Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử huyện Can Lộc!

Thiên Lộc xưa, Can Lộc nay nổi tiếng địa linh, nhân Kkệt. Linh khí Hồng Sơn đã hun đúc nên truyền thống quê hương, rạng rỡ trong lòng đất nước. Theo các nhà nghiên cứu, núi non vùng duyên hải miền Trung được hình thành qua các đợt phun trào địa chất cách nay khoảng 250 triệu năm và đồng bằng được hình thành do quá trình sa bồi chân núi và bồi đắp phù sa diễn ra từ cách nay vài trăm triệu năm. Xa xưa núi Hồng Lĩnh là một hòn đảo lớn. Về sau biển lùi và hình thành vùng đồng bằng Can Lộc ngày nay. Núi Hồng Lĩnh là một cảnh quan kỳ vĩ, gắn liền với truyền thuyết đàn chim phượng trăm con và kinh đô Việt Thường Thị thời Kinh Dương Vương mở nước. Ngọc Phả Hùng Vương còn ghi rõ " Kinh Dương vương kính tuân chỉ dụ của vua cha, đem quân lính theo núi Nam Miên mà đi về phía nam. Trên đường ngắm xem phong thủy, chọn nơi hình thế thắng địa để đóng đô ấp (ức quốc đô). Qua đất Hoan Châu (nay đổi là xứ Nghệ An, nơi đó là các xã Nội Thiên Lộc, Tả Thiên Lộc, Tỉnh Thạch thuộc huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang) vua chọn được một vùng phong cảnh tươi đẹp, núi non muôn nhẫn lâu đài, gọi là núi Hùng Bảo Thứu Lĩnh, tất cả có 199 ngọn. Xưa gọi là Cựu Đô, nay gọi là Ngàn Hống".Cựu đô Ngàn Hống gắn liền với các di chỉ khảo cổ Phôi Phối - Bãi Cọi, Rú Nghèn, Thạch Lạc với hàng trăm hiện vật mang dấu ấn thời kỳ đồ đá, đồ đồng, văn hoá Đông Sơn khẳng định người xưa đã định cư ở vùng đất này từ 5000 đến 6000 năm trước.

Thời vua Hùng dựng nước, huyện Can Lộc nằm trong bộ Cửu Đức, vùng lãnh thổ phía nam Nghệ An và Hà Tĩnh bây giờ và sau đó từng mang nhiều tên gọi như Phù Lĩnh (thời thuộc Ngô - 271), Việt Thường (thời thuộc Đường - 679), Hà Hoàng thuộc về đất Hoan Châu. Thời nhà Trần, Can Lộc có tên là huyện Phỉ Lộc thuộc Nghệ An phủ. Năm 1469, vua Lê Thánh Tông ban đạo dụ thành lập 12 thừa tuyên, trong đó có huyện Thiên Lộc thuộc phủ Đức Quang thừa tuyên Nghệ An với 26 xã, vốn bao trùm cả huyện Lộc Hà và TX Hồng Lĩnh ngày nay, kéo dài một vùng từ Bấn đến Cửa Sót. Đến thời nhà Nguyễn, năm Tự Đức thứ 15 (1862), vua ra chỉ dụ đổi tên huyện Thiên Lộc thành Can Lộc. "Can" cũng có nghĩa là gan dạ, can đẩm, can trường...

Trải chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, tuy có những biến động về địa giới nhưng về cơ bản Can Lộc vẫn là vùng đất trung tâm của Thiên Lộc ngày trước. Hồng Lĩnh danh sơn đứng ở phía Đông sừng sững tháng năm ngăn giông bão, rú Nghèn rú Cài soi bóng Trúc Giang và xa xanh phía tây một dãy Trà Sơn trùng điệp. Sông Nghèn mang nặng phù sa, thao thiết chảy nghìn năm xuôi về phía biển. Hàng trăm dòng họ đã lần lượt quần tụ về đây, lập nên làng xóm, ruộng đồng, các thế hệ kế tiếp nhau dựng xây nên một vùng quê giàu đẹp, giàu truyền thống văn hoá. Người Can Lộc, bao đời nay chịu thương chịu khó, cần cù sáng tạo trong lao động, chung lưng đấu cật vượt lên bao khó khăn vất vả khát vọng hướng tương lai; giàu lòng yêu nước thương nòi, can trường dũng lược, luôn đi đầu dậy trước ở mọi thời điểm của lịch sử, hy sinh vì nghĩa lớn, đã lập nên những chiến công oanh liệt trong công cuộc đấu tranh giữ nước. Người Can Lộc thông minh, hiếu học và có nhiều người học giỏi.Can Lộc có ba vùng văn hoá tiêu biểu. Thượng Can với " Sạc Sơn tứ diện giai công hầu" có những dòng họ nổi tiếng và tên tuổi các bậc danh nho tài hoa, dũng lược. Nguyễn Huy Trường Lưu là một dòng cự tộc. Thám hoa Nguyễn Huy Oánh xứng bậc đại danh sư và là một nhà văn hoá, một nhà ngoại giao, quân sự xuất sắc. Trường Lưu học hiệu, Phúc Giang thư viện do ông sáng lập được coi là trường đại học thứ hai ở Việt Nam sau Văn miếu Quốc tử giám Thăng Long. Mộc bản Trường Lưu và Hoàng hoa sứ trình đồ là những di sản văn hoá mang tầm quốc tế góp phần làm toả sáng tinh hoa văn hoá Việt khắp năm châu. Dòng văn Trường Lưu đã cùng dòng văn Tiên Điền làm nên Văn phái Hồng Sơn bởi các tác gia nổi tiếng như Nguyễn Huy Tự với "Hoa tiên truyện", Nguyễn Huy Hổ với "Mai Đình mộng ký"... mở đầu cho thể loại truyện thơ Nôm lục bát, đã cùng Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du đặt dấu son rực rỡ trong lịch sử văn học trung đại Việt Nam.Thật là: Mộc bản in dấu tài hoa, di sản Trường Lưu năm châu rạng rỡ;

Trình đồ lưu tích sĩ khí, danh gia Nguyễn tộc, bốn biển sáng soi! Bên cạnh Trường Lưu là các làng Yên Huy, quê hương của thượng thư tể tướng Dương Trí Trạch, Dương Trí Toàn; Mật thôn với Văn lý hầu Trần Tịnh,Đệ nhị giáp tiến sĩ Nguyễn Bật Lượng, tiến sĩ Nguyễn Hành và La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp; làng Vịnh Gia với Lưỡng quốc thám hoa Phan Kính; làng Kiệt Thạch "tam khoa tam tiến sĩ" và phía Thổ Vượng là quê hương của Đình nguyên đệ nhị giáp tiến sĩ Vũ Diệm, người từng được xếp vào hàng "tứ hổ Tràng An: Long, Lân, Tân, Toại". Bên bến sông đò Cài là khu mộ của Đô Đài ngự sử Bùi Cầm Hổ, người xã Đậu Liêu (nay thuộc thị xã Hồng Lĩnh), một bậc phúc thần danh tiếng thời Lê Sơ vào thế kỷ XV.

Vùng Trung Can, rú Nghèn nổi lên hình một cái nghiên mực nên có tên là Nghiện Sơn. Di chỉ khảo cổ cồn sò điệp tìm thấy ở đây khẳng định cư dân Việt cổ đã có mặt sinh sống tại đất này từ trên 5000 ngàn năm trước. Đền Linh Nha cùng tháp cao Cửu Diện lưu dấu thời gian, linh thiêng và kỳ vĩ. Trảo Nha nổi tiếng bởi dòng họ Ngô mười tám đời quận công với những con người dũng lược, là cự tộc võ thần từ thời Lê Trung Hưng. Chúa Trịnh đã từng tặng dòng họ này bốn chữ “Xã tắc Trảo Nha”.  Gia phả còn ghi, dưới thời Lê và Tây Sơn có tới 18 quận công, 36 hầu tước, 4 người đỗ tạo sĩ (tiến sĩ võ) và nhiều người đỗ tam trường võ. Đặc biệt, đời thứ 7, Toàn quận công Ngô Phúc Vạn được vua ban tặng Thái Bảo. 10 người con trai của ông lại làm rạng rỡ thêm võ công của dòng họ đều được phong công hầu, khanh tướng. Con cháu 10 vị tướng này đi trấn nhậm nhiều nơi và họ Ngô Trảo Nha đã thiên di đến Hà Nội, Quảng Bình, Quảng Nam, An Giang... lập nên nhiều chi họ. Danh xưng Trảo Nha mang ý nghĩa là "nanh vuốt" của triều đình, Linh Nha là "cái răng thiêng". Đất Nghèn là quê hương của Đình nguyên tiến sĩ, chí sĩ yêu nước Ngô Đức Kế và thi sĩ Xuân Diệu, ngọn cờ đầu trong phong trào Thơ mới và nhà nghiên cứu Hán Nôm nổi tiếng Ngô Đức Thọ...

Vùng Hạ Can bên tả ngạn sông Nghèn là quê hương của nhiều bậc anh hùng, khoa bảng. Họ Đặng Tĩnh Thạch (Tùng Lộc) với cha con danh tướng Đặng Tất, Đặng Dung trung liệt, dưới trăng thề mài gươm giết giặc, một lòng trung quân ái quốc. Họ Hà ở đất này cũng là một dòng cự tộc với thượng thư tiến sĩ Hà Tông Trình; tiến sĩ Hà Tông Mục có nhiều công trạng, được nhân dân lập sinh từ và bia sùng chỉ ngợi ca công đức khi còn sống. Làng Thuần Thiện có anh em tiến sĩ Lê Sĩ Triêm, Lê Sĩ Bàng là hai tiến sĩ đồng xuất thân khoa thi năm 1736, là hai danh thần có nhiều công trạng.Làng Ích Hậu xưa là quê hương của tể tướng, Tam nguyên hoàng giáp, nhà thơ Nguyễn Văn Giai, công thần khai quốc thời Lê Trung Hưng nổi tiếng thanh liêm chính trực.

Tính ra, Thiên Lộc có 46 vị đỗ đại khoa trong số 146 vị của Hà Tĩnh qua các kỳ thi dưới các triều đại phong kiến, được lưu danh trên bảng vàng bia đá tại Văn miếu Thăng Long, xứng với lời khen " Bút Cấm chỉ, sĩ Thiên Lộc".

Can Lộc có ba bậc hiền nho từng được Báo Giáo dục thời đại suy tôn là Đại danh sư nước Việt qua mọi thời đại: Nguyễn Huy Oánh, La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp và Võ Liêm Sơn. Thật hiếm có nơi nào được như thế !

 Cùng với truyền thống lao động, hiếu học, Nhân dân Can Lộc giàu truyền thống đấu tranh kiên cường dũng cảm. Là địa phương luôn đứng đầu ở mọi thời điểm của lịch sử với những người con anh hùng và chiến công oanh liệt. Những địa danh đã trở thành bất tử như Bến đò Thượng Trụ, Ngã ba Nghèn Xô Viết, Ngã ba Đồng Lộc, Làng K130 Tiến Lộc... đã dựng lên những tượng đài của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, rạng ngời đến mai sau.

Hôm nay, tự hào cất bước đi dưới trời xanh quê hương như nghe lời thì thầm của đất, như nghe tiếng cha ông nghàn xưa vọng về trong niềm vui Can Lộc đang trở mình vươn dậy cùng đất nước. Làng quê xưa đói nghèo nay đã thành nông thôn mới. Trà Sơn bốn mùa xanh cây trái bưởi cam. Ruộng đồng âm vang tiếng máy thay sức người nghìn năm lam lũ, nhọc nhằn. Nhà ngói, nhà cao tầng tinh khôi trong màu sơn mới dưới nắng mùa thu đỏ sắc cờ. Đường nhựa, đường bê tông phẳng lỳ, sạch đẹp tới tận từng ngõ xóm, từng nhà dân. Thị trấn huyện lỵ rạo rực trên đường bước lên đô thị loại bốn, phố phường nhộn nhịp, khang trang soi bóng sông Nghèn. Nghe trong hương sen thơm ngát tình quê và dạt dào Bài ca cây lúa.Từ đất, từ làng, từ linh khí đất trời quê hương, những người con Can Lộc đang vươn xa trên mọi miền quê hương đất nước và bốn biển năm châu. Nhiều người trở thành những nhà quản lý lãnh đạo tài năng, các nhà khoa học nổi tiếng, những tướng lĩnh kiên trung và những doanh nhân lừng danh... đang cùng chung sức xây dựng đất nước, làm rạng ngời truyền thống quê hương…

Từ sâu thẳm mạch nguồn Hồng Sơn chính khí và sức sống bền lâu 550 năm truyền thống, người Can Lộc dạt dào niềm tin, bên nhau đi dưới trời xanh quê hương lộng gió, cùng vững bước trên đường lớn hướng tới tương lai, tươi sáng đẹp giàu.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Liên kết website
    Thống kê: 1.877.994
    Online: 10
    ipv6 ready