Thanh Lộc là một xã biên giới Đông bắc của huyện Can Lộc, có diện tích tự nhiên: 816ha nằm từ 18,265 đến 18,286 bắc vĩ độ. 105,41 đến 105,43 đông kinh độ. Với tổng dân số là 5450 nhân khẩu.
Đông giáp xã Đậu Liêu thuộc thị xã Hồng Lĩnh.
Bắc giáp xã Đậu Liêu và xã Kim Song Trường.
Tây giáp xã Kim Song Trường.
Nam giáp xã Khánh Vĩnh Yên
Trước năm 1949 Thanh Lộc có tên là Kiệt Thạch có nghĩa là Đá cứng. Tên Kiệt Thạch có thể từ thời Hồng Đức, xa xưa ở đây là xứ Kẻ Cài. Kiệt Thạch gồm có 3 thôn đó là Thạch Mỹ, Kỳ Trúc và Yên Hợp.
* Về địa danh: Qua các thời kỳ lịch sử xã đã mang nhiều tên gọi khác nhau. Trước hết như ta biết là làng Kẻ Cài, cũng như nhiều làng kẻ khác đó là những làng cổ. Tên làng thường gắn với những đặc điểm tự nhiên của vùng đó hay tính cách, nghề nghiệp của nhân dân, làng được mang tên như : Kẻ Bàn, Kẻ Chay, Kẻ Sim, Kẻ Treo........Kẻ Cài phải chăng nhân dân ở đây nhân dân chủ yếu làm nghề cày mà được gọi chệch sang để có tên làng như vậy còn xa hơn nữa có địa danh là gì hiện ta cũng chưa biết, có một điều chắc chắn cả vùng đất này đã có một quá trình lịch sử lâu đời ngay từ thời lập quốc đây cũng là vùng Phên dậu cúc nam của đất nước là đất của huyện Hàm hoan, rồi Phù Lĩnh, Việt Thường, Phú Lộc cho đến năm 1469 dưới triều Hồng Đức nhà Lê đổi thành huyện Thiên Lộc. Phải chăng địa danh Kiệt Thạch cũng được mang tên trong thời này. Bởi dưới triều Lê Thánh Tông và kế đó ở vùng quê này có 3 vị tiến sỹ trong các khoa thi 1478 (Hoàng Hiền), 1493 (Nguyễn Cung) và 1511 (Thái Kính) nên đã lưu truyền câu truyền ngôn "Kiệt thạch tam khoa tam tiến sỹ".
Địa danh Kiệt Thạch còn được nhắc đến nhiều lần trong các sắc phong của triều đình nhà Lê đối với các tướng soái các công thần là người Kiệt Thạch và trên bia Tiến sỹ, ở Thanh Lộc cũng còn có "Kiệt Thạch tam khoa cử bi kí" do cử nhân Nguyễn Đình Hiển soạn năm Cảnh Hưng thứ 24. Kiệt Thạch xưa thuộc Tổng Đậu Liêu huyện Thiên Lộc thuộc Phủ Đức Quang sau đổi thành Đức Thọ. Chính vì vậy trước đây trong các văn bản hay bài văn cúng ta thường xưng địa danh Hà tỉnh tĩnh- Đức Thọ huyện- Kiệt Thạch xã là do vậy.
Địa danh Kiệt Thạch còn được lưu giữ cho đến cách mạng tháng 8 và đến năm 1949 Tổng Đậu Liêu gồm Thổ Vượng, Kiệt Thạch, Đậu Liêu hợp nhất thành xã Hồng Minh.
Năm 1952 theo chủ trương của cấp trên xã Hồng Minh lại chia thành 2 xã lấy tên là Vượng Lộc và xã Minh Lộc, xã Minh Lộc gồm Minh Lộc và Kiệt Thạch.
Tháng 9/1954 sau giảm tô xã Minh Lộc lại được tách chia thành 2 xã: Minh Lộc và Thanh Lộc. Địa danh Thanh Lộc bắt đầu có từ đây với các xóm Thanh Mỹ, Thanh Thuỷ, Thanh Đồng, Thanh Lâm, Thanh Hoà, Thanh Bình, Thanh Tân, Thanh Tiến, Thanh Hợp, Thanh Sơn cũng hình thành từ đây.
Như trên đã nói Kiệt Thạch xưa có 3 thôn: Thanh Mỹ , Kỳ Trúc và Yên Hợp. Thôn Thanh Mỹ gồm có đất xóm Đồng Mía và xóm Yên Mỹ hiện giờ, về sau xóm Đồng Mía sát nhập vào xã Thổ Vượng. Trên Kiệt Thạch chỉ còn lại phần đất xóm Yên Mỹ. Ba thôn Yên Mỹ, Kỳ Trúc và Yên Hợp là 3 đơn vị hành chính riêng biệt có hội đồng hương lý quản hộ tịch, hộ khẩu. Điền thổ và mọi sinh hoạt của nhân dân thôn đó trực thuộc huyện Can Lộc. Xã Kiệt Thạch nhỏ, không có cai xã như các xã lớn Song Lộc, Kim Lộc.......
Kỳ trúc là thôn ở trong trung tâm giữa xã có vị trí, diện tích, dân số và các mối quan hệ rộng. Kỳ trúc gồm 3 xóm: Văn Lâm, Thạch Tĩnh và Thạch Cừ.
Hai đầu hai Yên đất rộng, người thưa nên người Kỳ Trúc bằng nhiều cách đã đến với sinh sống, Hoà Đồng với Yên Mỹ, Yên Hợp nhưng vẫn giữ gốc là gười Kỳ Trúc. Thậm chí có những người làm lý trưởng Kỳ Trúc mà ngụ tại Yên Hợp như trường hợp Lý Trưởng: Nguyễn Giản, người họ ông Nguyễn Nhu(Vu) xuống Yên Mỹ rồi theo đạo Thiên Chúa vẫn đi về họ tổ như trường hợp anh em Toàn Tâm, Long Xu ........ Người Kỳ Trúc còn xuống ở các xóm Đồng Mía nay đã thành dân Thổ Vượng như trường hợp Bẹn Cườm, Bẹn Thuận họ ông Vu con cháu cố Cựu Đậu như Đính Toả, Phong Tư, con cháu cố Cu xã Đậu Liêu chi nguyên là người Kỳ Trúc
Địa giới hành chính cũng có nhiều lần thay đổi qua các thời kỳ lịch sử, thời xưa Kẻ Cài độc chiếm 3 phía núi Cài duy chỉ có phía nam là làng Yên Huy, phía Đông, Đông Bắc lấy sông nhà Lê làm giới hạn tự nhiên. Phía Tây gồm suốt cả hệ thống núi Cài cho ra đến rú Đồn bao gồm cả đồng ruộng đồng Ba Lăm kéo dài đến Đò Hói giáp giới Thuận Lộc. Phía Nam và Đông Nam là thôn Thạch Mỹ gồm cả xóm Đồng Mía. Sau cách mạng Tháng Tám và nhất là sau giảm tô vùng Đồng Mía thuộc về Vượng Lộc, vùng rú Đồn bãi tập cắt về Trường Lộc, Song Lộc hiện nay họ làm nghĩa địa, còn biên giới phía đông vượt qua sông nhà Lê để có định hình như biên giới Thanh Lộc ngày nay.
Về tự nhiên Thanh Lộc hiện tại phía Tây dựa lưng vào núi Cài. Trước mắt có Hồng Lĩnh, núi như những bức trường thành che chắn cuồng phong bão tố cho cư dân.
Con sông Cài chảy xuyên dọc địa phương theo hướng Tây Bắc Đông Nam, thật là sơn thuỷ hữu tình, không dễ một miền quê nào có được. Sông và núi đã tạo nên sắc diện củả vùng quê Thanh Lộc nay. Nếu Can Lộc có 3 vùng: Bán sơn địa, đồng bằng và ven biển thì Thanh Lộc gồm đủ Bán sơn địa và đồng bằng ven sông. Núi gần sông chênh lệch nhiều nên đồng bằng tương đối hẹp, cốt đất chênh lệch nhiều, độ dốc lớn tốc độ xói mòn cao, giá như có những con đường viền ngang thì sự hội tụ lớn hơn, độ xói mòn sẽ được hạn chế.
Do địa thế như vậy nên Thanh Lộc có nhiều dạng đất, có nương cao trĩa đậu trồng khoai có đồng bằng cát để bắc mạ làm rau màu có vùng đất thấp để cấy lúa.
Với một nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ khi mà thuỷ lợi tưới tiêu chưa có, làm ăn chỉ nhờ trời, nhờ thiên nhiên, mặc dầu hạn hán hay lụt lội đồng điền Thanh Lộc cũng không bao giờ bị mất trắng nặng nề như các vùng cao táo như: Yên Lộc, Phú Lộc mất hạn hay các vùng thấp trũng như: Thuận Lộc, Vượng Lộc chưa mưa đã lụt úng.
Chính vì vậy Thanh Lộc là điểm đến di cư, ngụ cư của nhiều người quần tụ về đây từ xa xưa như các người họ Hoàng, họ Nguyễn, họ Thái tổ phụ các Tiến sỹ Hoàng Hiền, Nguyễn Cung, Thái Kính, đến Kiệt Thạch đến đã cách 6 đến7 trăm năm và như tổ tiên Bùi Cầm Hỗ trước cũng sinh ra lập nghiệp lấy vợ người Kiệt Thạch.
Thanh Lộc là đất đãi khách ngay các thế hệ kế tiếp cho đến bây giờ vẫn còn có nhiều người đến ở rể, làm con nuôi rồi sinh sống và phát triển tại Thanh Lộc, như họ Nguyễn tiến sỹ Nguyễn Văn Trình, họ Nguyễn ông Hiền Căng từ Nghi Xuân vào, họ Lê ông Đính Tâm từ Đức Thọ đến..........
Cấu tạo địa hình của Thanh Lộc thích hợp với việc làm nền móng xây dựng nhà cửa, nguyên vật liệu như: Đất, đá cũng dồi dào thuận lợi cho việc làm nhà đơn giản tương ứng với đời sống kinh tế ở đây nhân dân địa phương.
* Dãy Hồng Lĩnh điệp trùng 99 non cao tạo nên bức trường thành che chắn gió bão phía Đông, Đông bắc là một Danh sơn nổi tiếng tiêu biểu cho Hoan châu- Nghệ Tĩnh, kề cận trước mắt quê ta với nhiều sản vật, củi, tranh cần thiết gắn bó lâu đời với người dân Thanh Lộc về mặt vật chất, về mặt văn hóa tinh thần. Hồng Lĩnh với sông cài cặp đôi sông núi đó cũng đã được đi vào thơ ca từ lâu đời
"Hồng sơn cao ngất mấy trùng
Sông Cài mấy trượng thì lòng người bấy nhiêu"
(Thác lời người trai phường nón: Nguyễn Du)
Núi Cài quê ta như một sự đột khí nổi lên giữa một vùng đồng bằng gồm 5 xã : Thanh Lộc, Yên Lộc, Trường Lộc, Song Lộc và Kim Lộc. Trong đó Thanh Lộc chịu nhiều ảnh hưởng của núi nhất hay nói một cách khác được núi ưu đãi ôm ấp chở che nhiều nhất. Cư dân bám quanh chân núi làng xóm kết thành một vệt dài liên tục tập trung dưới chân núi. Từ động Cụp Yên đến núi Cửa Eo Yên Mỹ, núi như con Phượng Hoàng có cái đầu là Động Mọn, giang đôi cánh rộng che chở xóm thôn chắn giữ gió tây phong khắc nghiệt. Thực ra núi Cài có mạch khởi từ núi Bụt thuộc đới Trà Sơn trong hệ thống Trường Sơn mà phóng ra như dạng các núi Mác, Núi Phượng Lĩnh ở Trường Lộc, núi Nỏ, núi Chiêng ở Nhân Lộc, Phú Lộc.......
Từ xa xưa cha ông ta đã mô tả
"Trước Kỳ Giang nhấp nhô thuyền bá
Sau Bụt Lĩnh nhạn cá xôn xao
Giữa vườn xuân ong bướm ra vào
Sỹ, Nông, Công, Cổ có nơi nào vui hơn"
* Núi Cài còn có tên là Sạc Sơn, Thốc Sơn, Nhạc Sạc. Nhạc Sạc là tên gọi một loài chim lớn cũng có người hình dung núi Nhạc Sạc như một con chim đang bay tới, cái đầu là núi Động Mọn, cổ là eo Cao, thân hình là núi Ba Lăm cột cờ. Đó là hình tượng cũng như "Sạc Lĩnh càn khôn" là nơi tiên ở, chính vì vậy mà trên núi có bàn cờ tiên, có dấu chân ông Đùng.
Nhiều người con em Thanh Lộc đã thành danh đã hướng về cội nguồn. Họ lấy tên núi làm tên hiệu của mình như một sự tự hào về quê cha đất tổ. Tiến sỹ Nguyễn Văn Trình có tên hiệu là Thốc Sơn, Sạc Sơn.
Cử nhân tế tiểu quốc tử giám Nguyễn Liên có tên hiệu Sạc Phong.
Núi Cài nghoảnh về 3 hướng chính. Hướng Nam và tây Nam thuộc xã Yên Lộc, hướng này độ dốc tương đối lớn, dưới chân núi làng xóm dân cư Yên Lộc dựa vào thế núi mà xây dựng nhà cửa chủ yếu nhà làm theo hướng Nam, Đông Nam.
Về phía Tây và Tây Bắc giáp Trường Lộc, Song Lộc núi thấp xuống tạo thành những cụp những đồi thấp nhân dân làm khoai từ, khoai vạc, cổ đậu, sắn.....
Theo hướng Tây Bắc núi có những nếp gấp tạo thành khe Ba Giọt vì khe có 3 nhánh hay còn gọi là khe Đót vì trước đây xung quanh cây Đót mọc dày. Còn có tên là Khe Dời vì khe chảy ra đồng Giời. Khe này nước lưu thuỷ quanh năm tạo thành một vùng đầm lầy sụp vũng bình vôi, phèn đông. Hồi 1958-1959 trong phong trào làm thuỷ lợi địa phương đã cho đắp đập Giời nhưng do xử lý nền móng không tốt hiệu quả thấp nên bỏ, nay chỉ còn dấu tích.
Lưu lượng nước không lớn vì núi nhỏ, cây cối ít, độ dốc lớn nên mùa mưa to tốc thẳng tức thời xói lở núi đẩy cát đá ra nhiều đó là nguồn vật liệu xây dựng của nhân dân địa phương và kề cận.
Trên khe có một chỗ nước róc rách từ mõm đá ra được gọi là miệng bà Chúa sơn, nhân dân hạn hán phải ra đây ghánh nước. Xuống đến chân núi nước phân thuỷ ra thành hai nhánh tạo thành một gò hình con thoi con cá nên có tên gọi là bãi Cá Gáy hiện là nghĩa trang chung của các xóm Thanh Tân, Thanh Tiến, Thanh Hợp, Thanh Sơn.
Hướng Đông là hướng chính diện làng xóm dân cư Thanh Lộc. Xét về tổng thể núi Cài là một khối liên tục, hai đầu thấp từ Đông Cụp Yên cho đến rú Cửa Eo có các đĩnh: Động Trùa phải chăng dưới chân động này có các trùa như trùa Vĩnh Phúc Yên Hợp, trùa Thông Cừ rồi đến đĩnh Đá Bạc phải chăng trên đĩnh núi này đá chủ yếu là đá bạc màu trắng sáng như bạc và cứng ghè vào nhau toé ra lửa. Cao nhất trong là đĩnh Cột Cờ thuộc rú Nậy cao 17DB mét so với mặt biển.
Đĩnh Cột Cờ có tên như vậy vì năm 1930 trên đĩnh cao đó vào ngày 1/5 đã tung bay lá cờ liềm búa do chi bộ Đảng cắm lên để thôi thúc cổ động đồng bào, đồng chí cổ động phong tào cách mạng do Đảng lãnh đạo nên còn có tên là động Tây xây. Hiện tại là cột mốc trong bản đồ địa chính của Quốc gia.
Rú Động Mọn nhỏ hơn, thấp hơn tách rời về phía trước như cái đầu chim đang vươn tới hay như cái án thư đặt trước cả dãy trên đỉnh có nhiều mộ cổ, mộ tổ họ Phan. Suốt dọc theo dãy núi có nhiều chỗ thấp xuống thuận cho việc giao thông qua núi gọi là các Eo. Giữa núi Cụp Yên và Động Trùa có Eo Thấp. Giữa Đá Bạc và rú Nậy có Eo Cao. Giữa cuối rú Nậy có Eo và và cuối cùng là Eo Qué, thông sang Yên Lộc rồi Cửa Eo như một đồi nhỏ tách riêng biệt và cũng suốt theo chiều dài núi có nhiều nếp gấp đều đặn tạo nên các khe như: Khe ụ Bò, khe Núc Nác, Khe Động Trùa, Khe Cầu Cao, Khe Làng Nam, các dòng khe được lấy làm biên giới tự nhiên của các thôn xóm. Dưới khe Làng Nam là Yên Mỹ, từ Làng Nam đến khe Trúc Múc, Cầu Cao là Văn Lâm, từ khe Trúc Múc, Cầu Cao đến khe Động Trùa Phát Lát là Thạch Tĩnh, Từ khe Phát Lát đến khe Núc Nác là Thạch Cừ, trên khe Núc Nác là Yên Hợp. Khe Làng Nam là khe lớn nhất bắt nguồn nước từ rú Nậy và là hướng chính của cả mạch núi đổ về. Trước đây cây cối rậm rạp có nhiều cây gỗ lớn sau này khi đắp đập có người đã thu nhặt được. Khe Làng Nam còn có tên là Thuần Khê, Thuần Khê Cư sỹ Hoàng Phúc Tín đã ẩn cư ở đây rồi dấy binh trung hưng nhà Lê. Sau cách mạng nhân dân địa phương có đắp đập Làng Nam để lấy nước làm thuỷ lợi nhưng do xử lý cốt móng không đảm bảo, hiệu suất thấp nên bỏ, nay chỉ còn dấu tích. Khe Làng Nam vẫn là nguồn nước ngầm lưu thuỷ tưới mát cho cả làng xóm.
Cảnh núi non sông suối đan xe hài hoà sơn thuỷ hữu tình đã tạo nên vẻ đẹp tự nhiên tươi mát chẳng những thế mà núi sông đã gắn bó mật thiết tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm ăn giao du sinh hoạt trong một chừng mực giai đoạn xã hội chưa có điều kiện phát triển hạn chế và cải tạo tự nhiên, thì sông này, núi này giang sơn này đã ưu ái đã cho ta tất cả.
Bốn phía núi Cài, chân núi thoai thoải giang cánh tay, trải vành nôi lớn, cư dân có mặt ở đây từ lâu đời, xóm làng lương giáo quần tụ đan xen nhà ở, đình miếu, chùa chiền, nhà thờ giáo họ đông vui.
Là một trong những vùng quê có nền văn hoá phát triển khá sớm nhiều công khanh, lương tướng "Sạc sơn tứ diện công hầu" là vậy.
Về địa danh các xóm trước cách mạng
Kiệt thạch có 3 thôn: Yên Mỹ, Kỳ Trúc và Yên hợp. Mỗi thôn có bộ máy hành chính, có lý trưởng và ngũ hương gọi là hội đồng hương lý.
Ngũ hương có: Hương bộ, phụ trách sổ sách.
Hương Kiểm: Phụ mục tuần phòng, canh gác.
Hương bản: Thủ quỹ, thủ kho.
Hương dịch: Tổ chức hội họp, tế lễ.
Hương Mục: Lo đường sá cầu cống.
Ai đã làm ông Hương dầu nghỉ việc vẫn gọi là ông Hương, như: Hương Bá, Hương Bĩnh đứng đầu đội dân vệ gọi là đoàn trưởng như: Đoàn Năm, Đoàn Thứ.
Lý trưởng đang làm gọi là ông Lý đương, lý trưởng đã nghỉ gọi là ông cựu: cố Cựu Đẹo, Cựu Huân. Hương lý dẫu đã nghỉ vẫn có tên trong hội đồng hào mục địa phương, vẫn có quyền bàn luận với hương lý đương chức, vẫn có vị thế ngoài xã hội. Xã Kiệt Thạch không có chức cai xã. Đứng đầu Tổng Đậu liêu có chánh tổng, phó tổng.
* Thôn Kỳ Trúc chia làm 3 xóm Thạch Cừ, Thạch Tĩnh và Văn Lâm. Sau cách mạng Kiệt Thạch có 5 xóm: 1,2,3,4,5 ứng với 5 thôn từ Yên Mỹ đến Yên Hợp. Đậu liêu có 7 xóm, Thổ vượng có 5 xóm, cả Hồng Minh có 18 xóm. Địa danh có các xóm ở Thanh Lộc vẫn giữ đến cả thời kỳ xã ta gọi là Minh Lộc, cuối năm 1954 tách thành Thanh Lộc, cả xã chia làm 10 xóm sau đó lại hợp 2 xóm thành 1 gọi là Mỹ Thuỷ, Đồng Lâm, Hoà Bình, Tân Tiến, Hợp Sơn. Sau Thanh Lộc hợp nhất hợp tác toàn xã nên các xóm lại được gọi là các đội từ đội 1 đến đội 10.
Danh từ "đội" không thích hợp các xóm lại được tách chia và mang tên: Thanh Mỹ, Thanh Thuỷ, Thanh Đồng, Thanh Lâm, Thanh Hoà, Thanh Bình, Thanh Tân, Thanh Tiến, Thanh Hợp, Thanh Sơn, năm 2019 sáp nhập 6 thôn Thanh Hòa với Thanh Bình thành thôn Hòa Bình, Thanh Tân với Thanh Tiến thành thôn Tân Tiến, Thanh Hợp với Thanh Sơn thành thôn Hợp Sơn hiện tại cả xã còn 7 thôn gồm Thanh Mỹ, Thanh Thủy, Thanh Đồng, Thanh Lâm, Hòa Bình, Tân Tiến và Hợp Sơn. Bộ máy hành chính ở các xóm có thôn trưởng- Bí thư chi bộ và tổ Mặt trận gồm các phân chi hội của các đoàn thể quần chúng và chính trị trong xã như hiện tại.
* Về sông ngòi:
Thanh Lộc có con sông cài chảy qua, sông Cài còn có tên là Kỳ Giang. Sông Cài là một đoạn của sông Nghèn chảy từ Minh Lương đến cửa Sót qua địa phương nào thì mang tên vùng đó ví như: Sông Đò Trai, sông Đò Hói, sông Hạ Vàng.........
Sông Cài là đoạn từ cầu Đò Hói đến hói cụt Thượng Hồ. Do đoạn này thấp trũng sông chảy ngoằn nghèo lắm eo cổ bù, tốc độ nước bình thường chảy chậm, hay tạo thành những dọi cát những cồn soi. Phù sa của sông hằng năm vẫn bồi tụ tạo nên những bãi biền bãi lác như ở đồng Dùng, Hói cụt, Hói trâm.....Sông đón nhận nước từ các khe ở núi Cài đổ xuống lưu lượng ít không đáng kể chỉ có mùa mưa mới góp sức làm cho nước dâng cao.
Sông có hệ thống hói lạch như Hói Trâm, Hói Miệu, hói nhà Tơi. Hệ thống hói lạch này đã được nạo vét, đào sâu để cung cấp nước cho các máy bơm phục vụ thắng lợi cho đồng ruộng Thanh Lộc.
Sông Cài cũng được nạo vét, đào sâu, nắn dòng nhiều lần xa xưa sông có tên là sông Nhà Lê, cũng có nhiều khúc đoạn sông ở địa phương khác từ thời tiền Lê thế kỷ thứ X, con đường thuỷ nối liền kinh kỳ với các phiên trấn cực nam đã được khai thác phục vụ cho việc chuyển quân, chuyển lương, cai quản các vùng xa xôi biên viễn. Vì vậy từ Thanh Hoá, Nghệ An vào đến đây có nhiều đoạn, khúc sông được gọi là kênh.
Thời thuộc Pháp sông Cài cũng có được đào sâu nắn dòng, đoạn từ Thổ Vượng ra đến Đò Trai. Trước đây sông Cài là con đường thuỷ quan trọng từ Hà Tĩnh ra Vinh, ngược sông La lên Hương Sơn, Đức Thọ. Đò dọc xuôi ngược tấp nập buồm căng lượn gió chở gạo, lợn, gà, rau , quả ra chợ Vinh, mua hàng vải, hàng sắt, đồ gỗ từ Vinh về. Người hạ huyện chở mắm muối ngược Hương Sơn, Đức Thọ, buôn trầu bán hoa quả chợ Thượng về xuôi, bè gỗ, nứa về xuôi. Đò Cài luôn tấp nập khách qua lại nhộn nhịp trên bến dưới thuyền tấp nập. Bây giờ phương tiện giao thông đã được cải tiến trên bộ, con đường thuỷ đò Cài thành ra vắng vẻ thỉnh thoảng có một vài con thuyền hay chuyến bè đi qua sông.
Sông chỉ còn ý nghĩa cung cấp nước cho đồng ruộng và sinh hoạt cho trâu bò hàng ngày. Khi chưa có cống điều tiết nước Đồng Huề thì nước sông về mùa Hè vẫn mặn, đồng biền bị nhiễm mặn. Bây giờ đã được ngọt hoá, được nạo vét sâu nên sông và các hói cung cấp đủ nước cho sản xuất nông nghiệp của địa phương thông qua các máy bơm trong xã tự chủ thuỷ lợi không phụ thuộc hệ thống thuỷ nông Linh Cảm. Diện tích sản xuất của địa phương đã được tưới tiêu chủ động.
Sông còn cung cấp nguồn thuỷ sản cho nhân dân, các món ăn hàng ngày như :Cá, Tôm, Cáy, Rạm, ốc, Ngao và đặc biệt là Hến. Trên thực tế nhân dân địa phương chưa biết khai thác tận dụng tiềm năng của hệ thống sông, hói vốn có của quê hương
Đồng bằng của Thanh Lộc: Do cấu tạo địa hình nên đồng bằng Thanh Lộc có cả vùng đất chân sơn và vùng phù sa chân thổ ven sông, đã cải tạo nhiều như di dời tập trung lăng mộ, san lấp mặt bằng cồn bãi nhưng độ lệch cốt đất vẫn còn lớn. Ruộng bậc thang dăm dắm như Làng Trửa, Nhà Phan, Cồn Chiếng, đồng Vườn, Cồn Hà đang là thế đất cao chưa thích hợp lắm với việc trồng lúa vì phải tưới tiêu nhiều. Mặt khác các vùng sâu trũng như các đồng trọt Phúc Lác, Phúc Núi, Nhà Tàu, Cồn Chiếng, Trọt Lại..vv.. còn ứ đọng tiêu úng chưa thuận, thế đất nhìn chung đang chuồi xuống. Con sông Cài chạy ngang qua chia cắt đồng bằng ven sông thành 2 khoảnh. Phía bên kia sông thấp lụt, lại nhiều dăm cồn như: Đồng Vao Trạm, lò Ngói, Nhà Bọc, Dăm De là sản xuất Hè thu còn nhiều bất cập, cần phải dược cải tạo để vận dụng hết tiềm năng của đất đai.
Nhân dân Thanh Lộc chủ yếu làm nghề nông. Lúa gạo là sản phẩm chính, đời sống nhân dân gắn với ruộng đồng chăn nuôi đại gia súc và Lợn, Gà, Vịt đàn, Vịt đẻ.vv. Do đặc điểm tự nhiên, bên cạnh những thế riêng của địa phương và những thuận lợi chung của vùng nhiệt đới gió mùa, những khó khăn cũng không ít, nắng hạn, lụt lội, gió Lào. Lụt Tiểu mạn gây ảnh hưởng đến sản xuất nhiều vụ Hè thu đầu mùa thì nắng hạn kéo dài, cuối vụ thì mưa bão dồn dập, tháng Năm năm tật, tháng Mười mười tật. Thêm vào đó lại sâu bệnh, chuột bọ gây không ít tổn thất mùa màng. Sản xuất nhỏ hẹp trong nông nghiệp mang tính tự cung, tự cấp, ngành nghề thủ công không có, hàng hoá ít, trao đổi dịch vụ hạn chế vì thế Thanh Lộc xa xưa có chợ ven sông chỗ bây giờ gọi là Đồng Chợ. Sau đó chợ không tồn tại mãi đến năm 1996 mới có chợ chiều để cho nhân dân mua bán rau, cá mắm phục vụ cuộc sống hàng ngày. Chợ chiều lúc đầu họp dọc đường lác đác bán mua. Năm 2000 mới có khuôn viên chợ chiều Thanh Lộc như hiện nay. Thanh Lộc không có tầng lớp thị dân, thương dân có chăng bắt đầu từ đây mới phôi thai hình thành.
Vùng Kẻ Cài Thanh Lộc không biết có cư dân đầu tiên đến ở từ thời nào, chắc là xưa lắm rồi. Bởi vì vào thế kỷ XIII dưới triều nhà Trần, tổ 7 đời của Đô đài ngự sử Bùi Cầm Hỗ làm giám vận quân lương quê gốc ở làng Cổ Phi huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương nhân một chuyến chỉ huy đoàn thuyền vận tải đường thuỷ dọc sông nhà Lê đến Kẻ Cài đem kết duyên với một người con gái Kẻ Cài rồi chuyển vào nhập cư tại quê vợ. đến đời thứ 6 mới chuyển sang cư trú tại Đậu Liêu và sinh ra Bùi Cầm Hỗ là thế hệ thứ 7 hành trang và sự nghiệp Bùi Cầm Hỗ đã được chỉnh sử ghi chép rõ ràng từ hệ ấy tính ngược được biết từ ấy đến nay có đủ 700 năm. Nhân đây cũng nói thêm Bùi Cầm Hỗ khi đã đắp được đập đưa nước từ Thanh Khê dẫn tưới đồng ruộng Đậu Liêu nhớ về quê ngoại ông đã cho bắc cầu máng bằng võ cây sui vượt qua sông Cài đem nước về Kiệt Thạch tưới cho một phần đồng ruộng quê hương ngoại tổ.
Vào thế kỷ 14-15 Kiệt Thạch lúc đó đã có một bộ mặt hết sức rực rỡ về văn hoá có các danh sư nổi tiếng. Địa danh đồng thầy phải chăng là nhà ở, là trường học hay là phần mộ là nhà thờ thầy do các học sinh xây dựng, nhà thờ bây giờ không còn, di sản cũng không có chỉ biết nhà thờ thuộc dòng họ Lê Đức Chấp, Phúc Khoán các nhà khá giả, hiếu học tìm đến Kiệt Thạch như một cuộc hành hương tầm sư học đạo.
Tổ phụ Hoàng Hiền Tiến sỹ mậu thất khoa 1478 nguyên gốc người Đức Thọ đến Kiệt Thạch sinh cơ lập nghiệp tạo nên dòng họ Hoàng ngày nay.
Hoàng Giáp (1948), Nguyễn Cung (quý sửu 1493). Tổ phụ là con cháu Nguyễn Xí Nghi Lộc vậy đã dời vào Kiệt Thạch lúc nào chắc là sớm hơn 1493. Bây giờ cũng là một Đại tôn đại tộc ở đây, còn Thái Kính là một Cụ tộc lớn con cháu họ Thái có ở Minh Lộc Đậu Liêu, ở Khánh Lộc, ở Sơn Lộc và nhiều nơi khác nữa đã đến Kiệt Thạch. Những di tích, di sản của người xưa không còn con cháu chẳng giữ được gì thời điểm nào chỉ biết rằng 3 vị Tiến Sỹ này cùng học một thầy. Hoàng Hiền và Thái Kính đều lấy vợ một nhà họ Nguyễn chị em với Hoàng Giáp Nguyễn Cung. Ba vị có làm nhà ở một vùng, địa danh vùng ấy vẫn còn đó là đồng Ba Nghè tên tuổi các vị nay còn lại ở Bia Văn Miếu trong đăng khoa lục. Hiện tại ở địa phương còn có tấm bia "Kiệt Thạch Tam Khoa Cử Bi Kí". Do cử nhân Nguyễn Đình Hiền soạn năm Cảnh Hưng thứ 24. Bia bây giờ có ở nhà thờ họ Hoàng. Thiết tưởng địa phương nên có kế hoạch bảo tồn, bảo tàng đó là di sản quý giá. Ba vị tiến sỹ đã làm rạng danh cho địa phương vào một giai đoạn lịch sử mở đầu thời kỳ văn hoá thịnh đạt, nếu Can Lộc suốt 9 thế kỷ từ 35 vị Đại khoa thì Thanh Lộc có 5 vị.
Đặc biệt Hoàng Hiền, Nguyễn Cung, Thái Kính là Tiến sỹ đậu vào lớp sớm thứ 2 của vùng Can Lộc Hà Tĩnh này. Giai đoạn này làng đã giời lên chân núi rồi xa xưa cư dân vốn sinh sống ven sông thuận theo nghề mò cua bắt ốc. Mặt khác lúc đó núi Cài còn hoang rậm nhiều rắn rết, thú dữ nghe nói có cả khái beo tự rú Xanh từ Giăng Màn đi xuống. Hiện nay dọc bờ sông còn nhiều vết dấu của người xưa cư trú như Cồn Hà, Cồn Hến có nhiều vỏ Sò, vỏ Hến của người xưa để lại. Sau do lụt lội nhiều nên làng dời dân lên phía núi các tên làng như: làng Trửa, làng Trau, các nhà như: nhà Phan, nhà Đò, nhà Tem, nhà Trảng,...vv..Rải rác giữa đồng đó là dấu tích dân cư một thời đã sinh sống qua các bình hũ, bát đĩa nhặt được tại các vùng này đó là đồ gốm sứ thời trước thời kỳ Lý, Trần.
Lớp cử nhân mới có thể có những người từ nơi khác, có chức, có quyền, có điều kiện với tinh thần đất lành chim đậu đã đến tiếp tục sinh cơ lập nghiệp tại đây như ông tổ họ Nguyễn cố Toán Sừ Yên Hợp là Trường khánh hầu từ Ninh Bình vào.
Tổ họ Nguyễn ông Nhu (Vu) là Tuần bộ khâm sai trạch nam quận thú Nguyễn Nhân Bồi cũng từ bắc vào làm quan và sinh cơ lập nghiệp tại đây. Theo truyền thuyết, truyền ngôn thì ông Nguyễn Nhân Bồi là người bỏ làng ngoài đồng vì lầy lội dời lên làng ven núi đầu tiên. Trước hết khai khẩn và cải tạo 3 vùng đất ngoài rìa làng đó là làng vùng ông Vu ở , nay con cháu làm Từ đường thờ Ngài.
Vùng đất hiện nay ông Lương Đống đang ở, và vùng đất cố Đống Đoàn, ông Nguyệt Thêu ở nay là vùng trường PTCS Thanh Lộc.
Lần lượt sau đó cư dân bỏ làng ngoài đồng dời dần về núi để dựa chân núi như thế làng đang có hiện tại, có thể làng dời lên núi đã nhiều trăm năm, bằng chứng bên các đền miếu, lòi, rậm có nhiều cây cổ thụ to lớn ngoại cở như: Cây Gia nhà Tem, cây Lim Đền, cây Cao các, Đa và Si Khai hạ, Đa đình trung, cây La Lả Trung hoà, Khai hạ Thạch Cừ, cây Đa giếng Đàng, có những cây 3 đến 4 người ôm mới xuể cổ thụ có đến vài ba trăm năm tuổi.
Các Đền, Đài, Miếu, Phủ, nhà thờ họ Công giáo cũng có lịch sử trên vài ba trăm năm. Chứng tỏ cụm cư dân dời lên sát chân núi cũng đã lâu đời. Sau này do biến dịch chuyển động cũng đã có khi làng dời ra ngoài đồng. Rồi từ đồng lại về làng. Sau 1975 thì cụm dân cư đã ổn định như hình thể hiện nay.
Trước cách mạng Tháng Tám cả xã có khoảng 300 hộ gia đình chưa đến 1.000 dân. Vào khoảng 1951 toàn xã có 420 hộ với 1.600 nhân khẩu. Hiện nay Thanh Lộc có "Hơn 1.000 hộ với gần 5.000 nhân khẩu". Thanh Lộc có 25 dòng họ với 6 họ lớn đó là các họ Nguyễn Đình, Di Duệ cương quốc Nguyễn Xí. Họ Nguyễn Văn, gia tộc cụ Tiến sỹ Nguyễn Văn Trình.
Họ Nguyễn ông Vu (Nhu) hậu duệ của Trạch nam quân thú Nguyễn Nhân Bồi. Họ ông Lê Nhuần, họ Trần cố cụ Hành, họ Hoàng hậu duệ tiến sỹ Hoàng Hiền. Bà con theo đạo Thiên chúa là họ Yên Mỹ thuộc xứ "Tràng đình", hạt nghĩa Yến. Họ Yên Mỹ có lịch sử tại đây "Trên dưới vài trăm năm". Lương, giáo đan xen hầu hết giáo dân kính chúa yêu nước có những giáo dân tham gia phong trào Xô viết 1930-1931 bị bắt giam tù đày rồi chết tại nhà lao như trường hợp liệt sỹ Nguyễn Đình Tường
*Về tín ngưỡng tôn giáo: Ngoài đạo Thiên chúa giáo, nhân dân ở đây theo đạo Khổng cả xã có nhà Thánh và thờ Khổng Tử và các tiên hiền nhà Thánh văn, hội tụ những người có học hành khoa cử họp thành làng văn. Trong nhà thờ Thánh có tượng Khổng Tử và bia "Kiệt Thạch Khoa cử bi kí". Hiện tại nhà thờ họ Hoàng Yên Hợp và một bia đá nữa khắc tên những người đỗ đạt từ tú tài, cử nhân đến tiến sỹ trong địa phương, bia này hiện còn để tại nhà thờ cụ Tế tửu Nguyễn Liên khi nhà Thánh bị phá dỡ.
Nhà Thánh Vũ Mục gồm những người đã trải qua binh nghiệp hay có chức sắc phẩm hàm về Quan võ gọi là xã binh.
Việc thờ phụng thần linh, thôn Yên Mỹ có đền cao các thờ Cao sơn Cao các
Thôn Yên Hợp cũng có đền Yên Hợp thờ Cao Sơn, Cao Các cặp Song đồng ngọc nữ thôn Kỳ Trúc, mỗi xóm có một Đình riêng. Văn Lâm có Đình Khai Hạ, Văn Lâm. Thạch Cừ có đình Khai Hạ, Thạch Cừ giữa Thạch Tỉnh có đình Trung. Nhân dân trong thôn Kỳ Trúc theo hoàn cảnh tính cách......một số họ hợp lại với nhau gọi là làng hay giáp. Mỗi giáp có thể gồm 2 hoặc 3 họ.
* Giáp bắc có đền riêng ở vùng miền Đò Cài có đền Nguyễn Văn của tiến sỹ Nguyễn Văn Trình, họ Hoàng, họ Nguyễn Cựu Kỉnh ở Yên Hợp, họ Lê Thắng.
* Giáp Nam chủ yếu là người họ Đoàn ở Văn Lâm họ Lê Phúc Khoán.
* Giáp Đông gồm họ Nguyễn Đình Văn Lâm và họ Nguyễn ông Vu.
* Hoà Tượng gồm họ Lê cố Nhuần Thạch Tĩnh, họ Trần Thạch Cừ bà con ở Đồng Mía cũng vọng làng này.
Câu "Tam đình tứ giáp"là nói hệ thống Đình miếu ở thôn Kỳ Trúc đó thôi. Ngoài ra Thanh Lộc còn có nền Phát Lát để tế thần nông, có nền Bản Thổ thờ ông Đá "Tổ quốc hộ dân càn long linh ứng chính đức tôn thần", có cồn Mục Đồng, Mục Bài để cho trẻ chăn trâu mục đồng tế lễ, vui chơi. Hệ thống đền đài miếu vũ được xây dựng hoành tráng lộng lẫy. Sau năm 1952 đã hợp tự các vị thần về đền Giáp Nam để nhân dân hương khói phụng thờ. Di tích này được công nhận là di tích Văn hoá cấp tĩnh năm 2009 .
Kiệt Thạch xưa kia có tiếng là lắm thần thiêng. Tuy nhiên nhân dân thờ thần không chỉ và sự uy linh mà cũng như thờ ông bà, tổ tiên. Trước hết là để báo ân để tỏ lòng tôn kính và cầu mong được phù hộ, thần linh là chỗ dựa tinh thần có quyền năng giúp đỡ con người trong cuộc sống hằng ngày.
* Về Phật đạo: Số người theo đạo phật ở Thanh Lộc không nhiều, như sách Đại nam nhất thống chí đã viết Nghệ Tĩnh đất xấu dân nghèo tập tục cần kiệm nhà nông chăm chỉ ruộng nương. Học trò ưa chuộng học hành không mê đạo Phật, chỉ thờ thánh Khổng Tử, kính cẩn việc thờ thần.
Tuy nhiên địa phương ta vẫn có chùa chiền như chùa Vĩnh Phúc ở Yên Hợp, chùa Thông ở Thạch Cừ, chùa Mộ Nghĩa ở Văn Lâm, chùa Gia Tem ở Yên Mỹ, các chùa hầu hết không có sư, sãi chỉ ở chùa Mộ Nghĩa có sư cô Thích nữ Tịnh Châu làm trụ trì. Các đền chùa ở Thanh Lộc chủ yếu được xây dựng lại vào thời nhà Nguyễn dưới triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và Khải Định sau này bằng nhiều hình thức tự nguyện, hảo tâm công đức đóng góp của nhân dân để xây dựng đền chùa.
Tại các đền chùa cũn có những bảng ghi công đức lúc xây dựng các công trình đó. Các chùa trên địa phương cũng đã được hợp tụ về chùa Mộ Nghĩa. Chùa Mộ Nghĩa vào các năm 2006-2008 được địa phương quan tâm, các sư thầy, sư cô, thiện nam, tín nữ, hội Phật giáo, các chùa ở Hà Nội, Hà Tây giúp đỡ đặc biệt là công sức của tín đồ Nguyễn Thị Kim Anh là con em Thanh Lộc hiện ở Hà Nội lo lắng liên hệ nối kết tập hợp nhân lực tiền bạc đã xây dựng lại khang trang đẹp đẽ và đã được công nhận là di tích lịch sử vào năm 2009, cùng với đền Làng Nam.
Ngoài đạo Phật, đạo Thiên chúa và đạo Khổng tử ở Can Lộc cũng như ở Thanh Lộc còn có đạo Lão, thờ Tiên thánh như các vị Thiên tiên, thờ chúa Liễu Hạnh. Thờ Đức Mẹ, đức Thánh Mẫu nên có tục cầu cúng, có đồng tử làm trung gian giữa Tiên thánh và nhân thế có khi Tiên thánh nhập hẳn vào đồng tử để làm thuốc, làm thầy yểm trừ tà quỹ, cứu nhân độ thế như trường hợp cố Mạo, cố cu Già ..vv. cũng là linh nghiệm được nhân dân sùng tín, nhưng nay cũng đã gần thất truyền. Cuộc sống tâm linh với những tín ngưỡng của cộng đồng cũng có sức mạnh ràng buộc, kết nối, động viên cộng đồng hướng tới ít nhất cũng là về mặt tinh thần.
Cuộc sống vật chất nói chung khổ sở, nhà ở bằng phên tre tranh nứa thấp nhỏ lụp chụp rách nát, dân tình sang rú Hống đi tranh, được nắng thì thải phơi sau vài nắng mới bó, đi tranh tươi thì gánh nặng nên có khi đi tranh đồng bứt cả lác, lau, sậy, tranh cỏ. Ra giêng những người có sức thì đi bè lên rừng Hương Sơn chặt nứa, không chỉ nhà dân mà Đền Miếu, nhà thờ họ cũng lợp bằng tranh, nhà thờ giáo họ Yên Mỹ cũng chỉ là gian nhà tranh xiêu vẹo, đầu tiên dựng sau nhà ông Phùng, sau dời vào trước cửa cố đậu Đương, dần có được lộng lẫy như bây giờ ở Eo Qué hiện tại. Đền Giáp Nam, đền Yên Hợp, chùa Mộ Nghĩa. vv.... đều mới được làm lại dưới triều Nguyễn cả. Nạn cháy nhà, cháy nhà thờ, cháy đền miếu xảy ra thường xuyên, cái ở đã vậy cái ăn còn tuế thoái hơn nhiều, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Ruộng đất ít, không chủ động được sản xuất nhờ trời, kỷ thuật canh tác không có, phân bón không, giống không có năng suất. Một sào ruộng chỉ có vài, ba gánh, hai ba yến thóc, cơm chỉ có khi giỗ tết, hàng ngày chủ yếu là rau, khoai, khoai xéo cám, cháo cám, cháo tấm, lớ cám dẹp vv... củ chuối, ruột cây đu đủ, quả sung muối, luộc vv..., dam, cáy, nước uống là loại lá chè Trâm, chè Hón, chè Vằng, chè góp, thế nhưng vẫn như các xứ khác là có khoai, có chè trâm.
"Kẻ Cài khoai lang chạc nác chè trâm
Mời bạn tri ân về thăm chốn cộ"
Đói nghèo là hiện tượng chung, nhưng mỗi thôn có một cách kiếm sống riêng
Em về Yên Mỹ mà coi
Bắc niêu lên bếp xách oi ra đồng.
Cái mặc còn cơ cực hơn nhiều. Trẻ em trai cũng như gái 8-9 tuổi còn ở trần một cách tự nhiên. Nam thì đóng khố bẹn mùa nắng ở trần cháy sám da thịt, mùa đông nằm ổ rơm, nhà tóoc, quần áo vá đụp vá chằng, nữ mặc mấn (váy) bức, vải thô nhuộm nâu rồi lấy bùn cho đen. Nhà nào giàu có thì nuôi Tằm lấy tơ mới có tấm áo sồi, mấn sồi là quan trọng.
Đường sá đi lại không có, len lách lau bụi vũng lầy, thực ra với một nền sản xuất và cuộc sống kinh tế hiện có thì đường sá như thế là thích hợp. Trước Cách mạng có con đường tư ích liên hương nối Kẻ cài và Vượng Lộc và Làng Mật chợ Vi. Từ đò cài về chợ Nhe có con đường Kí Lu. Do thương nhân Ký Lu thuê đắp, vì Đò Cài lúc đó là một bến sông nhân dân và chuyến hàng từ Vinh , từ Hương Sơn về, từ cửa sót đò Điệm lên và đi đường ra đồng không có chỉ là men bờ ruộng, mỗi xóm duy chỉ có một đường ngoằn nghèo do ruộng đất là của tư nhân không thể cải tạo quy hoạch được. Sau 1976 mới có con được trục giữa xã, đường ra đồng cũng được quy hoạch đắp mới thêm.
Hệ thống đường giao thông trong thôn xóm cũng được cải tạo, mở rộng, vươn dài xưa kia làm gì có, chỉ nhà nào biết nhà nấy mà thôi.
* Về văn hoá tinh thần
Tuy cuộc sống vật chất nghèo đói khó khăn nhưng tâm hồn người dân Kiệt Thạch Thanh Lộc vẫn luôn bay bổng, nhẹ nhàng thoáng đảng. Để tạo nên một tiểu vùng văn hoá đậm sắc thái Kẻ Cài vây quanh Sạc Sơn tứ diện công hầu.
Suốt quá trình lịch sử của dân tộc nhân dân vùng phía tây ngàn Hống vừa tính kế sinh nhai vừa mở mang cơ nghiệp vừa tạo ra tích luỹ một kho tàng văn hoá phong phú, trong đó văn hoá dân gian song hành cũng phát triển từ đời này sang đời khác. Đến nay dù thời gian và sự vô tâm của con người đã để mất mát phần lớn, những gì còn lại vẫn là một kho báu chứng minh cho trí tuệ và tình cảm của lớp lớp người đi trước trên đất này.
Tri thức dân gian được đúc kết và ứng dụng trong thực tế cuộc sống bằng những ngữ văn tục ngữ, ca dao, phương ngôn để truyền đạt với nhau về kinh nghiệm thời tiết, làm ăn, xử thế:
"Chớp đông nhay nháy
gà gáy thì mưa"
Làm ăn phải biết nhìn trời
Mây vô kẹt đụn thì rồi trời mưa
Hay: Chớp eo Và
Dọn nhà không kịp
Rú Hống đeo đai
Rú Cài đội mũ
(Hình thái các giải mây trên núi Hống và núi Cài)
Kẻ Cài reo,
Kẻ Treo khóc
(Sự mong đợi mưa nắng ngược nhau do làm khoai và cấy lúa)
Dằn sấm đông, không mưa dông cũng bão lụt
Đó là những kinh nghiệm về thời tiết làm ăn
Kẻ cài khoai Làng chạc Nác làng TRâm
"Lau chau Yên Hợp, Lớp tớp Thạch Cừ, Lừ đừ Thạch Tĩnh, Thủng thỉnh Văn Lâm, rì rầm Yên Mỹ" là những câu khái quát về tính cách nếp sống của từng địa phương nhỏ.
Thanh Lộc có nhiều nghề dân gian, khéo tay thấy ai làm đều bắt chước làm được, như cố Hà Thứ, cố Cu Nhuỵ, cố Nuôi Nhuận vắt nặn các con giống, đan lát tiện các đồ mây tre, làm điếu, làm chõng, làm núi non bộ rất tài hoa nổi tiếng cả vùng.
Có nhiều người nổi tiếng thông minh nói lối, nói ngang, nói trạng, chuyện cười, tiếu lâm tăng thêm niềm vui trong lao động, để lại nhiều ấn tượng, hát ví, hát đối đáp vào các dịp lễ hội mùa màng là một hình thức ưa chuộng của quần chúng là một nếp sống văn hoá thịnh hành trong địa phương. Thêm vào đó hát dặm, bẻ chuyện cũng có tay sành sỏi như: cố Cạy Kẻ Cài, câu hát lỏm của phường hát Kẻ trai;
ông quan Kỳ trúc, đi võng đòn tre
rớt cổ xuống khe, đứng thở hy hóp
Cố Cạy đáp lại:
Chị em vạn trai rủ nhau mò hến
Sẩy chân ra bến ngồi khóc ngêu ngao.
Thật là một câu đối đấp tài tình hết mực
* Chuyện hát đối đáp giữa cố Nhuỵ và bà Kinh Cảng với nhiều câu hát hào hoa phong nhã, được nhiều người yêu mến, những thơ ca, chuyện kể câu ví, câu hò của dân gian Thanh Lộc rất phong phú và đa dạng, tinh tế và tài hoa tiết nghĩ địa phương nên có kế hoạch sưu tầm, biên soạn, tập hợp và lưu giữ như một tài sản tinh thần vô giá của quê hương
* Về học hành và thi cử:
Giữa huyện Thiên Lộc là đất học hành thi cử thịnh đạt và sớm nhất ở vùng Nam hoan Nghệ Tĩnh này, thì Thanh Lộc là một cái nôi lớn núi Sạc Sơn là cây hoa biển là hải đăng thắp sáng cả một vùng đất học.
Chưa có tài liệu nào để biết được việc học hành dưới thời bắc thuộc xa xưa, nhưng đến thời Lý Trần, Phật giáo, Đạo giáo phát triển thì Nho học cũng được truyền bá rộng rãi, việc học hành được chú ý, tuy chưa có người đỗ đạt cao trong xã đã có trường dạy con em học hành sử sách không ghi về việc học mà chỉ chép về các khoa thi thôi.
Năm 1478 dưới triều Hồng Đức năm thứ 9 Hoàng Hiền đậu Tiến sỹ, cùng khoa với Tiến sỹ Nguyễn Tâm Hoàng người La Sơn (Can Lộc), tiếp đó là Nguyễn Cung đậu Hoàng Giáp và Thái Kính. Gần 100 năm sau có Dương Trí Trạch, Dương Trí Dụng ở Yên Lộc. Hơm 200 năm sau các tiến sỹ Võ Diệm người Thổ Vượng, Phan Kính ở Song Lộc, Nguyễn Huy Oánh .vv.. mới lần lượt đâu đại khoa bổ sung cho danh sách tứ diện công hầu quanh Sạc Lĩnh.
Suốt thế kỷ 16-17-18 Kiệt Thạch không có ai đậu đại khoa việc học hành vẫn được kế tiếp, có những người học giỏi mà không đậu đạt nên có câu học tài thi phận, không có ông nghè Kiệt Thạch có các ông Cống cử nhân Nguyễn Đình Hiển tri huyện Hoằng Hoá, tri phủ Anh Sơn, cử nhân Hoàng Phúc Tín Thuần khê hầu thượng tướng quân thượng trụ quốc. Các học trò tam trường, nhị trường như; Nguyễn Kiểm, Nguyễn ứng họ Nguyễn ông Vu chi cố Phác Lê Thái Nhiên, họ Lê cố Lý Thắng vv....
Đầu thế kỷ XIX có thầy đầu huyện Nguyên (Nguyễn Nguyên đỗ đầu huyện) có nhiều học sinh đến thụ giáo. Đặc biệt có tiến sỹ Nguyễn Văn Trình được thầy dạy giỗ và gả con gái cho. Lớp này có các tú tài như; Nguyễn Nghiện đỗ 3 khoa tú tài nên gọi là cu Mền, Nguyễn Đệ, Nguyễn Sy Nguyễn Tuý, Nguyễn Thử Linh đều đỗ tú tài Nguyễn Du Tuấn. Riêng gia đình cử nhân Nguyễn Liên có 3 người con đậu cử nhân, hai người đậu tú tài và hai người đậu đại khoa đó là Tiến sỹ Nguyễn Văn Trình và phó bảng Nguyễn Quýnh hơn 300 năm sau kể từ thời tam tiến sỹ Kiệt Thạch mới có gười phục cổ kế khoa.
"Phụ hề, tử hề vạn cổ anh phong lẫm lẫm, huynh dã, đệ giã nhất được văn chất bân bân" ấy là câu đối tại nhà thờ cử nhân tế tửu Nguyễn Liên. Cũng là một thời rạng rỡ của cả quê hương. Nói Nghệ Tĩnh là vùng đất học song trong một gia đình việc học hành thành đạt như vậy kể là điều hiếm có.
Sau khoa thi hương năm Mậu Ngọ 1918 và khoa thi hồi năm Kỷ Mùi 1919 các khoa thi chữ hán bãi bỏ. Hán văn vẫn chưa bị loại khỏi đời sống xã hội các gia đình khá giả hay hai ba gia đình nuôi một thầy đồ, thầy cử làm gia sư dạy cho con cháu những kiến thức cơ bản như cúng đơm, văn bản, gọi là học từ Hán gồm cả nho, y, lý, số thực dụng, ở Thanh Lộc có các thầy như ông Cựu Hành, thầy Học Khương, cậu Lê Thái Nhiên.vv..
Chính phủ bảo hộ Pháp bắt đầu khuyến khích Tân học, tây học. Năm 1939-1940 Thanh Lộc có hương trường tức là trường làng với các lớp đồng ấu và lớp vở lòng học trò có khoảng vài chục em, dạy cả tiếng Pháp, Quốc ngữ và Hán văn, thầy giáo là thầy Lê Huỳnh con rể cụ Tiến Sỹ Nguyễn Văn Trình sau đó có thêm thầy Nguyễn Văn Bổng con rể Tiến sỹ cũng tham gia giảng dạy năm 1940-1943 mở trường Tổng có đến lớp 3. Học sinh tổng Đậu Liêu có gần 30 em, trường Tổng đặt ở trại Cụ nghĩa địa cồn hói bây giờ. Những học sinh trên lớp 3 gồm lớp nhì, lớp nhất phải xuống nghèn học để thi PRIME.
Những ai học cao hơn nữa phải ra Vinh hoặc vào Huế học Quốc học hoặc trường tư thục như Lê Văn, Hoá. Thanh Lộc thời kỳ tân học này có Nhuyễn Văn Hoàn đậu tú tài, Nguyễn Văn Quán đậu Đíp Lôm, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Mạnh Chính đã đậu PRIME đang học đệ tam, đệ tứ ở Vinh, Nguyễn Năm (Liệt sỹ) học trường Nghèn đậu PRIME, Lê Quang Cự đậu yến lược.vv...
Số tân học cũng chỉ đếm được trên ngón tay. Thanh Lộc có một bề dày lịch sử văn hoá lâu đời, nồay nay còn lại, biết được rất ít của thời xa xưa, lòng đất, lòng quê còn nhiều bí tích ẩn chứa. Một mộ cổ mà ta tìm thấy trong phong trào cải tạo đồng ruộng di dời mồ mả (1978-1979) của dòng họ Nguyễn Yên Mỹ là một công trình ướp xác của người xưa, thi thể của một mệnh quan triều đình, cận đại tề chỉnh thơm nức trong mùi hương thảo mộc, da thịt tươi sáng như người đang sống bình thường, nhưng đó là ai, ở niên đại nào, từ ấy đến nay bao nhiêu năm tháng tiếc thay chưa rõ, càng tiếc thay xác ướp đó đã không được bảo vệ, bảo tồn để cho kẻ gian đào phá, lục tìm vàng bạc đã huỷ hoại. Một ngôi mộ cổ bằng đá một thời độc chiếm cao sơn. Tương truyền là mộ Đức Thánh, mộ thật hay mộ giả, của ai hiện trong đổ nát của phế tích vẫn còn đôi câu đối
"Hách trạc thiên chi thượng
Tung cao nhạc giáng trần"
Tạm dịch: Anh linh hiển hách ngang trời đất
Non cao núi cả dáng thần linh
Dọc lùm lòi chân núi có nhiều hầm lớn như: Gian nhà xây lát bằng gạch đất nung của ai, vào thời gian nào, để làm gì?
Rồi rú Đồn, bãi Tập, ai đã đóng quân và luyện tập ở đây, dọc Eo cao trên tuyến đường độc đạo sang Trường Lộc vì sao có những dãy đá xây kết như thành luỹ như để ngăn chặn kẻ thù. Động Bà Lăm và đồng Bà Lăm được hình thành và trở thành công điền và công thổ của Kiệt Thạch từ xa xưa bắt nguồn từ đâu, tất cả đều chưa có lời giải đáp thích đáng nhưng tất cả đều đã nói lên một điều chung đó là truyền thống yêu nước thương nòi, tinh thần quật cường tự chủ, lòng nhân ái và nghĩa hiệp của nhân dân Kiệt Thạch. Thời Bắc thuộc, Hán Đường chắc chắn tinh thần độc lập tự chủ đã thôi thúc nhân dân Thanh Lộc xưa hưởng ứng các phong trào đuổi giặc ngoại xâm của các cuộc khởi nghĩa.
Qua các thời kỳ tự chủ trải qua các triều đình: Lê, Lý, Trần nhân dân Kiệt Thạch hăng hái tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước nhất là khi tổ quốc bị xâm lăng.
Sử sách không nói rõ nhưng gia phả một số họ ghi các vị tiên tổ, thần tổ như: Lê Cẩn họ Lê, Nguyễn Sỹ Trù họ Nguyễn ông Vu (Chi Nguyễn Sỹ Thịnh) đã chết trận tại Cao Bằng khi đi tiểu trừ giặc phương bắc.
Đặc biệt một số họ còn lưu giữ các sắc phong cho các vị tướng có công giúp nước đánh giặc giữ gìn biên cương như tổ họ Trần (Trần Phước ở Yên Mỹ), tổ họ TRần (Trần Tuyết) họ Trần Triển, Hoàng Phú Tín người họ Hoàng Yên Hợp được phong hầu, thượng tướng quân, thượng trụ quốc.
Khi Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc phá giặc Thanh có dừng lại Nghệ Tĩnh để lấy thêm quân con em tráng đinh quê ta đã có nhiều người hăng hái tòng quân trong số đó có người lập được công huân do chiến đấu dũng cảm và được phong thưởng như thần tổ họ Hoàng Đình Phúc được phong "Phấn lực tướng quân".
Thế kỷ 19-20 cùng với cả nước nhân dân Kiệt Thạch bị cuốn hút vào cả quá trình đánh đuổi thực dân Pháp giành độc lập cho non sông.
Năm 1885 Kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn xuống chiếu cần vương, chiếu chỉ đến Hà Tĩnh hầu hết sỹ phu, dân chúng sẵn sàng dứng lên ứng nghĩa, Lê Ninh ở đức Thọ đứng lên tập hợp lực lượng, lấy làng quê của ông làm cứ địa và chỉ huy lực lượng Cần Vương của cả vùng này. Phan Đình Phùng đang chịu tang mẹ ở quê nhà.
Tại Kiệt Thạch tế tửu quốc tử giám cử nhân Nguyễn Liên cùng với con trai thứ là cử nhân Nguyễn Lương Cận ứng nghĩa Cần Vương, chiêu tập con em địa phương xây dựng ực lượng đồn trại tại quê nhà lấy rú Cài làm cứ địa nên có các địa danh như rú Đồn là nơi đóng quân, Bãi Tập là nơi tập tành, xây dựng các hầm chứa lương thực thóc gạo và mở các xưởng rèn, gươm giáo ngày nay còn có dấu tích trong lùng lòi rậm dưới chân núi Cài.
Về nhân lực chủ yếu là trai đinh trong làng, có các vị quan võ của triều đình đã nghỉ hưu chỉ huy huấn luyện như cử nhân võ Nguyễn Sỹ Phong, ông Hiệp Mười vv... Quần chúng vận động con em gia nhập nghĩa quân, có bài vè cụ lớn đánh tây, mở đầu có câu:
Anh ngong chi đó, anh ngó chi đây
Sao anh không theo cụ lớn đánh tây anh hè.
Theo truyền ngôn của các vị phụ lão cũng theo gia phả thì cụ lớn Nguyễn Liên là trưởng can thứ lúc đầu bao gồm cả vùng Nghi Xuân khi Phan Đình Phùng nhận chiếu chỉ ban phong Thống đốc quân vụ 4 tỉnh Thanh , Nghệ, Tịnh , Bình thì Lê Ninh làm Tán tướng quân vụ.
Cử nhân Nguyễn Lương Cận được phong làm Bang biện quân vụ. Bạn đồng chí, đồng tâm là Nguyễn Công Trường nguyên Tri huyện Thanh Sơn cháu nội của Nguyễn Công Trứ quê Nghi Xuân.
Chiêu viên Mai Thế Quán con tuần vũ Tuyên Quang Mai Thế Quý, cuộc khởi nghĩa này còn gọi là phong trào Văn Thân, gồm các sỹ phu, văn thần, võ tướng của triều đình phụ trách các thứ quân chẳng hiểu vì sao can thứ theo sách vở lưu hành lâu nay lại do anh em Nguyễn Chanh, Nguyễn Trạch là những tay lục lâm thảo khấu làm trưởng can thứ, liệu có phải là một nghi án lịch sử cần được minh xác thích đáng.
Cuối tháng 10/1885 trong một cuộc giao tranh nổ ra ở vùng Trại Lê, với một số lính pháp, lính tập và bọn nội ứng tay sai bang biện quân vụ Nguyễn Lương Cận và Phó tướng Nguyễn Hiệp Mười đã Anh dũng hy sinh. Hậu quân do cử nhân võ Nguyễn Sỹ Phong rút về Sạc sơn cố thủ.
Tiếp đó các cuộc xung đột nổ ra ở thế bất lợi Nguyễn Công Trường, Mai Thế Quán cũng đều hy sinh. đầu tháng 11/1885 tán tướng quân vụ Lê Ninh kéo quân từ Trung Lễ vào hạ thành Hà Tĩnh, bắt bố chính Lê Đại tên việt gian bán nước đầu sỏ đã phải đền tội.
Cử nhân Nguyễn Lương Cận chết khi vợ chồng mới trong ngoài 30 tuổi., bà vợ là Nguyễn Thị Huy Chúc con gái cụ Bá Thận ở Yên Mỹ đã gửi cho Lê Ninh một bài thơ đai 92 câu, khẩn cầu nghĩa quân quyết liệt đánh tây, cứu nước, cứu nhà.
Thực dân Pháp cấu kết với bọn phản động nam triều bắt bớ những người thân trong gia đình của các nghĩa quân. Bao vây, tuyệt lương và cắt đứt tiếp tế nghĩa quân lâm vào thế bị động phải bỏ trốn. Tản mác mỗi người một ngã cũng có kẻ bị giặc bắt được, có người lên đại ngàn tiếp tục theo Phan Đình Phùng và Cao Thắng rút vào rừng nuí Hương Khê có người rời quê, mãi danh, ẩn tích thay tên đổi họ.
ý chí quyết tâm đánh đuổi bọn ngoại xâm Pháp tặc vẫn âm ĩ cháy trong lòng, người dân Kiệt Thạch luôn tìm đường cứu nước nhà.
Năm 1907 cùng với Miền Nam người nhân dân Can Lộc dấy lên hưởng ứng phong trào đổi mới cách tân, cắt tóc ngắn, bỏ búi tóc trên đầu, ăn mặc đồ ngắn gọn gàng cho hợp với sinh hoạt, đó chỉ là hình thức. Thực tế 1908 là phong trào chóng sưu thuế
Nào anh, nào chị
Nào chú, nào o
Việc dân, dân lo
Đừng cho ai biết
Dân ta đói rét, cực khổ trăm bề
Sưu thuế nặng nề
Lấy chi nuôi sống....
Bọn Pháp lấy tiếng bảo hộ, thực chất bóc lột và ngược đãi dân ta đến thậm tệ. Nhân dân ta đã bất chấp bạo quyền vùng dậy.
Sáng ngày 23/5/1908 đứng đầu là Nguyễn Hàng Chi cùng với Trần Ty là người Kiệt Thạch dẫn gần 1.000 người quần áo rách rưới xác xơ, nón cời, tơi rách xông vào huyện đường Can Lộc. Tri huyện Nguyễn Doãn Văn bỏ trốn đoàn biểu tình kéo vào tỉnh lỵ Hà Tĩnh đến nơi bị bọn lính Pháp khủng bố dã man, đánh đập và bắt bớ. Nguyễn Hàng Chi bị bắt rồi bị hành quyết ngay sau thành Hà Tĩnh.
Trần Ty và một số người Thanh Lộc nữa như Phan Trừu (cố cu Hương) bị bắt đày đi Côn Đảo. Hiệp, Trai, Ty còn có hồ sơ tại viện bảo tàng lịch sử Nghệ Tĩnh lấy từ hồ sơ mật thám Pháp.
Người Kiệt Thạch luôn hăng hái tham gia và đi đầu trong các phong trào Cách mạng yêu nước của mọi tổ chức từ Duy Tân, Quang Phục rồi đến Tân Việt là tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản. Tại Thanh Lộc vào khoảng những năm 1928-1929 một lớp thanh niên tân học, giáp chức như Giáo Nhuệ, Giáo Kỷ, Giáo Cương đã tham gia Đảng Tân việt và đã trở thành những cán bộ Tân việt đảng Hà Tĩnh sau gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam là vị chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính đầu tiên của Kiệt Thạch.
Từ năm 1946 đến 1949 Nguyễn Nhuệ sau gia nhập Đảng Cộng sản là Thường vụ Đảng bộ Hà Tĩnh có chân trong ban cán sự xứ uỷ Trung kỳ (tài liệu tại viện Bảo tàng lịch sử Nghệ Tĩnh lấy từ hồ sơ mật thám Pháp) chỉ đạo khởi nghĩa tháng 8/1945 ở tổng đậu Liêu, là trưởng ban Tư pháp Can Lộc sau cách mạng.
Nguyễn Văn Thành sau vào Đảng Cộng sản Việt Nam là phó bí thư huyện uỷ Can Lộc chủ tịch UBKCHC Can Lộc từ năm 1949 - 1953 .
Nguyễn Văn Thành là con trưởng của tiến sỹ Nguyễn Văn Trình có hàm biên tu nhưng không tham gia công việc gì với chế độ đương thời.
Khi thành lập trườn Tổng ở Đậu Liêu ông ra làm Hiệu trưởng và cuối đời ông lại xin về làm Hiệu trưởng trường Tiểu học ở Thanh Lộc khi đã trải qua nhiều thăng trầm và sóng gió cuộc đời tiến sỹ Nguyễn Văn Trình là một nhân sỹ tiến bộ, khi đang làm quan các học trò, bè bạn đồng liêu cũng như thuộc hạ ở Quảng Nam đã tặng ông một bức đại Tự bằng đá có 4 chữ "Cao Sơn Ngưỡng Chí" có nghĩa là chí lớn vời vợi hướng tới non cao, đủ biết tư cách và nhân phẩm của con người này. Con cái của ông chỉ tham gia giáo chức có người lại vào đảng Cách mạng như: Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Ban ()Hiện có hồ sơ mật thám theo giỏi nay đang được lưu giữ tại viện Bảo tàng lịch sử Nghệ Tĩnh.
Sau cách mạng cụ làm Hội trưởng hội Liên việt Hà Tĩnh, con cái đều tham gia cách mạng, con gái út là Nguyễn Thị Mạo là nữ dân quân du kích đầu tiên ở Kiệt Thạch mặc quần đùi xóoc, đội mũ ca lô, đi tập quân sự. Thật là một gia đình chẳng những có truyền thống học hành khoa cử trong xã mà còn là một gia đình có truyền thống yêu nước. Kể từ cha cụ lớn Tế tửu Nguyễn Liên đứng đầu Can thứ trong khởi nghĩa Phan Đình Phùng, anh trai là cử nhân Nguyễn Lương Cận đã thân nạn vì nước. Hiện nay nhà thờ tiến sỹ Nguyễn Văn Trình đã được cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp tĩnh.
Qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước Thanh Lộc đã sinh ra và cống hiến cho Tổ quốc nhiều danh nhân, lương tướng có công với nước với dân. Nhà Nguyễn là vương triều cuối cùng đã làm tay sai cho thực dân Pháp bị nhân dân hết sức căm thù. Trong các cuộc khởi nghĩa những thủ lĩnh như: Nguyễn Liên, Cử Cận, trong phong trào chống sưu thuế như Trần Ty, Phan Trừu là những người cầm đầu đã hy sinh oanh liệt.
Quá trình đấu tranh lâu dài với thiên nhiên và ngoại xâm để xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước đã hun đúc những phẩm chất cao quý của nhân dân Thanh Lộc. Lòng yêu nước yêu quê hương nồng nàn thắm thiết, ý chí Cách mạng kiên cường, bất khuất, xả thân vì nghĩa lớn chấp nhận mọi hy sinh. Tinh thần lao động cần cù, ý thức đoàn kết cộng đồng tương ái, tương thân.
Tính thuần hậu, cương trực chuộng công bằng và lẻ phải đó là bản sắc, chất đất màu trời của sông Cài núi Sạc đã làm nên máu thịt và sắc thái tốt đẹp ấy. Nhưng mặt khác do cuộc sống và hạn hẹp với một nền sản xuất nhỏ lẻ, thuần nông mang tính tự cung, tự cấp lại bị thiên nhiên tác động gây nhiều thiệt hại đến đời sống thường xuyên của cư dân cộng với những ảnh hưởng khe khắt lạc hậu cuả lễ giáo phong kiến, tư tưởng, tính cách, tình cảm, tâm lý của người Thanh Lộc không phải không có những hạn chế nhất định.