CHƯƠNG I
CẤU TRỨC ĐỊA HÌNH – KHÍ HẬU

 

I - ĐÔI NÉT VỀ LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN TỰ NHIÊN

Tự nhiên của tỉnh Hà Tĩnh đã trải qua một lịch sử phát triển lâu dài và phức tạp gồm nhiêu giai đoạn trầm tích và tạo núi kèm theo  nhiều thay đổi về cấu trúc địa hình, về khí hậu, về sinh vật …(1)

Qua các đại Nguyên sinh, Cổ sinh, Trung Sinh(2), lãnh thổ Hà Tĩnh nhiều lần được nâng lên, sụt xuống; Lại có khi vùng này được lên, thì vùng khác lại bị sụt xuống, do nhiều tác động khác nhau trong quá trình hoạt động kiến tạo địa chất.

Trong đại Cổ sinh, vì là một vùng thấp, lãnh thổ Hà Tĩnh vẫn nằm chìm dưới dáy biển, nhận trầm tích từ các nơi cao trôi xuongs, một khối nham thạch rộng lớn được hình thành. Khối nham thạch được gọi là đới Trường Sơn. Khối nâng này là tiền thân của ngọn Rào Cỏ, dãy núi cao nhất ở Hà Tĩnh ngày nay.

Trong chu kỳ đầu của Đại Trung sinh, lãnh thổ Hà Tĩnh được nâng lên cùng lúc trong khối nâng được gọi là khối địa khối trung Việt Nam. Trong lúc đó, ở phía đông bắc Hà Tĩnh, vùng sông Cả đang sụt lún.

Biển tiến vào, vùng này tiếp tục nhận trầm tích. Cùng lúc, lại xẩy ra sự đứt gãy, đó là đứt gãy Ngàn Sâu. Phần phía đông đứt gãy này chìm xuống biển, nhận trầm tích chồng lên các trầm tích cũ. Nham Thạch của vùng này phủ lên lớp nham thạch của đới Trường Sơn đã được hình thành trong cuối đại Cổ sinh, tạo thành một đới mới, gọi là đợi Hoành Sơn.

Trong chu kỳ cuối đại Trung sinh, đất Hà Tĩnh được nâng lên. Cùng với sự nâng lên ấy, hoạt đông mác-ma và các hiện tượng phún trào cùng xẩy ra khá mãnh liệt. Đá mác-ma xâm nhập vào các lớp trầm tích cũ, tạo thân cứng của các khối vùng Hồng Lĩnh, Nam Giới sau này.

Như vậy, trong suốt đại Trung sinh, phần lớn nham thạch Hà Tĩnh đã được hình  thành xong nhưng vẫn chưa có núi như hiện nay, mà chỉ tạo ra những nếp uốn thấp kiểu vòm, tiền thân của các dãy núi ấy sau này mà thôi. Còn bộ phận phía đông bắc đang bị sụt lún cùng với sông Cả thì vẫn tiếp tục nhận trầm tích.

Đến đại Tân sinh, bắt đầu giai đoạn phát triển dưới chế độ lục địa, đất Hà Tĩnh đã nổi lên. Vào đầu thế kỷ Neogen, cách đây khoảng 25 triệu năm về trước, bắt đầu diễn ra những chuyển động tạo múi mạnh mẽ, mở ra chu kỳ dài được gọi là chu kỳ Hymalaya. Khoa học trái đất cho biết, những chuyển động tạo núi ấy trực tiếp ảnh hưởng đến Hà Tĩnh, các vùng Trường Sơn, Thiên Nhẫn, Hoành Sơn, Trà Sơn được nâng lên thành núi. Các đứt gãy dọc ở Ngàn Sâu và sau đó, đứt gãy ngang ở Ngàn Phố, đã tạo ra các thung lũng Ngàn Sâu, Ngàn Phố. Lãnh thổ Hà Tĩnh được nâng lên kế tiếp nhiều lần, xen lẫn với những lần sụt lún của vùng thấp. Biển tiến vào biển rồi lùi ra. Đợt trước tiếp nối đợt sau, đất được nâng cao dần từng đợt. Hàng chục triệu năm sau đó, vùng có bậc địa hình thấp hơn tiếp tục được nâng lên. Vùng Hồng Lĩnh, Nam giới hình thành.

Trong giai đoạn Đệ tứ, bắt đầu từ Kỷ Dệ tứ (1), cách đây khoảng 1 triệu năm về trước, vận động kiến tạo địa chất, tạo cho Hà Tĩnh những bước biến đổi lớn lao về cả cảnh quan địa hình, về khí hậu và về sinh vật.

Mở đầu là giai đoạn lục địa trước biến tiến Đệ tứ, trong giai đoạn này, toàn bộ lãnh thổ Hà Tĩnh cùng với vùng rộng lớn Bắc bộ đều nằm trền mức mặt biển. Lãnh thổ Hà Tĩnh được nối liền với đảo Hải Nam và Inđônêxia, bờ biển chỗ gần nhất cách bờ biền hiện này trên 100 km về phía đông. Hồi ấy lãnh thổ Hà Tĩnh có 2 khu vực địa hình: Khu phía tây là miền núi, bao gồm các dãy Trà Sơn, Thiên Nhẫn, Hoành Sơn và Trường Sơn; khu phía đông là khu vực địa hình xâm thực tích tụ. Khu vực này bao gồm toàn bộ đồng bằng của tỉnh hiện nay và một phần của vùng hiện tại đang nằm dưới biển hồi đó cao hơn mặt biển. Tại đây, xâm thực đã tạo ra nhiều đồi và trên đồng bằng, nhưng lớp trầm tích dày trực tiếp phủ lên đá gốc, tạo thành đồng bằng bồi tích.

Giai đoạn này, trên đồng bằng Hà Tĩnh, có thể đã có người nguyên thủy ở. Đó là giai đoạn sơ kỳ đồ đá cũ, tương ứng với giai đoạn di chỉ núi Đọ - Thanh Hóa, cách đây 30 vạn năm về trước.

Trong giai đoạn biến tiến Đệ tứ, biển tiến vào từng bước. Từ tràn ngập khu vực địa hình tích tụ phía đông đến tràn ngập hết cả đông bằng hiện nay, tạo ra một loạt vịnh: vịnh Vinh, vịnh Hà Tĩnh và một số vịnh nhỏ khác. Núi trở thành đảo: Hồng Lĩnh, Nam Giới là những quần đảo; Hoành Sơn, Thiên Nhẫn là những bán đảo.

Biển tiến, dồn người lên núi. Trong giai đoạn này, tương ứng hậu kỳ đồ đá cũ- đồ đá giữa, cách đây 1 vạn năm về trước, ở Hà Tĩnh, vùng đã có người, người chỉ sinh sống trên núi mà thôi.

Tiếp sau đó là giai đoạn lục địa sau biển Đệ tứ. Khoảng đầu thế kỷ hiện đại, tức đầu thời kỳ đồ đá mới, cách đây khoảng 5000-4000 năm về trước, biển lại bắt đầu lùi, tiếp diễn cho đến ngày nay. Toàn bộ vùng đồng bằng Hà Tĩnh, vịnh Hà Tĩnh không còn, nhưng bờ biển chưa lùi ra các hòn đảo như xưa.

Tóm lại, trong đại Tân sinh, từ kỷ Đệ tam (Pa lô ôgen, Nê ôgen) đến nay, vận động kiến tạo đã thay đổi bình nguyên cổ, tạo nên bộ mặt địa hình Hà Tĩnh như ngày nay: Địa hình trẻ lại, núi cao lên, đồng bằng xuất hiện. Tính đa dang của địa hình Hà Tĩnh là kết quả của một quá trình lịch sử kiến tạo lâu dài, phức tạp và đang tiếp diễn cho đến ngày nay(1).

II- CẤU TRÚC ĐỊA HÌNH

Lịch sử tự nhiên của Can Lộc gắn với lịch sử tự nhiên của tỉnh. Từ lịch sử kiến tạo tự nhiên của cả tỉnh để tìm hiểu cảnh quan tự nhiên của huyện Can Lộc, trong đó, địa hình là yếu tố quan trọng bậc nhất. Cũng như nhiều huyện khác trong tỉnh, ngoài những đặc điểm chung vốn có, địa hình huyện Can Lộc ít nhiều còn có những dáng dấp riêng.

Thứ nhất, trên địa bàn huyện Can Lộc được tự nhiên kiến tạo đủ cả đồi núi, các loại hình đồng bằng và bờ biển. Các yếu tố địa hình ấy mang tính tổng hợp, tạo cho vùng đất huyện nay thêm đa dạng và phong phú, ảnh hưởng trực tiếp đến các mặt hoạt động kinh tế, xã hội cũng như sinh hoạt văn hóa tinh thần của cư dân bản địa.

Thứ hai, đồng bằng huyện nằm gọn giữa hai triền núi Trà Sơn và Hồng Lĩnh. Gần như cân đối giữa địa phận huyện, theo hướng đông nam, một dải sông Nghèn chạy dọc từ đầu đến cuối huyện, tạo cho đại thế huyện này có mặt bằng nhiều bậc, nhiều tầng có độ chênh lòng máng, vừa có tác dụng trữ nước ươm bùn, giữ độ phì đồng ruộng, vừa dễ gây hạn hán, úng lụt thất thường,”chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn”.

Thứ ba, từ hai dãy núi lớn, phóng xuống đồng bằng nhiều quả núi nhỏ bé, tạo thành một quần thể núi với tầm cỡ, dáng vóc không giống nhau, phân bố không đều. Hai hệ thống khe hói xuất phát từ hai dãy núi lớn, dồn nước xuống dòng sông, hình thành một mặt bằng “gân lá” giúp cho giao lưu đường sông khá thuận lợi. Đứng trên bất cứ một cánh đồng nào trong huyện, nhìn ra bốn phía, không gần thì xa, phía nào cũng có núi. Sông, núi, hói, khe giao hòa, chằng chịt, chúng đã tham gia phân cắt đồng bằng huyện thành những mảnh hẹp. Mặt khác, chúng tạo cho cảnh quan vùng quê đan xen giữa núi sông, làng mạc, ruộng đồng tươi mát, sầm uất, sơn thủy hữu tình.

*
* *

Từ những nét chung ấy, lần lượt đi vào từng mặt của địa hình.

  • NÚI
     

Theo sách Nghệ An ký, núi rừng Nghệ - Tĩnh bắt đầu từ các châu Mường Thanh, Ninh Biên (nay thuộc tỉnh Lai Châu). Khi đến Nghệ Tĩnh núi chia làm 3 mạch:

- Một mạch từ phủ Quỳ Châu vào, bao gồm các dãy núi thuộc địa phận tỉnh Nghệ An ngày nay.

- Một mạch từ phủ Ngọc Ma – Lâm An xuống (vùng Quy Hợp thuộc huyện Hương Khê và Hương Sơn ngày nay), bao gồm các dãy núi Trường Sơn nguy nga, đồ sộ, kéo dài từ Bắc vào nam.

- Một mạch từ phủ Trấn Ninh – Trà Lân (nay Tương Dương, Con Cuông) sang, bao gồm các dãy núi Thiên Nhẫn, Trà Sơn…

Theo khoa học địa lý hiện đại căn cứ vào các yếu tố, độ cao bậc địa hình và thời gian được nâng lên để có sự khác biệt giữa đới núi và khối núi. Dãy Trà Sơn sở dĩ gọi là đới núi, Trà Sơn bởi lẽ, nó được cấu tạo cùng lúc với đới Hoành Sơn. Sau khi xẩy ra đứt gãy Ngàn Sâu, phần phía đông đứt gãy ấy chìm xuống biển, nhận trầm tích chồng lên các lớp trầm tích cũ, nham thạch của vùng này nằm phủ lên nham thạch của đới.

Trường Sơn, tạo thành một đới núi, gọi đới Hoành Sơn. Trà Sơn có quy mô rộng lớn trải dài, khinh qua địa phận nhiều huyện trong hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, nối với Hoành Sơn.

Với tiêu chí ấy, Hồng Lĩnh được xếp là khối Hồng Lĩnh tuy cũng cao lớn, bề thế, nhưng xếp sau dãy Hoành Sơn. Quy mô tuy đồ sộ, nhưng chỉ nằm trong vài ba huyện vùng đồng bằng ven biển trong một tỉnh mà thôi.

Từ đó, toàn bộ núi rừng ở Can Lộc có thể phân chia thành 2 hệ:

- Hệ trà Sơn gồm: Trà Sơn, núi Bụt (Tiên Tích), núi An Trác (Cửa Thờ), núi Cài (Nhạc Sơn), núi Mòi (Mai Hoa), núi Lối (Long Tương), núi Cao Cào (Chi Lệ), núi Khiêm Ích, núi Nhôn (Nhân Sơn), núi Nỏ (Nghĩa Sơn), núi Đất (Đông Sơn)…

- Hệ thống Hồng Lĩnh gồm: Hồng Lĩnh (núi Hống, núi Lớn), núi Bờng (Côn Bằng), núi Mả (Mã Sơn), núi Dẻ (Hàn Sơn), núi Am (Tiên Am), núi Mũi Rồng (Long Tỵ), núi Bin (Đoạn Đầu), núi Bét (phong Sơn)…

Núi lớn hay nhỏ đều có vị thế nhất định về cảnh quan, nham cảo trong từng vùng quê sở tại khác nhau. Tập sách này chỉ ghi chép một số núi tiêu biểu hoặc có liên quan về địa lý – lịch sử của huyện.

1. NÚI TRÀ – TRÀ SƠN

Dáng hình dãy núi thấp trà trà, đều đều như những cái bát úp, nên có tên gọi thế. Còn có cách cắt nghĩa khác nữa: Núi mang tên làng Trà Xá, Trà Xá là một làng cổ phía đông bắc chân núi, nằm trên 2 xã Nga Lộc và Phú Lộc ngày này, là dãy núi có các ngọn đồi thoai thoải hợp với đất trồng chè, nên gọi là núi Chè.

Thông thường, tên núi thường được đặt theo hình tượng ngọn núi ấy. Cũng như núi Thiên Nhẫn có tên là núi Trăm Ngàn, bởi nó có vô số ngọn núi đều đều như nhau tựa “bầy ngựa đang phi” hoặc “cái lược dựng ngược”(1) .

Về giới hạn núi này, nhiều sách địa chí cổ như Đại Nam Nhất thống chí, Nghệ An ký, Thiên Lộc huyện chí đều chép “Núi Trà khởi đầu từ ngọn núi Thông (núi Linh Cảm) phía bắc, kết thúc ở ngọn Trác Bút hoặc Mai Sơn ở phía Nam. Mai Sơn là núi Mòi. Nếu đúng núi Trác Bút là tên núi An Trác ghi trong bản đồ, thì ngọn núi ấy thuộc địa phận các làng Điền Xá, Thái Xá, vùng núi Truông Bát thuộc các xã Đồng Lộc, Mỹ Lộc hiện nay.

Từ đặc điểm kiếm tạo địa chất, các nhà địa lý học hiện tại xác định.

Núi Trà Sơn được hình thành nếp vòm cùng thời với Hoành Sơn, Thiên Nhẫn, thuộc đới Hoành Sơn. Giữa Thiên Nhẫn với Trà Sơn tuy bị dòng chảy sông La cắt quãng, nhưng chúng đều cùng một mạch núi, hướng đi như nhau, hình tượng như nhau.

Khác với sách địa chí xưa, núi Trà trải dài trên địa phận 5 huyện thuộc địa phận Hà Tĩnh, bắt đầu từ Đức Thọ, Can Lộc, vào đến Kỳ Anh nối với Hoành Sơn, tiếp giáp tỉnh Quảng Bình. Khởi đầu từ ngọn núi Thông Linh Cảm (56m), theo hướng đông nam, dãy núi cao dần chạy theo 4 mạch song song. Mạch phía đông bắt đầu từ núi Bụt (142m), nối tiếp bằng những đồi thấp như động Trại Cày, Nam Huân, Sơn Định, núi cao lên ở ngọn An Trác (175m). Hai mạch giữa, có những ngọn cao như núi Bò Đực (196m), núi Thành đá đen, núi Toan (ở xã Thượng Lộc cao 442m). Mạch thứ tư là những đồi thấp đi sát hữu ngạn sông Ngàn Sâu, thuộc địa phận huyện Hương Khê.

Đến Truông Bát cả bốn mạch cài bện vào nhau. Từ đó đi vào, nhiều ngọn cao vượt hẳn lên như núi Nhật Lệ ở thạch Hà cao 485m, núi Mộc Lèn ở Cẩm Xuyên giáp Kỳ Anh cao 497m, đó là những ngọn cao nhất của dãy Trà Sơn.

Trên địa phận Can Lộc, Trà Sơn trải dài trong 7 xã.

Nga – Phú – Nhân – Trường -  Đồng - Mỹ - Sơn Lộc.

Trong mạch giữa, bên ngọn Toan Sơn là dải núi Xanh cách đây 30-40 năm vùng núi này gần như còn giữ nguyên vẹn là vùng núi nguyên sinh, trong đó các loại gỗ quý, muông chim quý, cùng nhiều sinh vật, sản vật các núi khác thường có thì ở núi này không thiếu. Có một cây chuyện ghi chép trong gia phả họ Nguyễn Nguyệt Ao do La Sơn Nguyễn Thiếp biên soạn. Câu  chuyện như sau:

Khoảng năm Cảnh thống Lê Hiến Tôn (1418-1504), ở trang Lai Thạch huyện La Sơn – nay thuộc huyện Can Lộc, có bầy voi trắng từ núi Trà Sơn xuất hiện, đồng điền, cây cối hoa màu bị voi phá hoại, nhân dân sở tại hoảng sợ, xôn xao. Trấn quan Nghệ An nhiều lần đuổi bắt không được. Việc tâu báo đến triều đình. Vua đặc sai một võ quan cao cấp Lưu quận công, chỉ huy sứ, quản đội quân võ lâm ở kinh tên là Nguyễn Lưu, quê gốc ở làng Cương Gián – Nghi Xuân được trở về trấn nhà để dẹp loạn đàn voi. Nhờ biết cách đuổi, lại có lực lượng mạnh, không bao lâu nạn loạn voi được dẹp yên. Ông rút quân về đóng ở làng Mật mở tiệc khao quân. Trong dịp đó ông cưới thêm một bà vợ người họ Võ làng ấy, bà ở lại quê ngoại và đẻ con.

Đó là chi họ Nguyễn – Nguyệt Ao, tổ 7 đời của Nguyễn Thiếp, gốc ở làng Cương Gián. Khá nhiều câu chuyện rất ly kỳ về voi và khái (hổ) ở vùng Trà Sơn này, phản ánh khá đậm dãy núi này nhiều khái (hổ) và voi. Đến nay, khu rừng đoạn này đã bị chặt phá hầu như trơ trụi, còn lại nú trọc, Voi, khái, số con còn tồn tại ít nhiều đã bị dồn vào phía nam ở vùng Ngàn Mọ.

Ngoài nguồn lâm sản, núi còn có quặng sắt, măng-gan ở Phú Lộc với trữ lượng đáng kể. Núi còn có một trữ lượng khá giàu về đá granít, đá ong và các loại đá dùng vào việc xây dựng.

Dãy núi có vị trí hiểm yếu và khá cơ động. Trong quá trình đấu tranh chống xâm lược, chống áp bức bất công, nó đã từng là cơ sở tin cậy của nhiều cuộc khởi nghĩa, là đồn trại khá vững chắc cho các đơn vị quân thứ - nghĩa quân, là cơ sở hậu cần để nuôi quân, tập luyện và sản xuất vũ khí. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ nó là hành lang bảo vệ các khu an toàn của lực lượng chỉ đạo cách mạng và kháng chiến, là khu sơ tán an toàn cho các hệ thống nhà máy cơ khí sơ tán từ thị xã, thị trấn di chuyển lên.

Núi thuộc La Sơn một trấn sơn(1)

Đất lành hội tụ những kỳ quan

Từ lâu, các thi nhân đã viết như thế về vị trí dãy núi này.

2. NÚI BỤT – TIÊN TÍCH SƠN

 

Hỏi núi? Rằng đây núi Bụt mà,

Hỏi làng? Làng ấy gọi Hằng Nga.

Phải chăng tiên mến cô Hằng đẹp?

Dành trọn tên nàng, tặng đất ta.

Một bài thơ, cũng nha một đoạn viết về địa chí.

Núi mang hai tên, nhưng có cùng một nghĩa.

Lưng chừng núi có tảng đá lạ, hình người ngồi: Được gọi tên là đá Bụt mọc. Từ đó, có ngôi chùa tên gọi chùa Bụt mọc. Trên đỉnh núi có phiến đá khá bằng phẳng? Trên mặt đá, có dấu một bàn chân được gọi đá chân tiên. Tiên tích – dấu chân tiên là thế. Thông thường trong dân gian, bụt với tiên, về đại thể, gần như đồng nghĩa.

Núi có ba cụp chính: Cụp chùa Sen còn có tên động Ông Ngô cao 142m, là đỉnh cao nhất nhóm núi: cụp Mỏ Én và cụp Động Chùa.

Từ ngọn núi này phóng ra đồng ruộng bao quanh một số quả đồi nhỏ lẻ: núi Bùi, núi Bàu (lăng Đông Tây, xã Phú Lộc),núi Nhân (Nhân Sơn), núi Nỏ (Nghĩa Sơn) ở làng Trùng Hanh xã Nhân Lộc…

Nguyên xưa núi nằm trên địa phận các làng Dương Xá, Chinh Xá và Trà Xá. Các làng ở về phía tây chân núi. Gọi”chinh” vì làng có đồi, giữa đồi có cái cồn nổi như núm chiêng. Các làng này đến  nay vẫn có nền đình, nền chùa, vẫn được giữ tên làng cổ.

Ngôi đền Cửa Động về phía tây chân núi, thờ vị thành hàng làng, người có công lớn với nhân dân vùng này trong sự nghiệp chiêu dân lập ấp. “Khai sơn phá thổ, hộ quốc tý dân, Bạch y công chúa Vua bà” tên là bà Hoàng hậu Bạch Ngọc, Bà đã từng là người chỉ huy việc khai hoang lập trang trại rộng lớn vùng Trà Sơn, trong đó có các làng này.

Chưa rõ vào thời điểm nào và vì lẽ gì, các làng Dương, Chinh và Trà Xá đã bị triều đình phong kiến xóa tên làng, tịch thu triện bạ, xẻ lẻ dân, bắt tháp tùng vào các làng lân cận.

Vụ việc tương tự như dân làng Phù Lưu Thượng nổi dậy vào năm Minh Mạng thứ 6 (1825) chống triều đình nhà Nguyễn quá tàn nhẫn, hà khắc trong việc bắt phu bắt lính. Sự việc xẩy ra ở làng Phù Lưu Thượng, về sau biết được, nhờ gia phả nhiều dòng họ trong làng đó có ghi chép. Còn ở các xã này, đến nay vẫn chưa rõ đầu đuôi sự việc.

Trong kháng chiến chống quân Mnh (1414 – 1427) cùng với trang trại Bạch Ngọc, cả vùng này đều trở thành căn cứ hậu cần khá rộng lớn và vững chắc, cung ứng đầy đủ binh lương cho nghĩa quân Lê Lợi trong những năm dài khi cuộc kháng chiến đã phát triển đến giai đoạn ác liệt nhất.

Trong phong trào cần vương yêu nước, toàn bộ khu vực Trảng Bằng – Nhà Môi, nằm về góc phía tây bắc núi Bụt nay gọi là Xóm Mới, thuộc xã Nga Lộc, chính là vùng đất quân tứ cần vương Can Lộc sử dụng, phần làm bãi tập, phần làm nơi dựng các lò rèn, chế thuốc súng. Cho đến nay các tên gọi “Bãi Tập’,”Tràng Dược” đã được nhân dân sở tại lưu giữ không quên.

Đó cũng là lý do, đồn Cơn Khế do Đốc Chanh, Đốc Trạch làm thủ lĩnh, cách núi Bụt về phía nam chỉ một vùng đồi, đã được bảo vệ và duy trì lực lượng bền bỉ hoạt động cho đến những ngày cuối cùng, kết thúc phong trào.

Núi Bụt tưởng như hiền lành, chậm chạp, nhưng dân oqr đây lại quen ứng đói rất nhanh. Trước những sự việc xẩy ra thường ngày. Người ta phản ứng tức khắc bằng những câu ca mộc mạc, hỏm hỉnh, nhưng khá sâu cay “cười ra nước mắt”.

Núi Bụt sừng sững trước cổng làng, nhưng muốn có tranh, trện (chổi) mà dùng, gà sắp gáy sáng, đã phải í ới gọi nhau, gần trọn một ngày mới được một gánh.

Hằng Nga “vui thú” năm canh,

Trèo truông đi trện, đi tranh nhọc lòng!

Nhật hất cẳng Pháp, ở vùng này, chúng còn chiếm vùng đất Trảng Bằng – Nhà Môi dưới chân núi Bụt để trồng thầu dầu. Giữa tháng ráo riết đói kém, chủ thầu thuê khoán đào gốc trồng cây:

Thầu dầu một bôộng (lộ) hai xu.

Ông Đồ, ông Nghĩa chúc khu mà đào!

Tương truyền cư dân vùng này trong số người già, bàn chân họ có 2 ngón chân giao nhau, dấu tích cũ dòng người bộ tộc Giao Chỉ chiếm tỷ lệ khá đông trong tổng số cư dân vùng này. Đó cũng là đề tài cần được tiếp tục khảo cổ.

Vùng Trảng Bằng, dưới chân núi Bụt, trong kháng chiến chống Pháp là một phân xưởng cơ khí và bãi tập của trại tân binh các khóa. Trong chống Mỹ, đó là trại Bắc Hà, trại nhân giống lợn của tỉnh. Thời Cần Vương  một số thợ rèn chuyển gia đình đến sinh cư lập nghiệp tại đây, nên có tên làng Rèn. Qua các đợt vận động dời dân lên khai hoang tại đây, vùng này có tên làng Mới.

3. NÚI CÀI – NHẠC SẠC SƠN

Cài, tên làng Kẻ Cài – Kỳ Trúc,  thuộc xã Kiệt Thạch nay là xã Thanh Lộc. Núi còn có tên núi Sơn Huy, tên cũ làng Yên Huy nay thuộc xã Yên Lộc. Hai xã này một ở phía bắc, một ở phía nam chân núi. Tên Hán Việt là Nhạc Sạc Sơn, còn có các phiên âm Nhạc Thốc hoặc Nhạc Trốc.  Nhạc Sạc là một loại chim lớn, có sách dịch là vịt trời. “Sạc lĩnh càn khôn” là cụm từ, nhiều sách cổ thường mượn để nói vùng đất phật, cảnh chùa chiền.

Chệm chễ giữa đồng bằng phía tây bắc huyện Can Lộc mạch đất núi Cài trải rộng trên địa phận 5 xã: Thanh Lộc, Yên Lộc, Trường Lộc, Song Lộc, Kim Lộc. Khối núi có 3 ngọn nối liền nhau:

- Ngọn núi Nậy  (lớn) còn có tên rú Rậm, đỉnh cao 175 m, là ngọn cao nhất của cả khối núi – lưng núi có ngôi mộ cổ thường được gọi mộ Đức Thành, tương truyền đó là mộ Cương quốc công Nguyễn Xí.  Vẫn là dạng truyền ngôn, vì chưa có một căn cứ chính xác nào cả. Có lẽ vì thế trên báo chí có người viết rằng: Kiệt Thạch là quê gốc Nguyễn Xí (?)

Hiện tượng cảnh trí ngọn núi khá đẹp

Đi qua trước cửa làng Đông,

Nhìn lên rú Nậy chin (chân) không muốn dời.

Hẳn câu ví mượng ý trong câu ngạn ngữ: “Xôi nếp cái –gái làng Đông”. Làng Đông thuộc thôn Văn Lâm – Kiệt Thạch.

- Ngọn Đông Trùa (chùa) còn có tên động Đá Bạc – trên lưng núi có tảng đá lớn in dấu chân “Ông Đùng”, cũng gọi núi Chân Tiên. Lưng chừng núi có dải khe tên là khe Ba Giọt. Người ta cũng quen gọi đây là “miệng bà Chúa Sơn”. Tương truyền ở ngọn núi có hai huyệt đất hình chàng tiên và hai cô gái: “Tiên nhân thúc đái – nhị nữ hiến hoa”. Phải chăng hình tượng  ấy đã gợi ra một liên tưởng trong hai câu ca dao này:

Trèo lên trên đỉnh động Trùa,

Cho anh yêu chịu cái, đến mùa anh trả khoai.

Bên ngọn núi là khe Háp Hội, bên  kia khe là ngôi mộ của Thuần Khê cư sĩ Nguyễn Đình Lương,người trong một chi thuộc dòng họ Nguyễn Xí – Kiệt Thạch.

Trên núi có dải Eo Và, ranh giới giữa địa phận hai xã Yên Lộc và Thanh Lộc. Đó cũng là tiêu điểm được nhân dân sử dụng để quan sát, “dự báo thời tiết”:

Chớp Eo Và, dọn nhà không kịp.

- Ngọn Động Mọn lệch về phía đông bắc, trước ngọn núi có dải đồi khá rộng có tên Bãi Bằng, trong phong trào Cần Vương (1855-1895), trong những ngày đầu khởi sự, Bang biện quân vụ Nguyễn Lương Cận, thường gọi cử Cận, ở xã Kiệt Thạch, người cầm đầu nghĩa quân Can Lộc hồi ấy, đã chọn Bãi Bằng làm bãi tập vừa lập một xưởng rèn đúc khí giới. Đến nay Bãi Bằng ấy vẫn gọi là Bãi Tập. Khi đồi đã được sử dụng làm khu nghĩa trang của xã, người ta đào đất, thỉnh thoảng thu lượm được những loại khí giới đã chôn cất từ thời đó.

Thời xa xưa, dòng chảy sông Cài gần sát chân núi, tạo thành một dải dài bờ đá phía bắc chân núi. Phải chăng đó là lý do làng này có địa danh “Kiệt Thạch” – bờ đá. Làng ở trù mật trên bờ đá ấy, tre được rào kín thành một lũy dài, góp phần giúp dân làng cản bớt gió mùa đông bắc. Hẳn là  vì thế, làng có tên “Kỳ Trúc” – bờ tre bên sông Cài. Địa danh ấy gợi ta nhớ câu thơ về bài “Ký úc” trong bộ sách gắn chặt với làng quê như thế.

Phía nam chân ngọn núi Nậy, gần ngọn núi Thạch, có nhiều dãy đồi thoai thoải, nối tiếp trải dài. Trên dải đồi gần làng Đông, có dấu tích một cái bàu ngày nay đã được bồi lấp phần lớn, chỉ còn một vùng trũng rộng, nước bốn mùa không hề cạn, dưới đáy vùng trũng là bùn loãng và sâu, người cần lội xuống phải có tấm ván cái đà ấy mà lên để khỏi bị lún. Vũng trũng ấy tên là Sa Nê. Một hiện tượng khá đặc biệt về kiến tạo địa lý cổ xưa. Từ đó làng sở tại được đặt tên theo địa danh ấy. Về sau, tên làng Sa nê, lần lượt đổi thành Sơn Nê, Sơn Huy, rồi Yên Huy, tên xã Yên Lộc ngày nay. Cũng như làng Kiệt Thạch, làng Yên Huy cũng gắn chặt với núi Cài là thế.

 Cuối đồi này, còn có một vùng trũng khác do các phiến đá chân núi tự nhiên ghép thành, tên gọi giếng Đoài. Nước trong mát cực kỳ và cũng không hề cạn. Câu ca sau đây nói về giếng ấy:

Muốn mát thì tắm giếng Đoài,

Muốn lấy vợ đẹp, hỏi ngài (người) Tràng Lưu.

Làng Trường Lưu nay là xã Trường Lộc, ở cách giếng Đoài chỉ một góc đồi.

Bốn phía  núi Cài, chân núi thoai thoải trải rộng vàng nôi, cư dân đã có mặt ở đây từ lâu đời; xóm làng lương giáo quần tụ đan xen; nhà ở, đình đền, chùa miếu, nhà thờ đông vui trù mật..

Là một trong những vùng quê có nền văn hóa phát triển khá sớm.

Từ lâu, đã có câu nói truyền miệng: “Sạc Sơn tứ diện công hầu”. Qua mấy sự kiện trên chứng tỏ câu nói đó không phải không có căn cứ. Đã có khá nhiều bài thơ. Bài Nhạc Sơn của Tiến sĩ Dương Thúc Hạp chép trong tập An Tĩnh Sơn thủy vịnh là loại bài viết như thế (VHH dịch):

Lưng theo Ngàn Hống đến,

Mạch từ núi Bụt sang.

Đất trời hai cánh dọc,

Cây đá mấy truông ngang,

Sông nước, đông tây lượn,

Mây ráng sáng chiều dăng.

Dòng họ Dương lừng lẫy.

Công nghiệp núi ngang hàng.

 

4. NÚI HỒNG – HỒNG LĨNH

Từ những đặc điểm cấu trúc địa chất như trên, núi Hồng được hình thành sau núi Trà và đới Hoành Sơn. Tuy có quy mô đồ sộ điệp trùng, nó vẫn thuộc loại khối núi lẻ đồng bằng ven biển.

Tên gốc của nó là núi Hống, Ngàn Hống, Hống, từ cổ là lớn. Trong dân gian ở từng vùng khác nhau gọi nó là núi Lớn, núi cao hoặc núi Ông. Từ tên nôm, về sau được chuyển dịch từ Hán Việt thành Hồng Sơn hoặc Hồng Lĩnh. Xa xưa còn có tên Hương Tượng xuất hiện từ thời Trần; cách gọi này là gộp tên hai ngọn núi tiêu biểu để gọi chung tên núi Hồng ngày nay(1).

Như vậy, một núi Hống đã có 7 tên gọi, 4 tên nôm và 3 tên Hán – Việt; Âm vần có khác nhau nhưng về nghĩa, gần như đồng nhất là núi Lớn. Trong các văn bản Hán Nôm hiện còn, chữ hồng có 2 tên 2 cách viết khác nhau: hồng (         ) = nước lụt và Hồng (       ) = chim hồng, một loại chim lớn, trong từ điển Hán, hai chữ ấy đều đồng âm, nhưng về nghĩa, vừa khác nghĩa cũng vừa đồng nghĩa. Ví dụ: Hồng đức (     ) = đức lớn; hồng đồ (      ) =tấm bản đồ lớn.

Cụm từ núi Hồng là cầu nối giữa một bên Ngàn Hống tên nôm và Hồng Lĩnh tên chữ. Địa danh ấy vừa ngắn gọn, vừa nôm na, vừa chữ nghĩa, đang là tên gọi thông dụng hiện nay.

Núi Hồng chiếm một diện tích khoảng 30km2, trải rộng trên địa phận 36 xã thuộc 3 huyện Can Lộc, Nghi Xuân và Đức Thọ, nay phần đất Đức Thọ đã chuyển sang thị xã Hồng Lĩnh. Trêm địa phận huyện Can Lộc, núi nằm trên phạm vi 8 xã gồm: Vượng Lộc, Thiên Lộc, Phúc Lộc, Tùng Lộc, Hồng Lộc, Tân Lộc, An Lộc và Thịnh Lộc.

Sách địa lý Hà Tĩnh soạn năm 1973 chia dãy núi thành 2 nhóm nú phân cách bởi đường truông Cộng Khánh.

Sách Nghi Xuân địa chí xưa chia núi làm 3 nhóm: Nhóm Thiên Tượng, nhóm núi Đụn và nhóm Hương Tích. Nhóm Thiên Tượng và Nhóm Đụn được phân cách bởi đường truông Cộng Khánh; nhóm Đụng và nhóm hương Tích được phân cách bởi dải Eo Bầu. Eo này không xuyên suốt  núi từ bên này sang bên kia, nhưng cũng có thể làm mốc chia 2 nhóm núi này cân đối và hợp lý.

Nhóm Thiên Tượng khởi đầu từ ngọn núi Lách và ngọn núi Giằng (uyên Trừng) cao 141 m, chạy theo hướng tây nam qua Truông Trâu (Ngưu Cương) nối với núi Lần (lân sơn còn gọi nam Ban cao 249m(1), núi Yên Xứ (188m), qua Truông Màn Trường, nối núi Uy Viễn (393m), núi Lầu (Ngọc Lâu), núi Thiên Tượng (337m); núi hạ thấp, tạo thành Bãi Vọt, qua núi Mồng Gà đến eo Cửa Trẹm và kết thúc ở ngọn núi Treo (Bạch Tỵ 43m).

Nhóm núi Đụn nằm về phía đông nam truông Cộng Khánh. Từ tây bắc sang đông nam bắt đầu từ ngọn Đông Xá (215m) lên núi Đụn (499m), núi Ông Bảng (476m)(1); hạ thấp dần, nối núi Lài núi yên ch (274m), các ngọn núi Liêu Đôn (Liệt sơn) kết thúc ở núi Mồng Gà (194m).

Nhóm Hương Tích bắt đầu từ ngọn núi Quảng Vũ (xã Thiên Lộc) qua đập nhà Đờng, vượt động Đá lát lên động Hương Tích (298m). Từ động Hương Tích qua động Trang Vương, vượt động Cơn Vạng đến ngọn Tháp Cờ còn có tên ngọn núi Ông, đỉnh cao 676m, là đỉnh cao nhất cả dãy núi Hồng.

Ba ông đều quê Nghi Xuân, sống cùng thời. Trên bản đồ ghi ngọn núi Ông Bảng ở ngọn núi này nghi ghi nhầm.

Từ đó núi phân làm 2 chi: một chi đi theo hướng đông bắc qua các ngọn Lèn Con, Lèn Nậy (Linh Đình 655m) rồi hạ thấp xuống khe Rãy, Chọ Hang (xã Cương Gián) kết thúc ở ngọn núi Gâm (kim Sơn) thuộc xã Cổ Đạm (118m).

Một chi theo hướng đông nam qua ngọn Sư Tử (630m), ngọn Đông Dương là những ngọn trong những ngọn cao nhất về phía đông dãy núi Hồng.

Từ 2 ngọn núi này, núi hạ thấp chia thành nhiều nhánh phóng xuống đồng bằng tựa như những đuôi nheo của rìa cờ ngụ hành, dàn ra thành 4 nhánh:

- Một nhánh qua cụp Tĩnh Lạc xuống Cu Lây, Trường Lão (Tả Thượng – xã Phúc Lộc).

- Một nhánh từ động Cóc khe Cà xuống động Hố, động Hàn (rú Dẻ), qua Truông Gió, kết thúc ở mũi Rồng (Long Tỵ - Hạ Yến xã Tùng Lộc).

- Một nhánh từ động Kiến xuống Khe Hao, qua Nam Nhe, rù Rùa quặt sang đồi Ngự Tiền, kết thúc ở ngọn núi Mã (Mã Sơn – Hàm Anh xã Tân Lộc).

- Một nhánh xuống eo Trẽn Gió cụp Bạch Thạch, từ đó, mọt mũi rẽ ra  khe Mưa Dông, kết thúc ở mỏm Hàm Rồng (Bình Thọ ở xã Cương Gián); Một  mũi rẽ vào cụp Cồng qua eo truông Vắ đến cụp Hỏa Hiệu, tạo nên nên cụp núi Tiên Am bao gồm các ngọn Chân Tiên, ngọn Ông Ngựa và ngọn Thung Ao, cụp núi này thuộc địa phận xã Thịnh Lộc. Núi Hồng về phía nam - đông nam kết thúc tại đó.

Cả 3 nhóm trong dãy núi Hồng, núi nào cũng chứa đựng không ít các điểm di tích danh thắng đã dược kiểm kê. Hầu như mỗi di tích văn hóa đều đi kèm với chúng là thơ ca và giai thoại truyền thuyết. Về phía nam Hồng Lĩnh, trong phạm vi thuộc địa phận huyện Can Lộc có 2 cụm danh thắng nổi tiếng hơn cả. Đó là cụm Hương Tích thuộc xã Thiên Lộc và cụm Tiên Am thuộc xã Thịnh Lộc. Đối với 2 cụm danh thắng này người ta thường có câu nói như muốn để nhắc nhau: Đến Hồng Lĩnh mà chưa đến Hương Tích – Tiên Am, coi như chưa đên.

Sau đây là mấy dòng tóm lược về hai cụm núi ấy.

CỤM NÚI HƯƠNG TÍCH

Ngọn núi Hương Tích nằm trong nhóm núi Hương Tích, bởi tên nó được chọn tiêu biểu cho cả nhóm núi.

Nhưng xét về độ cao, nó chỉ bằng khoảng 2/3 độ cao so với ngọn núi Tháp Cờ (tức núi Ông).

“Hương Tích” vốn là tên ngôi chùa. Gọi vậy là lấy tên chùa đặt cho tên núi. Chùa nằm ở vị trí lưng chừng núi chứ không phải đặt trên đỉnh núi.

Là cụm núi có danh tiếng, trong sách “Thiên Lộc huyện chí”(1) cử nhân Lưu Công Đạo, tác giả tập sách đã ghi chép khá kỹ lưỡng. Ở đây chỉ cần trích dịch và chú tích thêm những đoạn cần thiết.

“Ngọn núi Hương Tích mạch từ núi Đụn, quanh co đổ lại, trên đỉnh núi có tòa thành đá (2), trong thành có 99 cái nền cổ đều xây bằng đá, gọi là Trang Vương (3)

Tương truyền con gái Trang Vương sống tại đó. Trước cửa thành, có 2 dãy cân đối cây thông cổ thụ. Thông rất lớn, thân mỗi cây chu vi 5 đến 6 thước, cao khoảng 30 trượng (4), mỗi cây có bóng tỏa rộng che hơn một mẫu đất. Cây nào cây ấy, vỏ cây sần sùi cứng chắc như đá. Ngạo nghễ xanh tươi hiên ngang giữa mùa giá rét. Nhìn hình dạng của thông, ai cũng cho rằng, tầm vóc ấy đã phải có trước đây nghìn vạn năm.

Từ thành Trang Vương đi xuống khoảng 60-70 bước (1), thì gặp một am bằng đá trắng, mặt hướng về đông, hai bên tả, hữu đá dựng thành bờ, ở giữa có hai tảng đá đồ sộ từ hốc đá nhô ra trông giống như hàm rồng. Trước hàm rồng, người ra dùng gạch và vôi vữa gắn ốp lại thành một tòa am thờ, trong lòng am đặt một pho tượng quan âm. Trước am, đồng nam, đồng nữ có mươi người, đồng nam thì tay cờ tay chày, đồng nữ thì tay khăn tay gương đứng hầu. Đó là thị vệ của Thánh mậu(2). Đến nơi dừng nghỉ, từng luồng gió mát nhè nhẹ đưa về như có mùi hương thơm phảng phất… bởi thế có tên gọi am Hương Tích – am chứa đựng mùi thơm.

Tương truyền có cô gái thứ 3 của Trang Vương, tên là Mậu Thiện(3), tu đắc đạo, hóa thân tại động này.

Ngày nay, ai gặp khó khăn về con cái hiếm hoi, đến cầu tại am này, thường gặp thần nghiệm.

Phía bên phải am Thánh mậu là ngô chùa. Bên phải vùng chùa có ngọn suối – nước suối từ kẽ đá phun ra để nguyên hiện trạng khó mà múc được. Người ta đã dùng cái máng nhỏ kê sát luồn sau kẽ đá, nước theo máng ấy dồn dập chảy ra liên tiếp đêm ngày không hề tắt. Dòng nước suối ấy, qua đường ống máng nối dài dẫn vào gần chùa đổ vào một giếng trữ đào sẵn,nước giếng trong veo như lọc, múc uống vừa ngọt, vừa phảng phất mùi thơm. Giếng ấy tên gọi Hương Truyền (1).

Về phía trên trái khu chùa có một ngôi miếu thờ thần “Hồng Sơn đại vương”. Trước miếu có tấm biển khắc chữ vàng vua ban(2).

Phía dưới miếu ấy là một khu đất nhà tăng vài gian, bếp chùa vài gian. Trong nhà tăng, lưu trữ hàng vạn quyển kinh phật (3) - sư và tiểu vài người chủ trì chùa ấy.

Trước cửa chùa, thấp vài chục bậc đá, một khu đồi khá rộng và bằng phẳng, hai bên trồng thông(4). Mỗi khi gió nồm về, một giàn nhạc suối, muôn khoảnh sóng thông, tràn đầy không khí mát lành, dịu quanh ghế ngồi du khách.

Hàng năm đến ngày 19 tháng trọng xuân (tháng 2 âm lịch), ngày Quan âm hóa thân thành Phật đã trở thành ngày lễ hội của chùa. Tao nhân, mặc khách thiện nam tín nữ,  xa gần đến dự lễ hội, không quản đường sá xa xôi, trắc trở, lội suối trèo ghềnh. Dường như người ta quên hết, mọi nổi vất vả nhọc nhằn, miễn được lên tận nơi đây hưởng hết thú vui lên cao nhìn xa. ở đây mỗi bước đi hiện thêm một quanh cảnh. Đến nơi dừng lại, phóng xa tầm mắt bốn phía xa trông: Châu Hoan ta tuy hẹp, nhưng sẵn có muôn khoảnh biển vời, nghìn trùng rừng núi, lâng lâng  đôi mắt rạo rực trong lòng, thật đúng là ngọn núi danh thắng xứng đáng hàng thứ nhất trong vùng đất Châu Hoan ta”(1).

Đó là đoạn trích dịch nguyên văn chữ Hán tác giả sách Thiên Lộc huyện chí viết về Hương Tích. Chỉ là đoạn văn tường thuật nhưng hẳn không ai không coi đó là một bút ký văn chương. Nếu cần phải viết lại, khó có ai viết được hơn thế.

Kết thúc đoạn này, tác giả tập sách tuyển chọn, trích dẫn 3 bài thơ vào loại hạng nhất của 3 nhà thơ nổi tiếng đương thời viết về núi này. Thơ trích dịch sau đây là một trong những bài như thế:

Trang Vương nền cổ tùng treo nguyệt,

Thánh mẫu am xưa đá tỏa mây.

Suối Ngọc một gầu vơi tục lụy

Trống đồng ba nhịp tỉnh người say.(2)

Trên đây, mới nói một số thắng cảnh ở khu chùa Hương Tích. Trong vụm núi này còn khá nhiều thắng cảnh nổi tiếng không thể không nhắc đến, đó là:

- Động Tiên Nữ, thường gọi Động Đá Dựng. Nhiều tảng đá to cao đứng thẳng, dựa vào nhau, tạo thành cái động có mái, có thể chứa trên vài chục người ngồi. Từ động Tiên Nữ xuống động Trang Vương xa khoảng vài trăm mét.

Khe Tiên tắm (Dục tiên kiều): Ngang dòng khe có tảng đá bắc ngang như cái cầu. Nước khe dội từ cao xuống cầu đá ấy nên có tên gọi cầu Tiên tắm.

Giữa dòng suối phía dưới lại có tảng đá như hình người đội khăn, nên có tên khe Vàng khăn.

 - Chùa Phun gạo: Tương truyền Trang Vương cất trữ gạo tại chùa ấy. Còn có truyền thuyết trên chùa có tảng đá. Khi nhà chùa thiếu gạo ăn, chỉ cần đặt cái hứng đựng sát mỏm đá, gạo tức khắc phun ra theo khối lượng cần dùng.

- Động Cửa phủ, nơi có hai ngôi mộ và đền thờ hai vị đại vương, con trai bà chúa Liễu. Ngôi đền đã đổ nhưng 2 ngôi mộ vẫn còn. Trong cụm núi này còn khá nhiều huyền thoại và những bí ẩn chưa được khám phá, giải mã. Trong đó có 2 vấn đề nổi bật, tập trung nhiều ý kiến nhất.

Một là: Chùa Hương Tích có từ đời nào? Chùa này gốc hay chùa ở Hà Tây là gốc? La Sơn Nguyễn Thiếp nói chùa này có từ đời Trần, rất tiếc ông không cho biết, ông đã căn cứ vào tư liệu nào để khẳng định như vậy, trong khi tháp 9 tầng ở núi Nghèn và chùa Hoa Tạng ở núi Uyên Trừng đã có đủ căn cứ là có từ thời Lý.

Hai là: Nền Trang Vương, một di tích đang hiện diện, nhưng các sách địa chí ghi chép rất khác nhau.

- Về tên gọi: Đại Nam nhất thống chí gọi là đài đá, Nghệ An ký và Thiên Lộc huyện chí gọi nền đá. Nghi Xuân thông chí gọi nền điện.

-Về số lượng nền : ĐNNTC, NAK vàTLHC ghi 99 nền, Nghi Xuân thông chí ghi có 72 nền (cổ chỉ) và Nghi Xuân địa chí ghi là 12 nền điện.

Một ông vua, cho dù là vua thật, đã bỏ ấn tỉ, ngai vàng, kinh đô, lên núi ở với con, hẳn không thừa quyền lực và bạc vàng để muốn xây dựng kiến thiết gì tùy ý? – Một vùng núi với độ cao 300-400m, được xây cất trên đó ít nhất 12 cung điện, nhiều nhất là 99 tòa nhà, bên ngoài được bao bọc thành lũy. Quy mô xây dựng đồ sộ, đến mức ấy sao vẫn được coi là nhà ở của đôi ông bà già, lần mò lên núi để được ở với con gái đã bỏ đi tu?

Đó là những điều không dễ hiểu, những bí ấn chưa được khai quật, khám phá là như vậy.

CỤM NÚI TIÊN AM –NÚI AM

Từ nhóm núi Hương Tích, ngọn núi Đông Dương theo hướng đông nam đổ xuống, nối dài nhiều chóp, đến chóp Hỏa Hiệu là vị trí cụm núi Tiên Am.

Cụm núi gấp khúc hình chữ “bát”, góc gấp khúc ấy có tên động Chân Lợn. Từ động này, núi rẽ hai nhánh. Mộtnhanhs đi theo hướng đông gồm các ngọn núi Chân Tiên, núi Thung Ao. Một nhánh đi theo hướng nam – tây nam gồm các ngọn núi Ông Ngựa và núi Hàm Rồng. Tả ngạn chân núi này là bờ phía Tây của dãy Bàu Tiên. Núi dài khoảng 1,5 km, kết thúc ở mỏm eo Hàm Rồng.

Như vậy cụm núi Tiên Am gồm có 4 ngọn: Chân Tiên, Thung Ao, Hàm Rồng, Ông Ngựa.

Tên cụm này, nhân dân sở tại quen gọi núi Tiên Am hoặc núi Am. Sách Thiên Lộc huyện chí chép núi Am Sơn, sách Nghi Xuân địa chí gọi là Vân An Sơn. Trong dãy Hồng Lĩnh, ở nhóm núi Đụn cũng có ngọn núi Am. Hẳn là vì thế, Nghi Xuân địa chí gọi cụm núi này là Vân Am sơn để có sự phân biệt. Các sách Đại nam nhất thống chí, Nghệ An ký đều gọi chung một tên là ngọn núi Hồ Trung.

Hồ Trung là tên Hán – Việt, chuyển dịch từ tên Thung Ao mà ra. Dịch như vậy là chưa thật chính xác. Trên núi Thung Ao có cái ao nước nằm giữa thung núi thấp. Vì lẽ đó từ lâu nó được mang tên Thung Ao, tên nôm cũng vừa là một từ Hán – Việt, đáng ra chỉ cần  giữ nguyên tên ấy là đủ. Mặt khác nó chỉ là một ngọn trong cụm núi Tiên Am; lấy nó làm tên cho cả cụm núi lại càng không đúng.

 Trong các tên gọi trên, Tiên Am là địa danh mang đầy đủ ý nghĩa và đang là tên gọi thông dụng hiện nay.

Về các mặt địa lý tự nhiên và văn hóa truyền thống, cụm núi Tiên Am có những ưu thế nổi bật.

Thứ nhất, nó nằm tận bãi biển. Nói Hồng Lĩnh là dãy núi đồng bằng văn biển thì Tiên Am là cụm núi duy nhất trong dãy núi Hồng Lĩnh phóng xuống tận biển. Là một “ngã ba” núi non, biển vời, sông nước giao hòa. Bãi biển có thêm lài, cát mịn, nước không mặn lắm, vì có nguồn nước ngọt từ rào Mỹ Dương phóng ra. Các nguồn nước ngọt từ giếng đào tại chỗ hoặc bằng khe suối gần cạnh đều mát ngọt cực kỳ. Núi là một “bảo tàng” khá phong phú di tích thẳng cảnh. Tại vùng này đã có đầy đủ các yếu tố để sẽ trở thành khu bãi tắm, nghỉ mắt và du lịch có tầm cỡ.

 Thứ hai, do đặc điểm kiến tạo tự nhiên, cụm núi này có vị thế đặc biệt hiếm thấy: Trên đỉnh núi có ao nước ngầm, dưới chân núi có hồ nước lớn, lưng núi như bức thành  che chắn gió mùa đông bắc; trước mặt, núi hứng đựng luồng gió nồm tinh lọc từ đại dương cực kỳ trong mát tràn vào. Tuy là núi đá vẫn có đủ độ ẩm, độ nhiệt cần thiết, để nuôi dưỡng phát triển các loại cây rừng, thú rừng.

Đó là lý do, tại vùng núi này, đã từ hàng mấy trăm năm tồn tại và phát triển một rừng thông bạt ngàn, bốn mùa xanh mướt, vừa cung cấp cho người một vùng thắng cảnh tốt đẹp, vừa tạo ra điểm nghỉ mát, hóng mát lý tưởng.

Thứ ba, nó gần như bức thành chắn ngang bãi biển, làm mốc địa giới giữa 2 huyện Can Lộc với Nghi Xuân, tạo nên một vùng thoáng mở, hầu như những gì đặc sắc nhất về di tích, thắng cảnh được dồn nén về đây.

Đó là, cùng với bãi tắm ở biển còn có hồ nước lớn ở chân núi để đua thuyền, lướt ván; có bãi cát mịn để tắm năng, có đụn cát vàng cao, dốc để “dã hành” luyện rối rèn chân. Núi ở đây chiều khách du lãng, giữ độ cao phải khoảng 120 – 103m; Trên đỉnh có những động đá, mặt bằng đỉnh chóp có thể ngồi một lúc 5-7 người; sáng, chiều bách bộ lên núi, ngồi tại nơi này phóng xa tầm mắt, nhìn khắp đại dương, đếm được từng ly ti đảo nhỏ xa tít chân trời…

Đó là những nham cảo kỳ quan về đá: có đá Chân Tiên, đá Bàn Cờ, đá Thạch Bàn, đá Ông Lão; có đá Ngựa, đá Thuyền, đá Giã Gạo, đá Bắt chí (chấy)… có đồi đá dựng như hai ông bà đang ngồi hàn huyên trước bãi biển, trời mây, sông nước bao la; là đá lèn “mười hai cửa” lớp trên, lớp dưới chồng chất, khi vào động, nhớ ghi dấu để khi trở lại, biết lối mà ra. Hàng loạt di tích, lịch sử, văn hóa phải dành thời gian hàng tuần đi tham quan, chưa dễ đã hết. Đó là đường Truông Văn, độngNgwj Tiền, di tích thời kháng chiến chống Quân Minh; có cụp Hỏa Hiệu, bãi Truông Vùn, dấu tích bãi chiến trường thời phân tranh Trịnh – Nguyễn. Trại Cố Bu ở động Rẫy, căn cứ cuộc nổi dậy của nông dân Hà Tĩnh do Phan Bô, quê làng Ba Xã cầm đầu; trại Quan Sơn ở Chọ Hang, căn cứ lực lượng cần vương yêu nước chống Pháp, duy trì mãi cho đến thời Duy tân – Quang Phục, do Hà Văn Mỹ và Thần Sơn Ngô Quảng cầm đầu.

Trên một đường trục song song với bờ biển, trung tâm nghỉ mát – du lịch này sẽ nối thành phố Vinh với thị xã Hà Tĩnh, cộng tác và bổ sung cho nhau những gì còn thiếu ở Cửa Lò và Thiên Cầm trong không gian và phong vị du lịch Hà Tĩnh hôm nay.

*
*  *

Vùng quần thể danh thắng này, từ xưa đã có nhiều thi nhân mặc khách qua lại du thưởng và có thơ đề vịnh. Thơ viết về cụm cảnh này chiếm ½ tổng số thơ vịnh về Hồng Lĩnh. Nhà địa chí Lê Văn Diễn sống thời Thiệu trị, quê huyện Nghi Xuân, phát hiện 10 “kỳ quan” về đá, ông gọi là “Vân Am thập thạch”, ông đề vịnh mỗi cảnh một bài, như Tiên tích thạch (đá Chân tiên), Phụ phụ thạch (đá Ông Bà)… thơ chép trong Nghi Xuân địa chí. Đầu huyện Trần Huống tuyển chọn tại vùng này, cũng là làng quê ông, 10 cảnh đẹp, mỗi cảnh đề một bài thơ, ông gọi “Yên Điềm thập cảnh” – Làng Yên Điềm là xã Thịnh Lộc hôm nay. “Tiên Am sơn”, một bài thơ xướng Cử nhân Huấn đạo Lâm Mậu(1) có đến hàng chục bài thơ họa.

TIÊN AM SƠN ĐỀ - ĐỀ NÚI TIÊN AM (dịch)

Sục sôi sóng gió biển nơi đây,

Danh thắng từ xưa dãy núi này.

Thông trúc liên đồi chen đất trổ,

Hồ đầm mấy mẫu sẵn trời xây.

Tiên đâu một dấu còn in lại

Đá cứng muôn hòn chẳng dễ lay.

Thăm núi tiếc chưa nhìn hết cảnh,

Lần sau lên tận đỉnh cao hơn!

(Thơ chép trong tập “Tùng Am giai văn lục” – VHH dịch)

Sau đây là một số cảnh đẹp có nét đặc sắc trong quần thể cảnh ấy.

Đá Chân Tiên: Giữa mái núi Tiên Am, dưới rừng thông ngút ngàn, có dãy đá lộ ra, lố xố, trong động đá ấy có khối đá bằng phẳng, trên mặt đá in sâu một dấu chân người khổng lồ. Đo tại chỗ, góc lõm xuống đá sâu 35 cm, bàn chân đo từ gót đến mút đầu ngón chân cái dài 85 cm. Từ phía ngón chân cái nếu đó đúng là bàn chân thì phải là bàn chân phải. Người ta gọi đó là đá Chân Tiên hoặc động Chân Tiên. Tương truyền trên đỉnh núi Công Bằng đối diện với núi Tiên Am cách nhau khoảng 8 km, cũng có một dấu chân kích thước tương tự và là dấu của bàn chân trái. Điều đó gợi cho người ta liên tưởng: Người khổng lồ này đang “đằng vân giá vũ”, đi theo hướng nam, khoảng cách giữa một bước chân là 2 quả núi.

Cũng trên dãy đá  ấy, cạnh đá Chân Tiên còn có một chỗ trên mặt đá có những đường kẻ dọc ngang gần như ô bàn cờ mang tên đá Bàn Cờ. Vì ở gần Chân Tiên nên cũng được gọi “Bàn Cờ Tiên”.

Từ đó, tiên ở vùng này đã thành một nhân vật biểu tượng, một loạt địa danh gắn với ông tiên: núi Tiên Am, chùa Chân Tiên, Bàu Tiên, Giếng Tiên….

 Bàu Tiên: Có tên như vậy bởi nó trải dài trước động Chân Tiên dưới chân núi Tiên Am thuộc làng Yên Điềm cũ, nay là xã Thịnh Lộc. Đứng trước sân chùa Chân Tiên nhìn xuống, bàu như hình quả xoài, bờ của nó phía tây là mép chân núi Ông Ngựa, phía đông là mép chân Truông Vùn. Nó là tàn dư của một cái phá, khi biển lùi chưa kịp lấp khẳm, dấu tích khá rõ.

Sách Nghệ An ký xếp nó thành một đơn vị hồ đầm trong mục sông ngòi, gọi tên nó là Hồ Lô đàm – Bàu lau sậy, nếu đúng nghĩa “Hồ Lô” là lau sậy ở vùng này? Khoảng từ đầu thế kỷ này lại nay, ở đây không còn có lau sậy. Sách Đại Nam nhất thống chí có thêm cho nó một tên gọi là Dục Tiên đàm – Bàu Tiên tắm. Sách Thiên Lộc huyện cí có nhắc đến tên đầm Hồ Lô, nhưng vẫn gọi tên nó là Tiên đàm – Bàu Tiên, theo đúng tên nhân dân sở tại thường gọi,.

Các sách trên đều chép bàu này có chiều dài từ 190-200 trượng, đổi ra thước đo thời nay tức bằng 650-660 mét. Thực địa đo đạc vào năm 1978 của xã sở tại, số liệu như sau: Bàu dài 1200 m, rộng bình quân 250m. Đoạn phình ra rộng nhất là Bàu Tròn, rộng 480m; đoạn hẹp nhất là 120m, độ sâu trung bình 2,5m, đoạn sâu nhất là đá Câu trong vùng Bàu Tròn sâu đến 2,7m. Số liệu này phản ánh quy mô bàu nước này chưa phải loại hồ lớn, nhưng trong phạm vị một tỉnh, nó là một trong những bàu nước tự nhiên lớn nhất, nó có đủ các yếu tố để trở thành một hồ du lịch: Lướt ván, nhà nổi, đua thuyền…

Thắng cảnh được mọi người quan tâm nhất ở Bàu Tiên là vùng đá Thạch Bàn, có tên gọi thế, bởi ở đây có phiến đá lớn và bằng phẳng, nhô ra vượt quá mép bờ bàu gần nửa phiến đá, tiếp xúc với mặt nước bàu, nước xấp xoi dưới chân đá như một góc thủy ta. Bên phiến đá có cây đa cổ thụ, tán lá rộng gần kín mặt đá như cái lọng che. Cả vùng chân núi phía bàu này, một rừng cây um tùm khép kín. Sách Thiên Lộc huyện chí tả rằng, đứng bên này bờ bàu nhìn sang bên ấy, cây rừng u tịch, nước bàu thăm thẳm, một vùng cây đá, nước mây huyền ảo, linh khí rợn người. Dù là Thạch Bàn nằm phía bờ bên kia, nhưng ai đi qua, nhất là vào giờ đứng bóng, không ai nhớ nghiêng nón về phía tây và bước nhanh chân hơn.

Trong tâm thức mọi người, Thạch Bàn là nơi quần tiên xuống tắm, sau đó cùng ngồi đánh cớ, uống rượu ngâm thơ.. Một nơi kỳ ảo, ai cũng muốn xem mà không dám đến. Bàu nhiều cá đến thế, nhưng không một dân chài nào dám liều lĩnh thả lưới, buông câu.

Hồi còn có sư trụ trì ở chùa, bàu được làng cho thả sen. Bùn loãng, đáy xốp, không bao lâu sen lan tỏa gần kín một phần ba diện tích mặt bàu. Hè về, hương sen thoang thoảng tỏa rộng khắp vùng. Từ ngày mỏ sắt Chân Tiên bắt đầu khai thác, người làm ngày một đông đúc, ăn ở đi lại lộn xộn, quản lý kém, cảnh quan môi trường vùng này bị tàn phá dữ dội. Sau cách mạng tháng 8, chùa không còn sư, hồ sen cũng mất. Rất tiếc cụm cảnh Thạch Bàn dần dần đã bị chặt phá trụi… có nhiều truyền thuyết xung quanh cái bàu bí ẩn này. Câu chuyện đại loại:

- Chuyện về con cá gáy.

Như đã quen nếp, xong buổi cày sáng, trên đường về, bác đi cày dừng lại ở Bàu Tiên làm hai việc: tắm người và rửa cày. Đang chuẩn bị bỗng một con cá gáy khá lớn, dường như nhảy quá đà và sai hướng, lóc lên nằm dãy dụa trên mép bờ bàu. Tóm được cá, bác dùng chạc mũi (dây thừng) xâu vào mang cá, khi về sẽ treo ca dây phóng lên in cày.

Vì còn phải tắm, bác tạm thả con cá nằm lấp xấp mép nước bờ bày. Cái sơ suất của bác là quên không buộc đầu dây bên kia vào ỉn cày. Trong khi bác tắm, cá vùng vẫy, trượt xuống bù, cá tha cả dây phóng đi mất.

Cách đó ít hôm, bác chuyển sang cày thửa ruộng ở cánh đồng phía bên kia núi, cách bàu khoảng vài cây số, cánh đồng sát vực Hoa Viên, thường gọi là vực Nhà Cại, sách Thiên Lộc huyện chí ghi là bàu Hoa Viên, có lẽ là nhầm, vì bàu Hoa Tiên ở xã Xuân Viên huyện Nghi Xuân cách đó 10 cây số. Gần như lặp tình tiết hôm trước, cày xong bác mang cày lại bờ vực rửa cày và tắm. Tình cờ bắt gặp con cá gáy đang kéo theo cả cái dây thừng. Đuổi bắt được, bác thấy đúng là con cá bác đã xâu chạc mũi hôm trước. Qua sự việc ấy, người ta đoán rằng Bàu Tiên với vực Nhà Cại có lối thông với nhau bằng một hang ngầm đi dưới lòng đáy núi.

- Chuyện về quả chuông

Tương truyền vào thời Lê Chiêu Thống, trấn thủ Nghệ An lệnh cho quân lính các doanh lùng sâu đến các chùa đền, hễ có tế khí bằng đồng, kể cả chuông đồng, đều được tịch thu đem nộp quân doanh, để đúc khí giới, đánh lại Tây Sơn. Chùa Chân Tiên có quả chuông khá lớn. Làng sợ bị tịch thu, đã huy động một số nhân lực gỡ xuống, đem trắn quả chuông xuống Bàu Tròn là chỗ sâu nhất của Bàu Tiên. Thu cất như vậy là kín đáo nhất.

Một thời gian sóng tố, loạn lạc đã qua, làng cho người lặn xuống tìm để vớt chuông lên, nhưng rà tìm mãi không thấy, làng phải thuê một tháp thợ giỏi lặn (vùng này quen gọi là mò) ở làng Ba Xã để lặn tìm giúp, cuối cùng vẫn không tìm thấy. Đến thời Duy Tân sau hơn 100 năm, làng đành phải đúc một quả chuông khác cho chùa Chân Tiên. Quả chuông mới này tuy nhỏ nhưng nay cũng không còn nữa.

Chung quanh việc mất quả chuông, người thì cho rằng thủy tần đã lấy; người thì nói dưới đáy bàu có lỗ rốn thông xuống lòng đất; chuông không lấy lên nổi, vì nó đã lún sâu.

Cả hai câu chuyện trên đây, từ lâu là hai câu hỏi đã đặt ra, đều chưa có đáp án.

5 – NÚI BỜNG – CÔN BẰNG

Núi thuộc hệ núi đồng bằng ven biển. Bờng cũng như Bằng, tên nôm nói trẹ. Núi có hình cá trương vây, chim vỗ cánh nên có tên Côn Bằng: Côn, tên một loại cá lớn. Bằng là chim bằng. Núi có 3 ngọn xếp thành hàng ngang, ngọn cao nhất là 213m, núi trải rộng trên địa phận 6 xã thuộc hai huyện hạ Can Lộc và hạ Thạch Hà. Kiến tạo địa chất của núi gần như toàn đá hoa cương. Thời xưa, dọc theo các triền khe, có nhiều cây cối. Từ lâu cây cối đã bị chặt phá hầu như không còn, núi trở thành núi trọc. Một hàng 3 ngọn, ngọn giữa cao vút đồ sộ, đỉnh núi cao vút chọc trời. Ngày xưa, người ta coi núi Tiên Am là bảng mà núi Côn Bằng là ngọn bút. Hình núi còn giống như con người đang ngồi chễm chệ, đội mũ, cầm cân:

Nom lên cảnh trên thấy Bầng chầu lại

Khác chi “quan đới” đội mão, cầm cân…

(Nhật trình đi biển)

Về phía tây nam, chân núi thoai thoải tạo thành một bãi đồi trải rộng. Trên bãi đồi khá bằng phẳng có 5 cụm đá được sắp xếp theo đôi hình trông khá kỳ vĩ: Giữa 4 cụm đá, mỗi cụm có một tảng đá đứng thẳng, to cao, được gọi đá “tướng”. Một cụm đá ở giữa, khối đá đứng giữa to lớn gấp bội so với các cụm kia nên được gọi đá “Đại tướng”.

Bãi đá ấy có tên gọi “Ngũ quân xuất trận”. Qua nhiều triều đại, người ta thường sử dụng địa hình ấy để luyện tập quân đội, nên có tên gọi “Bãi Tập”.

Thời Trịnh – Nguyễn phân tranh hai lần nổ ra các trận đánh lớn tại đây. Thời “Bình Tây sát tả”, tại nơi này, cũng đã xảy ra những cuộc xung đột không đáng có. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tháng 8 năm 1953, địch dùng 6 tàu chiến neo đậu ngoài biển, bí mật cho quân đổ bộ lên núi vào ban đêm chiếm cao điểm Yên Ngựa, tảng sáng “vu hồi” thọc xuống càn quét các vùng thuộc xã Nam Bình, nay là hai xã Thạch Kim – Thạch Bằng và một cánh thọc xuống xã Tiên Bằng nay là xã Thịnh Lộc. Tuy có bất ngờ, lực lượng dân quân vẫn nhanh chóng chiếm lĩnh các ổ phục kích đã bố trí sẵn, quyết liệt đánh trả, buộc chúng phải mang theo xác chết của binh linh chúng rút vội xuống tàu. Trong chiến tranh chống Mỹ, ta mở thêm con đường bằng cơ giới nối con đường từ chợ Huyện cũ băng qua Bãi Tập xuống tận Cửa Sót để cơ động lực lượng từ Can Lộc xuống.

Tương truyền ở núi này có huyệt đất, sách Hoàng Lê nhất thống chí chép là huyện đất “Rồng đuổi hồ; xưng bá, xưng vương từ đó”. Hương cống Nguyễn Hữu Chỉnh đã bốc mộ tổ họ mình từ huyện Chân Lộc (Nghi Lộc) bí mật mang vào chôn trộm tại núi này.

Khi làm ăn được thế, Chỉnh tự phong cho mình là Bằng Lĩnh hầu, sau được Chiêu Thống phong Bằng Quận công, Bằng là Côn Bằng, tên ngọn núi này.

 

B- ĐỒNG BẰNG

Đồng bằng Can Lộc có diện tích khoảng: 25.281 ha, chiếm 67,8% tổng số diện tích đất tự nhiên của huyện(1)

Như phần trên đã nói, đồi núi Can Lộc đã phân cách đồng bằng huyện này thành những mảnh hẹp. Không chỉ núi, sông ngoài cũng tham gia vào sự chia cắt đó. Hầu như, cứ vài ba km lại có một con sông hoặc khe hói chảy qua, vì thế, đồng bằng ở đây ít có một nguyên mảnh được gọi là rộng.\

Đó cũng là lý do cốt địa hình trên mặt bằng không đều. Hiếm thấy một cánh đồng nào có mặt bằng rộng khoảng 1 km2 mà không có hiện trạng chênh lệch cốt đất. Cánh đồng Tiến – Trung – Khánh – Đại được coi là vùng ruộng bằng phẳng, nhìn trên bản đồ, vẫn không hiếm các cốt đất chênh lệch.

Núi bao nhiêu cũng muốn nâng các vùng đất sát chân mình lên cao hơn, bằng cách trút trầm tích từ sườn núi xuống. Bằng cách ngược lại, sông tận dụng phù sa bồi tụ, nâng đôi bờ lên, hoặc gây xói lở, tạo ra những bậc thềm, hoặc những vũng trùng cao thấp, rộng hẹp khác nhau về địa mạo. Đó là lý do, công việc thủy lợi hóa đồng ruộng ở huyện này đang khá phức tạp và tốn kém.

Vùng đồng bằng ven biển còn mang khá rõ dấu tích hình lượn sóng, dải cao chạy song song với dải trũng, từ ven biển dồn sâu vào đất liền. Đặc điểm này do các nhân tố gió, dòng biển và dòng sông, trong đó, dòng biển là chủ yếu tạo thành. Song nhào từ khơi vào bờ theo những đường thẳng song song. Các vật thể, trong đó có cát vụn, sét mịn lơ lửng trong nước, do dòng biển mang tới, hoặc do sóng biển sục từ đáy biển lên, được trầm đọng lại, lớp trầm tích dần dần dày lên, tạo thành những gờ ngầm.

Khi nó đã cao lên tiếp tục thu nhận nhiều bồi tích, đến một lúc nào đó, gờ được nâng độ cao đến mức, sóng biển khó vượt qua được nó – từ đây, gờ sẽ ngoi lên quá mặt nước và tạo thành một dải cát mới ven bờ, song song với dải cũ, bên cạnh là một dải trũng. Nhân dân miền biển quen gọi dải cát ấy là “cồn” và dải trũng kia là “đòi”. Dải cát được bồi đắp cao dần bằng lớp cát thô; dải trũng được lắng đọng dưới đáy những lớp cát mịn, có khi còn một ít sét.

Bất thường có bão biển, mức nước có thể tràn ngập toàn bộ hoặc phá vỡ những đoạn thấp yếu. Nhưng cuối cùng, khi nước biển rút nó vẫn được củng cố, nhờ nước biển mang cát bồi đắp cho nó cao dần lên. Đến một độ cao nhất định, nó đủ sức ngăn chặn được sóng biển, nó tự tạo thành một doi cát, cồn cát ven biển, đối diện với mép nước biển, dải trũng nằm về phía tây cạnh nó, lúc đầu, nước còn mặn, nhờ nước mưa ngọt hóa dần, hoặc biến thành một dòng chảy nối với một khe gần đó, dẫn nước ngọt nội địa vào, mang theo cả phù sa cát mịn và mùn lấp nó cạn dần.

Khi một dải cát mới tiếp tục được hình hành ngầm dưới đáy ven biển thì dải cát này giành được vị thế nằm ở phía trong, càng có điều kiện được củng cố vững chắc dựa và một số loại cây cỏ hoang dại, chúng quen sống ở đất nhiễm mặn và giỏi chịu nắng nóng như cây dứa dại, cây gai nhóm, cây bòng bọng (độc hoạt)… chúng có tác dụng vừa chắn giữ được cát hiện có, vừa đón nhận cát mới do luồng gió nồm chồn cát khô từ mép biển lên. Cứ như thế, năm này qua năm khác, từng dải cát, động cát tiếp tục hình thành. Biển lùi dần, đất lấn biển.

Năm bảy chục năm về truớc, ở xã Thịnh Lộc, thời gian đi qua vài thế hệ người, khoảng 60-70 năm, bãi biển được lấn ra dọc theo phía đông khoảng vài chục mét. Trên nền đất mới bồi tích ất, nếu phân chia thành từng khuôn viên thì mỗi thửa đủ lập thành một vườn ở. Nhưng cũng thời điểm ấy lại nay, biển hầu như không lùi ra nữa, hoặc lủia thì cũng rất chậm. Dải cát dọc bãi biển chỉ được bồi cao lên, chứ khoảng cách giữa nó với mép nước biển gần như không có gì thay đổi.

Vùng đồng bằng bồi tích ven biển thường có mặt phẳng hơi nghiêng về phía đông, in đậm dấu tích lượn sóng là do kết quả bồi tích của biển. Ở những nơi có núi vươn ra thì mặt bằng địa hình ít nhiều có bị biến dạng. Về cơ bản, mặt bằng gợn sóng ấy vẫn theo hướng tây bắc đông nam hướng kiến tạo chung của đồng bằng ven biển tỉnh ta.

Một đặc trưng địa hình Can Lộc là gần như hầu hết các xã đều có núi hoặc đồi, có sông hoặc hói. Cũng vì thế, gần như giống nhau, trong mỗi xã vừa có đất đòi, vừa có đất bồi tích ven sông, đất bồi tụ chân núi cũng như đất bồi tích ven biển. Khá nhiều xã xét về thổ nhưỡng các lại đất ấy đều có sự đan xen. Vì thế phân loại xã theo thổ nhưỡng cũng chỉ có mức tương đối.

Dựa vào tiêu chí thổ nhưỡng, Can Lộc có 13 xã chân núi, bán sơn địa, 12 xã thuộc vùng giữa, vùng thấp, bồi tích ven sông và bồi tụ chân núi và 5 xã đất cát bồi tích ven biển.

Do địa hình được hình thành dưới dạng lòng máng, thấp từ ven chân núi Trà Sơn – Hồng Lĩnh đến ven sông Nghèn, đã tạo nên đồng ruộng có độ chênh khá lớn; từ  độ cao 9-10m đến 6m, do đó về mùa mưa dòng chảy có lưu tốc mạnh, gây xói mòn đất đai và độ màu mỡ của đồng ruộng. Mặt khác, những vùng trũng, đất canh tác thường bị ngập nước thường xuyên, ảnh hưởng không ít đến kết quả gieo trồng các  loại cây lương thực và cây công nghiệp. Vùng cao lại thường bị khô hạn kéo dài. Thực tế hàng năm, tổng lượng nước đến rất lớn: 700 triệu m3 nước; nhưng khả năng giữ nước lại rất thấp, chỉ đạt khoảng trên 200m3, trong đó khả năng chứa nước của hồ đập khoảng 100 triệu m3/năm; ao hồ, sông suối chứa khoảng 40 triệu m3/năm và trạm bơm Linh Cảm có thể cung cấp khoảng 100 triệu m3/năm. Mặc dù vậy khả năng trữ nước tưới cho diện tích đất canh tác nông nghiệp hàng năm chỉ đạt khoảng 60 triệu m3/năm, tưới cho 4.125 ha đất nông nghiệp. Vì thế, hàng năm Can Lộc vẫn thường bị lụt úng cũng như hạn hán đều lớn và kéo dài gần như tương ứng.

Dù sao có một đồng bằng đa dạng như vậy với nền đất phần lớn là sa bồi, tích tụ, chất màu mỡ tuy không bằng vùng châu thổ các nơi, nhưng là một trong những vùng đất trồng lúa nước được gọi là trọng điểm trong tỉnh, có đầy đủ tiềm lực và ưu thế để phát triển toàn diện các ngành nông-lâm-ngư nghiệp, mở ra khá vững chắc một số ngành công nghiệp địa phương, thủ công nghiệp và dịch vụ gắn với nông nghiệp, phát huy tiềm năng và lợi thế một trong những huyện miền Trung sản xuất hàng hóa bằng lúa gạo, vừa trang trải nhu cầu địa phương, vừa góp phần làm nhiệm vụ xuất khẩu.

 

C- BỜ BIỂN

 

Can Lộc chỉ có một xã tiếp giáp bờ biển, xã Thịnh Lộc.

Bờ biển dài khoảng 12 km, một trong 5 huyện có bờ biển ngắn nhất.

Bờ biển được bồi tích từ các dòng biển chảy trong vịnh Bắc bộ, từ các hiện tượng sóng nhào của thủy triều và của nguồn gió, trong đó dòng nước lợ từ nước các sông miền Bắc đưa nước ngọt thải vào biển là rất quan trọng, bởi chúng mang phù sa các dòng sông Mã, sông Cả men theo bờ biển mà bồi lteen thềm lục địa. Đó cũng là lý do bờ biển tỉnh ta có tây bắc – đông nam.

Thời trước, trung bình khoảng 2 thế thệ, 50 đến 60 năm bờ biển ở xã Thịnh Lộc được bồi ra khoảng 15 đến 20 mét, trên bãi cát ấy có thể lập được vườn cây và sau đó có thể lập thành vườn ở. Vai ba chục năm lại nay, không còn thấy hiện tượng lùi hoặc lùi rất chậm chạp.

Trước cách mạnh tháng 8, dọc theo bờ biển, bãi cát bạc mới được bồi tích ấy trung bình rộng khoảng 500 – 600m, chạy song song ven biển, ngành kiểm lâm bố trí trồng cây phi lao, quản lý nghiêm ngặt thành một rừng cây, vừa làm chức nưng chắn sóng, chắn gió phòng hộ ven biển vừa có khoản ngân sách khá lớn. Từ sau cách mạng cho đến nay công việc quản lý dải đất phòng hộ ven biển này làm không được tốt.

Bờ biển Can Lộc nằm trong đoạn từ cửa Hội đến cửa Sót. Đoạn này bờ biển thẳng tắp, một bãi cát mịn liên tục trải dài, chỉ có một khúc hẹp cửa Kèn cắt quảng, nhưng cửa hẹp và cạn, nước triều xuống, người lội và xe cộ có thể đi qua. Mỏm núi Thung Ao trong dãy Hồng Lĩnh đổ xuống bãi biển, nhưng còn cách mép biển khoảng một trăm mét, nên tính chất bằng phẳng của bãi biển vẫn không bị phá vỡ. Cửa Lạch Kèn chưa thật ổn định. Ngày xưa nó nằm gần như trên một đường thẳng từ đỉnh 137 đến khe Nước nhỏ thẳng đến cửa lạch. Vẫn có thời kỳ lạch đổi dòng chảy ăn lên phía Bắc, nhưng một lúc lại trở về y nguyên tuyến cũ ấy. Từ ngày xây cống ngắn mặn đập Đá Bạc, lạch cũng từ đó lấn dần lên phía bắc như hiện trạng hiện nay, tạo nên một vũng khá rộng, bao quanh phía ngoài chân đê Song Nam.

 

D- SÔNG HÓI

 

Sông ngòi Can Lộc mang những đặc biểm rất dễ nhận biết

Thứ nhất, mạng lưới sông hói chi chít như hình gân lá mà sông Nghèn là gân lá chính trải dài từ đầu đến cuối huyện. Các ngọn khe từ hai dãy núi tả hữu như những gân lá phụ đổ xuống sông này. Bởi vậy Can Lộc là một trong những huyện, trên các ngả đường, có nhiều cầu nhiều đò nhất.

Khoai Ích Hậu, gấu (gạo) Đông Huề

Đò đang đợi bến, mình về với ta

(Hát ví)

Thứ hai, sông hói tuy nhiều nhưng ngắn. Vì lẽ khe suối bắt nguồn từ núi, mà núi thì kề sông, sông ở gần biển. Ruộng đất bởi vậy phần bị nhiễm mặn chiếm một diện tích đáng kể.

Thứ ba, hầu hết sông hói đều chảy quanh co, hệ số uốn khúc rất lớn. Sông Nghèn từ xưa đã mấy lần được nắn dòng, vẫn là con sông quanh co nhiều gấp khúc nhất, bởi nớ nằm trên một đồng bằng có địa hình lượn sóng. Sông bao giờ cũng chảy theo vùng trũng mà địa hình huyện thì thấp lụt.

SÔNG NGHÈN – HÀ HOÀNG GIANG

Cùng một dòng chảy, đưa nước quanh co trên dải đất trũng thấp nhất thuộc địa phận hai huyện Can Lộc và Thạch Hà, nhưng nó đã được mang khá nhiều tên gọi. Theo sách Đại Nam nhất thống chí và Thiên Lộc huyện chí, nó có cả thảy 7 tên gọi. Gần như đoạn sông thuộc địa phận làng nào, được mang địa danh làng ấy. Đó là các sông Phân Thủy (Phúc Hải), sông Cài (Kỳ Trúc), Hà Vàng (Thổ Vượng), sông Nghèn (Trảo Nha), sông Thuần Chân Kênh Cạn (Cô Kênh) và Hộ Độ… theo cách phân chia như vậy, sông Nghèn chỉ được giới hạn trong đoạn từ bến đồ Hạ Vàng đến bến đồ Thuần Chân mà thôi. Đó là đoạn sông có hệ số uống khúc lớn nhất trong tuyến, sách Địa lý Hà Tĩnh viết năm 1973 chia dòng chảy này thành hai sông thuộc nhóm Cửa Sót, trong hệ thống sông ngắn ven biển.

Sông Nghèn thuộc địa phận huyện Can Lộc, phía bắc nó thông với sông Cả qua cửa sông Minh; phía nam nó nối với sông Đò Điệm rồi đổ ra Cửa Sót.

Sông Nghèn là loại sông tàn dư của một dải phá cũ, hình thành sau khi vịnh Hà Tĩnh đã bị lấp đầy. Nó đi quanh co trong một dải đất trũng. Bên tả ngạn, nó tiếp nhận nguồn nước các khe từ dãy Hồng Lĩnh chảy xuống, đó là khe Nhà Trò đổ ra cầu Treo; khe Cồn Đống từ núi Ông đổ xuống qua đường số 1 ở cầu Cồn Đống, nay gọi cầu Cao; Khe Can Lộc chảy qua phần đất xã Thiên Lộc và khe Hội Xá chảy qua xã Phúc Lộc, cùng ngọn khe Hao chảy xuống sông Ên đi qua 3 xã: Tân Lộc, Thụ Lộc và Hậu Lộc rồi đổ vào sông Nghèn. Bên hữu ngạn nó tiếp nhận các nguồn nước Khe Cừa cây ban, khe Cừa cây sú, chạy qua các xã Vịnh Lộc, Khánh Lộc, Trung Lộc, qua sông Nhe, các xã Đồng Lộc, Xuân Lộc, Tiến Lộc, qua hói Trẽn, ngã ba Nái, cắt ngang đường 1A ở cầu Già, đổ xuống sông Nghèn.

Chia dòng chảy này thành 2 sông: sông Nghèn từ sông Minh đến Đò Điệm và sông Sót từ Đò Điệm đến Cửa Sót. Xét về lưu lượng và vận tốc dòng chảy, phân chia như vậy là có lý của nó. Dù sao về mặt thủy văn, sông Nghèn với sông Sót cũng chỉ là một.

Trong sách Nghệ An ký, Bùi Dương Lịch, tác giả tập sách, ghi chép về sông này, có nhắc lướt qua tên các đoạn sông như đã nói trên, nhưng cuối cùng ông xác định;

Toàn bộ dòng chảy từ Minh Lương (nay là xã Đức Hồng) đến Dương Luật (nay là xã Thạch Hải) đều mang một tên chúng, đó là sông Hà Hoàng. Hẳn là vào thời điểm đó, cửa Sót còn nằm về phía núi Nam Giới, thuộc địa phận xã Thạch Hải ngày nay.

Là nhà nho chính thống, nhưng trên lĩnh vực địa chí học thời xưa, Bùi Dương Lịch có tầm nhìn khá sắc săot; có những vấn đề gần như ông đã có bước tiếp cận với khoa học hiện đại.

“Sông Nghèn ngày nay vốn là dòng chảy chính của sông Lam thời xưa”. Ý kiến ấy đã nêu trong một bài khảo cứu: “Xác định vị trí đoạn hạ lưu sông Lam….”, đăng trên tạp chí “Những vấn đề lịch sử Nghệ Tĩnh” số tháng 7-1989.

Bài báo gợi ta mấy suy nghĩ:

Thứ nhất, đông nam là hướng chảy sông Nghèn, đó cũng là hướng chảy của sông Lam. Từ Vạn Rú – Sa Nam, xuống ngã ba phủ, quặt sang Phù Thạch, đi vào Nghèn – Điệm đổ nước ra biển qua cửa Sót – cửa chính của sông Lam hồi ấy. Cùng thời vẫn có một ngọn hói nhỏ từ Phù Thạch qua Bến Thủy, đổ xuống Hội Thống theo hướn đông bắc, cũng là hướng chảy như vậy của sông La. Sách Nghi Xuân địa chí chép – Hồi ấy tên là Thanh Khê – Khe nước xanh, sau đổi Long Khê (1).

Sông La, con sông không nguồn cũng không cửa, nhận nước từ hai nguồn Ngàn Sâu và Ngàn Phố. Hai dòng chảy ấy bắt nguồn từ một lưu vực rộng lớn phía tây Hà Tĩnh, vùng có lượng mưa hàng năm lớn nhất trong hai tỉnh Nghệ - Tĩnh. Dòng chảy ấy vừa ngắn lại vừa dốc. Đó cũng là lý do sông La có lưu lượng nước và vận tóc dòng chảy lớn mạnh hơn so với nguồn nước đoạn hạ lưu sông Lam. Tại ngã ba Phủ, nơi hai nguồn nước La –Lam gặp nhau, luôn xẩy ra tình trạng tranh chấp, chèn đẩy nhau hết sức dữ dội. Khi dòng chảy sông La vượt lên giành được thế áp đảo, nhân gặp trận bão lụt lớn, dòng chảy sông La cắt ngang dòng chảy sông Lam tại điểm chuyển sang sông Nghèn, từ hướng đông nam, quặt sang hướng đông bắc, theo đúng hướng chảy của nó dồn nước vào ngọn hói, khoét sâu vào vách bờ hữu ngạn, mở rộng lòng chảy, từ một ngọn hói trở thành dòng chảy chính của sông Lam, đoạn sông Nghèn, vượt sông Bến Thủy, đổ nước ra cửa Hội, sông Nghèn bị cạn hẹp dần trở thành chi lưu sông Lam từ đó. Thông thường quy luật hoạt động của dòng chảy bao giờ nó cũng tạo cho chính nó một trắc diện dọc, cân bằng theo lưu lượng và vận tộc nước, phù hợp với chiều dài và độ dốc của dòng chảy. Mọi biến thiên, chuyển đổi dòng chảy tại đoạn sông này, bởi thế cũng là điều dễ hiểu.

Thứ hai, từ nửa thời Trần trở về trước, trong sử sách (có thể chưa tra cứu kỹ), chưa thấy xuất  hiện địa danh: Hội Hải, Đan Nhai. Tương ứng thời điểm ấy, trong các sự kiện lịch sử được ghi chép ở vùng đất xứ Nghệ này như các đợt tuần du của vua chúa, quan gia, các đợt vận chuyển binh lương bằng đường sông, cũng như giao dịch buôn bán giữa ta với nước ngoài qua cửa sông… hầu như đều sử dụng đường thủy sông Nghèn, cửa biển Nam Giới. Hiện tượng ấy có hai lý do: Hoặc là người ta tránh bơi một đoạn lộ trình đường biển từ cửa Đan Nhai vào cửa Xích Lỗ (Đèo Ngang), vì không được an toàn bằng đường sông; hoặc là hồi ấy chưa có cửa Hội. Theo Nghi Xuân địa chí, thời Trần đoạn sông này có tên Thanh Khê rồi Long Khê, sau đó là Long Xuyên; sau này mới trở thành Thanh Long giang. Có thế tên một con sông chỉ rõ quy mô lớn nhỏ của con sông ấy: Khê là khe; xuyên là rào hói: giang mới là sông.

Tóm lại, có thể coi đây như một vấn đề tồn nghi về địa lú địa phương. Thiết tưởng cũng nên được tiếp tục tra cứu, biện luận để có được những giải trình chính xác.

        Núi xanh sao gọi núi Hồng?

Hà Vàng sao nước xanh trong tứ mùa

                                                         (Hát ví đò đưa)

Thực tình nước “xanh trong” hiện tại cũng chỉ có được từ cống ngăn mặn Đồng Huề trở lên. Trên đất Can Lọc, độc nhất chỉ có một công trình ngăn mặn này xây dựng từ thời Pháp thuộc (1942), đến nay vẫn phát huy tác dụng. Từ cống này trở xuống đều là sông nước mặn. Lưu vực ruộng đất nhiễm mặn đang trải rộng mênh mông trên đồng ruộng mấy chục xã thuộc địa phận hạ Can Lộc và hạ Thạch Hà, gợi ta nghĩ về quê đói nghèo truyền kiếp. Cho đến nay, hầu như tất cả các xã trên vùng đất này vẫn chưa xã nào rút khỏi danh bạ những xã nghèo đói.

 Sau cách mạng tháng 8, Can Lộc là một trong những huyện rất được quan tâm về thủy lợi – hàng loạt công trình đã được nhà nước cùng nhân dân đầu tư xây dựng. Trên 80% ruộng đất đã được tưới nước về cơ bản. Tuy vậy, diện ruộng đất thiếu nước tươi còn rất lớn. Nhiễm mặn, chống úng đang là những thực trạng đặt ra nhức nhối hiện nay.

III – KHÍ HẬU – THỜI TIẾT

Can Lộc nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của khí hậu chuyển tiếp giữa miền Bắc và miền Nam. Mặt khác thời tiết hàng năm chia thành hai mùa rõ rệt.

Mùa mưa thường kéo dài từ tháng 8 đến tháng 12, chịu ảnh hưởng nhiều của bão và áp thấp nhiệt đới, gây ảnh hưởng lũ lớn tập trung vào các tháng 9-10 hàng năm. Lượng mưa bình quân từ 2.200mm đến 2.300mm. Lượng mưa cao nhất 2.700 mm, thấp nhất 1.600mm. Đột biến có năm lượng mưa lên tới 3.500mm (năm 1989).

Mùa khô từ tháng 1 đến tháng 7. Trong những tháng từ tháng 1 đến tháng 3, thường có gió mùa đông bắc, gây những đợt rét đậm, kéo dài, nhiệt độ hạ thấp từ 10oC đến 13oC, cũng có khi 8oC đến 9oC. Từ tháng 4 đến tháng 8 thường có từng đợt gió tây nam, quen gọi gió nam Lào, kéo dài nắng nóng gay gắt, đưa nhiệt đố lên 37oC đế 38oC, có khi đến 39oC.

Nhiệt độ vùng này trung bình hàng năm cao nhất là 38oC đến 39oC, thấp nhất là 8oC đến 9oC. Độ ẩm trung bình năm 76-90%.

Số liệu lịch sử quan trắc gần 100 năm qua tại hai đài khí tượng thị xã Hà Tĩnh và thành phố Vinh, khi hậu thời tiết vùng Can Lộc đã được phản ánh (xem phần phụ chép…)

Số liệu trên đây cho biết, khí hậu thời tiết Can Lộc có những thuận lợi, nhưng cũng không ít những khó khăn: Thừa nắng, đủ mưa nhưng không giữ được nước, úng lụt, khô hạn, bốc mặn là những tai họa đang hoành hành; thời tiết chuyển đổi đột ngột thất thường, “tháng năm năm tật, tháng mười mười tật”.

Đủ mưa, thừa nắng là một thuận lợi. Hàng năm, số ngày nắng khá dồi dào, đủ nhiệt lượng cần thiết cho gieo trồng, sinh trưởng, vừa thuận tiện trong các mặt thu hoạch trẩy hái, trau phơi cày đất “một đường cày rang bằng ba tràng phân lót”.

Đủ lượng mưa là quý, nhưng mưa dầm gió bấc kéo dài “bổ sung”, vào dịp gieo trỉa lạc, rau đông xuân cùng rất tai hại, vừa chậm thời vụ gieo trồng mà gieo trồng rồi cũng không sinh trưởng tốt.

Can Lộc sẵn có hai dãy núi hai phía: Trà Sơn góp phần che chắn gió nam Lào, Hồng Lĩnh che chắn gió đông bắc.Núi không thể loại trừ hết tai hại các luồng gió ấy nhưng đỡ được phần nào. Khắc nghiệt nhất đối với Can Lộc vẫn là nạn khô nóng của gió nam Lào và nạn úng lụt của mưa bão.

Từ vịnh Ban-gan, gió tây nam leo qua Trường Sơn vào Hà Tĩnh đã bị biến tính do tác dụng hiệu ứng của “phơn”. Nó đẩy nhiệt độ trùng bình vùng này lên 35oC, có đợt lên đến 38oC đến 39oC. Vào thời điểm ấy, nước vốn đã hiếm, lượng bốc h ơi lại nhanh ghê gớm, nhiều ao hồ cạn kiệt.

Gió tây nam thổ mạnh thường từ 11 giờ đến 14 giờ trong ngày, kéo dài dăm ba ngày mỗi đợt. Nhưng cũng có khi kéo dài 8-9 ngày liên tục, tạo nên độ nóng hết sức gay gắt. Phi lao, tre hóp là những loại cây giỏi chịu hạn, có khi có những vùng cũng bị sém khô như bị đốt cháy; chiếu trải giường nóng hực như mới mang từ lò lửa ra; quạt càng chạy càng nóng không chịu nổi: “Lúa trổ lập hạ, buồn bà cả làng”, “Ba ngày nắng nam,mùa màng mất trắng” là thế.

Can lộc ½ số hộ ở theo chân đồi, nhà xây trên nền đá. Ngày có gió “nam Lào” vùng nền đất cát, 7-8 giờ đêm không khí đã trở nên lại dịu mát; nhà trên nền đá, quá nửa đêm, nóng bức vẫn hoành hành.

Cốt đất địa hình thấp cao xen kẽ, lại chênh lòng máng. Hàng loạt xóm làng ở vùng đất thấp lụt: Phúc Hải, Nguyệt Ao, Đoài Khê, Hà Hoàng, Thượng Hồ, Hạ Lội, Kẻ Hói, Kẻ Đò… đã nói thực cảnh ấy. Chỉ cần mưa ròng rã một ngày đêm vượt quá 600mm, các làng mạc đã trở thành ốc đảo. Huyện xuống xã, xã lên huyện phương tiện duy nhất là phải dùng đò. Nói “chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn” là vì thế.

Chừng nào công trình ngăn mặn Đò Điệm chưa được giải quyết, một nửa huyện Can Lộc mùa màng đang phải gánh chịu tai nạn nhiễm mặn vì nước sông Nghèn trong những cao điểm nắng hạn cũng như khi lũ lụt.

Do những đặc điểm địa hình, đất Can Lộc tuy hẹp vẫn hình thành những “tiểu vùng” mưa nắng có khác nhau. Vùng có sườn núi hứng gió thì nhiều mưa hơn vùng núi chắn gió. Hai làng có khi khoảng cách không xa nhau mấy, nhưng có khi nơi này được mưa, nơi kia không mưa: “Kẻ Cài reo, Kẻ Treo khóc” là thế. Có vùng nhờ núi chắn, đất màu không hề bị sương muối, thích hợp trồng cà chùa. Có vùng “Tiểu thử thì vãi, đại thử thì cấy”, có vùng phải đợi: “Chó thở lè lại (lưỡi), mới vãi vừng ra”. Nhìn hiện tượng mây chớp để đoán gió mưa theo chiêm nghiệm lâu đời, mỗi vùng cũng có khác: “Chớp Eo Và, dọn nhà không kịp”, “Mây U Bò, lò mò mà ra”, “Rú Hống mang đai, rú Cài đội mão”…

 

PHỤ CHÉP

THỜI TIẾT KHÍ HẬU CAN LỘC

Theo tài liệu lịch sử gần 100 năm của Đài khí tượng
Vinh và Hà Tĩnh

Bảng A


Tháng

Nhiệt độ

Lượng mưa (mm)

Độ ẩm không khí (%)

Giờ nắng

Thấp nhất

Cao
nhất

1

9,9

28,9

80 - 100

85 - 90

90

2

10,9

32,2

70 - 78

87 – 92

70

3

13,4

33,5

70 - 80

87 – 92

80

4

13,3

38,6

50 - 80

80 - 90

150

5

19,1

37,9

120 - 150

76 – 85

230

6

22,9

39,7

100 - 120

70 - 80

200

7

22,1

37,9

120 - 150

70 - 80

240

8

23,1

38,7

200 - 250

80 - 90

180

9

21,4

37,0

400 - 500

85 - 90

160

10

15,5

32,7

500 -700

85 - 90

100 - 130

11

13,4

32,7

250 - 300

85 - 90

80 -100

12

8,0

29,5

80 - 100

80 -90

70 - 80

Bảng B


Tháng

Gió

Bão lụt

Gió mùa

Gió tây (Lào)

1

3 – 4 – 6 đợt

 

 

2

Còn mạnh

 

 

3

Suy yếu, có đợt rét đột ngột

 

 

4

Xen gió mùa đông

Yếu, có gió khô nóng

Mưa rào đông xuất hiện (gió mạnh kèm mưa)

5

 

Nóng, kèm nắng gắt

Mưa lụt tiểu mãn 47%

6

 

Mạnh, liên tục

 

7

 

Mạnh nhất, nắng nóng nhất

Bão xuất hiện

8

 

Suy yếu

Bão mạnh, mùa mưa bắt đầu

9

Đầu mùa đã có

 

Cao điểm của lụt, mùa mưa

10

Tràn về

 

Cao điểm của mùa mưa, bão

11

Mạnh dần

 

Bão ít nhưng lượng mưa lớn

12

Thịnh hành

 

 

CHƯƠNG II

TIỀM LỰC KINH TẾ

 

Những đặc điểm về tự nhiên nói ở phần trên đều trực tiếp chi phối tiến trình hoạt động kinh tế, văn hóa của huyện.

Can Lộc có rừng, có biển và đồng bằng, những yếu tố thuận lợi để phát triển sản xxuất hàng hóa và chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nông thon theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

I – VỀ NÔNG NGHIỆP

Cũng như nhiều huyện khác trong tỉnh, ruộng đất huyện Can Lộc không màu mỡ như ở các huyện thuộc vùng châu thổ sông Hồng và sông Cửa Long, nhưng với kỹ năng kinh nghiệm  từng trải trên các mặt sử dụng, khai thác, bảo vệ nuôi dưỡng nó, cùng với tầm nhìn thoáng mở hiện nay, đó là nguồn vốn hết sức quý giá.

Những loại cây lương thực đã trồng trên vùng đất này theo từng mốc thời gian, số liệu lịch sử cho biết như sau:

 

Cây lương thực

1925(1)

1955

1975

1995

Diện tích lúa (ha)

Sản lượng lúa (tấn)

Diện tích khoai (ha)

Diện tích ngô (ha)

Diện tích sắn

Diện tích lạc

17.300ha

22.700 tấn

400 ha

18.756 ha

31.822 tấn

1.554 ha

 

 

212

20.113 ha

36.785 tấn

1.395 ha

 

 

392

19.249 ha

64.325 tấn

1.720 ha

208 ha

280 ha

650 ha

Với tổng diện tích tự nhiên 37.300 ha, diện tích đang bố trí vào sản xuất nông, lâm nghiệp là 19.875 ha, bằng 53,28%; đất chưa sử dụng là 12.385 ha, bằng 33,25 đất tự nhiên(1).

Trong số đất trồng cây hàng  năm là 12.931 ha thì 11.389 ha bằng 88% đất trồng cây dành cho trồng lúa.

Trong những năm gần đây, diện tích gieo trồng một số cây trồng chủ yếu (tính bằng ha) như sau:

Diện tích cây trồng

1991

1992

1993

1994

1995

- Lúa cả năm

- Khoai lang

- Sắn

- Ngô

- Lạc

- Mía

19.661

2.599

200

 

436

56

18.503

3.031

182

 

436

55

18.525

2.710

280

 

547

47

18.852

2.708

276

124

597

71

19.249

1.720

280

208

650

70

Cây lúa phát triển ổn định cả về diện tích và năng suất, đặc biệt trong các năm 1993 và 1994, sản lượng lúa tưng vọt từ 38.24 ngàn tấn năm 1991 lên gần 60 ngàn tấn năm 1994.

Khoai lang và cây màu lương thực khá lớn sau cây lúa, năng suất hiện vẫn ổn định khoảng 50 tạ/ha. Sản phẩm trước đây chủ yếu làm lương thực cho người.

Từ năm 1993 lại nay, hướng sử dụng màu trong đó có khoai lang đã có sự thay đổi, phần lớn dành cho chăn nuôi gia súc. Nếu duy trì diện tích khoai trên thì vấn đề chế biến đặt ra cấp bách.

Các loại cây khác diện tích còn ít, do những nguyên nhân tập quán và kỹ thuật khác nhau, năng suất lạc chưa thật ổn định. Mía có khả năng phát triển nhưng khá nhiều vướng mắc về thu hoạch, giá cả… chưa được tháo gỡ hợp lý… Ngô đông và ngô xuân có triển vọng mở ra, qua các thử nghiệm đã cho những kết quả rất đáng quan tâm.

Chuyển một bộ phận diện tích khoai, sắn hiện năng suất đang thấp sang trồng ngô là hướng đi phù hợp.

Nguồn kinh tế vườn ở Can Lộc chưa được khơi dậy đúng tầm quan trọng của nó. Diện tích đất vườn của Can Lộc hiện nay là 1.455,22 ha, được phân bố tại nhiều vùng khác nhau, không ít những mô hình tốt về vườn, VAC và VACR chưa được khảo sát, tổng kết để nhân rộng ra. “Nhất mậu trạch, bách mậu điền”. Một mẫu vườn hơn mười mẫu ruộng, là một tổng kết chhung cho nhiều nơi, đối với huyện này, nhất là ở vùng bán sơn địa Trà sơn, Hồng Lĩnh và vùng đồng bằng ven biển đất cát hạ Can, câu nói này của ông cha ta xưa còn có ý  nghĩa thiết thân.

* Về chăn nuôi

Cũng theo mốc thời gian như phần trồng trọt ở trên, số liệu lịch sử về chăn nuôi như sau:

Vật nuôi

1925

1955

1975

1995

- Trâu (con)

- Bò

- Lợn

 

8.700(1)

8.115

11.952

19.930

11.891

6.595

31.056

11.735

11.940

43.800

Theo số liệu trên phản ánh chăn nuôi huyện này vẫn mang tính tập quán truyền thống, nằm tròn phạm vi tận dụng sản phẩm, phế phẩm và mục đích chăn nuôi là để phục vụ cho cày bừa gieo trỉa mà thôi.

- Do mục đích chăn nuôi như vậy nên hình thức chăn nuôi trâu bò là phân tán trong các hộ gia đình. Chỗ chăn thả chủ yếu ở các bãi tự nhiên hoặc ven đường giao thông. Ở vùng đồi Trà sơn, Hồng Lĩnh một số hộ có chăn nuôi bò đàn với mục đích làm hàng thương phẩm, cũng vẫn chăn thả tự nhiên trên các bãi đất công.

Giống bò chăn nuôi là giống bò địa phương, thường gọi giống bò “cóc”, tầm vóc nhỏ bé, khả năng sinh sản kém và tỷ lệ thịt rất thấp.

Trong năm 1994, đàn trâu bò giảm mạnh từ 14.075 con xuống 11.130 con. Lý do chính là bắt đầu thực hiện gieo đất và bãi chăn thả cho các hộ gia đình được sử dụng lâu dài, đàn trâu bò mất bãi chăn thả tự nhiên. Chăn thả theo hướng thâm canh là hướng đi bắt buộc. Vì vậy cần có những mô hình thích hợp để sớm hướng dẫn đi theo hướng này, có thể đón nhận những chương trình của sin hóa đàn bò mà tỉnh ta đã bắt đầu thực hiện.

- Đàn lợn bình quân hàng năm có khoảng 42 ngàn con. Năm 1993, năm cao nhất có 43.900 con. Quy mô đàn nái bình quân hàng năm trên 5.000 con, huyện không những tự túc được giống lợn để chăn nuôi lấy thịt mà còn có thể đủ xuất một số lợn con giống ra ngoài nội địa huyện.

Lợn chăn nuôi chủ yếu hiện nay là giống lai giữa Đại bạch và Móng cái nên trọng lượng xuất chuồng bình quân đã có tăng lên.

Hình thức chăn nuôi lợn vẫn là phân tán trong các hộ gia đình. Thông thường mỗi hộ gia đình có từ một đến hai con. Bình quân mỗi hộ  hiện nay là 1,08 con lợn. Nguồn thức  ăn là phế, phụ phẩm, trồng trọt và thức ăn gia đình tự túc, từng gia đình lo cả việc phòng trừ dịch bệnh.

Với phương thức chăn nuôi như trên, tiềm năng quy mô đàn lợn của huyện còn rất lớn. Khi đã giải quyết đủ lương thực trên địa bàn, đã có một phần thóc hàng hóa, việc khai thác tiềm năng phát triển quy mô đàn lợn tùy thuộc phần lớn vào tổ chức tiêu thụ và chế biến sản phẩm thịt trên quy mô toàn huyện và xuất ra ngoài huyện.

Trong huyện, đã có đàn hươu trên 40 con và đàn dê trên 180 con. Đây là hình thức chăn nuôi gia súc đặc sản rất cần được khuyến khích. Trước mắt thị trường giá cả có những biến động chưa thật ổn định, duy trì và tiếp tục phát triển được chúng, còn phải giỏi ở khâu giải quyết tốt đầu ra.

Nghề ấp trứng, nuôi vịt đàn là thế mạnh nổi trội của huyện. Các xã  Khánh - Trung - Vượng - Vịnh - Song - Tiến… là những xã nuôi vịt đàn có truyền thóng. Thôn Quần Ngọc xã Khánh Lộc là quê gốc của nghề ấp vịt từ thời  Gia Long lại nay(1).

II – VỀ LÂM NGHIỆP

Tổng diện tích đất lâm nghiệp của huyện là 12.022 ha. Được bố trí sử dụng như sau:

- Đất lâm nghiệp có rừng: 5.264 ha, trong đó: rừng tự nhiên 2.600ha và rừng trồng 2.264 ha

- Đất hoang đồi núi: 6.656 ha

- Núi đá: 102 ha

Thực trạng các loại rừng sản xuất thì rừng giàu không còn bao nhiêu, chỉ còn một ít tập trung ở vùng Trà Sơn và trữ lượng gỗ ở đây cũng không đáng kể. Phần lớn diện tích rừng là rừng nghèo, rừng phục hồi và hỗn giao.

Hướng khai thác tài nguyên rừng hiện nay chủ yếu là góp phần làm chất đốt cho dân cư và một ít gỗ dân dụng.

Việc nghiên cứu chương trình giải quyết chất đốt cho dân cư là biện pháp cơ bản hỗ trợ quan trọng, có hiệu lực góp phần bảo vệ rừng, phát triển nông nghiệp hiện nay. Phải quyết liệt thực hiện bằng được chương trình giao đất giao rừng và đất đồi cho hộ gia đình là nhiệm vụ cấp bách trong sự nghiệp bảo vệ rừng.

Đất lâm nghiệp tập trung ở hai vùng núi Hồng Lĩnh và Trà sơn.

- Ở Hồng Lĩnh, tầng cao đất xấu, hướng chủ yếu khoanh nuôi tạo thêm thực vật, tầng thấp tập trung trồng cây loại cây phát tán để giữ độ ẩm cho các hồ chứa nước và tạo cảnh quan môi trường cho cả vùng này.

- Ở Trà Sơn, hướng phát triển lâm nghiệp chủ yếu tập trung ở đó bằng cả hai hướng: Khoanh nuôi bảo vệ và trồng rừng:

Trong những năm tới sẽ lần lượt xây dựng các nhà máy chế biến gỗ, chế biến nhựa thông tại vùng Bãi Vọt. Việc cung cấp những khối lượng lớn về nguyên liệu gỗ, nguyên liệu nhựa phải được đặt ra ngay từ bây giờ.

Việc tổng kết rút ra những bài học về thực hiện dự án PAm là rất cần thiết. Trong những năm trước mắt coi trọng việc trồng cây lâm nghiệp, phân tán để nhanh chóng tái sinh vốn rừng, đây vừa nhằm phát triển kinh tế rừng vừa cải tạo môi trường sinh thái. Trên núi Hồng Lĩnh, có những vũng trũng, ngậm những khối nước ngầm khá lớn. Phía nam Hồng Lĩnh được che chắn gió mùa đông bắc. Đó là những thuận lợi để phát triển cây trồng mái núi phía này.

III – VỀ THỦY, HẢI SẢN

Ở Can Lộc vẫn có hai nghề: Đánh cá biển và nuôi trồng thủy sản nước lợ và nước ngọt.

Về nghề biển: Huyện chỉ có một xã Thịnh Lộc là bãi ngang có một số hộ nông nghiệp làm thêm nghề đánh cá biển.

Ngoài ra, cũng còn có một số hộ ở làng Phan thuộc xã Ích Hậu có thuyền câu loại nhỏ, thường theo sông Nghèn ra Cửa Sót hành nghề ở biển.

Cũng cần thấy hết cái thế mạnh của vùng biển này. Nằm trong vùng biển phát sinh phát tán các loại sinh vật nó có các luồng cá giao thoa từ bắc vào và từ nam ra. Bờ biển dài, đáy biển có lớp bùn mỏng thuận tiện thả các loại lưới quét. Chế độ thủy triều lên xuống ổn định. Nhiệt độ nước biển trên bề mặt cũng gần như dưới đáy. Mùa đông cũng như mùa hè, nhiệt độ trung bình từ 21 đến 23oC, không chênh lệch mấy trong suốt cả năm. Độ mặn từ 3,4 đến 3,5%, thích ứng với nhiều loại vi sinh vật biển. Dòng chảy sông Cả và sông Sót khi đi qua hai cửa đổ nước ra biển, ngòi lạch đều chảy quặt theo hình cần câu, một theo hướng đông nam, một theo hướng đông bắc, gần như giao nhau tại vùng biển này. Dòng chảy ấy ngoài nguồn nước lợ, chúng còn bổ sung cho đáy biển vùng này một ít phù sa và các loại phù du sinh vật, thuận lợi cho môi trường hội tụ, phát triển các loại cá, tôm.

Chính vì vậy, theo từng mùa vụ khác nhau, các đàn cá thường xuất hiện trên vùng biển khá dày đặc. Cá rọc, cá trích, cá quận, cá bạc má… Đặc biệt các loại cá ve nhỏ, cá cơm nhỏ và tép biển (ruốc), đến mùa, chúng thường áp bờ từng đàn lớn, phát hiện ra chúng tập trung mọi phương tiện., lực lượng bủa vây và đánh bắt đúng hướng và kịp thời, thường thu hoạch khá lớn.

Sau năm mươi năm đến sáu mươi năm, qua hai cuộc kháng chiến các dòng chảy lưu vực này, mặt nọ, mặt kia đã có những đổi thay. Tổ quốc lực lượng khai thác đánh bắt cũng đã có những mặt khác trước. Nhưng về cơ bản, thuận lợi của vùng biển này vẫn là hứa hẹn.

Ngày nay trong lĩnh vực đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, đã có những kỹ thuật, phương tiện máy móc ngày càng hiện đại. Vấn đề hiện tại là cách tổ chức lực lượng, khởi nguồn đầu tư, giải quyết đầu vào, đầu ra ra sao, đòi hỏi có những mô hình và chỉ đạo nhạy bén.

Về nuôi trồng thủy sản, hiện tại cả huyện có trên 4.000 ao cá với diện tích mặt nước khoảng 60 ha. Các ao hồ này bố trí xen kẽ trong các khu dân cư, do gia đình quản lý và nuôi thả tự nhiên hoặc kết hợp nuôi cá với thả các loại rau xanh làm thức ăn cho lợn nuôi gia đình.

Toàn huyện có 12 hồ nước, trong đó có 2 hồ lớn có khả năng nuôi cá nước ngọt, vẫn chưa có phương án khai thác. Dọc hai bờ sông Nghèn xây dựng khoanh nuôi tôm, khoanh nuôi thủy hải sản có khả năng dồi dào. Vốn liếng tổ chức ra sao đó là những vấn đề đang đặt ra.

*
*    *

 Khai thác các tiềm năng trên đây phải có cơ sở vật chất kỹ thuật và cơ sở hạ tầng tương ứng.

Ở đây, chỉ ghi đôi nét về giao thông và thủy lợi.

Trước hết là thủy lợi: Can Lộc đã có hệ thống các công trình được xây dựng qua nhiều năm.

- Đại thủy nông có trạm bơm Linh Cảm.

- Trung thủy nông có các công trình Khe Lang, đập Nhà Đờng, đập Cù Lây – Trường Lão, đập Vực Trống.

- Tiểu thủy nông có gần 70 công trình.

Những năm gần đây, dốc sức làm xong công trình hồ chứa Cửa Thờ - Trại Tiểu với vốn đầu tư trên 5 tỷ đồng và huyện đang tập trung hoàn chỉnh đập Khe Hao. Trong số công trình thủy nông ngăn mặn - giữ ngọt còn có cống Đông Huề, làm từ trước Cách mạng tháng 8 (1942), đến nay đang phát huy tác dụng tốt.

Các hệ thống thủy lợi của huyện đã giải quyết được trên 80% nhu cầu nước tưới. Nhưng do tính khắc nghiệt của khí hậu, tính phức tạp của địa hình nên có một số vấn đề đặt ra cho thủy lợi vẫn chưa hoàn toàn chủ động giải quyết được. Yêu cầu tiêu nước cũng khá quan trọng nhưng chưa nơi nào giải quyết được. Một số công trình thủy lợi xây dựng đã lâu, hiện tại xuống cấp cần được sửa chữa nâng cấp. Một số công trình xây dựng gần đây do khảo sát và tính toán chưa kỹ nên chưa được khai thác đầy đủ. Đó là những vấn đề phải được nghiên cứu chín chắn để có những phương án giải quyết vấn đề thủy lợi huyện này một cách tối ưu.

* Thứ hai, giao thông

Do những đặc điểm kiến tạo tự nhiên, Can Lộc có hệ thống giao thông thủy bộ khá chằng chịt và phân bố khá hợp lý.

1. Hệ thống đường bộ

- Đường quốc lộ:

+ Tuyến quốc lộ 1A qua giữa huyện dài 12 km. Đây là trục giao thông chính Bắc - Nam.

+ Quốc lộ 15: chạy dọc Trà sơn nối quốc lộ 8 với tỉnh lộ 3 tại Khe Giao. Phần đường qua Can Lộc dài 18 km.

+ Tuyến đường 70 và đường 58 là các tuyến đường quốc phòng. Đường 70 nằm phía sau dãy Trà sơn chạy từ Đức Thọ ven hồ Khe Lang,Vực Trống, Cửa Thờ, Trại Tiểu nối đường 71 Hương Khê. Đây là tuyến đường chiến lược vận chuyển hàng hóa. Đường hành quân của bộ đội ta vào chiến trường trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Đường 58 nối trục đường I chạy dọc ven núi Hồng Lĩnh nối với bờ biển xã Thịnh Lộc dài 20 km. Đây là tuyến chủ yếu tăng cường hệ thống phòng thủ ven biển.

- Hệ thống đường tỉnh lộ:

+ Tỉnh lộ 2 dài 12 km, nối ngã ba Ba Giang (Thạch Hà) với ngã ba Đồng Lộc (đường 15) phần đi qua địa phận Can Lộc dài 7 km. Tuyến đường này đang là đường cấp phối.

+ Tỉnh lộ 6: Dài 8 km, nối ngã ba Khiêm Ích với ngã ba Nghèn dài 8,5km. Tuyến này đã được thấm mặt nhựa.

+ Tỉnh lộ 7: Dài 12 km, nối ngã ba Bắc Nghèn với đường 22-12. Tuyến này mới rải nhựa được 5 km, hiện đang là đường cấp phối.

+Tỉnh lộ 22-12: Chạy dọc ven biển. Phần đi qua Can Lộc dài 9km. Tuyến này đã được láng nhựa. Đây là tuyến quan trọng cả về quốc phòng, kinh tế, xã hội cho vùng hạ Can.

+ Tỉnh lộ 12 là tuyến đường chợ Đình – quán Trại, dài 10,7 km nối tỉnh lộ 6 với đường 15. Tuyến này hiện đang thi công.

- Hệ thống đường liên xã, đường xã.

+ Đường liên xã: Toàn huyện có 31 tuyến đường liên xã với tổng chiều dài 129 km, nối các xã các vùng với nhau. Các tuyến đường này hầu hết đang là đường cấp phối.

+ Đường xã: Tổng các đường trục chính các xã dài 230 km đều đã được rải sỏi cấp phối, vì vậy không bị lầy lội trong mùa mưa như thời trước.

- Tuyến trục chính của huyện: Có hai trục đường chính của huyện.

+ Tuyến thị trấn Nghèn - Sơn Lộc: Dài 7,4kn. Tuyến này đã được làm mặt nhựa 5,5 km.

+ Tuyến Tùng Lộc - An  Lộc dài 6km, hiện đang là đường cấp phối.

Tổng số cầu cống trên địa bàn.

Chỉ tính tuyến trục huyện, xã có 184 cầu cống các loại; trong đó có một số cầu lớn từ 8 đến 12 mét; cầu Văn Đinh, cầu Yên Đồng, cầu Làng Rọng, cầu Rọc Cẩn, cầu Trung Vinh, cầu xóm 8, cầu Cài, cầu Cửa Trại, cầu Khe Thờ, cầu Kênh, cầu Kiệt, cầu Ngạo…

Riêng xã Vượng Lộc có cả thảy 13 cầu vào xã có chiều dài từ 25 mét đến 80 mét. Đây là xã duy nhất ô tô vào đang khó khăn.

2. Về đường thủy

Can Lộc có hệ thống sông Nghèn bắt đầu từ Trung Lương đổ nước ra Cửa Sót, có độ dài 37km. Đây là hệ thống giao thông đường thủy chính. Tàu thuyền có sức chở 20 đến 25 tấn hoạt động thường xuyên trên tuyến đường thủy này. Riêng đoạn từ cầu Nghèn ra biển loại tàu thuyền có sức chở 150 tấn trở xuống hoạt động tốt.

Hệ thống kênh Nhà Lê bắt nguồn từ kênh 19-5 (Đức Thọ) đi qua các xã Kim - Song - Trường - Yên -  Vịnh - Khánh - Vượng dài trên 10 km, thuận tiện cho vận tải nhỏ hoạt động.

Hệ thống sông Ba Nái, sông Dà bắt nguồn từ vùng Thạch Minh (Thạch Hà) và một nhánh bắt nguồn từ vùng thượng Xuân Lộc.

Khi chưa có đập ngăn mặn sông Dà thì thuyến này khá thuận tiện cho vận chuyển hàng hóa về các xã Xuân – Quang – Sơn Lộc và vùng Bắc Hà.

Hệ thống sông Yến Giang; từ Tân Lộc xuống Thụ Lộc, Hậu Lộc qua cầu Trù.

IV – CÔNG NGHIỆP ĐỊA PHƯƠNG VÀ THỦ CÔNG NGHIỆP

Giá trị sản lượng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 1995 của Can Lộc đạt 9.800 triệu, nhích hơn chút ít so với những năm trước đó.

Nhìn về sắp tới, nền công nghiệp Can Lộc đang chứa đựng tiềm lực đáng mừng.

Là vùng đất nằm trong vùng quần thể địa chất với địa hình đá trầm tích biến chất và đá mác-ma a-xít, qua những bước thăm gò chưa thật đầy đủ, Can Lộc có hai vùng mỏ sắt măng-gan: mỏ sắt Chân Tiên ở xã Thịnh Lộc và mỏ sắt núi Bụt xã Phú Lộc.

Mỏ sắt Chân Tiên liền khoảnh với mỏ sắt Động Kèn thuộc thôn Song Nam xã Cương Gián – Nghi Xuân. Khu mỏ phân bố trên chiều dài 7.500m, dày 2,5m, trữ lượng sơ bộ xác định đạt C1: 48 vạn tấn quặng. Từ năm 1934, một vài nhà tư bản thầu khoán cơ sở ở Vinh(1) đã đứng ra trưng thầu khai mỏ lấy quặng dưới dạng sắt măng-gan (Ferro-manganèse) bán cho người Nhật chở thẳng quặng về Nhật bằng tàu biển. Từ một vùng “Cảnh Bụt, cảnh tiên” trầm lặng, năm bảy năm đào mỏ, không khí công nghiệp được khơi dậy, sôi động hẳn lên bắt đầu đã có hình ảnh đơn sơ của một “thị trấn nhỏ”. Nhưng rồi, năm 1939 thế chiến nổ ra, trên biển, các tàu biển Nhật bị phong tỏa dữ dội, công việc đình  đốn, mỏ Chân Tiên phải đóng cửa.

Mỏ Phúc Lộc mới ở bước thăm dò: dài khoảng trên 1.000 mét, trữ lượng khoảng 6,2 vạn tấn. Trong tương lại, khi mỏ sắt Thạch Khê được khai thác, các mỏ “phụ điểm” này hẳn sẽ nằm trong toàn bộ quy hoạch khai thác quặng sắt của tỉnh ta.

Theo tài liệu khảo sát, Can Lộc còn có mỏ cao lanh với trữ lượng đáng kể, chất lượng chưa cao, nhưng có thể dùng sản xuất các loại gốm sứ hiện đang rất cần, kể cả một số mặt hàng gốm sứ cao cấp.

Hiện tại, Can Lộc là một trong những huyện có khá dồi dào trữ lượng đá hoa cương và các loại cát sỏi dùng trong xây dựng. Về phượng diện nhu cầu xây dựng, đá ong ở Nga Lộc và một vài xã khác cũng là hàng có giá.

Năm 1995, khai thác đá 18,000m3

Cát sỏi 45.850 m3

Gạch ngói cũng là một thế mạnh. Năm 1995 sản xuất được ngói các loại 312 ngàn viên; gạch các loại 1.090 ngàn viên.

Về nghề thủ công: Để phục vụ các yêu cầu các mặt sản xuất vừa để có đồng ra đồng vào, bổ sung thu nhập trong những ngày nông nhàn, ở Can Lộc, các nghề thủ công trong từng hộ gia đình hoặc trong từng phường khác nhau đã phát sinh, phát triển khá sớm. Hoạt động này gắn chặt với sản xuất nông nghiệp, phục vụ nông nghiệp.

Phần văn hóa dân gian sẽ nói kỹ hơn. Ở đây chỉ đề cập một vài nghề tiêu biểu ở từng vùng khác nhau.

* Nghề đúc lưỡi cày ở Vĩnh Hòa.

Nói đúc lưỡi cày là nói gộp, thực ra đúc cả hai bộ phận lưỡi cày và diệp cày, thường đường quy định tỷ lệ 10 lưỡi thì một diệp. Bởi diệp lâu hỏng, đúc tỷ lệ 1/10 là vừa.

- Đúc hỗn hợp gang với sắt với tỷ lệ thông thường 2/3 gang, 1/3 sắt.

- Đúc bằng khuôn đất sét. Về sau, đúc bằng khuôn sang.

Đất sét có màu đen này chỉ có ở bãi Sác vùng Voi nay  thuộc xã Kỳ Tiến. Bố trí khai thác mua và vận vận chuyển gần 100 cây số. Phải dùng cối bằng gỗ táu và chày cũng bằng gỗ táu, dài hai thước đời trước, cho đất sét vào cối, hai người hai chày giã liên tục theo quy cách giã thịt gói giò. Dùng bột tro đốt toàn tính, khi sét đã nhuyễn cho bột tro vào, thêm nước vừa phải, giã đi giã lại cho nhuyễn thêm. Kiểm tra lần cuối, thấy được mới mang ra đúc khuôn. Trong lòng khuôn có cái “luộn” để tạo dáng mặt của lưỡi cày.

           Em về đâm (giã) đất vắt khuôn

Anh vắt cho cái “luộn” để đi buôn với phường.

Luộn là cái sườn bằng gang, ngoài bọc kín bằng đất sét.

Than đốt lò phải là than lim, mua ở chợ Gát, chợ Đồn Điền.

Hàng năm chỉ làm nghề có 6 tháng, tháng 3 đến tháng 6 là tháng cao điểm, sản xuất cho đủ và đem bán cho kịp trong thời gian đò. Nghề cũng theo thời vụ.

Trong phường có 10 lò, mỗi lò phải đúc 150 cái cả lưỡi và diệp mỗi ngày theo tỷ lệ đã định. Như vậy, một lò trong một mùa (6 tháng) sản xuất ra 27 nghìn lưỡi diệp.

Vì là nông cụ thông dụng, số lượng tiêu thụ tại chỗ cũng đã khá lớn. Ngoài ra, một phần người trong phường phân chia nhau gánh bộ đi bán ra ngoài huyện, ngoài tỉnh, một phần khác có một bộ phận người nhận bán buôn giúp phường. Số lưỡi diệp sản xuất ở phường này được mang bán khá rộng: ra Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên lên Hương Sơn, Hương Khê vào đến Quảng Bình; một số vào đến Quảng Trị. Phương tiện vận chuyển là đôi bồ đan bằng nứa, có mẹt đậy cẩn thận, dùng dây thừng xâu hẳn vào lưng bồ thay chức năng gióng. Đòn gánh là đòn ống bằng đoạn nguyên cây nứa loại lớn. Làm ăn khá vất vả nhưng khá phát đạt.

           Chợ đây than đắt sắt cao,

Sét làm khuôn cũng hiếm phải mò vào tận Voi.

(Có người đọc: Sét làm khuôn cũng hiếm phải chạy “tam tao tứ kỳ”). Tiến trình làm ăn, người ta đã rút ra những chuẩn mực. ví dụ:

Người giỏi nghề phải:

- Đổ một mẻ gang được 20 đến 25 cái

(Người làm kém, một mẻ chỉ đổ được 10 đến 12 cái)

- Tỷ lệ hư hỏng cho phéo 10 cái hỏng 1 đến 2 cái.

- Đúc càng mỏng càng tốt. Lưỡi phải sắc góc sắc cạnh.

Lưỡi sắc cạnh, sắc rãnh: Cày nhẹ, lâu mòn, mang đi bán cũng nhẹ. Một cái nặng cho phép tối đa là 5 lạng, đúc nhẹ chỉ 4 hoặc 4,5 lạng là giỏi.

Người gánh bộ đôi bồ thường gánh 60 cái là vừa.

Vị thủy tổ nghề đúc này là Nguyễn Cung, con trai của ông Nguyễn Hoành quê gốc Đông Thành. Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, ông là một võ quan chuyên trách công việc vũ khí tức coi việc đúc rèn khí giới – thời ấy Trịnh có một quân đoàn đóng chốt ở Truông Gió xã Phù Lưu Thượng, ở đây có xưởng rèn đúc vũ khí mà Nguyễn Hoành là người trực tiếp phụ trách và chuyên môn.

Khi quân Nguyễn đã rút vào bên kia sông Gianh, đồn binh này giải thể, ông Hoành được về nghỉ tại quê vợ ở làng Vĩnh Hòa xã Mỹ Lộc, nay là xã Bình Lộc.

Ông tập cho con là Cung nghề đúc. Khi con đã thành thọa mở lò, ông trở về quê gốc. Nguyễn Cung là người thay ông cai quản mọi việc trong xưởng đúc. Từ mối quan hệ huyết thống và quan hệ thông gia dâu rể, nghề được truyền rộng ra trong xóm Môn (cũng có tên xóm Cày) có 5 dòng họ: 3 họ Nguyễn, 2 họ Lê đều có người làm nghề đúc gang.

Sau Cách mạng tháng 8 khi bắt đầu kháng chiến toàn quốc đầu 1947, tỉnh và khu lập các xưởng quân khí. Phường này, một số thợ đúc giỏi được điều đi phục vụ. Ông Nguyễn Đức Dinh có thời gian làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh là một trong những người trưởng thành từ đó.

Năm 1959 mở rộng tăng cường các xưởng cơ khí, tỉnh huyện tiếp tục điều động thêm một số người tại phường đúc này, trong đó có xưởng cơ khí Tự Lực Can Lộc. Cũng từ thời gian ấy công việc cung cấp lưỡi diệp cày cho nông dân chuyển sang chức năng của các cửa hàng mậu dịch và hợp tác xã mua bán.

* Nghề ấp vịt ở Quần Ngọc.

Tên cổ làng này là Kẻ Cồn. Một thời thuộc xã Đông Lâm, nay là xã Khánh Lộc.

Vị tiên công khởi thủy nghề ấp trứng vịt này là Phan Mậu Tùng, thường gọi cố Nghệ. Cụ là cháu nội ông Phan Mậu Thành, một võ quan, chức Quản vệ quân Tả bật, quê gốc ở Phong Điền tỉnh Thừa Thiên. Năm 1802, Gia Long năm đầu, ông được phái ra trấn giữ vùng miền tây Nghệ An, lấy vợ ở làng Quần Ngọc, khi được nghỉ việc, ông nhập cư về quê vợ.

Phan Mậu Tùng là cháu nội của Mậu Thành, nhà sảo khả, say mê nghề nuôi vịt. Nhân có người bạn thân ở Thanh Hóa, ông theo bạn ra Thanh học nghề ấp trứng vịt đến 3 thánh. Khi đã thành tạo, Mậu Tùng tự mình thao tác thực nghiệm vài lò ấp thành công, ông bố trí cho con cháu trong họ phát triển nghề ấp trứng vịt.

Hồi ấy chưa biết dùng trứng vịt lộn, ấp vịt chỉ để lấy giống. Hàng năm vào các tháng 2 và 3 là tháng cao điểm ấp vịt. Phương pháp ấy cũng từng bước có sự cải tiến. Từ ấp bằng cách phơi phân bò khô giã nhỏ, đổ đầy bọc kín, ngoài khoanh bằng cót lúa, trong đó chứa trứng vịt để giữ nhiệt, đến bước dùng thóc rang, sắp lớp trứng lớp thóc để giữ nhiệt, rồi đến dùng trấu rang cũng xếp lớp trứng bằng cách tương tự. Về sau dùng đèn dầu hỏa, mỗi máng ấp khoảng 1 ngàn quả trứng phải dùng đến 3 đèn, ấp cách này dôi lao động và ấp kết quả khá cao.

Dùng đèn dầu hỏa phải biết vặn bấc không có khói. Đèn có khói là trứng bị hỏng ngay.

Thời điểm nghề ấp vịt phát triển đến đỉnh cao là ấp mỗi lứa 12 vạn quả trứng, phải mở nhiều lò ấp, mỗi lò ấp 1.000 quả. Những đợt ấp như vậy ít nhất có 10 người phục dịch. Khi ấp trứng bằng trấu rang nóng, mỗi ngày phải thay trấu 3 lần, khi trứng đã tỏa nhiệt thì giảm xuống 2 lần, giữ bình quân cho trừng có nhiệt độ 28oC, phải dùng đèn soi trứng ít nhất 5 lần.

- Soi ngày thứ 7 xem trứng đã tụ thành con chưa.

- Soi ngày thứ 14, loại ra những trứng không thành con

- Soi ngày thứ 18, loại những trứng con bị chết (quanh trứng không có màng tia máu đỏ)

- Soi ngày thứ 24, con có 2 cánh là tốt

- Soi ngày thứ 28-30, trứng vịt nở.

Ấp trứng vịt lộn thì 18 ngày là phải lấy ra.

Muốn đảm bảo ấp tốt, trước hết phải nghiêm ngặt việc lựa chọn trứng ấp và muốn có trứng đủ tiêu chuẩn là trứng ấp thì lại phải quan tâm đầy đủ trong quá trình vịt đẻ và thu nhặt trứng vịt. Người cẩn thận, mỗi đêm phải nhặt cất trứng 3 lần. Khi đẻ thì vịt kêu và đến 4 giờ sáng là vịt hết đẻ.

Người ấp vịt giỏi, mỗi lò ấp, đảm bảo trứng nở 80%. Trong nghề ấp vịt, một số nười đã trở thành những “chuyên gia” có tiếng. Cụ Phan Mậu Dục, thường gọi cố Nguyên, chuyên làm thầy được liên tục mời ra các vùng ở Nghệ An hướng dẫn nghề ấp vịt. Mỗi mùa đi “hành nghề” 3 tháng, mang về ít nhất 500 quan tiền đồng. Công sứ Môn (Moll) 2 lần mời cụ vào ấp vịt cho nhà Sứ. Bớp (Boeuf), đồn trưởng Can Lộc và Nghi Xuân thường nuôi mỗi mùa 500 con vịt đàn, đều đến mua vịt giống ở Quần Ngọc.

Cụ Nguyên là thế hệ thứ  5 trong dòng họ Phan – trước Cách mạng tháng 8, nghề ấp vịt chỉ đóng khung trong dòng họ. Từ sau Cách mạng tháng 8, nghề được truyền rộng ra qua các mối quan hệ thông gia, nội ngoại.

Năm 1963 nghề này do hợp tác xã quản lý, khoán 1000 quả trứng phải nộp 700 con. Năm 1967, thống nhất, quản lý vào ngành thực phẩm mậu dịch quốc doanh, mức khoán 72% vịt con. Đến 1981, thôi quốc doanh, chuyển sang gia công.

Đến nay ngoài ấp vịt lấy giống, còn có nhu cầu rất lớn là lấy trứng vịt lộn. Cách ấp trứng vịt đến nay cũng đã cải tiến “hiện địa” hơn nhiều.

V – DÂN SỐ VÀ CÁC KHU DÂN CƯ

Qua các nguồn tư liệu hiện có, dân số huyện Can Lộc được phản ánh, tóm lược một số thời kỳ như sau:

Năm
(Trích một số năm cần thiết)

Số đơn vị hành chính cơ sở

Dân số (người)

1925

1930

1942

1948

1970

1975

1995

90

90

96

27

32

32

31

55.500(1)

58.906(2)

58.906(3)

81.800(4)

117.100(5)

131.048(6)

175.996(7)

Tháng 8-1945, trong ngày khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, toàn huyện vẫn có 96 xã thôn. Sau Cách mạng tháng 8, qua nhiều lần hợp tác xã, chia tách xã, đến năm 1954, Can Lộc có 32 xã.

Năm 1984, thành lập thị trấn Can Lộc do Quyết định số 14 ngày 27-10-1984 của Bộ trưởng. Từ năm 1976-1991 huyện có 32 xã và 1 thị trấn. Năm 1992, khi thành lập thị xã Hồng Lĩnh, Can Lộc cắt 2 xã Đậu Liêu và Thuận Lộc chuyển sang thị xã Hồng Lĩnh. Từ đó, huyện Can Lộc chỉ còn 31 đơn vị hành chính cơ sở trong đó có 1 thị trấn với 37,302 ha đất tự nhiên (1).

Trong các vùng kinh tế, dân cư ở đây thưa không đồng đều. Vùng bán sơn địa dân cư thưa hơn đồng bằng (2).

Vùng

Số xã

Số dân (người)

Đất tự nhiên (km2)

Mật độ người/km2)

- Trà sơn

- Hồng Lĩnh

- Đồng bằng ruộng trũng nằm giữa huyện

- Đồng bằng ven biển

7

6


12

5

36.662

33.838


56.384

4.216

136,2

113,840


80,82

42,116

269,2

297,2


697,7

659,9

Qua các năm gần đây, dân số tăng tự nhiên và tỷ lệ phát triển dân số qua các năm như sau:

Năm

Dân số
trung bình (người)

Tỷ lệ tăng
tự nhiên
(%)

Tỷ lệ phát triển dân số
(%)

1991

1992

1993

1994

1995

181.367

173.829

175.516

176.356

175.966

 

24,39

23,56

20,57

18,68

 

2,2

 

 

1,9

Xây dựng các khu dân cư, cũng vừa là khu trung tâm về kinh tế - văn hóa – thương mại của mỗi vùng trong huyện.

Từ nhiều năm tác động, trong huyện thực tế đã hình thành rõ rệt 4 khu vực dân cư, tiêu biểu vùng trọng điểm của mỗi vùng.

Trước hết là thị trấn Nghèn. Đây vừa là thị trấn cũng vừa là huyện lỵ, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa khoa học – kỹ thuật và dịch vụ du lịch trong huyện.

Thị trấn đã được hình thành trong nhiều năm nay, nhưng trong quá trình xây dựng và phát triển quy hoạch thị trấn chẳng những chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - dân sinh đô thị trên địa bàn thị trấn cũng như những vùng ven đô, mà còn gây nên những phức tạp khác.

Để phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội huyện Can Lộc giai đoạn từ nay đến năm 2010, đưa Can Lộc có nền kinh tế đa dạng công - nông nghiệp phát triển, đời sống văn hóa - xã hội được nâng cao, một trong những việc phải làm là điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung thị trấn Nghèn, đảm bảo diện tích đó trên 1000 ha, dân số khoảng 11 ngàn người. Như vậy cần tiến hành hợp thị trấn Can Lộc với xã Đại Lộc thành một đơn vị có quy mô lớn; Thị trấn Nghèn.

Ba khu dân cư khác được gắn với nền kinh tế văn hóa - thương mại - du lịch từng vùng, phát huy đầy đủ tiềm lực và bản sắc văn hóa truyền thống vốn có của chúng, coi đó là những trung tâm từng vùng trong tổng thể chung - trung tâm Nghèn - huyện lỵ Can Lộc.

- Khu vực chợ Đồn (Khiêm Ích – Tổng Đoài, tổng Nga cũ)

- Khu vực chợ Tổng (Tổng Lai, Tổng Đậu cũ)

- Khu vực chợ Huyện hạ Can, (Tổng Phù, Tổng Nội, Tổng Canh cũ.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

[1] Theo chiến lược phát triển kinh tế huyện Can Lộc đến năm 2010 của UBND huyện Can Lộc do Trung tâm phát triển nông thôn trường Đại học KTQD biên soạn năm 1995 – Hà Nội – Bản đánh vi tính lưu tại văn phòng UBND huyện

(2) Theo trong niên đại được nhiều nhà  khoa học chấp nhận, thì tuổi tuyệt đối và độ dài của các thời kỳ địa chất như sau (sách đã dẫn: Sđd)

 - Đại Nguyên sinh từ 570 triệu đến 2600 triệu năm

- Đại Cổ sinh từ 230 triệu đến 570 triệu năm

- Đại Trung sinh từ 76 triệu đến 230 triệu năm

- Đại Tân sinh từ 0 đến 67 triệu năm.

(1) Trong đại Tân sinh được phân chia như sau:

- Kỷ Palôôgen từ 25 đến 76 triệu năm

- Kỷ Nêôgen từ 18 đến 25 triệu năm

- Kỷ đệ tứ từ 0 đến 1,8 triệu năm

(1) Niên đại lịch sử trong buổi mình minh đất nước được phân định như sau:

- Thời đại đồ đá cũ: 30 vạn năm về trước: Di chỉ rú Đọ, văn hóa Sơn Vi

- Thời đại đồ đá giữa: 1 vạn năm trước đây: Văn hóa Hòa Bình

- Thời đại đồ đá mới: Năm nghìn năm trước đây: Văn hóa Bắc Sơn, Bàu Tró.

- Thời đại đồ đồng: 4 nghìn năm trước đây: Văn hóa Phùng Nguyên – Văn Lang

- Thời đại đồ đồng: 3000-2500 năm: Văn hóa Đông Sơn – Ngọc Lũ

- Thời đại đồ sắt: Nửa sau thể kỷ III trước công nguyên: Âu Lạc

(1)  Tên núi Thiên Nhẫn viết theo từ điển Hán Việt trong sách cổ có hai cách viết “Thiên Nhận) (       ), nghìn mũi mác nhọn và “Thiên Nhẫn” (      ) nghìn thước – độ cao núi Thiên Nhẫn là 254m, chỉ bằng ½ của núi Trà Sơn (ngọn cao nhất là 497m).Theo chúng tôi với nghĩa nghìn mũi nhọn là hợp lý hơn.

(1) Tiến sĩ Dương Thúc Hạp (1835 – 1920) An Tĩnh Sơn thủy vịnh. Bài Trà Sơn – Nguyên văn:

Sơn thị La Sơn nhất trấn sơn

Tú chung thử địa biểu kỳ quan

(VHH trích dịch)

(1) Bài thơ “Sơn hành” của nhà thơ Phạm Sư Mạnh thời Trần Minh tôn (1314 – 1329, chép trong Thơ văn Lý Trần tập 2 – KHXH. H78)

(1) Độ cao các ngọn núi ghi theo bản đồ biên hội 1954 E48 Hà Tĩnh.

Những ngọn núi không có độ cao ghi ở bản đồ này chúng tôi mới phải sử dụng số ghi tại bản đồ Việt Nam cục địa dư Đà Lạt ấn hành 1968

(1) Sách chép: Bảng nhân Trần Bảo Tín vào thời Lê – Mạc, bỏ quan về ở ẩn tại núi Lân Sơn. Vùng núi Liêu Đông này là nơi ở ẩn của Hoàng giáp Phan Chính Nghị và tiến sĩ Hoàng Ngạn Chương.

(1) Tên sách ghi theo đúng nguyên bản chữ hán chúng tôi mới tìm được.

Bản dịch năm 1973 của Ngô Đức Thọ hiện lưu giữ ở thư viện Hà Tĩnh dịch tên sách này “Thiên Lộc huyện phong thổ chí” là chưa đúng với nguyên bản. Từ nay xin được đọc và ghi chép theo đúng nguyên bản tên tập sách = Thiên Lộc huyện chí, để có sự phân biệt giữa tập sách này với tập sách “Can Lộc huyện phong thổ ký” của Trần Mạnh Đàn viết năm 1930.

(2) Nói chính xác nền Trang Vương chưa phải ở trên đỉnh núi mà chỉ ở lưng chừng núi, khoảng 2/3 độ cao kể từ chân núi lên.

(3) Chưa qua khai quật khảo sát mà biết chính xác có mấy chục nền, “99” chỉ là con số ước lệ. Năm 1986 trong một chuyến đi thu thập tư liệu đến tận nơi, với tầm mắt thường chúng tôi nhận được 5 dấu tích 5 cái nền nhà được át bằng đá và gạch. Không một nền nào còn có góc, nên không thể biết được chiều rộng và chiều dài. Bằng dụng cụ dao rựa nhẹ mang theo, chúng tôi đào sâu và thu lượm mang về một số mẫu gạch lát có hoa văn. Năm 1991, nhân có triển lãm 160 năm thành lập tỉnh thành Hà Tĩnh, chúng tôi đã tặng những mẫu gạch ấy cho Bảo tàng Hà Tĩnh. (VHH)

(4) Thước ta dùng thời trước gọi là xích, dài bằng 0m 333; mỗi trượng dài 10 thước; ngụ bằng 5 thước.

(1) Tư am Thánh mẫu lên nền Trang Vương đi hết khoảng 20 phút đường núi khá dốc. Chép 60-70 bước là nhầm.

(2) Hình người phồng (nộm); có sách chép là các phiến đá giống hình người, được xếp đặt thành hàng – nay không còn.

(3) Về nhân vật Trang Vương: các sách chép khác nhau: Đại Nam nhất thống chí (phần chùa quán) chép =Sở Trang Vương; Nghi Xuân địa chí, Thoái thực ký văn chép là Trang Kiệu (       ) viên quan thời Tần, phản nhà Tần, chiếm giữ vùng đất Nam Chiếu xưng là Trang Vương. Theo chúng tôi Trang Vương ở đây cũng là nhân vật hư cấu, tương tự Sở Trang Vương trong truyện nôm Phạm Công – Cúc Hoa của ta. Mậu Thiện có sách chép Diệu Thiện.

(1) Còn có tên gọi Ngọc Tuyền – suối Ngọc.

(2) Nay chỉ còn một nền thờ trên đó xây sẵn cỗ kiệu, đặt sẵn lò hường. Trước nền thờ có tắc môn đắp hình con hổ.

(3) Nay không còn, bởi vì bị cháy trịu năm Ất Dậu (1885), sau đó Thành Thái thứ 13 (1901) chùa mới được tu sửa lại.

(4) Rừng thông nay chỉ còn 2 cây

(1) Nguyên văn chữ Hán “chân ngã Hoan Châu chi đệ nhất danh thắng”

(2) Nguyên văn chữ Hán (trích) của Tiến sĩ Hiệp trấn Nghệ An Trần Công Sợn:

Tùng chi nguyệt quái Trang Vương chí

Long hãm vân sinh thánh mẫu am

Nhất cúc Ngọc tuyền thanh bách luỵ

Tam thông đòng cố tỉnh quần cam

Hồi ấy, chùa này còn có chiếc trống đồng (nuyên chú). Nay không còn.

(1) Lâm Mậu tên hiệu là Giao Tiều, quê ở Huế. Cha là Lâm Sum, tri huyện, Pháp sang, theo cần vương chống Pháp, bỏ quan về dạy học. Lâm Mậu đỗ giải nguyên, bổ làm Huấn đạo huyện Can Lộc, sau chuyển sang học tân học, từng làm hiệu trưởng các trường sơ đẳng tiểu học huyện. Một thời gian, ông chuyển sang viết báo Tiếng Dân, tham gia Đảng Tân Việt ở Huế - Con trai ông là Lâm Hồng Phấn, từng làm Chủ tịch UBHC thành phố Huế.

(1) Cục TK Hà Tĩnh – Niên giám thốn kê 1991-1995 và Chiến lược phát triển kinh tế (Sđd)

(1) Nghi Xuân địa chí – bản chữ Hán. Lê Văn Diễn biên soạn năm Thiệu trị thứ 1 (1842) VHH dịch – Bản lưu tại phòng UBND huyện Nghi Xuân.

(1) Số liệu ở tập tài liệu “Tỉnh Hà Tĩnh” (Laprovince de hatinh) của Bulatô (R.Bulateau) viết 1925 – Bản dịch lưu ở VPUBND tỉnh Hà Tĩnh)

(1) Niên giám thống kê 1991-1995 – Chi cục thống kê Hà Tĩnh.

UBND Can Lộc: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội huyện Can Lộc đến năm 2010 phát hành năm 1995. Từ đây trở đi, các số liệu trong phần I đều sử dụng trong bản chiến lược ấy.

Cục Thống kê Hà Tĩnh – Niên giám thống kê – 19091 – 1995 (Sđd)

  1. Tỉnh Hà Tĩnh – Sách đã dẫn 6.595
  2. Cục Thống kê Hà Tĩnh (S đ d)

(1) Xem phần công nghiệp tiểu thủ công nghiệp.

(1) Chủ thầu mở ở Vinh là Nguyễn Xuân Mỹ và Phúc Thành

(1) Tập tỉnh Hà Tĩnh (La province de Ha Tinh) của Bulatô (Roland Bulateau) viết năm 1925, Bản dịch lưu ở VP UBND tỉnh Hà Tĩnh

(2)  Huyện ủy Can Lộc – Lịch sử Xô viết Can Lộc – XB 1974, trang 6

(3) Lịch sử khái quát của công sứ Môn (Le Moll) lưu ở sở liêm phóng Hà Tĩnh (cũ) Đặng Thị dịch.

(4) Báo cáo 475 ngày 5-7-1948 của UBKCHC Hà Tĩnh. Lưu ở Ban Lịch sử Hà Tĩnh

(5) Chi cục Thống kê Nghệ Tĩnh – số liệu cơ bản 1955-1975

(6) (7) Cục thống kê Hà Tĩnh. Niên giám thống kê 1991-1995.

(1 )(2) Theo chiến lược phát triển kinh tế -xã hội huyện Can Lộc đến năm 2010 và bản tường trình “hiện trạng kinh tế - xã hội huyện Can Lộc” hiện lưu trữ tại Vo UBND huyện Can Lộc.

 Liên kết website
Thống kê: 1.343.320
Online: 62