Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử huyện Can Lộc!

V/v trả lời, cập nhật kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khoá XVII

UỶ BAN NHÂN DÂN

HUYỆN CAN LỘC

 

 
 
 

 

 

Số: 2283/UBND-VP

V/v trả lời, cập nhật kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khoá XVII

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

 
 
 

 

 

Can Lộc, ngày 05 tháng 7 năm 2021

 

 

                             Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.

 

 

 

 

Thực hiện Văn bản số 4108/UBND-TH5 ngày 29/6/2021 của UBND tỉnh về việc giao chuẩn trị nội dung kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa XVIII. Ủy ban nhân dân huyện Can Lộc trả lời, cập nhật kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khoá XVII như sau:

1. Xem xét cho huyện Can Lộc tiếp tục được hưởng các cơ chế, chính sách tạo nguồn lực xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định tại Nghị quyết số 115/2018/NQ-HĐND và Nghị quyết số 173/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.

Trả lời:

Tháng 10 năm 2019, huyện Can Lộc là địa phương thứ 2 của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Đây là nổ lực lớn của chính quyền. Từ tháng 01/2019 huyện được hưởng các chính sách theo Nghị quyết số 115/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 của HĐND tỉnh về một số cơ chế chính sách tạo nguồn lực xây dựng huyện đạt chuẩn NTM giai đoạn 2019 - 2020. Trong quá trình thực hiện huy động nguồn lực UBND huyện đề xuất và được UBND tỉnh đồng ý cho lập quy hoạch tại 02 vùng dự án giao các nhà đầu tư thực hiện: Vùng KĐT Đồng Biền, thị trấn Nghèn và KDC thôn Trung Hải, xã Thiên Lộc theo Nghị quyết 115/NQ-HĐND số thu tiền đất tại đây ngân sách huyện hưởng 100%. Nhưng vì lý do khách quan (M3) nên chậm tiến độ đến tháng 12/2020 mới được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, dẫn tới việc đầu tư và đấu giá dự án bị chậm. Từ năm 2021, huyện không còn được hưởng chính sách đặc thù tại Nghị quyết 115/2018 của HĐND tỉnh, vì vậy việc huyện không cân đối được nguồn lực để thanh toán nợ do mất nguồn điều tiết thu từ 02 vùng đất này, trong khi các công trình đã xây dựng cơ bản hoàn thành. Do đó, UBND huyện Can Lộc đã báo cáo, đề xuất UBND tỉnh, HĐND tỉnh xem xét cho huyện Can Lộc tiếp tục hưởng các cơ chế, chính sách tạo nguồn lực xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định tại Nghị quyết số 115/2018/NQ-HĐND.

          Hiện tại, Sở Tài chính đang lấy ý kiến góp ý sửa đổi tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu các cấp ngân sách giai đoạn 2017 - 2020 định mức chi thường xuyên năm 2017 tại Nghị quyết 28/2016/NQ-HĐND. Huyện Can Lộc đã có báo cáo tại Văn bản số 2227/UBND-TCKH ngày 30/6/2021 về góp ý một số nội dung sửa đổi. Trong đó, có đề nghị, xem xét điều chỉnh sửa đổi tỷ lệ điều tiết đối với quỹ đất giao cho các nhà đầu tư:

          + Các địa phương thực hiện xây dựng huyện NTM, NTM nâng cao theo Quyết định phê duyệt của tỉnh: 100% (Đề xuất này tương ứng với cơ chế, chính sách tạo nguồn lực xây dựng huyện đạt chuẩn NTM theo Nghị quyết 115/2018/NQ-HĐND, NQ 173/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh).

          + Đối với đơn vị xây dựng huyện NTM nâng cao chưa có QĐ phê duyệt của tỉnh: NST: 20%; NSH: 40%; NSX: 40%.

          Vì hiện nay quỹ đất ở tại các địa phương trên địa bàn huyện đã hạn hẹp, việc triển khai quỹ đất giao cho các nhà đầu tư thường với diện tích lớn, nếu giữ quy định tỷ lệ điều tiết theo Nghị quyết 28/2016/NQ-HĐND thì huyện và xã sẽ không có nguồn để tạo nguồn đầu tư phát triển hạ tầng xây dựng NTM nâng cao. Do đó, kính đề nghị HĐND tỉnh xem xét cân nhắc nội dung trên.

2. Tăng mức hỗ trợ các khu dân cư kiểu mẫu đạt chuẩn và giảm các thủ tục, hồ sơ về xây dựng các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới; có chính sách hỗ trợ các mô hình sản xuất tập trung, mua máy sản xuất nông nghiệp, xây dựng kho bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.

Trả lời:

* Đối với ý kiến tăng mức hỗ trợ các khu dân cư kiểu mẫu đạt chuẩn:

Việc xây dựng Khu dân cư kiểu mẫu tại các xã đã tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn và cộng đồng dân cư, tạo ra xã đạt chuẩn NTM thuyết phục và bền vững hơn. Hiện nay, theo chính sách hỗ trợ quy định tại Điều 19 Nghị quyết 123/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 của HĐND tỉnh, mỗi Khu dân cư đạt KDC nông thôn mới kiểu mẫu được thưởng 300.000.000 đồng/khu dân cư. Ngoài ra huyện Can Lộc cũng đã bố trí ngân sách thưởng Khu dân cư đạt KDC nông thôn mới kiểu mẫu là 100.000.000 đồng/khu dân cư theo chính sách tại Nghị quyết số 40/NQ-HĐND ngày 8/7/2019 của HĐND huyện. Để thực hiện đạt các tiêu chí của Khu dân cư kiểu mẫu các thôn và UBND các xã phải huy động nguồn lực rất lớn mới hoàn thành khối lượng công việc đề ra. Tuy nhiên, do nguồn lực huy động của các thôn khó khăn. Vì vậy, để tiếp tục khuyến khích, động viên phong trào xây dựng Khu dân cư kiểu mẫu và hỗ trợ các đơn vị nguồn lực thanh toán khối lượng đã hoàn thành để xây dựng và duy trì các tiêu chí của Khu dân cư NTM kiểu mẫu, Uỷ ban nhân dân huyện kiến nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh xem xét tăng mức thưởng khu dân cư NTM kiểu mẫu đạt chuẩn.

          * Đối với ý kiến giảm các thủ tục, hồ sơ về xây dựng các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới: Các thủ tục, hồ sơ về xây dựng các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới do các Sở, ngành cấp tỉnh phụ trách tiêu chí quy định, hướng dẫn. Vậy ý kiến cử tri đề xuất xem xét giảm các thủ tục, hồ sơ về xây dựng các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới thuộc thẩm quyền các Sở ngành cấp tỉnh xem xét, quyết định và Văn phòng NTM tỉnh đã có Văn bản số 815/VPĐP-KHNVGS về việc trả lời ý kiến, kiến nghị gửi đến Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khóa XVII là sẽ đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành rà soát lại hướng dẫn thực hiện các tiêu chí và hồ sơ đánh giá theo hướng giảm thiểu tối đa hồ sơ, thủ tục, dễ thực hiện.

* Đối với ý kiến có chính sách hỗ trợ các mô hình sản xuất tập trung, mua máy sản xuất nông nghiệp, xây dựng kho bảo quản sản phẩm sau thu hoạch:

Thực hiện Nghị định 62/NĐ-CP ngày 11/7/2019 về đất trồng lúa: UBND huyện đã có chủ trương hỗ trợ 50% giá giống và giá phân bón cho các vùng sản xuất lúa tập trung, quy mô từ 5 ha/vùng trở lên. Trong 2 năm thực hiện các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả; 18/18 xã, thị trấn đều có mô hình sản xuất lúa tập trung đưa vào ứng dụng các giống lúa mới có tiềm năng năng suất và chất lượng.

Theo nguyện vọng của cử tri trên địa bàn huyện, hệ thống văn bản và chính sách để thực hiện chương trình tập trung ruộng đất, phá bỏ bờ vùng, bờ thửa theo Nghị quyết số 01 và Đề án 2553 của UBND huyện đến nay cơ bản hoàn thiện. Trong vụ xuân 2021, các phòng ban chuyên môn đã tổ chức nghiệm thu và đề nghị UBND huyện cấp kinh phí hỗ trợ giống và phân bón theo Nghị định 62 của Chính phủ với số tiền là: 2.647.577.000 đồng và kinh phí thực hiện việc phá bỏ bờ vùng, bờ thửa theo chính sách tại Quyết định số 2418 với số tiền là: 900.000.000 đồng.

- Chính sách hỗ trợ mua máy sản xuất nông nghiệp:

Giai đoạn 2015 - 2016, Nghị quyết 90/NQ-HĐND và Nghị quyết 157/NQ-của HĐND tỉnh đã hỗ trợ 40% giá trị máy gặt đập liên hợp, máy làm đất cho các hộ dân trên toàn tỉnh. Chính sách này đã được hấp thu rộng rãi, đáp ứng phần lớn nhu cầu của người dân trong khâu làm đất, thu hoạch sản xuất, riêng tại địa bàn Can Lộc, toàn huyện có 85 máy gặt đập liên hợp, 330 máy làm đất 2,3 bánh, 56 máy làm đất 4 bánh hấp thu nguồn chính sách hỗ trợ với tổng số tiền 28.454 triệu đồng.

Hiện nay, về chính sách hỗ trợ lãi suất mua máy cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã hết hiệu lực, UBND huyện đang tham mưu đề xuất HĐND huyện, HĐND tỉnh tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho các hộ gia đình mua máy làm đất 4 bánh công suất trên 23 mã lực phục vụ nhu cầu thực tiễn trên địa bàn.

- Chính sách hỗ trợ xây dựng kho bảo quản sau thu hoạch: Nghị quyết 40/NQ-HĐND ngày 08/7/2019 của HĐND huyện quy định bố trí 10% trong tổng kinh phí thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp để hỗ trợ các mô hình mới ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; hỗ trợ 70% lãi suất cho các tổ chức/cá nhân xây dựng kho bảo quản cam bù, cam chanh, bưởi Phúc Trạch tại Khoản 4, Điều 10, Nghị quyết 40/NQ-HĐND.

3. Đề nghị tỉnh sớm phân bổ vốn đầu tư công, nguồn vốn xây dựng nông thôn mới để các địa phương chủ động trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ ở cơ sở.

Trả lời:

Ngay từ những tháng đầu năm 2021, UBND huyện đã chủ động hướng dẫn các chủ đầu tư, UBND các xã, thị trấn khẩn trương rà soát, xác định nguồn ngân sách năm 2021 để chủ động lập dự án triển khai. Đến nay huyện đã hoàn thành công tác nhập dự toán cho các dự án được hỗ trợ từ nguồn vốn bổ sung mục tiêu ngân sách tỉnh (Đã giải ngân 4.070/16.884 triệu đồng, đạt 24,1%KH). Hiện nay huyện đang đôn đốc các chủ đầu tư trên địa bàn khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để giải ngân sớm kế hoạch vốn được giao. Tuy nhiên đối với nguồn vốn NTM, đến nay do chưa được hỗ trợ nguồn vốn nên UBND các xã trên địa bàn đang gặp khó khăn khi cân đối nguồn lực thực hiện các tiêu chí NTM. Vì vậy kiến nghị UBND tỉnh đề xuất Chính phủ sớm phân bổ nguồn vốn xây dựng NTM cho các xã chủ động thực hiện các nhiệm vụ ở cơ sở, đặc biệt là các xã phấn đấu xây dựng NTM nâng cao.

4. Có chính sách hỗ trợ cho nhân dân trồng cây ăn quả vùng Trà Sơn, huyện Can Lộc.

Trả lời:

Hiện nay, UBND huyện đã và đang triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ trồng mới cây ăn quả, hỗ trợ lãi suất theo Nghị Quyết 40/NQ-HĐND ngày 08/7/2019 của HĐND huyện. Tổng nguồn hấp thu chính sách trồng mới cây ăn quả giai đoạn 2019 - 2020: 799,540 triệu đồng, ước tính 6 tháng đầu năm 2021 là 250 triệu đồng; hỗ trợ lãi suất năm 2019 - 2020 đạt 3.122 triệu đồng, ước tính 6 tháng đầu năm 2021 đạt 2.500 triệu đồng.

Ngoài ra, tiếp tục thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 123/NQ-HĐND của HĐND tỉnh: Giai đoạn 2019-2020, hỗ trợ 11 tổ chức/cá nhân sản xuất cam, bưởi đạt tiêu chuẩn VietGAP với số tiền: 785,629 triệu đồng; hỗ trợ 8 hộ gia đình xây dựng hệ thống tưới tiên tiết kiệm nước cho vùng trồng cam bưởi với kinh phí: 131,784 triệu đồng; hỗ trợ kinh phí chăm sóc, bảo vệ theo dõi cây đầu dòng cam bù, cam chanh, bưởi Phúc Trạch với số tiền hỗ trợ: 13 triệu đồng.

5. Đối với việc điều chỉnh quy định tỷ lệ % phân chia nguồn thu tiền sử dụng đất giữa các cấp ngân sách năm 2021, đề nghị tỉnh giữ nguyên tỷ lệ điều tiết theo Quyết định số 58/2016/QĐ-UBND ngày 29/12/2016 của UBND tỉnh.

Trả lời:

Ngày 13/11/2020, Sở Tài chính ban hành Văn bản số 4321/STC-NS về việc đề nghị tham gia ý kiến vào phương án điều chỉnh quy định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu tiền sử dụng đất giữa các cấp ngân sách năm 2021. Sau khi xem xét phương án của Sở Tài chính đề xuất, trên cơ sở tình hình cân đối nguồn lực thực tế của địa phương sau khi được công nhận huyện đạt chuẩn NTM, để đảm bảo nguồn lực thanh toán các khối lượng các nhiệm vụ đã thực hiện hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện NTM, UBND huyện đã ban hành Văn bản số 3794/UBND-TCKH về việc góp ý vào phương án điều chỉnh quy định tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu tiền sử dụng đất giữa các cấp ngân sách năm 2021 đề nghị Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh, HĐND tỉnh xem xét, tạo điều kiện giúp đỡ địa phương; Thường trực HĐND huyện Can Lộc có báo cáo số 128/BC-TTHĐND ngày 19/11/2020 về tổng hợp ý kiến cử tri tại Hội nghị tiếp xúc Đại biểu Quốc hội sau kì họp thứ X và Đại biểu HĐND tỉnh trước kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa XVII trong đó có nêu ra “Đề nghị HĐND, UBND tỉnh vẫn để nguyên tỷ lệ điều tiết ngân sách từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất như năm 2020 để các địa phương có điều kiện, nguồn lực xây dựng xã, huyện NTM nâng cao”. Do đó, để đảm bảo cân đối nguồn lực thanh toán khối lượng đã hoàn thành trong việc xây dựng huyện NTM và thực hiện xây dựng huyện NTM nâng cao, UBND huyện Can Lộc đề xuất UBND tỉnh, HĐND tỉnh xem xét cho huyện Can Lộc tiếp tục hưởng các cơ chế, chính sách tạo nguồn lực xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định tại Nghị quyết số 115/2018/NQ-HĐND như năm 2020.

            Năm 2021 là năm cuối cùng của thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020, kéo dài sang năm 2021. Do đó, từ năm 2022, HĐND tỉnh sẽ ban hành Nghị quyết mới về phân cấp tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2022-2025.

            Hiện tại, Sở Tài chính đang lấy ý kiến góp ý sửa đổi tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu các cấp ngân sách giai đoạn 2017-2020 định mức chi thường xuyên năm 2017 tại Nghị quyết 28/2016/NQ-HĐND. Đối với quỹ đất giao nhà đầu tư thực hiện UBND huyện Can Lộc đã báo cáo cụ thể ở trên. Riêng đối với các quỹ đất khác huyện đề nghị giữ nguyên theo tỷ lệ điều tiết tại Nghị quyết 122/2018/NQ-HĐND  sửa đổi Nghị quyết 28/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh: NSH: 50%; NSX: 50%. Việc xây dựng NTM nâng cao là nhiệm vụ song song giữa huyện và xã. Trong khi đó, nguồn lực chủ yếu để thực hiện là từ nguồn điều tiết tiền đất. Do đó, UBND huyện Can Lộc để nghị HĐND tỉnh xem xét khi ban hành Nghị quyết mới về phân chia tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách tỉnh, huyện, xã phù hợp.

6. Đề nghị tỉnh làm việc với Ban quản lý dự án Ngàn Trươi Cẩm Trang để điều chỉnh phù hợp lưu lượng dòng cầu máng Sơn Lộc nhằm đảm bảo công tác tiêu thoát lũ.

Trả lời:

Qua đề xuất của các huyện Can Lộc, Thạch Hà về việc tiêu thoát lũ qua máng Cầu Sông tại địa phận xã Thạch Ngọc (huyện Thạch Hà) và xã Sơn Lộc (huyện Can Lộc). Thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao văn bản số 2174/UBND-TH­­5 ngày 13/4/2021, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức kiểm tra thực địa tại công trình máng Cầu Sông, thuộc dự án kênh chính Linh Cảm vào ngày 16/4/2021. Qua kiểm tra đã khẳng định việc thi công xây dựng máng Cầu Sông thuộc Dự án hệ thống thuỷ lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (giai đoạn 2) không làm xấu hơn hiện trạng tiêu thoát lũ so với trước đây.  Tại văn bản số 985/SNN-XDCT ngày 13/5/2021, Sở Nông nghiệp và PTNT đã giao UBND huyện Thạch Hà phối hợp với Ban Quản lý dự án ĐTXDCT Nông nghiệp và PTNT tỉnh (đại diện chủ đầu tư dự án nâng cấp kênh chính Linh Cảm) chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị liên quan thi công hoàn thành khối lượng các hạng mục công trình trong phạm vi giao cắt (máng Cầu Sông) liên quan đến tiêu thoát lũ trước ngày 15/7/2021, đồng thời theo dõi quá trình vận hành công trình trên hệ thống đảm bảo nhiệm vụ tiêu thoát lũ theo quy trình thiết kế trong mùa mưa lũ 2021. UBND huyện Can Lộc sẽ tiếp tục phối hợp, đề xuất Ban Quản lý dự án ĐTXDCT Nông nghiệp và PTNT tỉnh xem xét, xử lý.

7. Trang trại chăn nuôi bò sữa Đồng Minh Nguyên chuyển sang chăn nuôi lợn thịt gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt cho thôn Văn Minh và thôn Trà Liên, xã Thường Nga, huyện Can Lộc, cử tri đã phản ánh nhiều lần nhưng đến nay chưa được xử lý.

Trả lời:

Trang trại chăn nuôi bò sữa Đồng Minh Nguyên được UBND huyện Can Lộc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trang trại chăn nuôi bò sữa và phát triển vùng nguyên liệu cho công ty CP sữa Việt Nam Vinamilk của nhà đầu tư ông Nguyễn Sỹ Thắng và ông Trinh Ngọc Phương tại khu vực Tàu Voi thuộc thôn Bồng Sơn, xã Thường Nga với tổng diện tích 9,5ha, quy mô trang trại là 100 con bò tơ giống Hà Lan HF mang thai 3-6 tháng hoặc chưa mang thai. Sau 05 năm tăng đàn trang trại có quy mô ổn định 200 bò khai thác sữa Hà Lan HF và đạt tổng đàn khoảng 400 con.

Hiện nay, trang trại đang nuôi 60 con bò thịt (bao gồm cả bê). Hệ thống xử lý môi trường của trang trại: có 01 bể Biogas 250m2 và 02 hồ sinh học diện tích 500m2. Tại thời điểm kiểm tra trang trại không chăn nuôi lợn và không xã nước thải ra ngoài khu vực trang trại. Toàn bộ phân được thu gom và ủ phân để bón cho cây trồng, nước thải chăn nuôi được xử lý thông qua hệ thống bể biogas, hồ lắng sau đó được bơm tưới tái tạo đồng cỏ, cây ăn quả trong khuôn viên trang trại.

 Theo báo cáo của chủ trang trại thời gian qua, do vùng nguyên liệu không đáp ứng, giá sữa không ổn định cùng với đó trang trại không tiếp cận được nguồn giống tốt, bên cạnh đó thời tiết thất thường ảnh hưởng đến sức khỏe của bò nên sản lượng sữa thấp, vì vậy việc chăn nuôi bò sữa thua lỗ nên trang trại tạm dừng nuôi bò sữa một thời gian và đưa vào nuôi bò thịt, do còn nhiều chuồng bỏ trống, để tận dụng nguồn thức ăn trang trại.

Trong thời gian tới, UBND huyện giao phòng Tài nguyên - Môi trường phối hợp với UBND xã Thường Nga tiếp tục kiểm tra, giám sát và yêu cầu trang trại chấp hành nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường tại trang trại.

8. Đầu tư nạo vét Sông Én thuộc xã Tùng Lộc và xã Hậu Lộc, huyện Can Lộc để lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trả lời:

Tuyến Sông Én, đoạn qua xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc có chiều dài khoảng 1,7 km hiện chưa được nạo vét, nâng cấp. Tình trạng bèo Lục Bình phát triển dày đặc và vấn đề bồi lắng ở đáy kênh dẫn đến việc cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu thoát lũ kém hiệu quả. UBND huyện Can Lộc đã chỉ đạo các phòng chuyên môn có liên quan kiểm tra, đề xuất giải pháp xử lý, khắc phục. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, nguồn ngân sách cấp huyện, cấp xã gặp nhiều khó khăn, việc bố trí nguồn vốn để triển khai nạo vét, nâng cấp Sông Én chưa thể thực hiện được.

Mặt khác, tuyến Sông Én đi qua xã Tùng Lộc (huyện Can Lộc) và xã Ích Hậu (huyện Lộc Hà) là tuyến sông liên huyện. Vì vậy, UBND huyện Can Lộc sẽ tiếp tục đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Quản lý dự án ĐTXDCT Nông nghiệp và PTNT tỉnh xem xét, đề xuất UBND tỉnh bố trí nguồn ngân sách để lập dự án đầu tư nạo vét, nâng cấp Sông Én.

9. Đầu tư dự án nước sạch tại hồ Vực Trống; triển khai kịp thời Dự án nhà máy nước sạch Trại Tiểu và mở rộng mạng lưới phục vụ cho các xã Sơn Lộc, xã Quang Lộc, xã Trung Lộc và xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc.

Trả lời:

Hiện nay vùng Thượng Can của huyện Can Lộc chưa có nhà máy nước sạch, trong khi nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân trong vùng là rất lớn. Việc kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện dự án nước sạch là rất khó khăn (có một số nhà đầu tư khảo sát nhưng không khả thi) nên kiến nghị UBND tỉnh và các sở ngành đầu tư dự án nước sạch tại hồ Vực Trống theo phương án sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để đầu tư.

Thực hiện Nghị quyết số 208/NQ-HĐND ngày 17/4/2020 về việc phân bổ nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình cấp nước vùng Trà Sơn, huyện Can Lộc với tổng mức đầu tư 49 tỷ đồng (Giai đoạn 1), nguồn vốn bố trí từ nguồn NTM ngân sách Trung ương 33 tỷ đồng trên địa bàn 02 xã: Mỹ Lộc và một phần xã Sơn Lộc. Còn lại các xã: Sơn Lộc, Xuân Lộc, Trung Lộc, Thượng Lộc, Quang Lộc chưa được triển khai dự án. Hiện nay Chủ đầu tư (UBND xã Mỹ Lộc) đã ủy thác quản lý dự án cho Ban quản lý dự án huyện Can Lộc triển khai thi công dự án. Vì vậy UBND huyện Can Lộc kính đề nghị UBND tỉnh và các sở ngành liên quan sớm bố trí nguồn vốn để triển khai giai đoạn 02 của dự án.

10. Đề nghị tỉnh xem xét không thực hiện chính sách luân chuyển cán bộ công chức Địa chính các xã, thị trấn.

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 25, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 và Điều 36, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tham nhũng đã quy định danh mục vị trí công tác định kỳ phải chuyển đổi, trong đó quy định vị trí công tác thuộc lĩnh vực Địa chính phải chuyển đổi theo định kỳ. Vì vậy, phải thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức Địa chính theo quy định.

11. Đề nghị tỉnh quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng tuyến đường Thị Sơn, nâng cấp đường Chợ đình Quán Trại và các dự án đã có trong Nghị quyết số 120/NQHĐND tỉnh.

 Trả lời:

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thị Sơn đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư tại Văn bản số 4247/UBND-GT ngày 28/6/2019 với tổng mức đầu tư 48 tỷ đồng. Sau đó UBND huyện Can Lộc đã trình thẩm định chủ trương đầu tư dự án, tuy nhiên do dự án chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, chưa bố trí nguồn vốn nên đến nay vẫn chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư. Hiện trạng tuyến đường Thị Sơn đã xuống cấp nghiêm trọng, các phượng tiện lưu thông qua lại rất khó khăn. Trước thực trạng đó, UBND huyện Can Lộc đã sử dụng nguồn vốn duy tu do tỉnh phân bổ kết hợp nguồn vốn ngân sách huyện để duy tu toàn tuyến đường với kinh phí 5 tỷ đồng để bảo đảm cho người và phương tiện lưu thông an toàn (Trong đó ngân sách tỉnh nguồn duy tu bảo dưỡng là 1,926 tỷ đồng). Tuy nhiên việc duy tu bảo dưỡng chỉ mang tính chất tạm thời, việc đầu tư xây dựng tuyến đường Thị Sơn là cấp bách, cần thiết. UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh sớm đưa danh mục dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025 để sớm triển khai xây dựng công trình.

Dự án đường Chợ Đình - Quán Trại đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 120/NQ-HĐND với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 90 tỷ đồng, ngân sách huyện 10 tỷ đồng. Tuy nhiên từ đó đến nay do dự án không được bố trí nguồn vốn nên chưa được triển khai. UBND huyện đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh cho phép triển khai dự án, nhưng chưa cân đối được nguồn vốn nên dự án chưa được triển khai. Kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025 để sớm triển khai dự án.

          Dự án tuyến đường nhánh Thiên An, huyện Can Lộc được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 120/NQ-HĐND, được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1841/QĐ-UBND ngày 18/6/2019 với tổng mức đầu tư 12,4 tỷ đồng, nguồn vốn đã được bố trí 7,5 tỷ đồng tại Quyết định số 803/QĐ-UBND ngày 03/3/2021 của UBND tỉnh; Hiện nay UBND huyện đang trình UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ dự án để triển khai xây dựng.

12. Đề nghị xem xét tăng mức hỗ trợ cho các đối tượng tham gia nhiệm vụ trực tiếp tại các thôn, xóm, tổ dân phố nhằm đảm bảo các hoạt động, đồng thời quy định cụ thể chính sách đối với đối tượng bảo vệ dân phố.

 Trả lời:

Tiếp thu ý kiến của cư tri, ngày 08/12/2020, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 258/2020/NQ-HĐND quy định chức danh, số lượng, mức khoán chi phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố. Theo đó, mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố đã được tăng lên so với quy định tại Nghị quyết số 156/2019/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 của HĐND tỉnh, cụ thể:

- Chức danh Thôn đội trưởng: Bằng 0,5 mức lương cơ sở/người/tháng và hướng chế độ phụ cấp chức vụ chỉ huy dân quân tự vệ theo quy định tại điểm đ Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 72/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

- Chức danh Nhân viên y tế thôn, bản kiêm cộng tác viên dân số, y tế và gia đình: Bằng 0,5 mức lương cơ sở/tháng tại các xã vùng khó khăn và 0,3 mức lương cơ sở/tháng tại các xã còn lại.

- Chức danh Công an viên thôn: Bằng 0,5 lần mức lương cơ sở (Hỗ trợ bồi dưỡng đặc thù theo chính sách của tỉnh)

- Ngoài các chức danh trên, những người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố khi có nhu cầu công việc được hỗ trợ mức bồi dưỡng: Thôn, tổ dân phố loại 1 được hỗ trợ 25 triệu đồng/thôn, tổ dân phố/năm; thôn, tổ dân phố loại 2 được hỗ trợ 22 triệu đồng/thôn, tổ dân phố/năm; thôn, tổ dân phố loại 3 được hỗ trợ 20 triệu đồng/thôn, tổ dân phố/năm.

Trên đây là trả lời, cập nhật kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khoá XVII, UBND huyện Can Lộc xin được báo cáo UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan./.

 

Nơi nhận:

- Như trên;

- Sở Tài chính;

- Sở Kế hoạch - Đầu tư;

- Sở Tài nguyên & Môi trường;

- Sở Nội vụ;

- Sở Nông nghiệp&PTNT;

- Văn phòng ĐPXD Nông thôn mới tỉnh;

- Chủ tịch, các PCT UBND huyện;

- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đặng Trần Phong

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 1.882.114
    Online: 28
    ipv6 ready