cấp huyện 10 cuộc, cấp xã 225 cuộc với trên 10.000 người tham gia. Có 1.197 ý kiến, câu hỏi, phản ánh, trong đó lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, chiếm gần 90%, còn lại các ý kiến liên quan đến chế độ, chính sách, tài chính, an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức... Khoảng 65% ý kiến được chủ trì hội nghị và các bộ phận chuyên môn trả lời thấu đáo tại hội nghị đối thoại và được người dân đồng tình. Sau các cuộc đối thoại trực tiếp, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã ban hành văn bản kết luận, chỉ đạo các ngành chức năng theo lĩnh vực được phân công giải quyết kịp thời những ý kiến mà nhân dân phản ánh, kiến nghị.
Đánh giá về vấn đề này, ông Trần Văn Nuôi, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Can Lộc khẳng định: “Đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, công tác quản lý, điều hành của chính quyền; là tiêu chí đánh giá chất lượng cấp ủy chính quyền, đánh giá cán bộ, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Thời gian tới chúng tôi chú trọng giải quyết các vấn đề, giám sát việc giải quyết ý kiến người dân sau đối thoại.”
Có thể khẳng định, công tác tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp ở huyện Can Lộc trong những năm qua đã phát huy hiệu quả tích cực, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Thông qua việc tăng cường tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân, việc nắm bắt thông tin toàn diện, việc ban hành các chủ trương trong công tác lãnh đạo, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, triển khai văn bản chỉ đạo của cấp trên đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, tình hình thực tế của địa phương, nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, đảm bảo nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống.